“Sự cố Phạm Băng Băng” – Khủng hoảng truyền thông cá nhân hay của cả nền giải trí Hoa ngữ?
Từ “sự cố Phạm Băng Băng” đến diện mạo điện ảnh Trung Quốc hiện tại, chúng ta thấy được những gì?
1. “Sự cố Phạm Băng Băng” bắt nguồn từ đâu?
Không phải đến tận tháng 8, vụ việc nghi vấn Phạm Băng Băng bị bắt giữ mới trở thành tiêu điểm nóng trên mạng xã hội. Ngọn lửa nhen nhóm khiến cho “đám cháy” này bùng phát liên quan đến MC nổi tiếng Thôi Vĩnh Nguyên. Ông có một bài viết úp mở ngầm tố 1 ngôi sao tên tuổi nhận tiền catse với giá “trên trời” kèm theo ảnh chụp hợp đồng. Nam MC cho biết diễn viên nọ đã ký hai hợp đồng, một hợp đồng thực tế ghi tiền caste là 10 triệu NDT (khoảng 35,6 tỷ VNĐ), một hợp đồng “ngầm” nhận thêm 50 triệu NDT nữa (xấp xỉ 178 tỷ VNĐ). Thời gian diễn viên đến phim trường 4 ngày, tức là trong khoảng thời gian này, người này có thể kiếm được 60 triệu NDT (tức 214 tỷ đồng). Cư dân mạng nhanh chóng tìm được diễn viên mà MC Thôi Vĩnh Nguyên ám chỉ là Phạm Băng Băng, bởi cô là “nghi can” duy nhất hiện đang bận rộn trên phim trường quay “Di Động 2″ của đạo diễn Phùng Tiểu Cương đúng lúc Thôi Vĩnh Nguyên bóng gió trên mạng xã hội.
Kể từ đó, danh từ “hợp đồng âm dương” được dùng phổ biến, ý chỉ những giao dịch nhập nhằng giữa đoàn làm phim và nghệ sĩ, không công khai số liệu cụ thể và chính xác, nhằm trốn thuế và lách luật. Tuy sau đó Thôi Vĩnh Nguyên có công khai xin lỗi và cho biết, anh không ám chỉ nữ thần họ Phạm mà là nghệ sĩ khác, thì cũng là thời điểm quá muộn để “đám cháy” lan ra.
Ngày 1/8, tức sau 2 tháng kể từ khi status của Thôi Vĩnh Nguyên chia sẻ, truyền thông Đài Loan và Hong Kong rầm rộ đưa tin Phạm Băng Băng bị cảnh sát bắt giữ vì nghi vấn trốn thuế, làm giả giấy tờ sổ sách. Quản lý cấp cao của cô là Mục Hiểu Quang cũng vướng vòng lao lý, đến nay vẫn chưa có thông tin được thả.
2. Khi showbiz là miếng pizza béo bở ai cũng muốn có phần
Showbiz là một thế giới xoay vần. Hôm nay bạn chưa nổi tiếng, chưa chắc ngày mai bạn vẫn lẹt đẹt. Giờ này bạn đang là sao hạng A, nhưng phút khác bạn là tên tuổi chẳng ai nhớ đến. Chỉ có điều, ở đất nước hơn tỷ dân, chuyện có được miếng bánh béo bở là điều ai cũng muốn giành giật bởi quá sức hậu hĩnh, cho dù bạn bị chỉ trích không tài cán, không diễn xuất.
Những lứa nghệ sĩ gạo cội của showbiz xứ Trung như Thành Long, Chân Tử Đan có catse lên đến 12-14 triệu USD (tương đương 275 đến 322 tỷ đồng) là điều khó có thể bàn cãi, bởi sức ảnh hưởng của họ không chỉ gói gọn trong Trung Quốc mà còn cả châu Á và thế giới. Tuy nhiên, trong khi đó, thế hệ sau lại dễ dàng có được khoản thu khổng lồ mà đôi khi không cần trường lớp.
Lấy ví dụ điển hình là Nghê Ni. Suốt 10 năm qua, Nghê Ni chỉ nhận các dự án điện ảnh và sắp tới đây, khi “Hoàng Quyền” lên sóng, đây chính là bộ truyền hình đầu tiên của “Mưu Nữ Lang” tốt nghiệp Đại học Truyền thông có đẹp nhưng khả năng có hạn này. Lý do được nhiều người hiểu, Nghê Ni chưa bao giờ được đánh giá cao về mặt diễn xuất, nhưng phim truyền hình luôn là khoản thu khổng lồ so với phim điện ảnh. Thực tế chứng minh, Nghê Ni được trả thù lao lên đến 96 triệu NDT (tương đương 336 tỷ đồng), nhiều hơn hẳn so với diễn viên thực lực Trần Khôn (chỉ nhận 68 triệu tệ – 238 tỷ đồng).
Chân Tử Đan khi nói về thế hệ đàn em cũng phải bất lực: “Tôi rất muốn trao cho người mới cơ hội, nhưng về cơ bản nhiều diễn viên ra giá “đắt” quá”.
Lộc Hàm, Trương Nghệ Hưng, Hoàng Tử Thao, Dương Dương, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Angela Baby, Dương Mịch, Cảnh Điềm… đều là những nghệ sĩ hot của showbiz Hoa ngữ, nhất cử nhất động đều dễ dàng lên top tìm kiếm trên Weibo. Vậy nhưng, điểm chung của những nghệ sĩ này chính là số lượng phim “rác phẩm” nhiều hơn tác phẩm điển hình xuất sắc. Diễn xuất nhạt nhoà nhưng họ vẫn đắt show, đắt kịch bản phim, đơn giản vì họ có thể tạo được hiệu ứng khán giả, không phải vì tài năng nổi bật.
Thành Long nhiều lần lên truyền hình bóng gió về những “tiểu thịt tươi” (nam nghệ sĩ trẻ, đẹp, nhiều fan) có thái độ không chuyên tâm: “Trên phim trường, họ đều có diễn viên đóng thế, thật sự quá lười biếng!”. Ngoài ra, ngôi sao võ thuật này cũng từng được cho là mỉa mai đàn em Hoàng Tử Thao: “Cậu ta chỉ khi nào đạo diễn nói: “Bắt đầu diễn” mới bỏ di động ra. Đến lúc đạo diễn hô “Cắt” lại trở về trạng thái cúi đầu bấm điện thoại”. Triệu Lệ Dĩnh từng bị tố sử dụng tới 32 thế thân trong “Sở Kiều Truyện” khiến dư luận bức xúc.
Video đang HOT
Trong show truyền hình “Sự ra đời của diễn viên”, Chương Tử Di gây sốt toàn mạng xã hội xứ Trung khi bất bình ra mặt với diễn xuất của Trịnh Sảng. Trước thái độ cười cợt, không nghiêm túc của Trịnh Sảng, Chương Tử Di tối sầm mắt và chỉnh đốn lại thái độ của mỹ nhân 9X đang diễn lại chính vai của Chương Tử Di ngày trước. Vì tình hình căng thẳng, nam diễn viên Lưu Diệp phải chen vào cố gắng hạ hoả Chương Tử Di.
Tuy nhiên, một làn sóng mới đang ồ ạt tiến về showbiz xứ Trung, đó là việc những nghệ sĩ từ Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc đua nhau sang Trung Quốc “kiếm bát cơm”. Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, các bộ phim hợp tác Trung – Hàn được quay ồ ạt, sao hết thời TVB cũng về đại lục kiếm sống, mỹ nam Thái Lan bê bối ở quê nhà nhưng được chào đón như sao hạng A tại sự kiện lớn nhỏ.
Jang Na Ra từng là mỹ nhân xứ Hàn được yêu mến tại Trung Quốc. Có sự nghiệp mờ nhạt tại xứ Hàn, cô “khăn gói quả mướp” với hành trang nhan sắc và chút vốn liếng tiếng tăm để đóng phim, tham gia sự kiện. Dù cho nguồn thu nhập tại Hàn Quốc không ổn định, nhưng Jang Na Ra kiếm được số tiền khổng lồ tại đất nước tỷ dân, thậm chí còn vinh dự là giọng ca ngoại quốc duy nhất xuất hiện trong bài hát chào đón thế vận hội Bắc Kinh 2008. Rất tiếc cho người đẹp không tuổi này, khi cô thản nhiên chia sẻ: “Mỗi khi thiếu kinh phí sản xuất, tôi lại sang Trung Quốc để kiếm tiền”. Kể từ thời điểm đó, Jang Na Ra bị người hâm mộ Trung Quốc tẩy chay mạnh mẽ.
Mỹ nam Mike Angelo điển trai nức tiếng Thái Lan những năm qua không có dự án nổi bật. Vậy nhưng, thoắt 1 cái, anh chuyển hướng sang Trung Quốc, hợp tác cùng loạt diễn viên trong “Pháp Sư Vô Tâm 2″, “Truyền thuyết Khâu Thanh Hồ (2016)”, “Tây Du Ký Lạ Truyện”. Nhiều người cho rằng, Mike đã có bước đi khôn ngoan khi “Trung tiến” và kiếm được nhiều tiền từ Trung Quốc.
Hoắc Kiến Hoa – Trần Kiều Ân không còn đóng phim tại Đài Loan mà chăm chỉ “cày cuốc” tại đại lục. Catse của 2 diễn viên này luôn ở ngưỡng 80 triệu NDT (280 tỷ), luôn có vai chính và không sợ thiếu kịch bản dúi vào tay. Trần Vỹ Đình cũng nhanh chóng nhận ra mình không thể phát triển tốt tại Hong Kong nên nhanh chân tham gia giới giải trí đại lục.
Một bình luận nhận được ngàn like trên tài khoản Weibo khi nhận xét về hiện thực showbiz Trung Quốc bây giờ: “Một thế hệ diễn viên lười nhác, ỷ lại, làm nên những bộ phim “rác phẩm”".
3. Phạm Băng Băng mất gì từ scandal này?
Apple Daily tiếp tục đăng tin sốc Phạm Băng Băng bị bắt lần 2 sau khi được thả vài ngày. Đây tiếp tục là đòn giáng thứ 2 vào hình ảnh và sự nghiệp của nữ thần giải trí. Hậu quả từ scandal này khiến nhiều người choáng váng.
Cùng với đó, theo nguồn tin, Phạm Băng Băng “mất suất” vai chính 3 bộ phim, và theo tin hành lang, người “hưởng sái” lại là Châu Tấn – mỹ nhân đang muốn trở lại showbiz nhưng lại đang mắc kẹt với dự án phim nhận nhiều kỳ vọng là “Như Ý Truyện” nhưng mãi chưa được cấp phép lên sóng. Tên của cô bất ngờ “biến mất” trong dự án bom tấn Hollywood Unbreakable Spirit (tạm dịch: Tinh Thần Thép) – tác phẩm do Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc sản xuất khắc họa vụ ném bom của quân đội Nhật Bản ở thành phố Trùng Khánh trong Thế chiến 2 với sự tham gia của Bruce Willis, Tạ Đình Phong, Trương Quân Ninh và Phạm Băng Băng.
Chưa dừng lại ở đó, các tờ báo xứ Đài cũng rầm rộ đưa tin, Phạm Băng Băng sẽ phải đóng băng hoạt động trong vòng 3 năm, cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình. Đã có hơn 70 dự án truyền hình bị ảnh hưởng trực tiếp từ “sự cố Phạm Băng Băng” này. Đối với nghệ sĩ hàng đầu như mỹ nhân họ Phạm, điều đó là đòn giáng mạnh vào cả tên tuổi và sức ảnh hưởng của cô.
4. “Hệ luỵ Phạm Băng Băng” kéo theo khủng hoảng showbiz xứ Trung
Có một điều vẫn gây khó hiểu cho nhiều người thắc mắc, mọi thông tin bị bắt giữ, tạm giam của Phạm Băng Băng chỉ có báo chí Đài Loan, Hong Kong khai thác mà các tờ báo lớn như Sina, Sohu, QQ vẫn không hề đả động. Điều này có quá bất thường?
Trong khi nguồn cơn vẫn chưa được giải đáp, thì bất ngờ thay, chức trách Trung Quốc bắt đầu ra tay rà soát và ra quyết định thanh lọc showbiz, tẩy chay “hợp đồng âm dương”. Ban đầu, chỉ có 3 công ty truyền thông mạng và phát hành online nổi tiếng là iQiYi, Youku, Tencent, công ty điện ảnh Chính Ngọ Dương Quang cùng 11 đơn vị nhà sản xuất khác bắt tay nhau đưa ra cam kết về thu nhập của diễn viên cho mỗi dự án phim, tuy nhiên, sau đó, thêm 400 công ty sản xuất phim đồng ý với quyết định “bình ổn giá catse”.
Theo như cam kết này, mức giá catse của diễn viên dù sao lớn hay sao nhỏ cũng không được nhận quá 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng) cho 1 tập phim (đã bao gồm tiền thuế), tổng thu nhập của 1 bộ phim do các ngôi sao tham gia đảm nhiệm diễn xuất sẽ không được vượt quá 50 triệu NDT (tương đương 175 tỷ đồng). Việc “bình ổn catse diễn viên” không chỉ khoanh vùng thu nhập của các minh tinh, mà nó cũng là chiêu “bình ổn kinh phí” cho các dự án điện ảnh, khi cam kết này chỉ rõ dù là phim truyền hình, phim điện ảnh hay phim chiếu mạng, thù lao của diễn viên (kể cả khách mời) sẽ không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất, catse của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tổng số tiền để trả cho các diễn viên.
Trần Vỹ Đình bị cắt 1 nửa catse (từ 350 tỷ xuống còn 175 tỷ) vì chế tài mới do chức trách Trung Quốc quyết định. Những nghệ sĩ Hong Kong sang đại lục đóng phim như Trịnh Gia Dĩnh, Xa Thi Mạn, Thái Thiếu Phân, Trương Vệ Kiện,… theo dự đoán chắc chắn phải giảm 20-30% thù lao diễn xuất. Dương Mịch giảm catse của mình còn 1/4, từ 100 triệu NDT (350 tỷ đồng) còn 25 triệu NDT (87 tỷ), Trịnh Sảng trong dự án phim “Thanh Xuân Đấu” có mức catse 50 triệu NDT nay giảm xuống còn 18 triệu. Thê thảm hơn, Trần Kiều Ân mất vai diễn trong dự án với mức catse lên đến 80 triệu do đạo diễn quyết định đổi người.
Tờ Apple Daily đã dành dòng tít: “Quy mô lớn nhất trong lịch sử” để nói về việc sự kiện hưởng ứng sâu rộng này của 400 đơn vị truyền hình, nhà sản xuất này.
Bình luận trên trang Sohu nhận định, 400 công ty cùng nhanh chóng tham gia vào cam kết không chỉ vì họ muốn hoạch định lại kinh phí làm phim cũng như hạn chế nguy cơ lạm phát thu nhập của diễn viên, mà hơn ai hết, họ không muốn bị pháp luật sờ gáy.
Tờ ETToday đanh thép hơn khi cho rằng, bấy lâu nay, thực chất nền điện ảnh Trung Quốc mải mù quáng chạy theo tên tuổi các nghệ sĩ đình đám, khiến cho chi phí catse của diễn viên đội lên, cho tới tận bây giờ mới bị để ý và quyết làm rõ trắng đen đến cùng.
5. Tạm kết
Sự vụ của Phạm Băng Băng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cả showbiz về trách nhiệm nghệ sĩ cũng như chỉnh đốn lại tư tưởng bấy lâu nay ăn sâu vào tiềm thức của nhiều nhà làm phim. Không thể phủ nhận, thời điểm hiện tại, showbiz xứ Trung đang gặp khủng hoảng mà người trực tiếp chịu ảnh hưởng không ai khác là những nghệ sĩ cả phái thực lực lẫn phái thần tượng. Chạy theo số đông, không màng chất lượng, buông lỏng giám sát thù lao diễn viên đã trở thành tiền lệ, nay sẽ được cải tổ và chấn chỉnh.Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, khi thu nhập của diễn viên bị kiểm soát chặt chẽ đến như vậy, liệu chất lượng phim ảnh có được nâng lên?
Theo Trí Thức Trẻ
Cả showbiz rúng động vì bê bối trốn thuế của Phạm Băng Băng
Vụ Phạm Băng Băng trốn thuế đã khiến cả showbiz dậy sóng. Không ít công ty giải trí, studio và các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ cơn bão này.
Hơn một năm kể từ ngày MC Thôi Vĩnh Nguyên lên tiếng Phạm Băng Băng trốn thuế, đến ngày 1/8/2018, showbiz Trung tiếp tục dậy sóng vì thông tin chính phủ Trung Quốc tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng nộp thuế nghệ sĩ, studio và công ty giải trí.
Tổng mức thuế phải nộp lên tới 35%, nhiều studio giải trí đã phải đóng cửa. Vấn đề nan giải nhất là hiện tại các công ty giải trí hay các studio cũng không thể tự tuyên bố phá sản. Tất cả lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.
MC Thôi Vĩnh Nguyên (trái) và "nữ hoàng thị phi" Phạm Băng Băng (phải)
Theo nguồn tin nội bộ, khu Tùng Giang Thượng Hải đã ra lệnh cấm tất cả các studio tự tuyên bố phá sản, ngoài ra ở nhiều nơi cũng tuyên bố dừng đăng ký kinh doanh cho các studio hay công ty giải trí mới.
Sự việc bắt nguồn từ một tờ hóa đơn khống
Trong giới Showbiz, các công ty quản lý nghệ sĩ, website quảng cáo và cả đài truyền hình vì muốn đẩy mạnh tuyên truyền cho các nghệ sĩ, đã ủy thác cho bên thứ ba làm công tác tuyên truyền quảng bá.
Tuy nhiên khi thanh toán tiền thì rất nhiều trường hợp không chuyển khoản vào tài khoản công ty mà thanh toán trực tiếp vào tài khoản cá nhân như wechat, alipay....chính bởi vậy không có hóa đơn thuế mà tự viết hóa đơn với một số tiền khống hoàn toàn khác với số tiền giao dịch thực tế.
Nhiều studio đã tự kê hóa đơn khống
Đến khi chi cục thuế kiểm tra tới hóa đơn này, rất nhiều công ty trở nên nao núng. Có công ty sau khi bị phát hiện làm giả giấy tờ thuế, đã bị kiểm tra toàn bộ hóa đơn chứng từ thu chi của công ty, hàng loạt bê bối bị phanh phui, công ty đó phải nộp một khoản phạt lớn, sau đó bị tuyên bố phá sản.
"Chi cục thuế sẽ bắt họ nộp bù số tiền thuế mà họ nộp thiếu, tiếp đó đóng thuế thu nhập cá nhân 25%, ngoài ra còn có các khoản thuế phụ và tiền phạt, tổng số tiền lên tới 35%"- Một người trong ngành tiết lộ.
"Bất kể một dự án nào bị điều tra phát hiện vấn đề, sẽ bị điều tra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng tới cả công ty. Chi cục thuế bắt đầu điều tra từ hóa đơn giả đó, tiếp tục điều tra sâu hơn về người khai, người mua và người nhận. Trước mắt có một công ty đã bị tuyên bố phá sản, và tiếp sau đó chắc chắn vẫn còn nữa."
Nguồn tin nội bộ thông báo mức thuế phải đóng là 35%
Như vậy, rất nhiều công ty sẽ phải chi một số tiền khổng lồ để chi trả số tiền thuế bị thiếu hụt này, nếu không nộp đủ thì những người có liên quan rất có khả năng sẽ phải ngồi tù.
Vào thứ 2 tuần này (tức 30/8), trong giới lan truyền thông tin: tất cả các studio của các nghệ sĩ trong nước đều phải nộp thuế mức 35%. Nhưng chỉ một ngày sau đó, thông tin đã bị thay đổi thành: Tất cả các studio có chữ "giải trí", "ảnh thị" đều phải đóng theo mức trên. Vì vậy một số studio sắp mở, không dám để tên có chữ "văn hóa" hay "giải trí".
Chiều ngày 31/8, theo một nguồn tin nội bộ tiết lộ: Chi cục thuế Tùng Giang Thượng Hải và chi cục thuế Chiết Giang đã đưa ra thông báo, các studio phải nộp bù tiền thuế từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, tỉ lệ nộp là 42%.
Vậy đâu mới là con số chính xác?
Theo phân tích, từ ngày 1/1/2018, tất cả các studio đều phải nộp thuế theo tổng thu nhập, như vậy trong đó bao gồm 6% thuế giá trị gia tăng và 35% thuế thu nhập cá nhân, cộng thêm các phụ phí khác, tổng mức thuế phải đóng là 42%.
Có thể thấy, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành một cuộc "đại thanh trừng" trong giới Showbiz, kiểm tra nghiêm ngặt mọi giấy tờ hóa đơn thu chi của các công ty giải trí, các studio, đồng thời kiểm soát gắt gao tình trạng nộp thuế của giới nghệ sĩ.
Có lẽ sau vụ việc này, Showbiz Trung Quốc sẽ có một diện mạo mới hoàn toàn khác. Một số lượng lớn các studio, các công ty giải trí đình đám sẽ lần lượt biến mất, nhiều tên tuổi nghệ sĩ sẽ khó có thể gây dựng lại được, mà tiêu biểu là "nữ hoàng thị phi" Phạm Băng Băng.
Theo Danviet.vn
Lùm xùm Phạm Băng Băng trốn thuế: Những sự thật chưa từng được tiết lộ Theo tờ Apple Daily Hồng Kông đưa tin vì liên quan đến hợp đồng âm dương này mà trước hết Phạm Băng Băng sẽ bị đình chỉ hoạt động nghệ và không được tham gia bất kì bộ phim nào trong 3 năm. Thời gian gần đây, truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc xôn xao trước thông tin Phạm Băng Băng...