Sự cố Milano thức tỉnh tín đồ hàng hiệu
Yêu thích và kinh doanh đồ hiệu, chị Linh – chủ một tiệm ảnh có tiếng ở phố Lê Trực, Hà Nội cho rằng 90% tín đồ hàng hiệu Việt Nam không am hiểu về món hàng mình mua.
“Chỉ khoảng 10% còn lại là những người hiểu biết thật sự về đồ hiệu”, chị Linh nhận xét.
Theo chị, nhiều người có tiền vội vã đi mua hàng hiệu mà không biết rằng món đồ đó hoàn toàn không phù hợp hoặc chưa chắc đã phải là hàng thật.
“Có người bỏ ra 15 triệu đồng để mua túi xách nữ tại một trung tâm thương mại, gắn mác thương hiệu nổi tiếng. Nhưng vừa nhìn qua tôi đã biết chắc đó là hàng “fake”, thân túi là hàng Trung Quốc có giá nhập chưa đến 2 triệu đồng và chỉ có cái mác là giống hàng hiệu”, chị Linh kể.
Sự cố Gucci & Milano khiến nhiều người thay đổi thói quen mua sắm hàng hiệu. Ảnh: Quốc Thắng
Chung quan điểm với chị Linh, chị Phương, một đại diện bán hàng của Âu Châu, công ty chuyên phân phối các hàng hiệu cho biết nhiều người chỉ nhìn thấy cửa hàng lớn, ở trung tâm thương mại đẳng cấp là choáng ngợp và vội tin ngay vào sản phẩm.
“Sự cố ở Gucci & Milano là một ví dụ. Đến khi hai cửa hàng này bị niêm phong, nhiều người mới ngã ngửa và vội đi kiểm tra lại nguồn gốc hàng đã mua”, chị Phương nhận xét.
Cả chị Phương và chị Linh đều cho rằng không phải cứ đắt tiền là hàng đẹp và nhiều khi giá trị của hàng hiệu lại nằm chủ yếu ở cái mác. Như thương hiệu Hermes đã có từ hàng trăm năm nay với uy tín hàng đầu thế giới, nên giá có thể lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc túi. Tuy nhiên chất liệu da của chúng không hẳn tốt nhất. “Nhiều thương hiệu đồ da của Italy có chất lượng tốt hơn nhưng vì tên tuổi của họ chưa vươn xa như Hermes nên có giá rẻ hơn”, chị Linh cho biết.
Video đang HOT
Hàng hiệu Milano Hà Nội bị niêm phong (08/12) Milano Hà Nội vẫn khuyến mãi lớn (07/12) Truy tìm chủ và niêm phong cửa hàng Gucci – Milano (06/12) Tín đồ hàng hiệu lo lắng sau vụ Gucci ‘giá bèo’ (04/12) Lô hàng hiệu bị bắt tại Sheraton vẫn chờ giám định thật giả (03/12) Lô hàng hiệu hàng chục tỷ đồng bị bắt tại khách sạn 5 sao (01/12)
Không trang bị kiến thức về hàng hiệu, nên nhiều khách hàng dễ dàng “ăn quả đắng” mua phải hàng fake. Trên một diễn đàn chuyên về hàng hiệu, không ngày nào không có người vào khiếu nại sau khi mua nhầm hàng giả. Mới đây, thành viên tên “Manchester” trên diễn đàn này cảnh báo những người khác không nên vào một cửa hàng ở Ngô Quyền, Hà Nội vì bán áo Hugo Boss “fake”. Hay một topic khác đưa nhiều ảnh, bằng chứng cho thấy áo Lacoste tại một cửa hàng khác ở Quán Thánh có logo không giống hàng thật.
Xem xét kỹ hóa đơn, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và các loại certificate đi kèm là bí quyết để phân biệt hàng thật, hàng giả, chị Linh đưa ra lời khuyên cho khách. Tất cả những sản phẩm của các hãng có tên tuổi đều có các loại thẻ, giấy chứng nhận đi kèm.
Ngoài ra, khách hàng phải “học thuộc” một danh sách các bí quyết phân biệt thật giả với từng thương hiệu. Ví dụ như sản phẩm LV luôn đi kèm một “data code” và một dãy serie. Hay với sản phẩm của Burberry, dây mác của sản phẩm luôn là màu xanh tím trong khi hàng fake thường là màu nâu. Logo trên áo Polo của Lacoste có hình con cá sấu được thêu chi tiết đến từng chiếc răng, còn trên logo áo “fake” không có cái răng nào hoặc răng “lưa thưa”.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi đến mức kể cả người trong ngành nhiều khi cũng “hoa mắt”. Có lần chị Phương cầm trên tay hai chiếc túi LV thật và giả mà không thể nhận ra chiếc nào là hàng thật vì chúng quá giống nhau, chiếc túi fake cũng có cả số seris như thật. Chiếc túi LV fake giá chỉ 2,2 triệu đồng còn hàng xịn lên đến 1.600 đôla Mỹ (hơn 30 triệu đồng).
Một “góc” trong bộ sưu tập giày của chị Linh.
Sự cố Gucci & Milano bị niêm phong sẽ ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm hàng hiệu của người dân, những chuyên gia trong ngành đồ hiệu nhận định. Thay vì cứ có tiền là vung tay như trước, giờ đây khách hàng sẽ trở nên thận trọng hơn nhiều.
Ngoài ra, kinh tế suy thoái cũng ảnh hưởng ít nhiều đến lực mua sắm, chị Linh cho biết. Có những khách hàng của chị trước đây tháng nào cũng “ order” (đặt hàng) thì nay vài ba tháng mới mua một lần.
Là một tín đồ hàng hiệu, bản thân chị Linh có một tủ quần áo giày dép đồ sộ. Trong đó riêng tủ giày chứa hơn 100 đôi đủ các nhãn hiệu lớn trên thế giới. “Đôi giày tôi thích nhất có giá hơn 1.000 USD”, chị Linh tiết lộ. Với giày moka, chị Linh thích đi của hãng Tod’s, hay cao gót chị thường chọn Gucci hoặc Salvatore, quần áo váy vóc cho cả nhà chị thường chọn của Burberry.
Còn với chị Phương, chị cho biết mình không phải là tín đồ hàng hiệu. Với những thương hiệu bình dân như Mango, Diesel, thu nhập 20 đến 40 triệu đồng là có thể mua. Nhưng với những sản phẩm như Salvatore, Rolex, người nào kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mới nên sở hữu, chị Phương nhận định.
Theo VNE
Sự cố Milano làm rầu lòng khách VIP
Nhiều ca sĩ nổi tiếng lo mình đã bỏ tiền thật ra mua hàng fake. Một số khách đòi hỏi làm rõ tính pháp lý của cửa hàng ủy quyền chính hãng. Trong khi đó Milano vẫn chưa lên tiếng về vụ việc đang diễn ra.
Sau vụ 4 xe tải hàng hiệu bị công an bắt giữ, một khách hàng đã gửi văn bản đến cơ quan thuế, yêu cầu làm rõ tính pháp lý của các cửa hàng Gucci & Milano.
Theo vị khách tên Long, công ty ông đã đưa một số đối tác nước ngoài đi mua sắm tại cửa hàng Gucci & Milano ở cả TP HCM và Hà Nội. Tại Hà Nội, trong khi cửa hàng được quảng cáo là được Gucci ủy quyền, mang tên Gucci Shop, nhưng tên trên hóa đơn đỏ lại là "Cửa hàng thời trang 'Lâm Phước' - Lâm Phước Hải", hay hóa đơn khác ghi "Cửa hàng Thời trang Mi-La-No Lâm Thị Hiền". Còn tại TP HCM, tên cửa hàng là "Hộ Kinh doanh Mi-La-No-Vi-Na".
Ngoài ra, khi khách yêu cầu cửa hàng tại cả TP HCM và Hà Nội cung cấp giấy hoàn thuế VAT khi khách nước ngoài xuất cảnh tại sân bay thì được trả lời là cửa hàng không đăng ký với cơ quan thuế về dịch vụ này. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, khách nước ngoài sẽ được hoàn 85% trên tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của hàng hóa khi đủ 4 điều kiện: thuộc đối tượng chịu thuế VAT; hàng không nằm trong danh mục cấm xuất khẩu; có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế trong 30 ngày kể từ ngày xuất cảnh trở về nước; trị giá trên hóa đơn tại một cửa hàng trong một ngày là 2 triệu đồng trở lên.
Trên website Gucci quốc tế vẫn ghi tên và địa chỉ 2 cửa hàng ủy quyền chính hãng của mình, một ở khách sạn Sheraton Sài Gòn (88 Đồng Khởi, TP HCM) và một ở tòa nhà Hong Kong Land (63 Lý Thái Tổ, Hà Nội), dù hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi cơ quan chức năng Việt Nam bắt đầu kiểm tra và đặt nghi vấn về nguồn gốc hàng hóa tại các cửa hàng này.
Hiện đại diện Milano vẫn chưa xuất hiện và lên tiếng giải đáp thắc mắc của khách hàng cũng như làm việc với cơ quan chức năng. Trong khi đó, ngày càng nhiều khách hàng VIP tỏ ra lo lắng cho các sản phẩm mình đã mua ở đây.
Trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Phương Linh đang than trời sau khi đọc tin về cửa hàng Gucci & Milano. "Mình đóng không biết bao nhiêu tiền vào đây rồi. Lại còn được cấp thẻ VIP nữa chứ. Đau lòng quá".
Theo cô ca sĩ gốc Thanh Hóa, mua hàng hiệu không tiếc, nhưng quả là bực mình nếu bỏ tiền thật để mua hàng fake. Chia sẻ của Phương Linh nhận được đồng cảm của nhiều người. Sau khi 4 xe tải hàng không rõ nguồn gốc của cửa hàng Gucci & Milano, bạn bè của Phương Linh người thì cho rằng đó là vẫn là hàng "authentic" nhưng khai gian để trốn thuế, người thì cho rằng Milano bán hàng "fake".
Cửa hàng Milano tại 88 Đồng Khởi bị niêm phong. Ảnh: Quốc Thắng
Chung tâm trạng với Phương Linh, ca sĩ Vy Oanh cho biết từng mua một chiếc áo sơ mi và dây lưng ở cửa hàng của Milano 88 Đồng Khởi. "Lâu nay Vy Oanh không tin mấy vào hàng hiệu bán trong nước, nhưng hôm đó có việc cần nên phải chạy vào Milano mua vội", cô ca sĩ gốc Phan Thiết cho biết.
Chiếc áo sơ mi mỏng mà Vy Oanh mua tại đây có giá khoảng 45 triệu đồng. Ngay sau khi mua xong, Vy Oanh cảm thấy không yên tâm vì áo mang thương hiệu "lạ hoắc". Sau khi đọc tin cửa hàng Milano bị niêm phong, cô càng cảm thấy mình như bị lừa dối.
Đại diện một ca sĩ trẻ đang lên tại TP HCM tiết lộ từ lâu giới sao TP HCM đã bàn tán về nguồn gốc hàng hóa nơi đây. Theo anh, ngoại trừ thương hiệu Gucci được ủy quyền, Milano nhập nhiều nhãn hiệu khác nhau nên ít tín nhiệm với những người sành đồ hiệu.
Trái ngược với Phương Linh hay Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng lại cảm thấy không lo lắng gì sau sự cố hàng Gucci giá vài ba USD của Milano Việt Nam. Là khách hàng thân thiết từ lâu của Milano, "ông hoàng nhạc Việt" cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Milano gọi ngay cho anh để giải thích. "Họ nói đây chỉ là sự hiểu nhầm chứ cửa hàng không bao giờ lường gạt khách hàng và tôi cũng tin như vậy", Đàm Vĩnh Hưng nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng thể hiện sự thân thiết với cửa hàng được Gucci ủy quyền. Ca sĩ nổi tiếng với kho giày hàng trăm đôi này cũng từng xuất hiện với vai trò Mr. Gucci khi khai trương cửa hàng Milano ở 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Người ta cũng thường xuyên thấy "Mr. Đàm" xuất hiện với sản phẩm của Gucci trị giá hàng chục triệu đồng khi xuất hiện trước báo giới.
Chia sẻ về bí quyết mua hàng hiệu, nhiều sao Việt chung nhau ý kiến là nên mua ở nước ngoài. "Ở các nước như Mỹ hay Italy, người ta có luật lệ đàng hoàng về hàng giả hàng nhái nên không có tình trạng nhập nhèm", ca sĩ Vy Oanh giải thích. Mỗi năm mấy bận sang nước ngoài du lịch hay biểu diễn, cô thường tranh thủ mua sắm nhiều đồ để phục vụ công việc. Ca sĩ trẻ sinh năm 1985 cho biết với bản tính tiết kiệm, cô không phải là "tín đồ hàng hiệu", cũng không ham mua sắm nhiều nhưng vì nghề nghiệp nên vẫn phải "cắn răng". Trong tủ đồ của Vy Oanh, những chiếc túi trị giá 5.000 USD là chuyện thường.
Theo VNE
Tín đồ hàng hiệu lo lắng sau vụ Gucci 'giá bèo' Nhiều tín đồ hàng hiệu cho biết sẽ thận trọng hơn sau khi cảnh sát bắt giữ lô hàng hiệu mang mác Italy nhưng giá khai báo trên chứng từ nhập khẩu chỉ vài ba USD. Chị Thu (quận 1, TP HCM ) là khách quen của cửa hàng Gucci & Milano tại 88 Đồng Khởi. Mấy ngày vừa qua, chị và bạn...