Sự cố mất điện sân bay: Chờ thanh lọc cán bộ yếu kém
Dư luận đang trông chờ vào kết quả điều tra của các bên liên quan về sự cố hy hữu nhưng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hôm 20/11 vừa qua khi sân bay Tân Sơn Nhất bị mất kiểm soát hoàn toàn trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Khi chưa có kết quả chính thức, một số chuyên gia cho rằng, đó không phải là sự cố bình thường. Dù vậy, dư luận đang chờ vào những cuộc thanh lọc các cán bộ yếu kém của ngành hàng không bấy lâu nay.
Mất kiểm soát không lưu là điều đặc biệt nguy hiểm.
Không phải sự cố kỹ thuật
Liên quan tới sự cố mất điện, trao đổi riêng với PV, TS. Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng viện Điện – điện tử – Tin học kiêm chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM cho rằng, không thể có chuyện do sự cố kỹ thuật. Bởi trên thực tế, tại những nơi quan trọng như trung tâm điều khiển không lưu thì người ta đã tính toán và chuẩn bị cho mọi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Do đó, ở đây phải có tới bốn nguồn điện, chứ không phải là ba nguồn.
Vì hệ thống điện tại đây được thiết kế với ít nhất bốn nguồn điện dự phòng gồm: Hai nguồn là nguồn điện lưới, một nguồn là máy phát và một nguồn là thiết bị tích điện UPS. Khi một nguồn bị mất thì một trong ba nguồn còn lại sẽ được kích hoạt tự động. Hệ thống dự phòng này là do các chuyên gia về cung cấp điện làm và cũng không thể làm khác so với nguyên lý chung được.
Nếu đúng như TS. Phúc phân tích thì sự cố ở Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh là không bình thường. Lúc này, vấn đề mà dư luận quan tâm chính là việc tìm ra nguyên nhân và phải có người chịu trách nhiệm về sự cố này. Theo ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam thì sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh bước đầu là do lỗi chủ quan của kíp trực.
Đến nay, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ công tác với ông Trần Công, Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật, Công ty Quản lý Bay miền Nam; ông Lê Văn Tính, Trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý Bay miền Nam và ông Nguyễn Quốc Phú, Phó trưởng trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý Bay miền Nam.
Video đang HOT
Trước đó, Giám đốc công ty Quản lý Bay miền Nam cũng đã quyết định đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày để phục vụ việc điều tra sự cố đối với ông Lê Trí Tình, Kíp trưởng và ông Phạm Văn Dũng, nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc đội bảo đảm môi trường kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, công ty Quản lý Bay miền Nam.
Rà soát nhân sự
Liên quan tới sự cố này và hàng loạt sự cố hàng không trước đây, người đứng đầu ngành giao thông đã chỉ đạo thành lập hội đồng đánh giá lại toàn bộ cán bộ công nhân viên Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam. Tuyên bố này đã nhận được sự đồng tình của người dân. Bà Nguyễn Thị Hải An, một trong nhiều người phải thấp thỏm hôm 20/11 do chờ người thân tại phi trường Tân Sơn Nhất chia sẻ, hôm đó tôi và rất nhiều người khác chỉ biết là máy bay bị trễ chuyến, chứ hoàn toàn không có một thông tin nào khác.
Cũng theo bà An thì đến khi biết được sự cố mất điện, mất sự kiểm soát không lưu thì bản thân bà và gia đình đã hết sức choáng váng. Thế nên, ngoài chuyện làm rõ trách nhiệm của những người, đơn vị liên quan thì cũng cần phải đánh giá lại toàn bộ ngành hàng không. Vì thời gian qua, liên tiếp để các vụ việc xảy ra. Đó phần lớn đều do con người mà ra cả.
Đồng quan điểm, ông Dương Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đầu tư phát triển Dương Thành cũng cho rằng, không thể để tái diễn một sự cố tương tự nào như việc mất kiểm soát ở trung tâm điều khiển không lưu hay hai máy bay suýt đụng nhau được. Bởi, ai cũng hiểu rằng, nếu xảy ra những tình huống xấu thì hậu quả là khôn lường. Muốn làm được điều này, đồng thời tạo sự an tâm cho hành khách, giữ được niềm tin và hình ảnh quốc gia thì yếu tố con người là quan trọng nhất.
Bởi, ông Thành cho rằng, dù máy móc, trang thiết bị có đầy đủ cỡ nào, hiện đại đến mức nào đi chăng nữa nhưng không có có người phù hợp, biết vận hành, thao tác tốt và có đạo đức nghề nghiệp thì cũng bằng không. Thế nên, chuyện ông Bộ trưởng cho rà soát lại nhân sự của tổng công ty Quản lý Bay là chuyện nên và đáng làm. Lẽ ra việc này phải tiến hành thường xuyên, có thể làm định kỳ một năm, hai năm một lần, chứ không phải bây giờ xảy ra sự cố mới làm. Dù vậy, làm vẫn còn hơn là để nguyên như vậy.
Trên thực tế thì con số nhân viên có năng lực yếu của Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam không phải là ít. Theo báo cáo của đơn vị này thì có khoảng 40% nhân viên không lưu hiện có tỷ lệ tay nghề trung bình và yếu. Trong đó, có 8% là năng lực yếu, 31% có trình độ tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi những con số này được công bố đã khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Hoá ra, lâu nay họ đã nhiều lần đánh cược và trao tính mạng của mình cho sự yếu kém của một số nhân viên ngành hàng không. Vấn đề khiến dư luận thắc mắc. Khâu tuyển chọn vào các vị trí của ngành hàng không được ví “khó như lên trời”. Vậy mà không hiểu tại sao những nhân viên yếu kiến thức, thiếu về năng lực lại được tuyển dụng dễ dàng? Câu trả lời dành cho những người có trọng trách ở ngành hàng không!
Chuyện chưa từng xảy ra
TS. Nguyễn Bách phúc cho rằng, không hiểu sao một sự cố mất điện đơn giản như vậy lại kéo dài trong một khoảng thời gian dài (khoảng 1 giờ đồng hồ). Trong hơn 50 năm công tác, ông cũng chưa thấy trường hợp nào xảy ra như sự cố tại trung tâm kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất vừa qua.
Theo Người Đưa Tin
Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: EVN không có lỗi
Thời điểm xảy ra sự cố không có chuyện cắt điện theo kế hoạch hay gián đoạn cấp điện do bất kỳ sự cố nào về nguồn hay lưới.
Liên quan đến sự cố mất điện hệ thống điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất hồi 11h5' phút ngày 20/11, trao đổi trên evn.com.vn, ông Phạm Quốc Bảo, Phó GTĐ Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, thời điểm xảy ra sự cố, lưới điện trên toàn bộ khu vực cung cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng, toàn bộ TP HCM nói chung vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có chuyện cắt điện theo kế hoạch hay gián đoạn cấp điện do bất kỳ sự cố nào về nguồn hay lưới.
Sự cố không có lỗi của ngành điện
Ông Phạm Quốc Bảo khẳng định: Tại thời điểm ACC Hồ Chí Minh mất năng lực kiểm soát, điều hành bay thì hệ thống điện lưới được cung cấp bởi EVN HCMC vẫn hoàn toàn ổn định. Vấn đề là sự cố tại UPS - theo giải thích của lãng đạo Cục Hàng không Việt Nam, tức là UPS bị "chết" và không thể đưa điện vào thiết bị ở đài kiểm soát không lưu.
Về phía ngành điện, để làm rõ hơn trách nhiệm của mình trong vấn đề này, EVN HCMC đã có văn bản cụ thể gửi Thành ủy, UBND TP HCM và các bên liên quan. Theo đó, EVN HCMC khẳng định: EVN HCMC nói riêng, ngành Điện nói chung không có lỗi hay liên đới trách nhiệm trong sự kiện này. Ngành Điện đã, đang, và sẽ luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo nguồn điện ổn định, tin cậy cho mọi hoạt động của sản xuất và đời sống trên địa bàn TP HCM.
Lần đầu tiên Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất điện (Ảnh minh họa: KT)
Không báo cáo sự cố với ICAO
Trao đổi với Thanh niên Online chiều 25/11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục không có nghĩa vụ phải báo cáo sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
"Đây chỉ là sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật chứ chưa xảy ra tại nạn nghiêm trọng. Việc điều hành bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Do đó theo quy định không phải báo cáo cho ICAO", ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam là phải tìm hướng khắc phục sự cố chứ không phải là báo cáo với ICAO.
Vi phạm Luật Hàng không dân dụng
Về hình thức xử lý, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM khi trao đổi trên Đời sống Pháp luật đã cho rằng: "Để có cơ sở xử lý, trước hết tổ điều tra phải xác định được sự cố này xảy ra thuộc trách nhiệm cá nhân, bộ phận nào, do lỗi cố ý hay vô ý.
Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, sự cố này có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 12 Luật Hàng không Dân dụng: Làm hư hỏng hệ thống tín hiệu, trang bị, thiết bị, đài, trạm thông tin, điều hành bay, các trang bị, thiết bị khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc điều khiển, đưa các phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay và đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trong tàu bay.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng cho biết, để xảy ra sự cố này, công ty cung cấp dịch vụ không lưu đã vi phạm nghĩa vụ quy định tại điều 98 Luật Hàng không Dân dụng và Quy chế Không lưu Hàng không Dân dụng do Bộ GTVT ban hành.
Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị, kế đến là những cán bộ phụ trách kỹ thuật của kíp trực hôm xảy ra sự cố. "Tôi nghĩ đây là một sự cố nghiêm trọng, nên cần có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng đối với những cán bộ liên quan", Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho hay.
Theo VOV
Phút "cân não" tại Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia Một tuần sau sự cố mất điện làm "tê liệt" hệ thống điều hành bay Tân Sơn Nhất, lần đầu tiên công tác ứng phó không lưu tại Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia được tiết lộ. Đó là những phút "cân não" ứng phó sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Hãy thử tưởng tượng, nếu như Trung tâm...