Sự cố khiến Merkel mất kiên nhẫn với Nga
Trong lúc dùng bữa sáng tại thành phố Tomsk, Nga, nhóm của Navalny được thông báo lãnh đạo đối lập gặp vấn đề nghiêm trọng trên chuyến bay về Moskva.
Ngay sau khi nhận tin hôm 20/8, các nhà hoạt động tức tốc đến căn phòng trong khách sạn Xander ở thành phố Tomsk thuộc vùng Siberia, nơi Alexei Navalny vừa rời đi vài giờ trước đó, nhằm khẩn trương thu thập bằng chứng.
“Chúng tôi nghĩ Navalny rõ ràng không chỉ bị ốm bình thường, nên quyết định lấy mọi thứ có thể hữu ích”, đội ngũ trợ lý của Navalny kể trong bài đăng trên Instagram hôm 17/9.
Quá trình này được quay video, bao gồm cảnh các trợ lý thu thập những chai nước nhựa. “Hai tuần sau, một phòng thí nghiệm của Đức phát hiện dấu vết của chất độc thần kinh Novichok chính trên chai nước thu từ phòng khách sạn ở Tomsk”, bài đăng có đoạn, đề cập đến loại chất độc từ thời Liên Xô được cho là từng được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018.
Các trợ lý của lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny kiểm tra phòng khách sạn ở Tomsk, Siberia hôm 20/8. Video: Instagram/Navalny.
Navalny, 44 tuổi, là lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập. Ông nổi tiếng nhờ các video trên Youtube cáo buộc giới chức Nga tham nhũng và nhắm tới đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền. Tháng 3/2018, Navalny tuyên bố tranh cử tổng thống Nga, tổ chức các sự kiện vận động tại nhiều thành phố, nhưng đảng của ông không giành được bất cứ ghế nào trong Hạ viện Nga lẫn chính quyền địa phương.
Trong những năm hoạt động, Navalny từng nhiều lần bị bỏ tù và bị những người phản đối tấn công trên đường phố. Tuy nhiên, sự cố hôm 20/8 là lần đầu tiên ông đối mặt với mối nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.
Navalny cùng đội ngũ của ông đến thành phố Tomsk để quay một video về nạn tham nhũng tại địa phương, ngay trước thềm cuộc bầu cử của khu vực, với hy vọng vận động những người ủng hộ chống lại đảng cầm quyền. Khi Navalny lên đường trở về Moskva, vài người trong nhóm vẫn ở lại cùng đội quay phim để hoàn thành công việc.
Theo lời kể của các nhân chứng và video trên chuyến bay, ngay sau khi phi cơ cất cánh, Navalny đã bị choáng, la hét trong đau đớn và bất tỉnh. Phi hành đoàn đã hỏi có bác sĩ nào trên máy bay hay không, đồng thời lên kế hoạch hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk, thành phố gần nhất.
Khi máy bay đáp xuống thành phố Omsk, sân bay tại đây đột ngột phát cảnh báo nhà ga vừa bị đe dọa đánh bom. Tuy nhiên, các phi công không bị lúng túng và yêu cầu điều xe cấp cứu đến thẳng đường băng.
Những người thân cận với Navalny cho biết nếu chuyến bay tiếp tục hành trình dài 4-5 giờ đến Moskva, lãnh đạo đối lập có thể đã chết. Giới chức Đức cũng đánh giá quyết định hạ cánh khẩn cấp nhanh chóng của phi công, cùng nỗ lực của những nhân viên y tế đầu tiên điều trị cho Navalny, đã cứu mạng người đàn ông 44 tuổi.
Tại thành phố Omsk, đội ngũ y bác sĩ nhanh chóng nhận biết triệu chứng của Navalny là ngộ độc và vội vã đưa ông đến phòng độc chất. Lãnh đạo đối lập được điều trị bằng Atropine, loại thuốc duy nhất có hiệu quả chống lại các tác nhân như Novichok.
Trong khi đó tại Tomsk, cảnh sát vẫn chưa phong tỏa phòng khách sạn của Navalny, dù thông tin ông bất tỉnh đã được đưa khắp thế giới. Các cộng sự của Navalny lấy chai nước cùng vài bằng chứng khác, sau đó tới sân bay để sang Đức, nơi họ hy vọng ông sẽ được đưa đến điều trị.
Vladimir Uglev, chuyên gia thuộc nhóm từng phát triển Novichok cách đây vài thập kỷ, cho biết ông nghi ngờ chất độc thần kinh này đã được cho vào chai nước nhằm giết Navalny trong chuyến bay hoặc ngay sau đó. “Những người làm chuyện này đã tính toán mọi thứ, từ chi tiết nhỏ nhất, nhưng họ lại không ngờ tới một điều quan trọng là yếu tố con người”, Uglev nhận định.
Giới chức Nga ban đầu không cho phép đưa Navalny đến Đức điều trị theo nguyện vọng của gia đình ông. Tuy nhiên, vào ngày 22/8, gần 48 giờ sau khi bất tỉnh, Navalny đã được đưa lên chuyến bay đến Berlin nhờ một nhóm tư nhân, được cho là do chính phủ Thủ tướng Angela Merkel hậu thuẫn.
Alexei Navalny phát biểu trong một cuộc vận động tại Moskva, Nga, hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.
Các xét nghiệm y tế tại bệnh viện Charite, nằm ngay trung tâm Berlin, nhanh chóng cho thấy Navalny ngộ độc một hợp chất thuộc nhóm ức chế cholinesterase, loại hóa chất được dùng làm thuốc trừ sâu, dược phẩm và chất độc thần kinh.
Vài ngày sau, Viện Dược lý và Độc chất của quân đội Đức, một trong số ít phòng thí nghiệm trên thế giới có kiến thức trực tiếp về loại chất độc này, kết luận Navalny bị đầu độc bằng Novichok.
Ngay sáng hôm đó, Thủ tướng Merkel đã triệu tập 6 thành viên nội các hàng đầu để thông báo sự việc cho họ, đồng thời nhất trí rằng cần phải có phản ứng nhanh chóng. Cảnh sát đã siết chặt an ninh xung quanh bệnh viện Charite, nhằm đề phòng khả năng tính mạng của Navalny tiếp tục bị đe dọa.
Sự cố với Navalny khiến Merkel, người lớn lên ở Đông Đức và tự nhận có cảm tình với nước Nga, dường như cũng trở nên thiếu kiên nhẫn, thể hiện qua thông điệp thẳng thắn tới Điện Kremlin. “Alexei Navalny rõ ràng là nạn nhân của một tội ác. Mục đích là bịt miệng ông ấy”, Thủ tướng Đức phát biểu.
Các công tố viên Đức cho biết chính phủ của bà Merkel còn đang “đau đầu” tìm cách đáp trả vụ tấn công mạng nhằm vào quốc hội Đức hồi năm 2015 và một vụ giết người ở Berlin năm 2019, mà họ nghi ngờ do người trong chính quyền Nga ra lệnh, nhưng Moskva phủ nhận. Quan hệ giữa phương Tây với Nga vốn cũng không tốt đẹp. Do đó, vụ Navalny có thể sẽ khiến bầu không khí giữa Berlin và Moskva lạnh nhạt hơn.
Moskva cho biết họ không tìm thấy bằng chứng Navalny bị đầu độc và từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra hình sự của bà Merkel. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/9 còn bày tỏ nghi ngờ về phát hiện của Đức. Ông cho rằng không thể mang một cái chai có dấu vết của Novichok ra khỏi Nga, bởi không đủ thời gian để làm điều này do độc tính của nó.
Tuy nhiên, giới chức phương Tây bác bỏ những tuyên bố của Nga và đề nghị nước này trả lời thỏa đáng về sự việc. Nghị viện châu Âu hôm 17/9 kêu gọi trừng phạt Moskva, cáo buộc sự cố với Navalny là một phần trong “nỗ lực có hệ thống” của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm dập tắt phe đối lập.
Thủ tướng Merkel cho biết bà thậm chí có thể đình chỉ dự án đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD để đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
Tuy nhiên, Điện Kremlin hy vọng vụ việc liên quan đến Navalny không hủy hoại quan hệ với phương Tây. Nga khẳng định muốn tìm hiểu lý do dẫn tới sự cố nhưng “bị hạn chế” vì Đức chưa chia sẻ các phát hiện mới, đồng thời cáo buộc trợ lý của Navalny đã loại bỏ vật chứng tiềm năng khi mang chai nước trong phòng Navalny ra nước ngoài.
“Thứ nhất, chúng tôi dĩ nhiên không muốn điều này xảy ra. Thứ hai, chẳng có lý do gì cho việc đó cả”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/8 nói.
Lãnh đạo đối lập Nga hết hôn mê
Bệnh viện Charite ở Đức, nơi điều trị thủ lĩnh đối lập Nga Navalny, cho biết ông đã ngừng sử dụng thuốc gây mê và sức khỏe đang cải thiện.
"Alexei Navalny đã kết thúc đợt hôn mê nhờ can thiệp y tế và đang dần cai máy thở. Ông ấy có phản ứng với kích thích bằng giọng nói và tình trạng đang khá dần lên", bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin, Đức, hôm nay ra thông cáo cho hay, nhưng khẳng định còn quá sớm để kết luận những tác động lâu dài có thể xảy ra với thủ lĩnh đối lập Nga sau sự việc này.
Navalny (đeo khẩu trang) được đưa vào xe cứu thương để đến sân bay hôm 22/8. Ảnh: Reuters.
Navalny, 44 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, buộc máy bay chở ông phải hạ cánh khẩn. Trợ lý của Navalny cho rằng ông bị đầu độc khi uống trà tại quán cà phê ở sân bay Tomsk, Siberia, trước khi lên máy bay.
Đức hôm 2/9 thông báo Navalny bị đầu độc bởi hợp chất Novichok, song phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là tuyên bố "thiếu bằng chứng". Các bác sĩ Nga cho biết họ không tìm thấy dấu vết nào của chất độc trong cơ thể Navalny, thêm rằng tình trạng của ông là do giảm đột ngột lượng glucose trong máu vì mất cân bằng trao đổi chất.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 6/9 nói rằng có thể chính phủ Nga đứng sau "vụ đầu độc" Alexei Navalny và cho rằng thủ lĩnh đối lập Nga "rõ ràng" bị đầu độc bằng Novichok, loại chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô và được cho là từng được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018.
Điện Kremlin lên án những nỗ lực nhằm đổ lỗi cho chính phủ Nga trong vụ Navalny ốm nặng là "vô lý". Moskva nhiều lần bác mọi cáo buộc liên quan tới sự việc, khẳng định không lý do gì để đổ lỗi hay trừng phạt Nga và tỏ ý hy vọng vấn đề này không hủy hoại tới quan hệ của họ với phương Tây.
Anh triệu đại sứ Nga vì vụ Navalny Ngoại trưởng Anh Raab thông báo triệu đại sứ Nga tại nước này để bày tỏ quan ngại về "vụ đầu độc Alexei Navalny". "Chúng tôi đã triệu Đại sứ Nga tại Anh để bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ đầu độc Alexei Navalny. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc một vũ khí hóa học bị cấm đã được sử...