Sự cố của Microsoft gây tác động lâu dài
Ngày 21/7, Bộ trưởng Nội vụ Australia Clare O’Neil cảnh báo tình trạng gián đoạn hoạt động công nghệ thông tin trên toàn cầu do sự cố sập dịch vụ lưu trữ đám mây của “gã khổng lồ” Microsoft sẽ chưa thể khôi phục hoàn toàn vào những tuần tới.
Hành khách chờ đợi tại sân bay quốc tế Vancouver ở Richmond, British Columbia, Canada, sau khi các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy do sự cố của Microsoft, ngày 19/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội sau cuộc họp Cơ chế Điều phối Quốc gia, Bộ trưởng O’Neil nêu rõ có rất nhiều việc phải làm vào cuối tuần này để đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, song điều đó đòi hỏi ít nhất 2 tuần cho đến khi tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng khôi phục hoàn toàn hoạt động.
Bộ trưởng O’Neil cho biết thêm sự cố lần này không gây tác động nào đến các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các dịch vụ của chính phủ. Ngoài ra, bà kêu gọi người dân Australia hết sức thận trọng trước những hành vi lừa đảo phát tán các mã độc núp bóng chiêu bài hỗ trợ khôi phục sau sự cố.
Video đang HOT
Cũng tại cuộc họp trên, các đại diện của công ty an ninh mạng CrowdStrike cho biết họ sắp triển khai bản sửa lỗi tự động để khắc phục sự cố, qua đó sớm đưa các hệ thống công nghệ thông tin khôi phục hoạt động trực tuyến.
Cuộc họp Cơ chế Điều phối Quốc gia ngày 20/7 tại Canberra quy tụ các cơ quan chính phủ và đại diện các ngành bị ảnh hưởng do sự cố nói trên.
Trước đó, ngày 19/7, dịch vụ lưu trữ đám mây của Microsoft bất ngờ sập, với lỗi màn hình xanh, sau khi công ty an ninh mạng CrowdStrike triển khai bản cập nhật phần mềm. Sự cố này đã gây gián đoạn hoạt động của các ngân hàng, các hãng hàng không, bệnh viện, doanh nghiệp, truyền thông… của rất nhiều nước. Microsoft thừa nhận dù chưa tới 1%, tương đương khoảng 8,5 triệu thiết bị chạy hệ điều hành Windows trên toàn cầu, bị ảnh hưởng nhưng sự cố đã gây những tác động lớn đến xã hội và kinh tế.
Nhiều sân bay lớn khôi phục hoạt động sau sự cố máy tính toàn cầu
Một ngày sau khi sự cố máy tính toàn cầu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, cơ quan truyền thông và hãng hàng không trên khắp thế giới, nhiều hãng hàng không lớn ở châu Á và châu Âu đã khôi phục hoạt động.
Hành khách chờ đợi làm thủ tục bay tại sân bay Changi ở Singapore trong bối cảnh hàng trăm chuyến bay bị hoãn hoặc hủy do sự cố công nghệ thông tin toàn cầu của Microsoft, ngày 19/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ cho biết hệ thống hàng không tại các sân bay trên khắp quốc gia Nam Á này đã hoạt động bình thường kể từ đầu ngày 20/7. Thông báo được Bộ trưởng bộ trên - ông Ram Mohan Naidu - đăng trên mạng xã hội nêu rõ "kể từ 3h sáng (giờ địa phương), hệ thống hàng không tại các sân bay đã bắt đầu hoạt động bình thường. Hoạt động bay hiện đang diễn ra suôn sẻ. Những vấn đề còn tồn đọng do gián đoạn ngày 19/7 đang dần được giải quyết và có thể hoàn tất vào trưa cùng ngày".
Tình trạng này xảy ra sau sự cố "sập đám mây" của Microsoft vốn gây rối loạn các hệ thống máy tính trên toàn cầu do công ty an ninh mạng CrowdStrike phát hành bản cập nhật phần mềm diệt virus bị lỗi cho "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ, ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Sự cố đã khiến các sân bay trên khắp Ấn Độ ngừng hoạt động, đồng thời khiến các chuyến bay bị hủy trên diện rộng. Truyền thông địa phương đưa tin chỉ riêng hãng hàng không tư nhân IndiGo, hãng có thị phần vận chuyển hành khách nội địa lớn nhất ở Ấn Độ, đã hủy 287 chuyến bay. Ngoài IndiGo, 2 hãng hàng không tư nhân khác là Akasa và SpiceJet cũng bị gián đoạn hoạt động đáng kể. Các sân bay trên khắp đất nước, trong đó có cả ở Delhi và Mumbai đã chứng kiến cảnh hỗn loạn trong ngày 19/7 trong việc cấp thẻ lên máy bay, hủy và dời lịch các chuyến bay. Dịch vụ làm thủ tục trực tuyến không thực hiện được, dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại quầy làm thủ tục và phòng chờ quá đông ở một số sân bay.
Tính đến chiều 20/7, các hãng hàng không Mỹ và các sân bay trên khắp châu Á thông báo đã nối lại hoạt động, với các dịch vụ làm thủ tục được khôi phục ở Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và sân bay Changi của Singapore.
Đến ngày 20/7, các dịch vụ ở Australia hầu như đã trở lại bình thường, nhưng Sân bay Sydney vẫn ghi nhận tình trạng trễ chuyến. Chính phủ Australia cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng các hành vi lừa đảo sau sự cố, trong đó có thể kể đến những lời đề nghị giúp khởi động lại máy tính và yêu cầu thông tin cá nhân hoặc chi tiết thẻ tín dụng.
Ở châu Âu, các sân bay lớn, trong đó có sân bay Berlin (Đức), thông báo đã nối lại hoạt động, cho phép các chuyến bay khởi hành và đón chuyến bay đến sau khi hoãn toàn bộ các chuyến bay khi sự cố xảy ra.
Microsoft cho biết sự cố bắt đầu vào lúc 19:00 GMT ngày 18/7 (rạng sáng 19/7, giờ Việt Nam), ảnh hưởng đến người dùng Windows chạy phần mềm an ninh mạng CrowdStrike Falcon. CrowdStrike cho biết đã đưa ra giải pháp khắc phục sự cố và lãnh đạo công ty, George Kurtz, chia sẻ trên kênh CNBC của Mỹ rằng ông muốn "gửi lời xin lỗi tới mọi tổ chức, mọi nhóm và mọi người đã bị ảnh hưởng". CrowdStrike cũng cho biết có thể cần vài ngày để khắc phục sự cố.
CrowdStrike - trước đây đạt vốn hóa thị trường khoảng 83 tỷ USD - là nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn. Dịch vụ đám mây của Microsoft gặp sự cố làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không, ngân hàng, tuyền thông, y tế của rất nhiều nước trên thế giới.
Tesla tạm dừng sản xuất do lỗi công nghệ thông tin toàn cầu Tập đoàn Tesla đã phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ở bang Texas và Nevada (Mỹ) do sự cố công nghệ thông tin toàn cầu. Một phòng trưng bày của Tesla tại California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Sáng 19/7 (giờ Mỹ), Tesla thông báo cho nhân viên rằng công ty đang gặp sự cố với...