Su-57 của Nga tới tấp đổ bộ Syria
Thêm 2 máy bay chiến đấu thế hệ năm Su-57 của Nga vừa đáp xuống căn cứ Khmeimim ở Syria sau hai chiếc đầu tuần.
Một máy bay chiến đấu Su-57 của Nga (Ảnh: Sputnik)
Hãng tin Sputnik dẫn tin truyền thông địa phương hôm nay 24/2 cho biết, hai máy bay Su-57 của Không quân Nga vừa được nhìn thấy đáp xuống căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia của Syria. Một tài khoản Twitter có tên Wael Al Hussaini cho biết, hai chiếc Su-57 được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ tư Su-30M.
Trước đó, hôm 21/2, hai chiếc Su-57 khác cũng được nhìn thấy hạ cánh xuống căn cứ này và được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu Su-35. Tuy nhiên, Nga hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về các thông tin trên.
Nghị sĩ Nga Vladimir Gutenov cho biết với Sputnik, tuy ông chưa thể xác minh tin truyền thông, song cho rằng sự xuất hiện của Su-57 ở Syria sẽ gửi đi một thông điệp chính trị, là lời răn đe đối với máy bay chiến đấu của các nước láng giềng “không mời mà đến” Syria.
Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên mà Nga sản xuất. Su-57 được trang bị những vũ khí đáng sợ như tên lửa hành trình cận áp Kh-35UEm và tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân BrahMos-A.
Su-57 được cho là có thể điều khiển được từ xa, ví dụ từ máy bay không người lái. Theo truyền thông Nga, tốc độ tối đa của Su-57 có thể đạt tới xấp xỉ 2.600 km/h và nó có thể di chuyển rất linh động trong tầm bay 5.500 km.
Su-57 có thể được đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang Nga từ năm 2018.
Video đang HOT
Minh Phương
Theo Dantri/ Sputnik
Tiêm kích Su-57 Nga đối đầu F22 Mỹ ở Syria: Ai chiến thắng?
Theo National Interest, những hình ảnh và video đăng tải trên internet mới đây cho thấy 2 tiêm kích tàng hình Su-57 (trước đây gọi là PAK-FA/T-50) được Nga điều đến Syria.
Su-57 đưa Nga này trở thành nước thứ ba sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5, sau Trung Quốc và Mỹ. "Nhưng liệu Su-57 có phải là đối thủ xứng tầm với tiêm kích "chim ăn thịt" F-22 Mỹ", chuyên gia quân sự Kyle Mizokami đặt câu hỏi.
Tiêm kích F-22 được Mỹ chế tạo với mục đích là chiến đấu cơ chuyên chiếm ưu thế trên không, thay thế cho mẫu F-15C Eagle. Để làm được điều này, tàng hình là tính năng chủ chốt trên chiếc F-22.
Chiếc F-22 cũng được trang bị động cơ cực mạnh, tạo lực đẩy lớn hơn 40% với mẫu F-15. Động cơ mạnh mẽ còn giúp mở rộng phạm vi hoạt động của F-22 mà không cần mang theo thùng dầu phụ.
Radar AN/APG-77 giúp tiêm kích Mỹ nhận diện mục tiêu và khai hỏa trước đối phương.
Trong khi đó, tiêm kích tàng hình Su-57 được Nga thiết kế theo triết lý khác hẳn. F-22 tập trung vào khả năng vận hành linh hoạt và tàng hình. Còn chiếc Su-57 muốn tận dụng khả năng vận hành linh hoạt kết hợp với tốc độ cao.
Các chuyên gia tin rằng Su-57 được phát triển từ nguyên mẫu Su-27 Flanker, kết hợp với tính năng tàng hình của chiến đấu cơ thế hệ 5.
Su-57 là mẫu tiêm kích tàng hình tối tân nhất của Nga.
Chuyên gia hàng không Piotr Butowski từng nhận định rằng Su-57 "có khả năng thay đổi hướng di chuyển đột ngột ở tốc độ cao hơn bất cứ chiến đấu cơ nào khác". Phần cánh máy bay được thiết kế theo hướng giúp tăng khí động học, mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn.
Yếu tố chính giúp Su-57 đạt hiệu suất vượt trội chính là ở động cơ Saturn izdeliye 30. Động cơ này giúp Su-57 đạt tốc độ bay tối đa 2.600 km/giờ, vượt xa mức 2414 km/giờ của chiếc F-22.
Ngoài ra, trần bay của Su-57 lên tới gần 20 km, trong khi trần bay của F-22 Raptor chỉ khoảng 15 km.
Nga hiện đang gặp khó khăn khi tích hợp izdeliye 30 vào chiếc Su-57, kết quả là 12 tiêm kích tàng hình Su-57 đầu tiên của Nga chỉ trang bị động cơ Saturn AL-41F1, tương đương loại gắn trên chiếc Su-35.
Su-57 cũng được trang bị hệ thống radar N056 Byelka hiện đại nhất, kết hợp hệ thống tác chiến điện tử L402, giúp phát hiện máy bay tàng hình của đối phương.
Một khi tiếp cận ở cự ly gần, radar chuyển sang chế độ theo dõi và tìm kiếm bằng hồng ngoại, giúp phi công dễ dàng ngắm bắn mục tiêu bằng tên lửa dẫn đường.
Giống như thiết kế của các máy bay tàng hình khác, vũ khí của Su-57 được giấu ở bên trong thân. Su-57 được trang bị 2 tên lửa dẫn đường tầm xa K-77M, tầm bắn lên tới 160km và tên lửa tầm ngắn K-74M2 dẫn đường bằng hồng ngoại. Su-57 còn được trang bị 2 khẩu pháo cỡ nòng 30 mm.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định, thiết kế khác biệt giúp Su-57 và F-22 có những lợi thế khác nhau, ở cự ly khác nhau.
Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ thể hiện sự thống trị trên bầu trời Syria.
Trong kịch bản đối đầu trên không, Su-57 có cơ hội phát hiện F-22 trước và tung đòn tấn công phủ đầu từ xa. Để làm được điều này, radar trang bị cho Su-57 phải nhận ra F-22 trước.
Một khi 2 máy bay áp sát ở cự ly gần, Su-57 tận dụng tốc độ vượt trội để né tên lửa đối phương, cũng như tung ra đòn tấn công bằng hồng ngoại. Trong tình huống bất lợi, phi công lái Su-57 có thể lựa chọn tăng tốc tối đa để "cắt đuôi" chiếc F-22.
Ngược lại, F-22 lại phụ thuộc nhiều vào tính năng tàng hình để tung ra đòn tấn công bất ngờ. Chỉ khi nào chiếc F-22 ra tay, đối phương mới biết tiêm kích Mỹ hoạt động trong khu vực.
Nhưng nếu phải đụng độ ở cự ly gần, kỹ năng của phi công vẫn là yếu tố chính quyết định, dù rằng chiếc Su-57 có nhỉnh hơn một chút về năng lực ngắm bắn và khóa mục tiêu.
National Interest kết luận, F-22 Raptor vẫn là mẫu chiến đấu cơ hàng đầu thế giới. Chiếc Su-57 có thể đạt hiệu suất chiến đấu tương tự, nhưng theo cách khác và là đối thủ xứng tầm với tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ.
Nhưng có lẽ không một ai mong muốn hai mẫu tiêm kích này có ngày lại đụng độ nhau trên bầu trời Syria.
Theo Danviet
Su-57 Nga và F-22 Mỹ so găng ở "đấu trường" Syria, máy bay nào thắng? Việc Nga đưa tiêm kích tàng hình Su-57 tới Syria có thể dẫn tới những cuộc đọ sức bí mật với đối thủ F-22 Mỹ trong thời gian tới. Một video xuất hiện trên mạng xã hội hôm qua cho thấy ít nhất hai tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga được cho là đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim...