Su-24 Nga rơi: Thổ Nhĩ Kỳ bấu víu vào đâu?
Mỹ và NATO đều im lặng, tỏ thái độ không liên quan đến trong khi đó Nga đã tung bằng chứng chứng minh Su24 không xâm phạm lãnh thổ Ankara.
Mỹ phủi trách nhiệm, NATO im lặng
Hôm 24/11, sau khi xảy ra vụ máy bay Su 24 của Nga bị bắn rơi, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chiến dịch chống nhóm phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không bị ảnh hưởng và cũng không có liên quan tới vụ việc này.
Trong buổi họp báo tại Baghdad, Đại tá quân đội Mỹ, Steve Warren cho biết: “Đây là chuyện giữa chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là một vấn đề liên quan đến lực lượng quân sự phối hợp hay các hoạt động can thiệp khác.
Chiến dịch chống lại IS của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục như đã định và chúng tôi đang nỗ lực ở cả hai mặt trận là Syria và Iraq”.
Ông Warren sau đó cũng tái khẳng định lại rằng Mỹ không hề liên quan đến việc bắn hạ máy bay Su-24 của Nga.
“Đó là chuyện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Mỹ chỉ tập trung vào IS. Nhiệm vụ của quân đội Mỹ là chiến đấu chống lại IS ở Syria và Iraq. Đó là những gì chúng tôi cần phải làm”, ông khẳng định.
Ông cũng nói rõ rằng các lực lượng mà Mỹ đào tạo và hợp tác ở Syria không ở trong khu vực mà máy bay Nga bị bắn hạ.
Mỹ tuyên bố rằng không liên quan đến việc máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi tại Thổ Nhĩ Kỳ và đó là chuyện của Ankara và Moskva. Ảnh chụp màn hình
Trong một động thái có liên quan, Tổ chức NATO đã triệu tập cuộc họp toàn thể theo đề nghị từ Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 24/11 nhằm thảo luận về vụ không quân của quốc gia thành viên khối quân sự này bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp khẩn theo đề nghị của Ankara Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg khẳng định ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không hề nói rõ những hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ máy bay Nga rơi.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng ông mong đợi sẽ có các cuộc tiếp xúc giữa Ankara và Moskva, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh và giảm bớt căng thẳng để giải quyết vụ việc này.
Từ những phản ứng trên, có thể thấy rằng cả Mỹ và NATO đều không muốn dính dáng quá nhiều đến những cáo buộc liên quan đến vụ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Mấu chốt để giải quyết tình trạng này phụ thuộc vào Ankara và Moskva thông qua những cuộc tiếp xúc, đối thoại.
Và khi rơi vào thế chới với, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách bấu víu và có thêm sự ủng hộ khi quyết định làm dịu mối quan hệ vốn căng thẳng với Washington.
Trong một thông báo đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo trên, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Hai nguyên thủ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc giảm bớt căng thẳng và có những dàn xếp, không để những sự việc tương tự tái diễn sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay của Nga ở khu vực biên giới Syria”.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng quyền bảo vệ chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ “được Mỹ và NATO ủng hộ”.
Nga tung video chứng minh Su-24 chỉ bay ở Syria
Để đáp lại những cáo buộc từ Ankara, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay đã công bố video dữ liệu chuyến bay, trong đó cho thấy chiếc Su-24 không vào Thổ Nhĩ Kỳ và bị tấn công khi đang vận động trên bầu trời Syria.
Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết radar sân bay tại căn cứ Hmeymim cho thấy chính chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự vào không phận Syria khi tấn công máy bay Nga.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói đã bắn máy bay Nga sau khi phát cảnh báo nhiều lần rằng nó vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga tung video chứng minh Su-24 không xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã miêu tả hành động của Ankara giống một cú đâm từ sau lưng và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.
“Sự kiện này vượt xa khỏi khuôn khổ cuộc đấu tranh chống khủng bố. Rõ ràng các quân nhân của chúng tôi đang xả thân không tiếc mạng sống của mình để thực hiện cuộc chiến đấu anh hùng chống chủ nghĩa khủng bố…Nhưng tổn thất ngày hôm nay là bọn đồng lõa của khủng bố đánh từ phía sau lưng chúng tôi, tôi không thể mô tả chuyện vừa xảy ra theo cách nào khác”, ông Putin nói.
Theo_Báo Đất Việt
Phương Tây phản ứng trái chiều sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ
Trong khi Mỹ và NATO lên tiếng bảo vệ hành động bắn hạ máy bay Su-24 của Nga của Thổ Nhĩ Kỳ thì Đức cho rằng, hành động này là quá bất ngờ.
Theo RT, trước việc máy bay cường kích Su-24 của Nga bị máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi đang tiến hành các cuộc không kích IS ở Syria, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ "giận giữ và thất vọng trước hành động không thể dự đoán trước này của Thổ Nhĩ Kỳ".
Một chiếc Su-24 của Nga. Ảnh Sputnik
Theo ông Peskov, hành động này là "không thể lý giải nổi" nhất là theo thông tin tình báo của quân đội Nga, chiếc Su-24 bị bắn hạ khi đang bay trong không phận Syria.
"Trong vụ này, chúng tôi rất muốn nghe phản ứng của NATO và các nước phương Tây", ông Peskov nói và nhấn mạnh, việc máy bay Nga bị bắn hạ sẽ không làm tổn hại đến chiến dịch chống IS của Không quân Nga.
Đáp lại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO ủng hộ hành động bắn hạ máy bay Nga của Ankara.
"Chúng tôi đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ việc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh NATO", ông Stoltenberg tuyên bố.
Theo ông Stoltenberg, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã liên lạc với nhau sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ nhưng Nga chưa hề liên lạc gì với NATO. Ông Stoltenberg kêu gọi cả 2 bên tăng cường liên lạc và tiến hành các biện pháp để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc trong tương lai.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiến hành điện đàm với nhau về vụ này. Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo Mỹ bày tỏ: "Mỹ và NATO ủng hộ quyền bảo vệ chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ".
"Tuy nhiên, Mỹ và NATO nhất trí về tầm quan trọng của việc hạ nhiệt căng thẳng sau vụ việc nói trên và mong muốn các bên liên quan tiến hành thu xếp để đảm bảo rằng những hành động này sẽ không xảy ra một lần nữa", ông Obama nói.
Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi các bên liên lạc trực tiếp với nhau sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ để tránh tình hình tiếp tục leo thang.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh tuyên bố: "Thủ tướng Anh kêu gọi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu cần phải đảm bảo duy trì liên lạc trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là quá bất ngờ.
"Vụ việc này cho thấy lần đầu tiên chúng ta phải đối đầu với một bên đang tỏ ra cực kỳ khó dự đoán trong khu vực. Theo rất nhiều thông tin từ các bên có liên quan đến vụ việc này, bên đó là Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Nga".
Theo ông Gabriel, Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến tình hình Syria trở nên ngày càng phức tạp hơn.
Ngay sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, hàng trăm người đã tuần hành trước cổng Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow và lên án hành động này.
Những người biểu tình mang những tấm biển với các dòng chữ: "Đừng mong khách Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ nữa nhé", "Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của IS" hoặc "Một cú đâm sau lưng".
Đám đông cũng yêu cầu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng giải thích về vụ này, tuy nhiên, yêu cầu này bị phớt lờ./.
Trần Khánh
Theo VOV
Nga vừa hứng đòn thù thảm khốc? Cộng đồng thế giới chưa hết rúng động về vụ máy bay Nga gặp tai nạn thảm khốc, thì lại thêm một lần bàng hoàng trước tin do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tung ra liên quan đến thảm kịch này. Một mảnh vỡ của chiếc máy bay của Nga Ngay sau khi máy bay Metrojet Airbus A321-200 của Nga...