Stress trong thi cử có thể trở thành điều tích cực?
Các chuyên gia cho biết, những căng thẳng sẽ trở nên tích cực nếu nhận thức được vai trò và nắm vững cơ chế của chúng.
Rối loạn liên quan stress gia tăng đáng kể trong mùa thi
Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, khoảng 26,1% học sinh lớp 11, 12 có căng thẳng (stress). Trong số những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này, thi cử được xếp ở vị trí thứ 2.
Sự căng thẳng trong thi cử thường đến từ yếu tố ngoại cảnh (kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ) hoặc đến từ chính áp lực của học sinh như tự kỳ vọng, tự đặt mục tiêu lớn cho bản thân.
Thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm – khoảng thời gian có liên quan tới thi cử, lượng bệnh nhân dưới 25 tuổi tới khám và điều trị do các rối loạn liên quan tới stress có sự gia tăng đáng kể.
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, khi gặp stress, cơ thể thường phải huy động toàn bộ năng lượng tâm thần để tỉnh táo, tập trung xử lý vấn đề một cách tốt nhất.
Về thể chất, stress làm cho hormone cortisol trong cơ thể tăng, khiến nhịp tim nhanh, huyết áp và chuyển hóa oxy tăng. Toàn bộ cơ bắp cũng sẽ căng cứng khi người bệnh gặp căng thẳng, từ đó tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Nếu người bệnh không thể vượt qua stress, tâm thần luôn trong trạng thái căng thẳng, sự mệt mỏi sẽ trở thành “vòng xoáy” khiến bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, lo âu, ngộp thở, xung huyết dạ dày,… Nặng nhất, nhiều bệnh nhân trở nên thất vọng, tự ti, có những ý nghĩ tiêu cực.
PGS Tuấn cho biết, trên thực tế điều trị, một số gia đình nhận thức được các triệu chứng bất thường của con là do stress nên đưa trẻ tới khám sớm.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp đến viện để điều trị các chứng mất ngủ, mệt mỏi, huyết áp thay đổi thất thường, nhịp tim nhanh, trào ngược dạ dày, mót tiểu,… Sau khi được đánh giá nhân cách, trạng thái tâm thần, gia đình mới biết con mắc rối loạn liên quan đến stress, nguyên nhân do áp lực thi cử.
Với những trường hợp này, bác sĩ thường tư vấn để giảm nhẹ hoặc làm mất đi sự căng thẳng của người bệnh, một số trường hợp nặng có thể sử dụng trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
Video đang HOT
Thi cử là một trong những nguyên nhân chính gây nên các rối loạn stress ở học sinh
Stress thi cử có thể trở thành điều tích cực
Ths. BS Bùi Văn San, Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội cho biết, những căng thẳng sẽ trở nên tích cực nếu nhận thức được vai trò và nắm vững cơ chế của chúng.
Theo đó, stress gia tăng rõ nhất khi thay đổi diễn ra nhanh chóng, trong khi thi cử lại được xem là giai đoạn có sự thay đổi rất nhanh và lớn. Chỉ một khoảng thời gian nhất định, học sinh phải ôn tập, tham gia kỳ thi với những áp lực từ sự kỳ vọng. “Việc stress, căng thẳng trong mùa thi bởi thế là điều không thể tránh khỏi”, bác sĩ San nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nếu thích ứng được với kỳ thi, tức đủ năng lực để đáp ứng mục tiêu, stress sẽ nhanh chóng mất đi sau khi thi cử kết thúc. Sự căng thẳng lúc này chỉ là yếu tố giúp trẻ tập trung hơn để vượt qua thử thách, tức là stress tích cực.
Bên cạnh đó, khi thoát khỏi giai đoạn căng thẳng nói trên, cơ thể sẽ hình thành sự “miễn dịch” với những stress mức độ tương tự trong tương lai.
Ngược lại, nếu để sự kỳ vọng quá cao so với năng lực và chuẩn bị của bản thân, khi trẻ không đạt được mục tiêu, stress sẽ không thể hóa giải. Lúc này, căng thẳng trở thành tiêu cực, các em sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, dẫn đến những hệ quả xấu về sức khỏe như đã nói.
Để stress mùa thi trở thành tích cực, theo Ths. BS Bùi Văn San, trước nhất, học sinh cần đánh giá đúng năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn những mục tiêu phù hợp với năng lực ấy. Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước kỳ thi khi đã có kỳ vọng.
“Với các bậc phụ huynh, trong trường hợp phát hiện con có những biểu hiện bất thường như mất ngủ, mệt mỏi, nghỉ ngơi nhưng không hồi phục, các vấn đề về dạ dày, tăng huyết áp,… sau kỳ thi, nên đưa con tới các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, điều trị kịp thời”, bác sĩ San khuyến cáo.
Kỳ thi lần này, các con đã quá lo lắng, xin đừng làm con căng thẳng thêm
Kỳ thi lần này diễn ra khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến không chỉ thí sinh mà cả phụ huynh lo lắng. GS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trao đổi về vấn đề này.
Phụ huynh đưa con đi thi và mệt mỏi chờ đợi bên lề đường - Ảnh: MINH ANH
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS.TS tâm lý HUỲNH VĂN SƠN - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nói: "Cần nhìn nhận rằng đây là mùa thi có nhiều thách thức và khó khăn. Vấn đề là cần thông cảm cho nhau và đối diện với sự thật không thể thay đổi.
Tôi nghĩ các địa phương cũng đã cam kết chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện phục vụ khâu phòng chống dịch trong kỳ thi này".
* Đây là kỳ thi quan trọng nhất nên nhiều thí sinh đang lo lắng. Các bạn cần làm gì để bớt lo âu, thưa ông?
- Lo lắng là tất nhiên bởi tâm lý học và thi. Nếu nhìn tích cực, chúng ta sẽ nhận ra nếu vượt được kỳ thi là lúc ta hiểu về chính mình, xác định năng lực của chính mình và tạo ra những cảm xúc nhất định sau kỳ thi.
Hằng năm vẫn có kỳ thi này dành cho thí sinh tự do, trong đó có nhiều thí sinh chưa thi đỗ năm trước hay vài năm trước. Nói thế để khẳng định rằng chúng ta cho mình cơ hội, thể hiện bản thân mình và hết lòng với kỳ thi bằng trách nhiệm và cả sự quyết tâm của bản thân là có thể tạo ra sự thoải mái và cân bằng cần có về tâm lý, tinh thần.
* Mặc dù các địa phương đã cam kết chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện phục vụ khâu phòng chống dịch trong kỳ thi này nhưng vẫn có phụ huynh không yên tâm cho con đi thi. Theo ông, có nên vậy không?
- Hơn ai hết cha mẹ mong muốn bảo vệ con mình, đảm bảo an toàn của con bởi đó là sự bao la trong tình yêu, trong sự che chở và quan tâm con cái. Thế nhưng cũng cần nhìn nhận một tồn tại thực tế của cuộc sống: tình hình dịch bệnh là vấn đề không thể giải quyết ngày một ngày hai.
Những khó khăn và thách thức không chỉ xảy ra với con mình mà nhiều bộ phận khác cùng chung sức, chung lòng để có kỳ thi an toàn tuyệt đối.
Mặt khác cũng cần lắng nghe và có niềm tin vào một chủ thể 18 tuổi với những kỹ năng sống để vào đời. Hơn thế nữa, tùy từng thời điểm để có cách ứng xử thấu tình đạt lý.
Nếu lo lắng, hãy đồng hành cùng con cái để đảm bảo sự an toàn cho con như trao tay nước rửa tay khô, chuẩn bị khẩu trang đúng chuẩn, nhắc nhở con cái cách sử dụng khẩu trang an toàn, chia sẻ và tạo nguồn lực động viên để con cái vững tin trong mùa thi bằng những nụ cười, bằng lời nói có hạt nhân niềm tin, gắn kết với con cái bằng sự gieo hạt mầm của ý chí, để con cái có thêm sức mạnh.
GS.TS tâm lý HUỲNH VĂN SƠN
"Kỳ thi đã đến, thí sinh cần cố gắng cân bằng tâm lý, sức khỏe bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống hợp lý, tập thể dục... Nỗ lực hết mình trong kỳ thi sắp tới và vững tin để gặp lại nhau dẫu ở ngưỡng cửa nào cũng đáng quý. Quan trọng là ta đã hài lòng vì ta đã hết lòng, hết sức.
GS.TS HUỲNH VĂN SƠN
* Cũng có một hình ảnh khác là rất nhiều phụ huynh "đi thi cùng con", xin nghỉ làm để đưa con đến điểm thi và ngồi chờ đợi trước cổng trường... Phụ huynh cần làm gì để "lên dây cót" tinh thần cho con em mình khi đi thi trong dịch?
- Với nhiều bậc cha mẹ, việc thương yêu sẽ được diễn ra theo suy nghĩ đưa đón, học bài cùng con, kiểm tra bài, dò bài... và thậm chí là khảo sát kết quả thi. Tất cả những điều này có thể tạo ra hai mặt của một vấn đề: kỳ vọng và áp lực; thương yêu và yêu cầu cao; gần gũi và kiểm soát...
Thực ra không ai có quyền trách phụ huynh nhưng kinh nghiệm cho thấy ở nhiều học sinh, sự quan tâm vừa phải, sự động viên đúng lúc, kịp thời sẽ làm cho học sinh đúng điểm rơi phong độ, tạo ra xúc cảm tích cực và hứng thú để đạt kết quả như mong đợi.
Việc một số bậc cha mẹ biểu hiện "đậm quá" trong sự quan tâm đến kỳ thi của con cũng có thể làm cho con cái căng thẳng mà bản thân chúng ta không nhận ra...
Đơn cử ở một vài tỉnh thành khác nhau tôi đã từng tham gia các hoạt động có liên quan đến kỳ thi, phụ huynh có biểu hiện rất khác nhau. Cụ thể phụ huynh ở TP Tân An (Long An), Vũng Tàu... rất quan tâm đến con nhưng không quá mức chăm chút, đưa đón.
Sự quan tâm diễn ra nên theo chiều kích vừa phải, lắng nghe con cái, tìm hiểu cảm xúc, sự mong đợi và thoải mái về cảm xúc để con cái có nguồn động lực quan trọng mà không bị áp lực quá mức.
Kỳ vọng có thể trở thành áp lực
Không phủ nhận hình mẫu thành công là phải trở thành sinh viên đại học, vào đời vào nghề với học vị cử nhân hay hơn thế nữa... làm cho học sinh có thể bị áp lực. Kỳ vọng này ở gia đình, ở xã hội có thể trở thành áp lực với không ít học sinh. Điều quan trọng là học sinh phải thành công và song hành với đó là hạnh phúc.
Hành trình đi tìm hạnh phúc của mỗi học sinh cần dựa vào nỗ lực, sự quyết tâm của chính các em nhưng phải hướng đến những gì các em muốn và khao khát. Có như thế, các em học sinh không những tỉnh táo hơn, biết chọn lọc hơn, thích ứng hơn trong cuộc sống.
Nên chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH bằng học bạ? Xét tuyển học bạ trước khi thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp các bạn học sinh tăng cơ hội theo học ngành và trường yêu thích. Trước ảnh hưởng của Covid-19, nhiều trường đại học, cao đẳng dành chỉ tiêu xét tuyển học bạ cao hơn so với dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp học sinh tăng cơ...