Streamer văng tục ngập tràn trên Youtube: Bố mẹ cần quản lý con trẻ, chỉ bảo cách tiếp nhận
Trên video của mình, các streamer đều cảnh báo những nội dung không phù hợp hoặc hạn chế độ tuổi, tuy nhiên, đông đảo người xem, trong đó có nhiều trẻ nhỏ không chú ý đến những lời cảnh báo này.
Streamer là gì?
Vài năm gần đây xuất hiện một hình thức kiếm tiền dần trở thành một “công việc” nghiêm túc đó là chỉ cần ngồi chơi hoặc xem các trận đấu trên trò chơi điện tử và phát sóng trực tiếp (streaming) để nhiều người cùng xem. Những người làm công việc này được gọi là “streamer”. Họ làm việc trên một số nền tảng cho phép phát trực tuyến, phổ biến nhất là Youtube, Facebook,…
Streamer có nhiệm vụ bình luận game khi xem các trận đấu hoặc ngay khi bản thân tham gia trò chơi. Các streamer sẽ có thu nhập từ những nguồn sau:
Donate: người xem ủng hộ tiền trực tiếp cho streamer.
Quảng cáo: Quảng cáo thụ động trên Youtube, quảng cáo Google ads xuất hiện trong khi streamer đang phát trực tiếp.
Ngoài ra, các streamer có tiếng có thể được nhiều nhãn hàng để mắt tới.
Trẻ thường xuyên xem các video văng tục, chửi bậy, phụ huynh nghĩ gì?
Vừa qua, cư dân mạng xôn xao khi các streamer bị nhắc tới trong một chương trình phóng sự trên truyền hình. Đặc biệt, một trong các gương mặt còn bị “điểm mặt chỉ tên” là Độ Mixi khiến cộng đồng fan của streamer này “nổi sóng”. Độ Mixi là một trong những streamer nổi tiếng nhất hiện nay. Anh có lượng fan đông đảo khi sở hữu hơn 3.6 triệu lượt theo dõi trên Facebook, 3.9 triệu người đăng ký kênh Youtube. Mỗi video của anh đều đạt lượng view “khủng” từ 200 nghìn – 1.5 triệu lượt xem.
Độ Mixi nổi tiếng với cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, tuy nhiên anh cũng có phần bỗ bã trong ngôn ngữ khi thường xuyên nói tục trong các video của mình. Không chỉ Độ Mixi, nhiều streamer có tiếng khác như Pew Pew, Misthy, Viruss,… cũng có những phát ngôn vô tư trong lúc streaming. Những streamer này lại là cái tên quen thuộc với đối tượng trong độ tuổi từ 10 – 25 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với công việc này bởi nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý và hành vi của trẻ nhỏ, thanh thiếu niên.
Tất nhiên, các video này đều được cảnh báo nội dung 18 nhưng chúng đều ở chế độ không giới hạn độ tuổi. Cụ thể, Độ Mixi đều gắn dòng chữ: “Stream có sử dụng những từ ngữ không phù hợp với các cháu nhỏ, vui lòng chuyển kênh khác khi chưa đủ 18 tuổi”. Tuy vậy, hầu hết người xem đều không quan tâm tới cảnh báo này.
Video đang HOT
Sau khi chương trình cảnh báo của VTV lên sóng, rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng về vấn đề này. Nhiều người cho biết mình chưa thực sự quan tâm xem con mình xem gì, nghe gì trên mạng.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mình có con trai đang học cấp 2 và cậu ấy cực kỳ say mê điện thoại. Lúc nào cũng cầm trên tay hết chơi game thì xem Youtube. Hôm rồi VTV có phát phóng sự, mình thực sự rất lo lắng vì có thể con sẽ học những thứ không hay trên mạng. Có thể nó không dám nói bậy trước mặt bố mẹ nhưng khi ra đường thì mình không thể kiểm soát được”.
Chị Hoàng Mai Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì đã từng nghe thấy những cái tên hot streamer từ trước: “Hôm đó gia đình mình họp mặt họ hàng, con mình (đang học lớp 8) cũng ngồi xem Youtube với mấy anh chị em họ. Mấy đứa cứ nhắc tới “Anh Độ mới mua xe đấy”, “Anh Độ vừa đăng video khoe nhà”,… mình cứ thấy tò mò vì không biết bọn trẻ chơi với anh Độ nào mà nhà không có ai tên như vậy. Hỏi ra mới biết đó là một cậu chuyên đăng video trên Youtube, vậy mà bọn trẻ cứ “anh Độ” như kiểu quen thân lắm. Sau mình cũng xem thử video của cậu này thì thấy khá “hãi” vì toàn văng tục chửi bậy. Mặc dù cách nói chuyện cũng vui nhưng nói tục quá nhiều như thế sợ bọn trẻ con sẽ dễ dàng học theo vì tưởng thế là hay”.
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Việt Thái (Ba Đình, Hà Nội) có ý kiến là trách nhiệm nằm ở các bậc phụ huynh là chính: “Xem xong chương trình thì tôi cũng lo lắng đấy, nhưng tôi nghĩ trách nhiệm chính vẫn thuộc về các bậc phụ huynh. Bố mẹ phải làm gương cho con cái trước tiên, đồng thời quản lý bọn nhỏ xem gì trên mạng để có cách trò chuyện cùng con. Hôm qua, trong bữa cơm gia đình, mình cũng đã dò hỏi con trai mình về vấn đề đó. Thằng bé cũng hồn nhiên kể là ở lớp ai cũng xem các streamer trên Youtube. Mình chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở là “Cái hay, cái tốt thì học hỏi người ta, còn nói bậy, nói tục là ngôn ngữ không phù hợp với trẻ con, tốt nhất là không học theo”.
Cha mẹ phải làm thế nào để bảo vệ con khỏi những nội dung không phù hợp?
Trước khi đòi hỏi các streamer giới hạn độ tuổi của các video mà mình đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, các bậc phụ huynh cần biết cách tự bảo vệ con mình trước những nội dung không phù hợp đang ngập tràn.
Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm. Tài khoản này sẽ cho phép bố mẹ tạo các danh sách video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với trẻ nhỏ. Nếu trẻ xem video bằng tài khoản này, bố mẹ có thể theo dõi con mình đã xem những gì qua danh sách lịch sử. Phụ huynh có thể thiết lập một số tùy chọn như:
- Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.
- Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.
- Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.
- Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.
- Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.
Ứng dụng Youtube Kids cũng là một lựa chọn an toàn cho trẻ nhỏ vì đây là những nội dung đã được kiểm duyệt bởi ban biên tập của Google. Bố mẹ cũng có thể quản lý ứng dụng này bằng mật khẩu và kiểm soát thời gian xem kênh Youtube của con bằng chế độ hẹn giờ.
Ngoài ra, cha mẹ hãy quản lý con chặt chẽ hơn bằng cách kiểm tra điện thoại, máy tính. Đồng thời, phụ huynh nên trò chuyện và giảng giải cho con hiểu về những nội dung xấu hay không phù hợp với lứa tuổi của mình. Chỉ như vậy, trẻ nhỏ mới tự giác và biết cách chọn lọc thông tin.
Kỳ 1: Chuyện văng tục, chửi bậy và sự hình thành những ngôn ngữ mạng
Cách đây hơn chục năm, khi làn sóng của game online bùng nổ tại Việt Nam, đã có một thời gian từ các nhà ngôn ngữ, những nhà nghiên cứu xã hội học, đến các nhà giáo dục... đã đau đầu vì "thứ" ngôn ngữ không theo bất cứ một quy luật nào của hệ thống ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Và 10 năm sau, thì ngôn từ trao đổi trên mạng xã hội một lần nữa khiến các nhà nghiên cứu ngán ngẩm.
Chuyện văng tục, chửi bậy của "cư dân" mạng xã hội
Còn nhớ cách đây không lâu, thời điểm cả nước đang chung tay, sát cánh để phòng, chống dịch Covid-19, thời điểm mà nước nhà đang dang tay đón những người con xa xứ về quê mẹ "lánh nạn", trên các mạng xã hội đã ầm ĩ đến cả vài tuần lễ vì một số ngoại kiều có những hành vi chửi bậy, văng tục trên mạng xã hội. Hành vi của những người ấy là đáng phê phán, nhưng cũng câu chuyện sẽ không lan truyền rộng rãi nếu như không có phản ứng đồng loạt của cư dân mạng xã hội. Thay bằng lên án hoặc bày tỏ thái độ không hài lòng, dân cư mang lao vào xỉa xói, chửi bới bằng những ngôn từ "hoa mỹ" không kém "chính chủ" là mấy.
Việc xử lý tréo ngoe kiểu lấy cái xấu hơn để "điều trị" cái xấu khiến việc đôi co không hề có chút văn hóa này kéo dài và phát sinh thêm nhiều những cuộc cãi vã mới. Và tất nhiên, cuộc cãi vã sau căng thẳng, ầm ĩ hơn cuộc cãi vã trước với những ngôn từ chửi rủa thậm tệ và bậy bạ hơn. Có thời điểm khi mở mạng xã hội, người ta chỉ thấy, chỉ nghe, chỉ đọc được những câu... chửi bậy.
Và không chỉ đến lúc đó, người ta mới biết về chuyện chửi bậy, văng tục... của những người sử dụng mạng xã hội nó kinh khủng thế nào. Bởi không quá khó khăn, chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trên thanh công cụ của facebook từ khóa "chửi", người dùng sẽ nhận được vô cùng nhiều những kết quả cho từ khóa không phải lúc nào cũng sử dụng này. Và một điều ngạc nhiên là những group, fanpage đó lại sở hữu lượng thành viên, lượng người theo dõi vô cùng lớn. Chửi thuê, chửi mướn, bóc phốt... hay chỉ đơn giản là "chửi", có lẽ không cần vào xem cụ thể, bất cứ ai cũng hiểu mục đích hoặc những bài đăng, những bình luận... liên quan đến động từ gì.
Không chỉ người bình thường, trước đây trong giới văn nghệ sĩ, không ai không biết nghệ sĩ T, tài năng thì ít người biết, nhưng cái tài chửi bậy của nghệ sĩ này thì bất cứ ai cũng đều hiểu. Việc nghệ sĩ này chửi thường kèm theo những lần live stream, phát sóng trực tiếp để nói về một chủ đề nào đó. Và "đặc sản" của câu chuyện đó là những tiếng chửi bậy rất nặng khiến không ít người chỉ nghe mà thấy đỏ mặt, tía tai vì xấu hổ. Nhưng khốn nỗi, lượng người theo dõi những buổi phát này hoặc theo dõi trang của nghệ sĩ này lên đến hàng chục nghìn người. Không chỉ đăng tải công khai các video chửi, người này cũng chia sẻ nhiều ảnh chụp màn hình đã chửi nhau với người hâm mộ của mình bằng những từ ngữ khó nghe khác.
Việc "chửi" trên mạng xã hội có lẽ đã trở thành một vấn nạn. Bởi hàng ngày, hàng giờ từ các tài khoản cá nhân, đến các nhóm, các trang... câu chuyện hút người ta nhiều nhất đó là câu chuyện tiêu cực. Rất dễ dàng để cư dân mạng có thể bê tất cả những từ ngữ không có trong từ điển ra để chửi rủa. Câu chuyện đơn giản có thể chỉ là sự nhầm lẫn của một người phục vụ, việc tắc đường giờ cao điểm, không hài lòng với lãnh đạo, với đồng nghiệp... thậm chí chỉ cần tự bản thân mình thấy khó chịu là người ta có thể đăng đàn để chửi. Và kéo theo đó là hàng trăm, hàng nghìn... bình luận của những người khác chửi theo. Thôi thì "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười", không có bất kỳ một người nào chịu thua người nào xả ra những câu chửi sâu cay mà có khi chẳng cần biết đối tượng "hứng đạn" là ai.
Việc chửi khiến nhiều người "quen" đến nỗi nói 1 câu bình thường, hoặc nói 1 lời đơn giản với bạn bè cũng phải thêm vài ba câu chửi để thể hiện sự... chân ái!
Mặc dù như anh P.T.B, quản lý một fanpage đã có lần thừa nhận, việc anh lập ra trang và có những từ ngữ thô thiển chỉ để xả stress. Anh cho rằng, mỗi người chúng ta bên ngoài luôn phải sống theo khuôn phép, có những người ngồi cả ngày im lặng trước máy vi tính để làm việc, bởi do công việc cũng như các quan hệ xã hội nhiều người không dám sống thật với chính mình. Thế nên với anh, việc lên mạng thể hiện mình bằng việc... chửi bậy là để giải trí (?!). "Chúng tôi nói bậy trên mạng thôi nhưng ngoài đời rất ngoan". Mặc dù B khẳng định vậy, nhưng quả thực theo tư duy logic, thì câu nói đó e rằng hơi khiên cưỡng và có tính chất bao biện. Chửi bậy ở trên mạng hay ở ngoài đời thực cùng chung bản chất.
Việc chửi bậy trở thành một vấn nạn trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
...hình thành những ngôn từ mạng
Liên tục thay đổi, cập nhật và ban hành những "điều lệ" mới là việc mà mạng xã hội facebook thường xuyên làm. Mỗi lần cập nhật mới, là một lần ông lớn facebook lại ra một số những quy định khắt khe hơn. Một trong số đó, là có một số ngôn ngữ... "thuần Việt" sẽ không được hiển thị trên bảng tin facebook. Những "rào cản" đó không khiến các facebooker "nghiện" chửi nản lòng. Và từ đây xuất hiện một thứ ngôn ngữ facebook, một lẫn nữa lại khiến các nhà ngôn ngữ học đau đầu.
Nếu như thời gian đầu, người ta lạ lẫm với những từ vk, ck, vs (vợ, chồng, với)... rồi sau đó chấp nhận vì mặc dù nó không phù hợp với quy luật ngữ pháp Việt Nam, nhưng chí ít nó cũng không quá lố nếu như câu chữ chỉ dành để nói chuyện riêng với nhau, không đưa vào văn bản. Tuy nhiên, đến vcl, vcc, vcd... thì bất cứ ai khi rõ nghĩa những từ này đều cảm thấy rất khó chịu.
Việc chửi tục như vốn có, đó là đưa hết các từ nhằm chỉ bộ phận sinh dục hoặc những từ có ý nghĩa dơ bẩn. Và nếu trước kia người ta ám chỉ, viết tắt, viết tránh đi... thì giờ được người sử dụng mạng xã hội viết thẳng, đầy đủ và trần trụi. Và để đối phó, có chăng họ chỉ đổi từ, ví dụ như "I" thành "y" và tương tự vậy. Nhiều người coi rằng, việc viết thẳng, nói rõ là một cách thể hiện cá tính mạnh mẽ và bất cần của mình...
Một cách sử dụng ngôn ngữ khác đang thịnh hành đó là cách xưng hô "tao, mày" trên bài viết. Họ không quan tâm người đọc đang ở độ tuổi nào, già trẻ lớn bé ra sao, chỉ đơn giản là đại từ nhân xưng là "tao" và "các mày" là đại từ ngôi thứ hai chỉ người đang đọc.
Như vậy, sự bôi đen và làm biến dạng ngôn ngữ là có thật. Không ít những trường hợp trong thực tế đưa cả những ngôn ngữ mạng xã hội vào câu chữ, bài viết của mình. Cách sử dụng ngôn ngữ ấy lan ra trong cả cách nói chuyện hàng ngày, thậm chí vào cả văn chương và âm nhạc. Thực tế ấy, có đáng báo động hay không?
(Còn nữa)
Đ.Mixi - Streamer nổi tiếng đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng: Nói 10 câu thì văng tục 9 câu, đã cảnh báo nội dung nhưng chưa có tâm? Thời gian gần đây, Đ.Mixi vướng phải nhiều tranh cãi xung quanh những phát ngôn, cử chỉ của mình trên sóng livestream. Theo đó, streamer này thường xuyên văng tục, chửi bậy. Những năm gần đây, streamer trở thành một trong những nghề hot, mang lại sự nổi tiếng và thu nhập khủng ở Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản thì Streamer...