Steven Yeun và vai diễn đi vào lịch sử
Sau 14 năm hoạt động nghệ thuật, ngôi sao người Mỹ gốc Hàn Steven Yeun vừa nhận đề cử Nam chính xuất sắc đầu tiên tại Oscar cho vai diễn trong bộ phim “ Minari”.
Khởi nghiệp từ năm 2007 với vai trò diễn viên lồng tiếng cho video game, tới nay, Steven Yeun đã góp mặt trong hơn 40 tác phẩm lớn nhỏ, gồm phim ngắn, phim điện ảnh và series truyền hình. Trong đó, nổi tiếng hơn cả là Glenn của series truyền hình xác sống The Walking Dead và Jacob trong Minari (2020).
Nam diễn viên đi vào lịch sử điện ảnh
Ngày 15/3, Steven Yeun cùng Riz Ahmed tạo nên lịch sử. Lần đầu tiên tại hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc , có hai tài tử người gốc Á cùng nhận đề cử trong năm. Với chàng trai người gốc Hàn Quốc, anh được trao cơ hội nhờ vai Jacob trong bộ phim Minari của đạo diễn Lee Isaac Chung.
Steven Yeun nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc với Minari . Ảnh: A24 .
Minari lấy bối cảnh vùng nông thôn nước Mỹ những năm 1980, xoay quanh một gia đình gốc Hàn tìm cách vun đắp cuộc sống mới. Phim bắt đầu khi Jacob (Steven Yeun) đột ngột dẫn cả gia đình chuyển từ California đến Arkansas xa xôi, mua một mảnh đất lớn với ước mơ đổi đời.
Bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung được xây dựng từ chính những ký ức tuổi thơ anh. Diễn xuất của Steven Yeun trong vai người đàn ông trụ cột gia đình nhận được nhiều lời ngợi khen từ giới phê bình điện ảnh.
Đề cử cho Steven Yeun là sự ghi nhận xứng đáng những cống hiến nghệ thuật của riêng anh, cũng như cộng đồng nghệ sĩ người Mỹ gốc Á nói chung.
Trước Oscar, vai Jacob trong Minari cũng giúp Steven Yeun nhận đề cử tại nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ. Trả lời phỏng vấn Entertainment Weekly sau khi Minari chiến thắng giải Phim quốc tế xuất sắc tại Quả cầu Vàng lần thứ 78, anh nói: “Tôi vô cùng hãnh diện vì được trở thành một phần của bộ phim, cũng như góp công sức đưa nó đến với thế giới.
Bạn không thể chỉ dựa vào các luật lệ và thể chế để giải quyết những gì xảy ra trong thực tế. Bởi nước xa không cứu được lửa gần. Và tôi tự hào được dự phần trong một tác phẩm đề cập đến sự thực ấy”.
Khởi nghiệp từ sân khấu hài
Trả lời phỏng vấn T he Guardian , Steven Yeun cho biết anh lớn lên với hai tính cách. Ở trường, Yeun là đứa trẻ trầm tính. Nhưng ở nhà, hay nhà thờ của cộng đồng Hàn kiều gia đình hay lui tới, anh trở nên hoạt bát hơn.
Glenn của The Walking Dead là vai diễn đưa tên tuổi Steven Yeun đến với công chúng. Ảnh: AMC .
Yeun so sánh hai nét tính cách đối lập của mình với nhân vật chính do Will Smith thủ vai trong The Fresh Prince of Bel-Air . “Tôi thực sự bị thu hút bởi Will Smith. Nhân vật Fresh Prince của anh ấy cũng bị mắc kẹt trong các tình huống khác nhau, và luôn cố gắng để được sống là chính mình”, anh nói.
Thời niên thiếu, Steven Yeun là thành viên trong dàn nhạc của nhà thờ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 2001, anh ghi danh vào khoa tâm lý của Đại học Kalamazoo tại Destroit, Mỹ.
Trong những năm tháng ngồi trên giảng đường, Yeun nhận ra niềm đam mê dành cho thể loại hài kịch và diễn xuất. Một trong những nguồn cảm hứng của anh là Jordan Klepper, ngôi sao hài kịch ngẫu hứng cùng trường, người sau này trở thành phóng viên đưa tin của The Daily Show trên Comedy Central .
Theo Destroit Free Press , tài năng diễn xuất của Yeun được khai phá trên sân khấu kịch Đại học Kalamazoo. Anh nhận được nhiều lời khen ngợi từ các giảng viên hướng dẫn. Bà Ed Menta, một trong những giảng viên của Yeun khi ấy, nhận xét nam diễn viên là tay guitar điêu luyện kiêm nhạc công tuyệt vời.
Sau khi tốt nghiệp Kalamazoo năm 2005, Yeun tới Chicago và theo đuổi loại hình hài kịch ngẫu hứng. Anh từng là thành viên của Stir-Friday Night!, một nhóm hài khá nổi tiếng. Yeun cũng làm việc cho Second City, một trung tâm đào tạo nghệ sĩ, trước khi quyết định chuyển tới Los Angeles vào năm 2009.
Mùa xuân năm 2010, Steve Yeun trúng vai Glenn trong series xác sống ăn khách The Walking Dead của đài AMC. Glenn là một trong những nhân vật trung tâm của series và được đông đảo khán giả yêu thích. Nhưng sau 6 năm gắn bó, Yeun chính thức rời The Walking Dead vào năm 2016.
Theo IndieWire , lý giải cho quyết định từ bỏ vai diễn quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp, anh cho biết: “Sau tất cả, tôi nhận ra mình đã tích lũy được rất nhiều hiểu biết”. Với Yeun, đó không chỉ là thái độ khi đương đầu với áp lực mà còn là may mắn khi có thể sống sung túc bằng nghề.
“Tôi muốn tìm những cách sâu sắc hơn để bộc lộ bản thân… Tôi không biết sự tự tin ấy đến từ đâu. Cứ như thể sau bảy năm đắm chìm trong một thực tế ảo không phải của mình, tôi bắt đầu mất phương hướng và không thể phân biệt điểm kết thúc với nơi bắt đầu”, anh nói.
Trong nửa thập kỷ tiếp theo, Steven Yeun tham gia nhiều dự án điện ảnh cũng như truyền hình. Anh liên tiếp có vai diễn trong những bộ phim độc lập được đánh giá cao. Năm 2017, Yeun góp mặt trong bộ phim giả tưởng lấy đề tài môi trường Okja của Bong Joon-ho. Một năm sau, anh đóng hai phim – tác phẩm hài chống chủ nghĩa tư bản Sorry to Bother You và phim giật gân Burning do Lee Chang-dong đạo diễn.
Năm 2020, bộ phim Minari có anh thủ vai chính được công chiếu tại liên hoan phim Sundance và gặt hái thành tích quan trọng là giải thưởng của ban giám khảo và khán giả cho thể loại dramatic.
Yeun coi hai tính cách khác biệt khi ở nhà và lúc ở trường ngày thơ bé là nguồn chân lý và sức mạnh của riêng mình. Nam diễn viên 37 tuổi tin rằng nhờ sự thay đổi liên tục ấy, anh đã xây dựng được sự nghiệp với các vai diễn đa dạng.
Việc hóa thân thành các nhân vật giúp anh tạo ra một không gian riêng có. Tại đây, Yeun “cố gắng biểu đạt cảm giác cô lập mà tôi đoán các diễn viên luôn cảm thấy. Tôi trải qua cảm giác ấy rất nhiều lần trong đời – mất kết nối với hệ thống, với cộng đồng hay một nhóm người. Tôi tha thiết mong kết nối với mọi người và sẵn sàng nhào nặn bản thân mình để đạt được mục đích ấy”.
Vai diễn bước ra từ cuộc đời
Dù gây tiếng vang với vai Glenn của The Walking Dead , Steve Yeun vẫn chưa được Hollywood để mắt cho những dự án lớn. Năm 2018, trả lời phỏng vấn Slate , anh chia sẻ: “Tôi từng tự hỏi vì sao họ không chọn tôi, tại sao đàn ông châu Á không thể nhận các vai quan trọng?
Thông qua vai diễn trong Minari , Steven Yeun có cơ hội hiểu rõ cha mình hơn. Ảnh: A24 .
Rồi bạn quan sát xã hội ngoài kia và nhận ra đây không phải sân nhà của mình. Bạn ngỡ ngàng: ‘Mình biết sự quyến rũ là yếu tố then chốt. Tức là mình phải tập thể hình, phải uống hàng trăm lít sữa để trở nên vạm vỡ. Và mình cần xấu tính với những người xung quanh. Một thứ nam tính độc hại’”.
Minari là bộ phim đền đáp những nỗ lực không ngừng nghỉ của nam diễn viên gốc Hàn. Trong bộ phim, nhân vật Jacob Yi mang đến cho khán giả một định nghĩa lành mạnh hơn về nam tính. Người đàn ông phải gồng mình để lèo lái gia đình nhỏ vượt qua sóng gió trong khi dồn sức xây dựng trang trại mơ ước.
Yeun chia sẻ anh nhìn thấy những điểm tương đồng trong hoàn cảnh của Jacob với quá khứ gia đình mình. Người bố làm kiến trúc sư của Steven Yeun đã đưa gia đình rời Seoul từ năm 1988, khi nam diễn viên mới lên 5. Sau thời gian ở Canada, họ an cư tại một vùng nông thôn ở Detroit, Mỹ.
“Bố tôi đã quyết định đưa cả gia đình đi thoát ly. Đó là lựa chọn lớn lao… Với tư cách người con trai, tôi đồng cảm với bố. Bản thân cũng mong muốn tự xây dựng cuộc sống riêng, khám phá mình là ai và mục đích sống của mình là gì…
Tôi yêu cuộc sống của tôi, cũng như nỗi cô đơn bao chứa nó. Sự cô đơn đôi khi mang lại những nỗi đau, nhưng tôi vẫn gắn bó sâu sắc với nó. Đó là phần nhân cách của Jacob trong tôi”, Yeun chia sẻ với IndieWire về vai diễn trong Minari.
Vai Jacob của Steven Yeun là một người đàn ông gốc Hàn trên đất Mỹ. Trong anh trào dâng sự giận dữ, đầy tham vọng và thiếu tinh tế tới cùng cực trước những cử chỉ thương yêu của vợ. Trả lời phỏng vấn tạp chí GQ , Yeun từng chia sẻ về những khó khăn mình gặp phải khi nhập vai.
“Đây là vai diễn khiến tôi lo lắng hơn cả. Vô vàn suy nghĩ đã nảy ra trong đầu, khiến tôi hoang mang vô cùng. Tôi không biết mình phải làm gì với vai diễn. Tôi có nên thể hiện nhân vật theo hướng châm biếm? Hay khán giả sẽ muốn một nhân vật đặc sệt tính cách các ông chú Hàn Quốc?”, anh nói.
“Khán giả đã có trong đầu những hình ảnh nhất định về một ông bố châu Á. Thay đổi nó là rất khó. Nhiệm vụ của tôi không chỉ là đáp ứng kỳ vọng của khán giả, mà còn là phá vỡ những định kiến trong đầu mình.
Chúng ta phàn nàn về những thiên kiến của người Mỹ da trắng về mình. Nhưng ta cũng quên mất những thiên kiến ấy là một phần thuộc về con người ta. Đối thủ lớn nhất ta phải vượt qua là chính mình”, anh kết luận.
Yeun chia sẻ Minari giúp anh suy nghĩ thấu đáo hơn về những gì cha mình đã trải qua trong những ngày đầu họ nhập cư vào Mỹ. Los Angeles Times mô tả trong buổi công chiếu bộ phim tại Sundance, Steven Yeun đã ngồi cạnh cha mình, và cả hai cùng khóc. Tờ báo viết: “Họ không trao nhau lời nào trước và sau bộ phim. Hai người đàn ông cùng ngồi bên nhau, im lặng suy tư. Dù không nói, họ vẫn hiểu rõ tâm sự của đối phương”.
'Minari' - giấc mơ Mỹ của người nhập cư Hàn Quốc
Bộ phim "Minari" đem đến thông điệp ấm áp và cảm động về tình người từ hành trình lập nghiệp của một gia đình nhập cư Hàn Quốc trên đất nước Mỹ vào thập niên 1980.
Trailer phim
Thể loại : Chính kịch
Đạo diễn : Lee Isaac Chung
Diễn viên : Steven Yeun, Han Ye-ri, Youn Yuh-jung, Will Patton
Đánh giá : 9/10
Minari là bộ phim độc lập được báo chí quốc tế khen ngợi trong năm qua và là ứng cử viên tiềm tàng cho mùa giải Oscar 2021.
Minari trong tiếng Hàn là cây rau cần. Đó là loại rau dễ trồng, dễ mọc như cỏ dại, chỗ nào có nước là mọc được. Rau cần dùng nấu canh, xào, ăn kèm lẩu, có mùi ngai ngái mà ai đã ghét thì ghét thậm tệ.
Mang dáng dấp một cuốn hồi ký, bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung dựa trên ký ức của anh về những ngày tháng lớn lên tại trang trại hẻo lánh ở Arkansas, Mỹ. Dưới góc nhìn của cậu bé David, cuộc sống trong gia đình nhập cư Hàn Quốc những năm 1980 đầy ắp khó khăn nhưng cũng rất đỗi nên thơ.
Không bàn trước với vợ, người bố Jacob (Steven Yeun) dẫn cả gia đình chuyển từ California đến Arkansas xa xôi, mua một mảnh đất lớn với ước mơ đổi đời, thay vì cứ phải đi soi lỗ huyệt gà con hàng ngày.
Nhưng cái giá phải trả cho giấc mơ Mỹ của Jacob là nguy cơ cả gia đình có thể tan vỡ. Giấc mơ của anh, tuy thật cao thượng và đáng tự hào, nhưng lại ích kỷ biết bao. Người vợ Monica nhẫn nhịn dù cô mong muốn sống ở thành phố hơn là ở thôn quê, mong muốn ở gần bệnh viện để chăm sóc cho David bị bệnh tim, mong muốn ở gần nhà thờ để có thể nói chuyện với những người đồng hương.
Sự xuất hiện của người bà Soon-ja khiến gia đình của Jacob xáo trộn. Tất cả đều là người Hàn Quốc nhập cư tới Mỹ.
Sự xuất hiện của bà mẹ vợ Soon-ja (Youn Yuh-jung) từ Hàn Quốc bay sang ở cùng ban đầu khiến lũ trẻ khó chịu. David nghĩ rằng bà kiểu gì mà không biết nướng bánh, không biết nấu ăn, không biết đọc. Soon-ja đã thay đổi mối quan hệ trong gia đình bởi tật nói huyên thiên, tính cách táo bạo, sự ân cần, và cả một chút khôn ngoan.
Chính bà còn hiểu rõ đứa cháu mình mới gặp hơn là Jacob - người vốn đầu tắt mặt tối ở công ty, rồi đến cuối tuần lại lúi húi bên cánh đồng rau màu. Vốn thường bị che chở quá mức vì bệnh tật, David tuy rất nhỏ tuổi nhưng đã là một đứa trẻ sống nội tâm và khép kín. Soon-ja là người giúp cậu bé mở lòng.
Câu chuyện ấm áp về sự tử tế
Cuộc sống tại nơi ở mới không hề dễ dàng. Khó khăn nối tiếp như muốn đánh gục một người đàn ông quyết tâm như Jacob. Monica dường như cũng đã chịu đựng đến cực hạn. David ngày càng ít nói và ngỗ ngược. Những chi tiết về phân biệt chủng tộc và định kiến được cài cắm khéo léo tuy không quá nặng nề nhưng vẫn đủ để lại nhức nhối cho khán giả.
Chính bà ngoại Soon-ja là người đã kết nối các thành viên bằng sự mộc mạc đến sỗ sàng, với tình yêu thương vô bờ bến. Như rau cần nhổ rồi lại mọc, lụi tàn rồi lại trở lại um tùm, tình cảm gia đình là thứ không bao giờ mất đi, mà chỉ bền vững thêm trước thử thách.
Sau mỗi đổ vỡ là cơ hội để gia đình thêm bền chặt, gắn bó.
Trung tâm của câu chuyện, và cũng là nguồn cơn của gần như mọi tranh cãi, là Jacob và Monica. Hai diễn viên đã thể hiện xuất sắc chân dung hai con người tốt bụng, nhưng lại bất đồng với nhau về quá nhiều mặt.
Định nghĩa thành công của người chồng là làm chủ vùng đất trù phú, làm chủ cuộc đời bản thân; trong khi đó, người vợ lo lắng giấc mơ ấy chưa thành hình thì căn nhà mỏng manh đã bị bão cuốn đi mất.
Sau tất cả khó khăn, họ nhận ra rằng sẽ chẳng có một "happy ending" nào viên mãn mãi mãi chờ họ phía trước. Sau mỗi lần va vấp, người ta phải học cách hàn gắn và nâng đỡ nhau để đối mặt với thử thách tiếp theo. Đó chính là bài học tuyệt vời mà Minari gửi gắm, thay vì một cái kết trọn vẹn như nhiều tác phẩm điện ảnh khác.
Bộ phim được lấp đầy bởi gam màu xanh mướt mát của đồng cỏ, rừng cây và hoa màu như thái độ sống tích cực của gia đình nhỏ người Hàn Quốc. Minari là chân dung những con người vượt qua giông bão để đùm bọc lấy nhau, học cách chấp nhận sự khiếm khuyết của mỗi cá nhân để yêu thương với tất cả trái tim. Nhân vật người hàng xóm kỳ quặc và tốt bụng Paul (Will Patton) đại diện cho sự tử tế mà đôi khi con người không ngờ được đãi ngộ.
Giấc mơ Mỹ qua lăng kính người nhập cư
Kết hợp giữa trí nhớ và tưởng tượng của Lee Isaac Chung, khán giả theo dõi Minari có cảm giác như đang mở ra chiếc lọ đom đóm dẫn về những tháng ngày xưa cũ. Ở đó, ngay cả những ngọn cỏ đu đưa trong gió cũng là ngọn cỏ của quá khứ, lấp lánh hoài niệm và đặc biệt nên thơ. Phần hình ảnh của Minari gợi nhắc những tác phẩm mang đậm triết lý hiện sinh của Terence Malick.
Minari là một góc nhìn về người Hàn Quốc nhập cư tới Mỹ trong quãng thập niên 1980.
Giống như Nomadland hay Soul năm qua, Minari là hành trình con người tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại. Với nhân vật Fern của Frances McDormand, người góa phụ lặng lẽ tìm thấy mục đích trong hành trình vô định của giới du mục (nomads) sau khi dành nửa đời người mắc kẹt ở khu công nghiệp Nevada. Còn Minari là nỗ lực của người nhập cư để gây dựng cơ ngơi, sống sao cho xứng đáng như Jacob nói, không như lũ gà trống con bị cho vào lò đốt.
Mảnh đất mà Jacob dốc cạn túi, có thể là miền đất hứa với người này, nhưng là vùng đất quỷ dữ cho người khác. Thứ mà Jacob thực sự tin tưởng giống như ý chí mạnh mẽ mà nhiều thế hệ người nhập cư tại Mỹ mang đến, là nỗ lực của con người phải đến từ trí tuệ và bàn tay.
Giấc mơ Mỹ của mỗi thế hệ lại khác nhau, nhưng tập hợp lại đã làm nên giá trị và truyền thống cho xứ sở cờ hoa. Fern hay Jacob là một phần của nền văn hóa Mỹ, mà trải qua năm 2020 đầy biến cố, nhiều người dường như quên mất ngoài kia vẫn còn những điều lớn lao tồn tại.
"Minari - Bộ phim sẽ xé nát trái tim bạn để ghép lại thành một trái tim mạnh mẽ hơn" "Minari" được dự đoán sẽ trở thành "Parasite" thứ 2 với câu chuyện xúc động được giới phê bình quốc tế vỗ tay tán thưởng. Vừa qua, phim điện ảnh Minari (Khát Vọng Đổi Đời) đã gây được tiếng vang khắp Hollywood. Đây là thước phim tự truyện về một gia đình nhập cư người Mỹ gốc Hàn đang cố gắng duy trì...