Steve Ballmer – CEO gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Microsoft
Là tỷ phú giàu thứ 9 thế giới và là một trong 3 vị CEO của tập đoàn Microsoft, Steve Ballmer từng là một trong những doanh nhân quyền lực nhất hành tinh.
Ông tiếp quản chiếc ghế CEO Microsoft sau sự ra đi của nhà sáng lập Bill Gates. Xét về một mặt nào đó, Ballmer đã giúp Microsoft tăng trưởng với những quyết định sáng suốt về cơ cấu bộ máy, tuyển dụng nhân sự và bán hàng. Nhưng mặt khác, chính ông là người đã khiến Microsoft sa sút do tầm nhìn hạn hẹp về công nghệ của mình.
Trong hơn 30 năm gắn bó với Microsoft, Ballmer nổi tiếng là một “ông sếp” truyền rất nhiều năng lượng và tình yêu công ty đến các nhân viên của mình. Những cống hiến ông dành cho Microsoft là không có gì bàn cãi, tuy nhiên, trong cuộc đời làm lãnh đạo của mình Ballmer cũng đã phạm phải những sai lầm rất khó chấp nhận.
Steven Anthony Ballmer (sinh ngày 24 tháng 3 năm 1956 tại Detroit, Michigan) là một doanh nhân người Mỹ và là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Microsoft từ tháng 1 năm 2000.
Từ bé, tư chất thông minh của Steve đã được bộc lộ với điểm số luôn đứng đầu lớp, vượt xa những đứa trẻ cùng lứa khác. Steve đặc biệt say mê môn toán học, từng đạt kỷ lục môn toán với 800 điểm và kết quả các môn học hầu như đạt điểm tuyệt đối.
Năm 1973, Steve tốt nghiệp trung học và nhận được học bổng vào trường ĐH Harvard. Tại đây, không chỉ nổi bật với các kết quả học tập vượt trội mà Steve còn nổi tiếng trong trường với nhiều bài báo viết về các lĩnh vực toán học, kỹ thuật và cả văn chương… cho tờ Harvard Crimson, tờ tạp chí của trường. Cũng chính tại đây, Steve gặp Bill Gates. Trong khi Bill là một thiên tài về công nghệ thông tin trong khi Steve lại nổi bật về khả năng kinh doanh, nhưng chính những khác biệt đó tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa hai con người xuất sắc này. Năm 1980, ông quyết định kết thúc chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Stanford Graduate để đầu quân cho Microsoft.
Bill là một thiên tài về công nghệ thông tin trong khi Steve lại nổi bật về khả năng kinh doanh, chính những khác biệt đó tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa hai con người xuất sắc này.
Steve Ballmer là người đầu tiên trở thành tỷ phú (đô la) theo giá trị cổ phiếu thu được với vai trò là nhân viên của một tập đoàn mà ông ta không phải là người sáng lập hay là người thân của người sáng lập. Trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2007 của Tạp chí Forbes, Ballmer được xếp là người giàu thứ 31 trên thế giới, với tài sản ước tính trị giá 15 tỷ Đô la Mỹ.
Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes năm 2007, Ballmer là người giàu thứ 31 trên thế giới
Con đường đi đến vị trí CEO Microsoft
Gia nhập Microsoft vào năm 1980 và trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của công ty, Steve Ballmer dốc sức mình trong hai thập kỷ trên cương vị giám đốc kinh doanh, đưa phần mềm Microsoft có mặt trên 97% máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Mức lương ban đầu của Ballmer là 50.000 USD, kèm theo tỷ lệ phần trăm quyền sở hữu của công ty. Suốt gần ba thập niên làm việc tại đây, ông đã lãnh đạo một số bộ phận của Microsoft, bao gồm phòng kế hoạch, phát triển hệ điều hành, kinh doanh và hỗ trợ khách hàng.
Ballmer là nhà quản lý chuyên nghiệp đầu tiên của Microsoft
Trong những năm đầu, Steve đã bỏ rất nhiều công sức vào việc tiến hành các chương trình nghiên cứu nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng và đưa ra các giải pháp, lên kế hoạch cho các loại sản phẩm công nghệ cao của Microsoft. Trải qua rất nhiều khó khăn, thành quả xứng đáng Steve nhận được chính là mô hình dịch vụ khách hàng rộng lớn và mối quan hệ bền vững, toàn diện của Microsoft với hơn 640.000 đối tác trên khắp thế giới.
Không chỉ thu hút khách hàng, Steve còn là người xuất sắc trong việc lập chiến lược thu hút nhân tài cho Microsoft. Với gần 60.000 nhân viên tại hơn 90 quốc gia, Microsoft đang nắm trong tay những thành phần tinh nhuệ nhất thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin để hằng năm thu về doanh số 40 tỉ USD.
Không chỉ thu hút khách hàng, Steve còn là người xuất sắc trong việc lập chiến lược thu hút nhân tài cho Microsoft.
Ngày 13/1/2000, dưới sự tín nhiệm của Bill Gates, Steve Ballmer chính thức trở thành CEO – “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền Microsoft.
Thành tích sau khi kế nhiệm
Sau ngày nhậm chức, Ballmer bắt đầu triển khai kế hoạch để tung ra dòng sản phẩm chủ lực của Microsoft: máy chơi game console Xbox 360. Chiếc máy này đã mang lại doanh thu đáng kể cho Microsoft và thậm chí định nghĩa lại khái niệm chơi game trực tuyến, một điều không hề dễ dàng trong thời đại công nghệ.
Năm 2007, Steve Ballmer và Bill Gates cùng tung ra nền tảng Windows Vista thay thế Window XP. Song, không như mong đợi, Vista trở thành “thảm họa” dưới triều đại của Steve Ballmer. Sau thất bại thảm hại của Windows Vista, Ballmer tiếp tục cho ra mắt hệ điều hành Windows 7 và nhận được những phản ứng khá tích cực. Sản phẩm đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dùng muốn tìm kiếm sự đổi mới.
Thương vụ tỷ đô giữa Microsoft và Skype
Một trong những quyết định mang tầm chiến lược của Ballmer thời còn tại chức là thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ thành công nhất của hãng. Sau đó, Ballmer đã chuyển gần 250 triệu đô la Mỹ vào Facebook và đóng một vài trò quan trọng trong việc hình thành công ty như ngày nay. Microsoft đã tung ra thị trường những dịch vụ hữu ích như: tìm kiếm Bing, bản đồ, công cụ dịch ngôn ngữ để tạo ra sức mạnh cho nhiều tính năng nổi bật của Facebook.
Năm 2012, hãng liên tiếp tung ra sản phẩm mới như Windows Phone 8 và dòng tablet Surface (bao gồm Surface Pro và Surface RT). Vì ra đời cùng các thiết bị mới, trong đó có Nokia Lumia, Windows Phone 8 được đánh giá là “đòn tấn công” khá mạnh vào các đối thủ.
Năm 2012, Microsoft liên tiếp tung ra sản phẩm mới
Tháng 5/2013 đánh dấu sự ra đời của Xbox One – hệ thống chơi game giải trí được cải tiến và hỗ trợ tất cả tính năng trong một – vào ba tháng trước khi Steve Ballmer tuyên bố nghỉ hưu để rộng đường cho công cuộc cải tổ mà hãng đang tiến hành.
Xbox One là dấu ấn cũng như kỷ niệm của Ballmer trước khi rời Microsoft
Những sai lầm không thể cứu vãn
Ballmer còn được biết đến như một người luôn chỉ trích những công ty và sản phẩm cạnh tranh của họ. Vào năm 2004, ông đã có phát biểu được đưa lên những hàng tít đầu khi cho rằng định dạng âm nhạc phổ biến nhất trên iPod là “đồ ăn cắp”. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, khi được hỏi có sử dụng iPod không, ông đã trả lời “Không, tôi không xài. Và những đứa con tôi cũng vậy. Các con tôi cũng có nhiều lúc cư xử không đúng mực như bao đứa trẻ khác. Nhưng ít nhất có một nguyên tắc chúng cần tuân theo: Không sử dụng Google, không dùng iPod.”
Trong thời gian làm CEO, Ballmer mắc phải những sai lầm gây thiệt hại tới cả tỷ USD cho Microsoft, đánh mất vị trí thống trị thị trường. Cổ phiếu của hãng trong hơn một thập kỷ qua không vượt được mốc 50 USD, thời điểm đánh dấu cuộc chuyển ngôi quyền lực trong tập đoàn của hai người bạn học: từ Bill Gates sang Steve Ballmer.
Trong thời gian làm CEO, Ballmer mắc phải những sai lầm gây thiệt hại tới cả tỷ USD cho Microsoft, đánh mất vị trí thống trị thị trường.
Đầu tiên là thương vụ mua lại hãng marketing số aQuantive, mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, Microsoft chi 6,3 tỷ USD để mua lại công ty này nhưng chỉ 5 năm sau đó, hãng phần mềm thừa nhận mất trắng 6,2 tỷ USD vì aQuantive mất giá. Theo GeekWire, Microsoft đã không tập trung phát triển thế mạnh về quảng cáo hiển thị của công ty mình vừa mua về mà chỉ chăm chút cho quảng cáo tìm kiếm (được xem là động thái nhằm cạnh tranh với Google). Những vấn đề nội bộ sau khi sáp nhập cũng khiến nhân tài của aQuantive bỏ việc, nhanh chóng biến doanh nghiệp này thành “cái xác” có giá 100 triệu USD.
Một vụ mua lại khác (lần này bất thành) cũng khiến Ballmer nuối tiếc vì quyết định của mình. Năm 2008, Microsoft sẵn sàng chi 45 tỷ USD để thâu tóm Yahoo. CEO hãng lúc này là Jerry Yang và một số thành viên ban lãnh đạo Yahoo đã không thống nhất khiến Microsoft bỏ cuộc. Lúc đó, Ballmer cho rằng mình may mắn vì Yahoo đang trong cảnh thê thảm khi các mảng kinh doanh lần lượt bị lấn át bởi Google. Nhưng từ khi Marissa Mayer lên nắm quyền điều hành Yahoo, hãng như trải qua một cuộc “lột xác” khiến Steve phải thừa nhận mình sai khi quay lưng bỏ thương vụ này.
Năm 2012, Microsoft cho ra mắt máy tính bảng Surface. Đây được xem là một quyết định đúng của Microsoft trên con đường cạnh tranh và giảm ảnh hưởng của iPad (Apple) lên thị trường. Nhưng câu chuyện đầu tư và điều hành dự án này lại là một sai lầm của Steve. Báo cáo quý II/2013 cho thấy, Microsoft lãi tổng 4,97 tỷ USD nhưng riêng Surface lỗ 900 triệu USD. Đại diện hãng cho biết số tiền “khủng” chi cho Surface (gồm máy và phụ kiện) là phí lưu kho do hàng ế.
Máy tính bảng Surface – đúng người, đúng thời điểm nhưng sai cách đầu tư và điều hành
Microsoft cũng từng bước chân vào thị trường điện thoại với vai trò là một nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Năm 2008, hãng đã chi 500 triệu USD để mua lại công ty Danger, đơn vị sản xuất nền tảng Sidekick đang thịnh hành cho smartphone thời đó. Hai năm sau, Microsoft tung ra mẫu smartphone của riêng mình với tên Kin. Nhưng chỉ xuất hiện trên thị trường vài tháng, Kin đã bị chính Microsoft “khai tử” vì thất bại nặng nề về doanh thu, không theo kịp được xu hướng điện thoại lúc này.
Kin nhanh chóng bị Microsoft khai tử
Vài năm trước đó, khi iPhone ra đời (2007), trong một cuộc phỏng vấn Steve Ballmer đã phá lên cười khi được hỏi đánh giá thế nào về thiết bị này. Ông không tin mẫu điện thoại màn hình cảm ứng không bàn phím, có giá hàng trăm USD sẽ thành công bởi cho rằng điều đó đi ngược với thị hiếu khách hàng.
Không chỉ cạnh tranh về phần cứng, cả thị trường quảng cáo lẫn phần mềm Microsoft đều có một đối thủ “khó chơi” là Google. Theo BI, Ballmer đã chi hàng tỷ USD với một mục đích duy nhất là triệt hạ được Google bằng các dịch vụ trực tuyến (quảng cáo, tìm kiếm…). Bing là công cụ tìm kiếm sinh ra để đối đầu với Google nhưng chưa hoàn thành được sứ mệnh.
Việc cố công vượt qua Google ở mảng kinh doanh trực tuyến tiếp tục là một sai lầm “đốt tiền” của Ballmer. Ông bị ám ảnh bởi công cụ tìm kiếm từ đối thủ quá nhiều mà quên đi hệ điều hành di động Android, sản phẩm dù miễn phí nhưng vẫn mang về tiền tỷ mỗi năm cho “gã khổng lồ tìm kiếm” thông qua quảng cáo và phát triển ứng dụng. Nếu Steve tập trung cho Windows Phone ngay từ đầu thì không trừ khả năng hệ điều hành di động nắm 80% thị phần thế giới chính là của Microsoft (với thế mạnh phần mềm), thay vì chỉ có trong tay vài phần trăm như hiện thời.
Nếu Steve tập trung cho Windows Phone ngay từ đầu thì không trừ khả năng hệ điều hành di động nắm 80% thị phần thế giới chính là của Microsoft (với thế mạnh phần mềm), thay vì chỉ có trong tay vài phần trăm như hiện thời.
Những tính toán sai lầm kể trên khiến Ballmer phải mang tiếng “nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn công nghệ tại Thung lũng Silicon”. Ông bị xem là một người không có khả năng nhìn ra trước những bước ngoặt thay đổi thời thế trong ngành công nghệ. Hệ quả tất yếu là một cuộc thoái vị khiến các nhà đầu tư đồng loạt vỗ tay hưởng ứng và đẩy giá cổ phiếu của Microsoft lên cao.
Hiện bắt đầu xuất hiện một số thông tin về nguyên nhân phía sau tuyên bố rời ghế CEO bất ngờ của Steve Ballmer. Theo AllThingsD, Ballmer bị buộc thôi việc trong vỏ bọc nghỉ hưu. “Có thể ý định ban đầu là của chính Steve nhưng ông lại được cả 9 thành viên ban lãnh đạo công ty đồng ý rằng sẽ tốt hơn nếu ông nghỉ sớm, trong đó có Bill Gates”, một nguồn tin cho hay. Và người duy nhất có thể bãi nhiệm Steve Ballmer trên chiếc ghế số một tại Microsoft không ai khác chính là Gates.
“Chia tay trong nước mắt”
Nhìn lại một chặng đường dài, hầu như mọi người chỉ nhớ đến những lỗi lầm của Steve Ballmer
Ngày 01/10/2013, Steve Ballmer đã chính thức gửi lời từ biệt đến nhân viên khi ông tổ chức cuộc họp cuối cùng trong tư cách CEO của Microsoft. Steve Ballmer đã rời Microsoft, nhưng mãi lưu dấu vinh quang trong lịch sử “gã khổng lồ” phần mềm này. Vị CEO của Microsoft cũng nói với các nhân viên của hãng rằng: “Chúng ta sẽ cho ra mắt những thứ lớn lao sắp tới… Và chúng ta sẽ lại thay đổi thế giới”.
Trong buổi chia tay, Ballmer đã bật bài hát “Wanna Be Starting Something” của Michael Jackson, bài hát mà Ballmer đã mở trong cuộc họp đầu tiên của ông tại Microsoft vào năm 1983. Sau đó, Ballmer đã nhảy vòng quanh sân khấu và hét lớn: “Đây là âm thanh của Microsoft!”. Khi bài hát kết thúc, Ballmer đã trầm ngâm “để thưởng thức nó”, và những giọt nước mắt bắt đầu chảy trên khuôn mặt vị CEO của hãng phần mềm lớn nhất thế giới. “Bạn làm việc cho công ty lớn nhất thế giới, hãy hưởng thụ điều đó”.
Trong cuối bài phát biểu, Ballmer cũng cảm hơn hàng ngàn công nhân đang đứng xếp hàng nghe ông nói. “Tôi muốn cảm ơn các bạn… Nó không phải là về một cá nhân cụ thể nào mà là sự quan trọng, sáng tạo và lạc quan của công ty”. Bài phát biểu của Ballmer kết thúc trong bài hát “I’ve had The Time of My Life” của Bill Medley và Jennifer Warnes và ông tiếp tục nhảy và chạy quanh sân khấu. Các nhân viên của Microsoft đã vẫy tay và hét lớn: “Chúng tôi yêu bạn!” khi bài phát biểu của Ballmer kết thúc.
Kết thúc công việc tại Microsoft sau hơn 30 năm, buổi chia tay Ballmer đã để lại nhiều cảm xúc cho ông và mọi người
Trong cuốn hồi ký Thế giới khác đi nhờ có bạn, nguyên phó Giám đốc toàn cầu Microsoft, Lý Khai Phục đã viết về Ballmer rằng: “Steve Ballmer không chuyên chú vào công nghệ như Bill Gates. Ông đích thực là một người “cuồng quản lý”. Có thể nói, ông là đội trưởng đội cổ vũ cho Microsoft, vô cùng hăng hái nhiệt tình. Giọng của ông sang sảng đầy sức mạnh, nồng nhiệt và cảm tính, dễ đi vào lòng người.”, “Nhiệt huyết của Ballmer luôn ảnh hưởng tích cực đến nhân viên Microsoft. Giọng nói sang sảng của ông rất nổi tiếng trong giới công nghệ. Ngày 27 tháng 7 năm 1998, trong hội nghị bán hàng được tổ hức mỗi năm một lần của Microsoft tại New Orleand, Ballmer được dịp gào rách giọng: “Tôi yêu Microsoft! Tôi yêu Microsoft!”, khiến hơn 50 nghìn nhân viên bán hàng bên dưới bị kích động, tiếng reo hò vỗ tay dài đến 5 phút. Năng lực lãnh đạo, sự gần gũi và nhiệt tình của Ballmer dành cho Microsoft quả thực vô địch!”
Nguồn: Happy Live , người thành công
"Đế chế" game Sega và sự sụp đổ cay đắng trong lịch sử ngành game thế giới
Nói đến cuộc chiến giữa các hệ máy chơi game thì người ta thường hay nhắc đến những ông lớn như Microsoft, Nintendo, Sony nhưng lại bỏ quên cái tên SEGA.
Trong quá khứ, SEGA từng là một trong những thế lực đáng gờm với những tựa game như Sonic, Mortal Kombat, Bomberman ... một thời từng thống trị thị trường máy chơi game tại phương Tây nhưng sau một vài quyết định sai lầm, SEGA bỗng chốc suy sụp và phải từ bỏ cuộc chơi phần cứng máy chơi game từng giúp hãng trở thành huyền thoại.
Nói đến lịch sử console war (cuộc chiến giữa các hệ máy console) thì người ta thường hay nhắc đến những kẻ còn sống sót như Microsoft, Nintendo, Sony nhưng ít ai biết được về những kẻ đã ngã xuống trong quá khứ. SEGA là một trong số những lãnh chúa đã ngã sấp mặt trong cuộc chiến này và phải từ bỏ cuộc chơi phần cứng máy chơi game trở thành một hãng sản xuất game khiêm tốn.
Lịch sử của SEGA gắn với phần cứng và phần mềm game với những bước thăng trầm đầy hào hùng và một cái chết có thể nói là đầy oanh liệt.
Những ngày lập quốc
SEGA được manh nha từ nhưng năm 1940 tại Mỹ như một công ty chuyên cung cấp máy chơi game bằng tiền xu lắp đặt cho các trại lính. Với sự bùng nổ của thế chiến 2, số lượng quân lính tăng cao nên công ty Standard Games thời ấy ăn nên làm ra nhanh.
Các máy slot machine của Standard Games
Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội Mỹ ra lệnh cấm máy chơi game xu kiểu slot machine trong trại lính nên Standard Games đầu tư sang Nhật và tiếp tục cung cấp máy chơi game cho các trại lính Mỹ tại Nhật Bản dưới tên gọi Services Games.
Sau đó, David Rosen một sĩ quan Mỹ đóng quân tại Nhật đã khởi nghiệp bằng 2 phòng chụp ảnh thẻ nhanh (một dạng game thùng quen thuộc ngày nay) tại Tokyo năm 1954. Khách đến đông đúc, sự nghiệp thăng hoa, Rosen thành lập công ty với tên gọi Rosen Enterprises tiếp tục nhập khẩu nhiều loại máy game thùng sang Nhật.
David Rosen, cựu sĩ quan Mỹ và là cha đẻ của SEGA
Services Games đóng cửa năm 1960 tại Nhật, vài ngày sau 2 công ty khác nổi lên là Nihon Goraku Bussan và Nihon Kikai Seizo, tiếp quản các công việc của Services Games để lại. Đến năm 1965, Rosen đứng ra sáp nhập Rosen Enterprise của mình (lúc này sở hữu 200 máy game thùng trên khắp Nhật Bản) và Nihon Goraku Bussan và trở thành giám đốc điều hành của công ty mới. Sau sáp nhập doanh nghiệp này đổi tên thành SEGA Enterprises, viết tắt của Services Games.
Phát triển thần kỳ và gia nhập làng console
Giai đoạn 1978 - 1983, SEGA tập trung mạnh vào mảng game thùng và sản xuất nhiều trò chơi để đời như Zaxxon, Astron Belt, gặt hái được nhiều thành công lớn và doanh thu tăng vọt.
Đến năm 1982 SEGA tiến hành đưa những game ăn khách của mình đến các máy console phổ biến như Atari 8bit hay Commodore64. Đến 1983 làng game chứng kiến đợt suy thoái đầu tiên khiến doanh thu của tất cả các công ty bị sụt giảm, SEGA bị tụt doanh thu đến 136 triệu USD khiến họ phải tìm nguồn thu khác. Thế là chiếc máy console đầu tiên của hãng là SG-1000 ra đời kèm theo hy vọng mở hướng hướng kinh doanh mới sang máy console gia đình bên cạnh ngành chính là game thùng.
SG-1000, máy console đầu tiên do SEGA sản xuất
SG-1000 thành công vang dội trong năm phát hành đầu tiên. Tuy vậy hành trình của chiếc máy này khá chông gai khi Nintendo cũng phát hành hệ máy NES trong cùng thời điểm. Với ưu thế phần cứng và các nhà phát triển ngoài trội hơn, Nintendo đè bẹp SG-1000 cùng nhiều hệ console khác.
Đến năm 1989, Nintendo bá đạo toàn cõi trong lịch sử console war với độ kiểm soát chiếm đến 90% thị phần game thế giới. Chiếc máy đời sau là SEGA Master System không phải là đối thủ của Nintendo, SEGA bước vào thập kỷ 90 với vị thế phải chống lại gã khổng lồ Nintendo để giành lại thị phần game console màu mỡ.
Thập kỷ vinh quang ngời ngời
Năm 1989 đánh dấu chuỗi thành công của SEGA khi họ phát hành chiếc máy chơi game mới SEGA Genesis (tên gốc là Mega Drive). Kèm theo đó là một bộ game độc quyền đi vào huyền thoại: Sonic the Hedgehog. Với chiến dịch marketing mạnh mẽ và sự thành công của game Sonic, SEGA nhanh chóng lấy lại được tập khách hàng tại thị trường Bắc Mỹ. Mặc dù tại thị trường quê nhà Nhật Bản nó chìm nghỉm trước Nintendo.
Chân dung máy SEGA Genesis, tác phẩm đưa SEGA lên đỉnh
Thành công cực mạnh của Genesis giúp SEGA tiếp tục công phạt thị trường bằng nhiều tựa game về thể thao, game port từ các máy game thùng thành công của SEGA trước đây. Không chỉ thị trường Bắc Mỹ, SEGA lấn hẳn sang thị trường Châu Âu và lan rộng một cách khủng khiếp.
Đến năm 1992, SEGA đạp đổ Nintendo với một lãnh địa rộng lớn chiếm 60% thị phần game console thế giới. Từ đây, hãng phần cứng này trở thành một cái tên lưu danh trong lịch sử console war thế giới. Với sự thành công này, SEGA nở rộng gấp 10 lần về quy mô và đẻ ra hàng loạt thứ khác như máy chơi game cầm tay Game Gear để cạnh tranh với Gameboy của Nintendo.
Những phần cắm thêm rườm rà
Sang năm 1993 hãng này bắt đầu mắc những sai lầm đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ đế chế của mình: Mega CD. Đây là một thiết bị phụ mang ổ đĩa CD cắm thêm vào chiếc máy Genesis giúp người dùng có thể chơi game từ đĩa CD và kèm theo tính năng nghe nhạc từ CD. Sản phẩm này bước đầu được đón nhận nồng nhiệt với nhiều lời khen ngợi cùng giải thưởng nhưng sau đó nó bị chê bai nhiều bởi nhiều lỗi vặt, thiếu game hỗ trợ.
Mega CD, phần đế cắm thêm cung cấp ổ CD cho Genesis
Năm 1994 đánh dấu một bước sai lầm nghiêm trọng khi SEGA đang thai nghén thế hệ console mới là SEGA Saturn 32bit thay cho chiếc máy Genesis 16bit cũ kỹ thì Atari ra mắt máy Jaguar với hệ thống 64bit mạnh mẽ. Lo sợ mất thị phần, tổng hành dinh SEGA tại Nhật yêu cầu chi nhánh Mỹ phải làm cái gì đó để đối phó với sản phẩm này của đối thủ.
SEGA Mỹ đã nhanh chóng thiết kế ra bộ add-on nâng cấp 32bit cho Genesis. Cục add-on này là một khe băng mới cắm vào khe băng của Genesis như một đầu chuyển và kèm theo một số bộ xử lý, chip mới giúp máy chạy được game 32bit. Ngay lập tức nó tạo ra cơn sốt mới nhưng cũng mở cửa tử lộ cho SEGA.
Cục add-on mang tên 32X cắm nối tiếp vào khe băng của Genesis
Add-on này ra mắt trong tình thế chỉ còn 1 năm nữa là Saturn ra mắt, nói cách khác SEGA tự cạnh tranh với chính mình khi ra mắt 1 cái add-on mà khi có nó người dùng sẽ không có nhu cầu mua Saturn nữa. Mặt khác, để ra mắt chiếc add-on này chi nhánh SEGA tại Mỹ phải đổ hàng đống tài nguyên và tiền bạc vào việc quảng cáo, marketing, sản xuất phần cứng, phân phối sản phẩm. Những chi phí này lẽ ra phải dành để chạy cho Saturn nay phải cắt ra cho 1 sản phẩm mà chỉ có thể tồn tại trong 1 năm chờ Saturn ra mắt.
Chân dung một chiếc Genesis "full phụ kiện"
Tệ hơn nữa, nó cần một kiểu phát triển khác để làm game 32bit thay cho 16bit cũ, nghĩa là hệ thống game của nó hầu như chưa có gì mà khi người ta kịp phát triển game cho nó thì Saturn đã thay thế nó. Ngày add-on ra mắt chỉ có 3 game hỗ trợ và chúng cũng bị đặt trong tình trạng làm vội cho xong nên chất lượng cực tệ. SEGA trở nên xấu xí và tham lam trong mắt người hâm mộ kể từ đó.
Khinh thường Sony và tạo thêm kẻ thù
Như Mọt Game đã kể ở một câu chuyện lịch sử console war khác về chiếc máy Nintendo Playstation, Sony bị mất mặt khi Nintendo quay lưng khiến chiếc máy hợp tác dang dở có nguy cơ phải chết yểu. Sau sự kiện đó, ban lãnh đạo của Sony Bắc Mỹ đã gặp CEO của SEGA Bắc Mỹ là Tom Kalinske để bàn chuyện hợp tác sản xuất chiếc máy console mới.
Trong khi tổng bộ của Sony tại Nhật Bản đồng ý kế hoạch hợp tác thì tổng bộ SEGA tại Nhật không chấp nhận. Họ cho rằng Sony không có tiềm năng vì hãng này không có kinh nghiệm làm máy chơi game cũng chả có kinh nghiệm làm phần mềm game (như SEGA tao đây). Thế là một lần nữa Sony bị vứt bỏ.
Lẽ ra SEGA đã có thể hưởng lợi từ sự đổ vỡ của Nintendo Playstation
Không còn đối tác để hợp tác Sony đành gồng mình tự làm hệ máy console cho mình và kết quả là Playstation ra đời đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của Sony. Chiếc máy của Sony nhanh chóng bán được 100 triệu bản khiến SEGA sau đó nhận ra mình đã ngu ngốc như thế nào khi đánh giá quá thấp người khác. Thay vì ngày đó họ gật đầu họ đã có thể có thêm nguồn lực mới và bớt đi 1 kẻ thù.
Saturn và tổng hợp của những sai lầm chết người
Chiếc máy Saturn ra mắt tại Nhật năm 1994 và được đánh giá khá cao, vượt trên cả Playstation. Tuy nhiên tổng bộ SEGA tại Nhật rất lo lắng về cuộc cạnh tranh tại Bắc Mỹ, thị trường béo bở của các hãng game lúc này. Phía Nhật ra lệnh cho chi nhánh Mỹ nhanh chóng phát hành Saturn ngay trong tháng 5/1995 thay vì tháng 9/1995 như lịch công bố từ trước.
SEGA Saturn với hệ thống 32bit, khe băng và ổ CD tích hợp sẵn
Thế là ngay tại họp báo của mình hội chợ E3 năm 1995, SEGA công bố bán ra Saturn ngay lập tức với giá 399 USD khiến tất cả mọi người đều giật mình. Sony có lịch họp báo sau đó đã có một hpản ứng đầy ấn tượng.
Giám đốc Sony Bắc Mỹ, Steve Race đã chuẩn bị một bài phát biểu dài sau khi cấp dưới của ông giới thiệu mọi thứ về chiếc máy Playstation sắp ra mắt. Tuy nhiên sau khi tiếp nhận tin về Saturn ở buổi họp báo trước, ông bước lên bục và chỉ nói 1 lời duy nhất: "299" và bước xuống.
Câu trả lời đầy khí chất và ngắn gọn này chính là lời tuyên chiến thẳng thừng với SEGA khi Sony bán Playstation rẻ hơn 100 USD so với đối thủ và giá này là thống nhất trên toàn thế giới.
Saturn bước đầu bán được nhưng nhanh chóng tuột dốc không phanh khi càng về sau họ càng lộ rõ nhược điểm về phần cứng của mình. Saturn chạy 2 CPU 32bit nhưng có thiết kế phức tạp với nhiều chip và bus kết nối đan xen. Điều này khiến việc lập trình game chạy trên hệ thống phức hợp này rất khó. Saturn dùng hệ thống phần cứng cũ nên việc render 3D cũng cực kỳ phức tạp, không nhiều lập trình viên đủ giỏi để "đỡ" nổi hệ thống này.
Playstation thì ngược lại, họ có thiết kế phần cứng mới, bố trí trực tiếp hơn khiến việc lập trình dễ dàng hơn và xử lý 3D cũng tốt hơn. Càng về sau game và cộng đồng của Playstation càng lấn lướt Saturn và đến năm 1998, Saturn chính thức về hưu trong thế thua cuộc.
SML và rời cuộc chơi
Đến năm 1997, năm cuối cùng của Saturn, SEGA bắt đầu nếm trái đắng của những hành động dại dột mình làm trước kia. Saturn đuối sức trước Playstation, Game Gear và thế hệ sau là Nomad không đánh bại được gameboy do thời lượng pin ngắn và ít game độc quyền, hình ảnh xuống dốc trong lòng fan hâm mộ. Doanh thu bắt đầu giảm và ngày càng giảm sâu khiến SEGA tích cực tập trung đầu tư vào thế hệ máy console kế tiếp, Dreamcast, với hy vọng sẽ lấy lại được cân bằng thị trường.
Chiếc máy Dreamcast của SEGA, được đánh giá rất cao về phần cứng và tính năng
Chiếc máy Dreamcast thực sự cho thấy quyết tâm của SEGA khi họ có phần cứng mạnh mẽ hơn Playstation, thiết kế đơn giản và dễ lập trình hơn, thậm chí tích hợp cả modem kết nối internet để có thể chơi nối mạng online.
Về game, SEGA đổ tất cả những thứ họ có vào đây, thậm chí họ có cả Phantasy Star Online, tựa game MMORPG đầu tiên trong lịch sử dành cho hệ console. Thậm chí studio nội bộ của SEGA cũng tung gần 50 triệu USD để làm một game đầy tham vọng là Shenmue dành riêng cho Dreamcast.
SEGA đổ gần 50 triệu USD (thời điểm 1997) cho Shenmue
Hệ máy mới này là một thành công lớn, được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên nó nhanh chóng bị xếp xó khi Playstation 2 ra mắt năm 2000 và kéo theo đó là Microsoft vào cuộc cùng chiếc Xbox. Mặc dù so về tính năng Dreamcast vẫn nhỉnh hơn nhưng họ lại vung tiền quá nhiều vào nó nên khi đối thủ ra mắt cũng là lúc SEGA kiệt quệ. Doanh thu 138 triệu USD từ Dreamcast không thấm vào đâu so với số tiền mà họ đổ ra để đẩy chiếc máy này vào thị trường.
Hành trình 5 năm "âm tiền" của SEGA
Năm 2001, SEGA chính thức tuyên bố dừng sản xuất Dreamcast và rút khỏi thị trường console. SEGA Enterprise đổi tên thành SEGA Corporation và chuyển hướng về sản xuất game cho các hệ console. Với tuyên bố này, SEGA chính thức bước ra khỏi lịch sử console war với thế thua cuộc và... một đống nợ.
Sống sót nhờ tình bạn cũ
Đến năm 2002 SEGA đối mặt với năm thứ 5 liên tiếp bị âm tiền, hãng này có thể sống sót và tiếp tục tồn tại để chuyển hướng là nhờ vào ân tình cũ của Isao Okawa. Okawa là bạn cũ của nhà sáng lập SEGA, David Rosen, ông cũng là sáng lập và chủ tịch quỹ đầu tư CSK Holdings đang sở hữu SEGA.
Ông Isao Okawa giám đốc CSK (bìa trái) và ông Hayao Nakayama chủ tịch SEGA (bìa phải)
Trong 5 năm thua lỗ ông đã lấy tiền túi ra 500 triệu USD làm một khoảng vay cho SEGA khỏi sập, đến 2001 khi hấp hối trên giường bệnh ông đã di chúc lại tài sản 692 triệu USD bằng cổ phiếu mà ông sở hữu ở SEGA và CSK tặng lại cho SEGA tiếp tục hoạt động đồng thời xóa luôn khoản nợ 500 triệu USD trước đây cho SEGA.
Nói một cách nào đó SEGA sống sót là nhờ ân tình của Okawa, nguyên nhân của sự hào phóng này không ai biết được nhưng có lẽ Okawa không muốn thấy tâm huyết của người bạn thân Rosen bị hủy hoại trong tay mình.
Hai thập kỷ vinh quang và cay đắng
Như vậy trong vòng gần 2 thập kỷ từ 1983 đến 2001, SEGA đã bước vào và tung hoành trong lịch sử console war nhưng họ đã có những sai lầm ấu trĩ khiến cái giá phải trả là mọi công sức đều tiêu tan và phía rời khỏi cuộc chơi trong thế thua. Những phút gượng dậy cuối cùng với Dreamcast cứu họ khỏi nhục nhã nhưng không thể cứu vãn thế thua quá lớn của họ.
Chiếc máy Genesis 16bit đã đưa SEGA lên mây nhưng sự phình to quá nhanh kèm theo tâm lý chưa chuẩn bị kỹ, tư tưởng kinh doanh bảo thủ và một chút "bệnh ngôi sao" khiến họ thất bại từ Saturn và không thể gượng dậy với Dreamcast.
Theo người thành công, motgame
Bill Gates huyền thoại giàu nhất hành tinh và đế chế microsoft hùng mạnh Bill Gates đã từ nhiệm chức CEO Microsoft cách nay đã gần 20 năm, nhưng sức nóng của vị tỷ phú này trên thương trường vẫn là chưa bao giờ suy giảm. Từ một cậu bé sống khép kín thuở nhỏ, bằng niềm đam mê và sự nhạy bén của bộ óc thiên tài, Bill Gates đã gầy dựng nên đế chế Microsoft...