Stephen Hawking – người ngồi xe lăn ‘du hành’ vũ trụ
‘Tôi đã có một cuộc sống khác thường trên hành tinh này, trong khi lại đồng thời du hành ngang qua vũ trụ bằng trí tưởng tượng và các định luật vật lý’, Stephen Hawking từng viết.
“Thấy đôi trẻ ngoài đường cãi nhau, chú bé hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sao chú kia đứng sát cô đó mà chú nói lớn vậy?
- À, vì tuy đứng sát nhau, trái tim 2 người đó đã xa nhau đó con”.
Một số người có thói quen nói lớn dù đứng gần người nghe, bên cạnh đó còn có thói quen trả lời lớn cho những câu hỏi nhỏ.
Khi đọc cuốn Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn của Stephen Hawking, ta có thể hiểu rằng: “Người nhỏ” mới có thói quen trả lời lớn cho những câu hỏi nhỏ. Còn “người lớn”, họ sẽ trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn.
Stephen Hawking – tác giả lớn
Chẳng “lớn” sao khi bản thân tác giả Stephen Hawking bộc bạch: “Tôi đã có một cuộc sống khác thường trên hành tinh này, trong khi lại đồng thời du hành ngang qua vũ trụ bằng trí tưởng tượng của mình và các định luật vật lý…”.
“Trên Trái Đất, tôi đã trải nghiệm những thăng trầm, hỗn loạn và yên bình, thành đạt và khổ đau. Tôi từng giàu và nghèo, tôi từng lành lặn và tàn tật”, ông viết.
Nhờ có Stephen Hawking và các tác phẩm của ông ( Lược sử thời gian, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, Lỗ đen – các bài thuyết giảng trên đài, Bản thiết kế vĩ đại – viết cùng Leonard Mlodinow, Lược sử đời tôi…) mà nhiều bạn đọc biết đến ngành khoa học vũ trụ.
Những nghiên cứu không chỉ giúp ông – người phần lớn cuộc đời bất động trên xe lăn – du hành vào vũ trụ, mà cũng giúp loài người chúng ta – “mà thật ra cũng là tập hợp các hạt cơ bản của tự nhiên” – có thể hé mắt nhìn vào vũ trụ bao la đầy bí ẩn.
Video đang HOT
Sách Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn mới phát hành tiếng Việt. Ảnh: NXB Trẻ.
Chính vì vậy, bằng tri kiến khoa học lẫn trải nghiệm sống của mình, Stephen Hawking là người có khả năng trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn, như nhận định của GS Kip S. Thorne, người nhận giải Nobel Vật lý năm 2017.
Trong lời giới thiệu cho cuốn Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn, GS Kip S. Thorne viết: “Stephen luôn quan tâm những câu hỏi lớn, thắc mắc liệu chúng có gốc rễ sâu xa trong khoa học của ông ấy hay không. Stephen có các kỹ năng, kiến thức và sự tin cần thiết. Cuốn sách này là một bộ sưu tập các đáp án của Stephen về những câu hỏi lớn, các câu trả lời mà ông tiếp tục phát triển vào lúc ông rời xa chúng ta”.
Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn chính là cuốn sách cuối cùng của Stephen Hawking để lại cho chúng ta.
Trả lời câu hỏi lớn một cách ngắn gọn
Thật ra, lớn – nhỏ là khái niệm tương đối trong thế giới không tuyệt đối này. Nên “người lớn” Hawking không trả lời nhỏ cho những câu hỏi lớn, ông trả lời ngắn gọn.
Ngắn gọn nhưng uyên thâm và sâu sắc, vì vậy nó thỏa các câu hỏi lớn, từ câu hỏi có gốc rễ sâu xa trong khoa học của ông như: Có chăng thượng đế? Mọi sự đã khởi đầu thế nào? Liệu chúng ta có thể dự đoán tương lai? Bên trong lỗ đen có gì? Du hành thời gian có khả thi không? Chúng ta định hình tương lai thế nào?
Ông cũng giải đáp các câu hỏi lớn khác có lẽ không bén rễ trong khoa học của ông như: Chúng ta sẽ sống sót trên Trái Đất? Có chăng dạng sống thông minh khác trong vũ trụ? Chúng ta có nên chinh phục không gian? Trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn chúng ta?
Đây không phải lần đầu Stephen Hawking chọn cách trình bày “ngắn gọn”. Ông từng tóm lược lịch sử của thời gian bằng tác phẩm Lược sử thời gian (A Brief History of Time); tự truyện cả cuộc đời ông ngắn gọn trong cuốn sách mỏng Lược sử đời tôi (My Brief History) và giờ đến cuốn sách cuối cùng của cuộc đời mình, ông cũng chọn cách trình bày ngắn gọn: Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn (Brief Answers to the Big Questions).
Stephen Hawking tại Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: Murdo Macleod / The Guardian.
Nhà khoa học vật lý lỗi lạc này có khả năng diễn giải các vấn đề khoa học hóc búa một cách súc tích, giản dị, hóm hỉnh và thuyết phục.
Ông chọn trả lời những câu hỏi lớn một cách mạnh mẽ và trùng thực, ví dụ: Có chăng Thượng đế? Để trả lời cho câu hỏi lớn này, hãy “nghe” ông hóm hỉnh phân trần
“Vài năm trước, trang nhất tờ The Times có hàng tít lớn: ‘Hawking: Thượng đế không tạo ra vũ trụ’. Bài báo có kèm minh họa thượng đế được thể hiện trong một bức vẽ của Michelangelo, trông thật hùng vĩ. Họ in một bức ảnh của tôi, trông vẻ tự mãn. Họ làm như giữa chúng tôi có một cuộc đấu tay đôi, mà tôi đâu có hận thù gì với thượng đế.
Tôi không muốn gây ấn tượng rằng nghiên cứu của mình là để khẳng định hoặc bác bỏ sự tồn tại của thượng đế. Nghiên cứu của tôi nhằm tìm kiếm một hệ thống cơ sở hợp lý để hiểu vũ trụ xung quanh chúng ta”, Stephen Hawking từng viết.
Ông cũng cho rằng: “Qua hàng thế kỷ, người ta tin rằng những người tàn tật như tôi phải sống dưới lời nguyền của thượng đế. Chà, tôi cho rằng rất có thể tôi đã làm tổn thương ai đó trên ấy, nhưng tôi thích nghĩ rằng mọi thứ có thể giải thích theo một cách khác, bằng các định luật của tự nhiên”.
“Nếu tin vào khoa học, giống như tôi, bạn sẽ tin rằng có những định luật đích thực mà chúng luôn được tuân thủ. Nếu muốn, bạn có thể nói các định luật ấy là tác phẩm của thượng đế, nhưng đó là một định danh của thượng đế hơn là bằng chứng về sự tồn tại của người”.
Quan trọng là bạn không được bỏ cuộc. Hãy giải phóng trí tưởng tượng của mình. Hãy định hình tương lai.
Stephen Hawking
Hawking để lại trong cuốn sách những lời chia sẻ, cho chúng ta hiểu được lý do cần phải trả lời những câu hỏi lớn:
“Và sau hết mọi điều, riêng việc chúng ta, những con người – mà thật ra cũng chỉ là tập hợp các hạt cơ bản của tự nhiên – có thể tiến tới hiểu được các quy luật đang điều khiển mình, và cả vũ trụ của mình, đã là một niềm vui lớn. Tôi muốn chia sẻ cảm xúc mạnh mẽ của mình về những câu hỏi lớn, cũng như nhiệt huyết của mình về công cuộc tìm kiếm này”.
Stephen Hawking cho rằng có những câu hỏi lớn về hành tinh cần được trả lời và để làm được điều đó cần một thế hệ mới, những người quan tâm, có hiểu biết khoa học.
“Chúng ta sẽ nuôi dưỡng cộng đồng dân cư ngày càng đông đúc hơn như thế nào? Cung cấp nước sạch, sản sinh năng lượng tái tạo, phòng chống và chữa trị bệnh tật và làm chậm lại biến đổi khí hậu toàn cầu? Tôi hy vọng rằng khoa học và công nghệ sẽ cung cấp giải pháp cho các vấn đề này, tuy nhiên cần có những người có tri thức và hiểu biết để thực thi các giải pháp ấy”, Stephen Hawking viết.
Tác giả cũng khuyến khích độc giả đọc cuốn sách với sự tò mò, háo hức để biết câu trả lời và “sẵn sàng tranh cãi một chút” với tác giả.
Ông nhắn nhủ bạn đọc trong cuốn sách cuối: “Hãy nhớ nhìn lên các vì sao chứ đừng nhìn xuống chân bạn. Hãy cố gắng hiểu cái mà bạn nhìn thấy và tự hỏi điều gì làm cho vũ trụ tồn tại. Hãy tò mò. Và cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, luôn có một điều gì đó bạn có thể làm và thành công. Quan trọng là bạn không được bỏ cuộc. Hãy giải phóng trí tưởng tượng của mình. Hãy định hình tương lai”.
Cuốn sách cuối cùng của thiên tài Stephen Hawking
Stephen Hawking là nhà vật lý lý thuyết thiên tài và được xem là một trong các nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế giới.
Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn (Brief answers to the big questions) là cuốn sách cuối cùng của nhà vật lý, vũ trụ học thiên tài Stephen Hawking trước khi ông qua đời vừa được NXB Trẻ phát hành bản tiếng Việt (dịch giả Nguyễn Văn Liễn).
Cuốn sách này được lấy ra từ kho lưu trữ dữ liệu cá nhân của Stephen Hawking và hình thành trong khoảng thời gian ông ra đi (ông mất ngày 14-3-2018). Các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật, các doanh nhân tầm cỡ, các nhà chính trị hàng đầu và công chúng bình dân thường hỏi Stephen Hawking xem ông nghĩ gì đối với "các câu hỏi lớn" của thời đại, những câu hỏi mà phần lớn các nhà khoa học khác đôi khi lảng tránh. Stephen đã tạo ra một kho lưu trữ riêng các câu trả lời của mình, dưới dạng các bài nói, phỏng vấn và bài viết.
Những câu hỏi như: Có chăng Thượng đế? Mọi sự đã khởi đầu như thế nào? Liệu chúng ta có thể dự đoán tương lai không? Bên trong lỗ đen có gì? Du hành thời gian có khả thi không? Chúng ta định hình tương lai bằng cách nào? Cho đến các câu hỏi lớn khác như: Chúng ta sẽ sống sót trên Trái đất?
Có chăng dạng sống thông minh khác trong vũ trụ? Chúng ta có nên chinh phục không gian? Trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn chúng ta?" được Stephen Hawking trả lời ngắn gọn, sâu sắc bằng những suy luận bắt nguồn từ lĩnh vực khoa học của ông.
Các câu trả lời rất sắc bén đồng thời cũng vô cùng giản dị, như chính bản thân Stephen vậy, khiến cho cuốn sách Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn vừa hàm chứa trí tuệ sâu sắc, vừa giúp độc giả dễ dàng cảm nhận, tiếp thu được những gì mà nhà khoa học thiên tài gửi gắm. Những câu trả lời nói là ngắn gọn, nhưng đều gợi cho người đọc sự tìm tòi, với nội dung phong phú, kích thích trí tuệ, luận bàn thấu đáo và được truyền tải bởi tính hài hước đặc trưng của tác giả.
Chính Stephen Hawking bộc bạch trong quyển sách: "Tôi đã có một cuộc sống khác thường trên hành tinh này, trong khi lại đồng thời du hành ngang qua vũ trụ bằng trí tưởng của mình và các định luật vật lý. Tôi đã đến những nơi xa nhất có thể đến được của thiên hà chúng ta, thám hiểm các lỗ đen và quay về nơi khởi đầu của thời gian.
Trên Trái Đất, tôi đã trải nghiệm những thăng trầm, hỗn loạn và yên bình, thành đạt và khổ đau. Tôi đã từng giàu và nghèo, tôi đã từng lành lặn và tàn tật. Tôi đã từng được ngợi ca và phê phán, nhưng chưa bao giờ bị bỏ mặc. Qua công việc của mình, tôi đã rất vinh dự được là người đóng góp vào hiểu biết của chúng ta về vũ trụ. Tuy nhiên, đó sẽ là một vũ trụ thực sự trống rỗng nếu nó không dành cho những người mà tôi yêu mến, và họ yêu mến tôi. Không có họ, điều kỳ diệu của vũ trụ hẳn sẽ biến mất trong tôi."
Đã tìm ra nguồn gốc 'hạt ma quỷ' từ vũ trụ rơi xuống Nam Cực Neutrino - những hạt hạ nguyên tử bí ẩn được mệnh danh hạt ma quỷ, đến từ một trong các dạng vật thể đáng sợ nhất vũ trụ: lỗ đen quái vật. Vài năm trước, "hạt ma quỷ" neutrino đã được Đài thiên văn IceCube ở Nam Cực "tóm" được. Các phân tích cho thấy chúng không phải vật chất Trái Đất, mà...