“Stand By Me”: Cho những người đến và đi trong cuộc đời
Có những khoảnh khắc trong đời ta chẳng bao giờ có thể lấy lại được, cũng có những con người đã từng bước vào cuộc đời ta rồi ra đi vĩnh viễn…
Vào một ngày hè rảnh rỗi, tôi ngồi suy nghĩ về việc sẽ viết một bộ phim nào cho phù hợp vào thời điểm này? Một bộ phim của mùa hè, gợi nhắc những năm tháng đã qua, tạm bỏ qua những mối tình đầu thường tan vỡ và sến sẩm, đó phải là một bộ phim về tuổi trẻ, tình bạn, về những thứ đã cùng tuổi thơ của bạn lớn lên… Và cuối cùng tôi đã chọn Stand By Me – một bộ phim nói về những cậu trai 12 tuổi nhưng là để dành cho những người trưởng thành xem và suy ngẫm.
Thoạt nhìn vào phần tóm tắt nội dung của Stand By Me, tôi tin chắc rằng có nhiều khán giả đã bỏ qua bộ phim xuất sắc này. Dựa trên cuốn tiểu thuyết The Body của tác giả Stephen King, Stand By Me xoay quanh 4 cậu bé 12 tuổi và hành trình đi tìm… xác chết của một cậu bé khác bị tàu đâm. Quả thật, cuộc hành trình trong phim cũng chỉ có thế, không hơn, nhưng tôi cũng tin chắc rằng, ai đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, sẽ không bao giờ muốn quay trở lại nữa.
Stand By Me mở đầu bằng bối cảnh những năm giữa thập niên 80, nhà văn Gordie Lachance tình cờ đọc một bài báo khiến anh nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Đó là mùa hè năm 1959, ở thị trấn Castle Rock, Oregon, nước Mỹ, Gordie, khi đó vẫn còn là cậu bé 12 tuổi thường xuyên tụ tập với 3 cậu bạn thân là Chris, Teddy và Vern. Một ngày, 4 cậu nhóc quyết định thực hiện cuộc phiêu lưu đi tìm xác của một cậu bé đã chết vì bị tàu đâm nằm đâu đó trong khu rừng. Các cậu bé tưởng tượng ra cảnh chúng sẽ trở thành người hùng trong mắt mọi người khi tìm ra xác chết mà các nhà chức trách cũng chưa thể xác định được.
Khởi nguồn là một trò vui bồng bột của con trẻ, nhưng hành trình của các cậu bé 12 tuổi lại có ý nghĩa nhiều hơn thế. Cuộc phiêu lưu nho nhỏ ấy đã phơi bày con người, tính cách thật của 4 đứa trẻ, phơi bày tình bạn mà chúng dành cho nhau, và cũng là cuộc hành trình mà ở đoạn kết, là nơi chúng giã từ tuổi thơ ngây để thật sự đến với CUỘC ĐỜI.
Điều khiến tôi cảm thấy thú vị nhất ở Stand By Me, đó là cuộc hành trình của 4 cậu trai 12 tuổi rất thực tế và giản dị, không có những câu chuyện phóng đại, những tình tiết thêm thắt để thêm phần kịch tính. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, câu chuyện ấy vẫn rất hấp dẫn và cuốn hút. Và Stand By Me, với riêng tôi, được xếp vào hàng những bộ phim “yêu mà không biết tại sao”.
Stand By Me đã xây dựng được những nhân vật thật sự tuyệt vời. 4 cậu bé là 4 cá tính, 4 cuộc đời, 4 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một Gordie từng trải qua cú sốc là cái chết của người anh trai yêu quý; một Chris bị cả thị trấn kỳ thị vì trót ăn trộm tiền sữa; một Teddy bị bố bạo hành và một Vern “phì nộn” luôn bị coi là kẻ thua cuộc thiểu năng. Trong số đó, 2 nhân vật Gordie và Chris được xây dựng rõ hơn và cũng sâu hơn.
Hai cậu bé này cũng thân thiết với nhau hơn trong “bộ tứ”. Nếu như Gordie luôn luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ rằng cậu là đứa trẻ thừa thãi, là đứa đáng ra phải chết thay người anh trai luôn được bố mẹ kỳ vọng thì Chris lại mắc kẹt trong những định kiến mà người đời khoác lên cậu. Cậu bé sợ rằng một phút là ăn trộm thì cả đời cũng là ăn trộm, và cậu có làm gì thì cũng chỉ là một Chris con nhà “mạt hạng” bị xã hội coi khinh…
Video đang HOT
Tình bạn giữa Gordie và Chris lớn lên bằng chính những sự đồng cảm trong hoàn cảnh éo le, bằng những tâm hồn “sứt sẹo” như thế. Thông qua cuộc hành trình của 4 đứa trẻ, những bài học sống, ý nghĩa của tình bạn và những mối quan hệ trong cuộc đời con người cứ thế bộc lộ.
Bạn bè, không phải chỉ là cùng nhau đi chung một con đường, mà còn là cách người này bảo vệ, tương trợ người kia trước khó khăn, nguy hiểm. Bạn bè, không phải là chỉ là trò chuyện, lắng nghe, mà còn phải là người này nhìn thấu được người kia, chỉ ra thế mạnh và điểm yếu, động viên nhau trước mặc cảm tự ti hay những khi tuyệt vọng. Và bạn bè, thật đơn giản, chỉ là khi ta hỏi bạn: “Cậu có nghĩ là tớ lập dị không?”; “Chắc chắn rồi!” – bạn cười to; “Không, nói nghiêm túc, cậu có thấy tớ lập dị không?” – ta lại hỏi; “Có, cậu có. Nhưng sao nào? Ai mà chả lập dị!” – bạn nhún vai nhẹ tựa lông hồng.
Chỉ với 4 đứa trẻ 12 tuổi và một cái xác, những người làm phim đã dựng lên một thế giới nơi những người trưởng thành nhìn vào đó để soi chiếu, và để nghĩ về cuộc đời mình, về những mối quan hệ đã đến và đi, những mối quan hệ còn ở lại. “Bạn bè, nhiều người đến và đi trong cuộc đời ta cũng như những bồi bàn trong nhà hàng” – cậu bé Gordie, mà sau này trở thành nhà văn Gordie Lachance đã viết như vậy trong cuốn sách của mình. Nhưng cũng chính cuốn sách ấy lại kết thúc bằng: “Sau này, tôi không có bất kỳ người bàn nào giống như những người bạn mà tôi từng có vào năm 12 tuổi ấy nữa. Chúa ơi, thật vậy sao?”.
Có những khoảnh khắc trong đời ta chẳng bao giờ có thể lấy lại được, cũng có những con người đã từng bước vào cuộc đời ta rồi ra đi vĩnh viễn. Có những người ra đi thật nhẹ nhàng, không khiến ta mảy may xúc động, nhưng cũng có những người khiến ta đau và ta biết ta sẽ nhớ họ, mãi mãi. Bởi thế, hãy trân trọng từng khoảnh khắc được sống của bạn, đặc biệt là tuổi trẻ, hãy kịp nhận ra và trân quý những mối quan hệ, những tình bạn khắc cốt ghi tâm, đừng để khi mất rồi mới biết là quý giá và tiếc nuối…
Có một bộ phim và 4 cậu bé 12 tuổi đã dạy tôi như vậy!
“Stand By Me” cũng đánh dấu sự thành công đầu tiên của River Phoenix (trong vai Chris) – ngôi sao tài năng đoản mệnh được đánh giá là một trong những tên tuổi sáng nhất của Hollywood thời điểm những năm 90. Sau này, sự ra đi của River Phoenix ở tuổi 23 được xem là một trong những sự kiện bi thảm và gây sốc nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp giải trí.
Theo Trithuctre
Có một "Mùi hương" ám ảnh đến rợn người
Nếu bạn đã xem bộ phim này, bạn cũng sẽ không tránh được ham muốn được xem lại một lần nữa...
Trước khi viết về Perfume: The Story of a Murderer (Mùi hương: Câu chuyện của một kẻ giết người), tôi đã dành nhiều thời gian đi tìm hiểu xem khán giả nghĩ gì về tác phẩm này. Có một cảm nhận chung của hầu hết khán giả, đó là dù không phải ai cũng hiểu hết, không phải ai cũng "cảm" đủ, nhưng tất cả mọi người đều bị bộ phim này hấp dẫn và không thể rời mắt khỏi nó cho đến phút cuối cùng.
"Perfume: The Story of a Murderer" (2006) trailer
Được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của tác gia Đức Patrick Sskind, Mùi hương là câu chuyện cuộc đời của Jean-Baptiste Grenouille - kẻ mà để nói về hắn, người ta không biết phải dùng từ nào cho hợp.
Grenouille đã có một cuộc đời khác người ngay từ khi mới sinh ra, ngay dưới sạp bán cá tanh tưởi của mẹ hắn. Mẹ Grenouille không "đẻ" hắn mà giống như "vứt toẹt" hắn ra với cuộc đời, như thể vứt một thứ của nợ khiến mụ nặng bụng. Thế nhưng không giống như các anh chị em xấu số của mình, Grenouille vẫn sống dù bị vùi lấp trong đống ruột cá lẫn máu tanh tưởi, giữa vô số mùi hôi thối của khu chợ bẩn thỉu ở Paris. Mẹ hắn bị kết án tử hình vì tội giết con, trong khi hắn vẫn sống sót và lớn lên như một mầm mống oan nghiệt.
Grenouille thực sự là một thứ của nợ bị đẩy ra khỏi dòng đời nếu như ở hắn không có một biệt tài: khả năng khứu giác đặc biệt. Hắn sở hữu một chiếc mũi thính nhất thế gian, chiếc mũi giúp hắn ghi nhớ và phân biệt tất cả các mùi hương. Với Grenouille, mỗi mùi hương là một cá thể, là sự sống, là niềm đam mê cũng như tình yêu bất tận của hắn.
Biệt tài này đã biến Grenouille, từ một "đống rẻ rách" sống dưới đáy xã hội trở thành một thợ làm nước hoa thiên tài. Grenouille đã tạo ra vô vàn loại nước hoa tuyệt vời khiến người đời mê mẩn, nhưng tham vọng của hắn còn cao hơn thế. Jean-Baptiste Grenouille muốn chế tạo một loại nước hoa vô song có khả năng chi phối con người. Tham vọng đó đã biến hắn trở thành một kẻ giết người man rợ. Hắn đuổi theo mùi hương từ các trinh nữ và giết họ để chưng cất nên loại nước hoa tuyệt đỉnh của mình.
Mùi hương ám ảnh người xem trước tiên bởi một câu chuyện tuyệt vời từ tác phẩm mà nó chuyển thể. Perfume: The Story of a Murderer vừa uyên bác, cao siêu, triết lý, quái dị mà lại không "buồn ngủ". Khi được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tình tiết trong tiểu thuyết đã bị lược bớt, nhiều điều khiến các fan của cuốn sách không được hài lòng. Tuy nhiên, bộ phim lại mang trong mình những nét đẹp riêng của nó, tinh tế và cô đọng, ám ảnh đến đáng sợ.
Trong suốt chiều dài phim, nhân vật Jean-Baptiste Grenouille (do Ben Whishaw thủ vai) hầu như không thoại nhiều, hắn chỉ hít ngửi, và mê đắm trong không gian những mùi hương của riêng hắn (Có lẽ cũng bởi thế nên đạo diễn Twyker đã phải mang tới cho khán giả một người dẫn truyện).
Tuy nhiên không cần nhiều lời, chính cái hành trình cần mẫn đi thu thập và tinh chế mùi hương của Grenouille đã cuốn khán giả vào vòng xoay ám ảnh cùng với hắn. Những lúc hắn bám theo "con mồi", cái cách hắn hít hà và cảm nhận, cách hắn háo hức lẫn mê đắm chứng kiến từng giọt tinh dầu chảy ra từ bình chưng cất... Tất cả khiến người ta vừa tò mò vừa ghê sợ hắn. Người ta không hiểu hắn nhưng cũng không thể rời mắt khỏi hắn.
Jean-Baptiste Grenouille thực sự là gì? Đứa con của quỷ dữ, sứ giả của thần chết, một nghệ sĩ hay kẻ giết người man rợ, một kẻ lạc loài đứng bên lề xã hội nhưng lại cung cấp cho xã hội những gì nó thực sự muốn.
Cuộc đời Grenouille là một hành trình của những nghịch lý: sinh ra từ nơi hôi hám bẩn thỉu nhất nhưng lại sở hữu chiếc mũi tinh tế nhất để nhận biết những mùi hương tuyệt vời; có quyền lực đối với mọi mùi hương nhưng bản thân hắn lại "không có mùi" - điều khiến hắn ghê sợ nhất; muốn mang đến cho đời một thứ hương thơm tuyệt mỹ - mục đích tốt nhưng cách thực hiện lại sai lầm; và cuối cùng, kẻ giết người vô luân đáng lẽ phải chịu trừng phạt bởi cái chết đau đớn nhất, lại được người đời tung hô như một thiên thần...
Chẳng hiểu sao tôi lại không cảm thấy mình ghét bỏ hay ghê sợ nhân vật Jean-Baptiste Grenouille. Tôi chỉ tò mò bởi hắn, ám ảnh bởi hắn, và cũng thương cảm hắn. Grenouille là kẻ giết người mọi rợ, ai cũng biết, nhưng chẳng phải cuộc đời hắn vốn đã sai ngay từ khi bắt đầu?
Hắn bị người ta tìm cách giết chết ngay từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, hắn lớn lên dị dạng và méo mó. Hắn chưa bao giờ là một con người theo đúng nghĩa khi bị mua bán, bị rẻ rúng, khinh ghét. Một kẻ như thế, kẻ thậm chí còn chẳng biết thế nào là "truyền thuyết" và đời thực thì làm sao người ta có thể đòi hỏi ở hắn thứ đạo đức mà hắn không được dạy, cũng chưa bao giờ được nhìn thấy ở những con người quanh hắn.
Diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên người Anh Ben Whishaw đã mang đến cho khán giả một Jean-Baptiste Grenouille cô đơn đến cùng cực. Kẻ lạc loài ấy có thể chế ra thứ nước hoa khiến cả thế giới quỳ mọp dưới chân hắn nhưng lại không thể biến hắn trở thành một CON NGƯỜI đúng nghĩa - một con người biết yêu và được yêu.
Thứ nước hoa mà Grenouille chế tạo phản ánh khao khát của hắn và cũng là khao khát của toàn nhân loại - khao khát về tình yêu và sự thánh thiện. Khao khát thật đẹp, chỉ có đường đi là sai lầm.
Người ta có thể thương cảm Grenouille nhưng giới hạn đạo đức không cho phép họ quyền được bào chữa cho những tội ác man rợ của hắn. Cuối cùng, bộ phim cũng như cuốn tiểu thuyết đã chọn lựa cho mình một đoạn kết nhân văn khi để Jean-Baptiste Grenouille biến mất khỏi cõi đời cũng dị thường như khi hắn xuất hiện. Sự biến mất của của hắn khiến cho người đời thấy lâng lâng hạnh phúc vì như thể "lần đầu tiên họ hành động vì tình yêu"!
Tôi thích cảm nhận Perfume: The Story of a Murderer cũng giống như một thứ nước hoa kỳ diệu, với hương đầu đầy tò mò, khêu gợi; hương giữa bí ẩn và mê đắm; hương cuối lưu lại ám ảnh đến rợn người. Chuyện phim khiến người xem phải bất ngờ đến tuyệt vọng trong việc đoán định hướng đi và những diễn biến. Và hẳn nếu bạn đã xem bộ phim này, bạn cũng sẽ không tránh được ham muốn được xem lại một lần nữa...
Theo Trithuctre
"Moonrise Kingdom": Giá tình yêu không bao giờ lớn! Giá như những đứa trẻ trong "Moonrise Kingdom" chẳng bao giờ lớn, cũng như tình yêu của chúng dành cho nhau, hãy cứ nhỏ xinh, đáng yêu và ngộ nghĩnh vậy thôi... Điều tôi thích nhất khi xem Moonrise Kingdom của đạo diễn đình đám Wes Anderson đó là bộ phim này khiến tôi phải... ngoác miệng cười từ đầu đến cuối. Cười...