SpaceX đưa thêm 60 vệ tinh Starlink vào vũ trụ
Rạng sáng 23/4 (giờ Việt Nam), tập đoàn công nghệ không gian SpaceX của Mỹ đã đưa 60 vệ tinh Starlink lên vũ trụ.
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo 60 vệ tinh Starlink của SpaceX rời bệ phóng tại căn cứ Không quân Cape Canaveral ở bang Florida, Mỹ, ngày 6/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tên lửa Falcon 9 đưa lô vệ tinh Starlink thứ 7 vào vũ trụ được phóng đi từ bãi phóng LC-39A tại Trung tâm Vũ trụ Kenedy của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Sau khi các tầng của tên lửa tách rời, tầng 1 đã hạ cánh xuống tàu không người lái của SpaceX ở Đại Tây Dương để có thể tái sử dụng trong sứ mệnh khác. SpaceX sau đó xác nhận đã triển khai thành công 60 vệ tinh Starlink vào vũ trụ.
Theo SapceX, tên lửa Falcon 9 đã hỗ trợ tàu vũ trụ Crew Dragon trong chuyến bay đầu tiên lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và tham gia 4 lần phóng các vệ tinh Starlink.
Tập đoàn Mỹ cho biết mạng lưới các vệ tinh Starlink sẽ giúp “phủ sóng” đường truyền Internet băng tần rộng tốc độ cao tới các địa điểm có kết nối chưa ổn định, đắt đỏ hoặc không có kết nối Internet.
Dịch vụ Internet của SpaceX sẽ được triển khai tới khu vực miền Bắc nước Mỹ và Canada trong năm nay và dự kiến sẽ bao phủ toàn cầu vào năm 2021. SapceX dự định triển khai khoảng 12.000 vệ tinh Starlink lên không gian vào năm 2024 và từng công bố ý định triển khai thêm 30.000 vệ tinh, nâng tổng cộng số vệ tinh của tập đoàn này trên không gian lên con số 42.000.
Video đang HOT
Theo SapceX, mỗi vệ tinh nặng khoảng 260 kg, có thiết kế nén và mỏng giúp giảm thể tích không gian và tăng số lượng vệ tinh được phóng một lần sử dụng tên lửa Falcon 9. Các vệ tinh này được trang bị động cơ đẩy ion chạy bằng krypton cho phép các vệ tinh nâng quỹ đạo quay, vận động trong không gian và tự rời khỏi quỹ đạo khi hết thời hạn hoạt động.
Các vệ tinh có thể tự động điều chỉnh vận động để tránh va chạm với các vật thể và tàu vũ trụ trong không gian. Khi hết thời hạn hoạt động, các vệ tinh tận dụng hệ thống đẩy bên trong để rời khỏi quỹ đạo trong khoảng vài tháng. Nếu quá trình này không thành công vì hệ thống đẩy không hoạt động, chúng sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển trong vòng từ 1 đến 5 năm.
Từ đầu năm 2020 tới nay, SapceX đã thực hiện 3 vụ phóng vệ tinh Starlink.
Lê Ánh
Cú hạ cánh về 'Trái Đất không còn như xưa' của các phi hành gia từ ISS
Không có lễ đón như thường lệ dành cho 2 phi hành gia người Mỹ - Jessica Meir và Andrew Morgan - cùng đồng nghiệp người Nga Oleg Skripochka sau khi họ trở về từ ISS.
Hai phi hành gia, dẫn đầu bởi chỉ huy Skripochka, đóng cửa tàu vũ trụ của họ với module Zvezda của Trạm Vũ trụ Quốc tế vào lúc 22h30 (giờ GMT) ngày 16/4, chấm dứt nhiệm vụ số 62 của ISS. Đến 1h52 ngày 17/4, tàu Soyuz MS-15 chính thức tách khỏi trạm vũ trụ và trở về Trái Đất. Con tàu cùng 3 phi hành gia bay trong quỹ đạo Trái Đất trước khi rơi xuống bầu khí quyển hướng về phía thảo nguyên Kazhakstan.
Khoảng 38 phút sau khi rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, khoang hạ cánh của tàu Soyuz, mang theo 3 phi hành gia, tách khỏi 2 khoang còn lại và bắt đầu hạ cánh xuống mặt đất với một chiếc dù lớn. Cả 2 khoang bao gồm cả module đẩy của tàu Soyuz sẽ bị loại bỏ sau khi bốc cháy vì ma sát với bầu khí quyển.
Khung cảnh chật chội bên trong khoang hạ cánh của tàu Soyuz MS-15, bức ảnh được chụp khi các phi hành gia đã hạ cánh xuống mặt đất. Họ vừa đi xuyên qua bầu khí quyển với vận tốc lên tới 25.000 km/h. Dù được bung vào lúc 5h02 (GMT) ngày 17/4, ở độ cao khoảng 10 km so với bề mặt thảo nguyên Kazakhstan.
Khoang hạ cánh chạm xuống mặt đất vào lúc 5h16, kết thúc hành trình kéo dài 205 ngày và đánh dấu chuyến bay dài nhất trong vũ trụ của tàu Soyuz kể từ khi nó được đưa vào phục vụ cách đây 53 năm.
Đội ngũ y tế được đưa bằng máy bay trực thăng tới địa điểm đáp của các phi hành gia. Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Nga, các nhân viên y tế chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho các phi hành gia đều được cách ly từ cách đây 1 tháng. Trong một chuyến hạ cánh bình thường khác, sẽ có một lễ chào mừng các phi hành gia trở lại Trái Đất với đông người tham dự, nhưng trong hoàn cảnh này thì không. Tất nhiên, những người đón họ đều đeo khẩu trang.
Nữ phi hành gia người Mỹ Jessica Meir, kỹ sư của NASA, bay lên ISS trong vụ phóng tàu Soyuz ngày 25/9/2019. Cô và 2 đồng nghiệp đã bay vòng quanh Trái Đất 3.280 lần trong thời gian này, với quãng đường ước tính vào khoảng 86.9 triệu dặm.
Phi hành gia người Nga Oleg Skripocka cũng lên ISS cùng ngày với đồng nghiệp Jessica Meir, và đây đã là chuyến bay lên vũ trụ thứ ba của ông, với quãng thời gian tổng cộng lên tới 537 ngày. Ông là chỉ huy của nhiệm vụ lần này và sẽ lên máy bay trở về Moscow ngay sau khi hạ cánh.
So với 2 người đồng nghiệp thì phi hành gia người Mỹ Alex Morgan đã lên trạm ISS từ trước đó 2 tháng. Ông trở thành phi hành gia người Mỹ ở trên vũ trụ lâu thứ 4 với 272 ngày. Ông Morgan và bà Meir sẽ phải ngồi xe hơi hơn 300 km đến thành phố Kyzylorda để có thể lên máy bay trở về Mỹ. Chào đón họ sẽ là một Trái Đất khác với thế giới họ từng biết, nơi những con đường sẽ vắng vẻ hơn xưa và mọi người phần lớn đeo khẩu trang.
Quốc Thăng
Ảnh: Reuters
Trạm vũ trụ không gian được xỷ lý vi khuẩn như thế nào? Trong môi trường ngoài không gian yêu cầu phải giữ thật sạch sẽ, tránh mọi vi khuẩn có thể gây hư hỏng tới các thiết bị cũng như chính an toàn của phi hành gia. Vào năm 1998, sau 12 năm trôi nổi trong quỹ đạo, trạm vũ trụ hòa bình Mir của Nga bắt đầu biểu hiện những triệu chứng hỏng hóc...