South Park: The Stick of Truth – cây trượng chân lí
Một trong những tựa game “ăn theo” xuất sắc nhất từ trước đến nay.
Nếu như viễn cảnh phải chiến đấu với một thai nhi có giọng nói của trùm Phát xít Hitler khiến game thủ bủn rủn chân tay thì South Park: The Stick of Truth có lẽ không phải là tựa game phù hợp với bạn. Người chơi cũng nên bỏ qua game nhập vai này nếu là người nhạy cảm với những câu chửi thề, bạo lực, khỏa thân, trụy lạc, zombie, thiểu năng, khuyết tật, phân biệt chủng tộc và thương hiệu đồ ăn nhanh Taco Bell.
Nếu game thủ cảm thấy thích thú với những trò châm biếm quái gở, đôi khi là thô tục, như những gì mà series truyền hình nổi tiếng South Park đã trình chiếu suốt hơn 17 năm qua trên TV, thì bạn chắc chắn sẽ phải cười đến chảy nước mắt với South Park: The Stick of Truth. Game là sản phẩm mới nhất đến từ Ubisoft và Obsidian Entertainment phát hành hôm 7/3 vừa qua trên Xbox 360, PlayStation 3 và PC. Chưa hết, South Park: The Stick of Truth không chỉ hài hước và tái hiện thành công không khí của series hoạt hình cùng tên, bản thân nó còn là một tựa game RPG xuất sắc và có thể được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Game của năm, dù 2014 mới chỉ đi qua được một phần ba chặng đường.
Trailer South Park: The Stick of Truth – cây trượng chân lí
Bắt đầu bằng một trong những điểm mạnh nhất của The Stick of Truth: Cốt truyện. Ngoài việc liên tục châm biếm những trò chơi nổi tiếng như The Elder Scrolls: Skyrim, Final Fantasy hay BioShock thì cốt truyện của game còn khéo léo bố trí các tình tiết rất nhịp nhàng và bất ngờ để người chơi luôn cảm thấy hứng thú.
Game thủ nhập vai một cậu nhóc mới cùng gia đình đặt chân tới thị trấn hẻo lánh South Park (người chơi sẽ có cơ hội tự tạo ra hình mẫu nhân vật chính mà mình thích ngay từ đầu với hệ thống Character Creator quen thuộc trong các game nhập vai). Cậu nhóc này lúc nào cũng bị mọi người châm chọc vì “im như thóc” chẳng chịu nói gì, còn bố mẹ cậu thì cứ liên tục hối thúc cậu bước ra ngoài đường để làm quen với bạn mới. Chẳng bao lâu sau cậu bỗng nhiên trở thành nhân tố then chốt trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Cây trượng Chân lí (The Stick of Truth – thực ra chỉ là một que củi khô) giữa phe Loài người của Phù thủy Cartman và Công chúa Kenny với phe Yêu quái đứng đầu là Kyle và Stan – bởi theo “truyền thuyết” thì ai nắm được Cây trượng trong tay sẽ có quyền năng chế ngự được vạn vật.
Dĩ nhiên một sản phẩm gắn mác South Park thì không thể thiếu được những yếu tố quái dị, vì vậy các “khách mời” khác của South Park: The Stick of Truth như người ngoài hành tinh, một cơ quan chính phủ bí mật, Facebook, Taco Bell và lũ zombie Phát xít cũng lần lượt xuất hiện. Số phận của thị trấn nhỏ bé này giờ đây nằm cả trong tay người chơi.
Cái hay của cốt truyện nằm ở chỗ mặc dù cuộc chiến giành giật Cây trượng Chân lí chỉ đơn thuần nằm trong trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ còn tất cả những gì liên quan đến người ngoài hành tinh, chính phủ, Phát xít đều là nghiêm túc. Người chơi đang đóng vai một đứa trẻ vậy nên đối với bạn thì săn tìm Cây trượng Chân lí luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hơn. Tiếp thêm chất khôi hài cho cốt truyện là những tình huống đối thoại, có thể nói là hài hước không kém gì những tập phim hài hước nhất của series South Park. Từ vẻ mặt “đần thối” của lũ trẻ khi đang “chiến tranh” nảy lửa thì bị phụ huynh… bắt về đi ngủ cho tới bản đồ đất nước Canada cuối game,… sẽ rất nhiều lần game khiến game thủ phải bò lăn ra cười đến nỗi sái cả quai hàm.
Ngoài “chất cười” không lẫn vào đâu được thì The Stick of Truth còn có vô vàn liên hệ tới những tập phim hay của South Park, có thể mất tới cả tiếng đồng hồ chỉ để ngồi liệt kê ra những liên hệ đặc sắc nhất trong số đó. Cuộc săn lùng liên miên con vật có cái tên ManBearPig của Al Gore hoang tưởng, vua của loài chuột nhảy Lemmiwinks, lũ Thần lùn chuyên đi… cướp đồ lót về đêm (Underpants Gnomes) và các Chinpokomon (phiên bản “chế” của Pokemon) chỉ là một vài trong số những liên hệ nổi bật nhất. Nên không ngoa khi nói rằng nếu như người chơi là fan của show truyền hình dài tập này thì The Stick of Truth quả thực là “thiên đường”.
Video đang HOT
Người chơi chưa hề biết chút gì về South Park thì cũng chẳng vấn đề gì vì bạn đang đóng vai một nhân vật hoàn toàn mới và làm quen từ đầu, hứa hẹn cũng thú vị chẳng kém. The Stick of Truth thậm chí còn có nhiều liên hệ với những tập phim mới nhất của series (bộ ba “Black Friday” vừa được trình chiếu vào tháng 12/2013 vừa qua) – vốn là điều rất khó đối với một trò chơi đã trải qua quá trình phát triển ròng rã nhiều năm trời nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà Obsidian lại thực hiện được.
The Stick of Truth nắm bắt tốt không khí của show truyền hình cùng tên và khiến game thủ cười ngặt nghẽo cũng không phải điều gì quá bất ngờ, bởi trực tiếp tham gia phát triển kịch bản cho tựa game này chính là hai đạo diễn của series South Park, Matt Stone và Trey Parker. Điều hoàn toàn nằm ngoài dự tính ở đây là sau rất nhiều những quan ngại rằng tựa game này sẽ tiếp bước thói quen phát triển “nửa mùa” của những tựa game ăn theo thì hóa ra, gameplay RPG của The Stick of Truth không chỉ dừng ở mức “hay” mà còn xuất sắc. Có thể nhận thấy The Stick of Truth chịu khá nhiều ảnh hưởng từ Mario & Luigi và Paper Mario của Nintendo – hai series RPG đỉnh cao và hơn nữa lại rất phù hợp với phong cách “cắt dán” 2D của South Park. Nhưng Obsidian (tác giả của những Fallout: New Vegas, Neverwinter Nights 2) cũng đã vận dụng hết khả năng và kinh nghiệm làm game nhập vai của họ để đưa vào gameplay của The Stick of Truth một loạt những sự bổ sung hấp dẫn.
Trong quá trình chơi game người chơi có thể tự do khám phá toàn bộ thị trấn South Park và đặt chân vào gần như mọi tòa nhà cùng mọi căn phòng trong đó. Game thủ có thể trò chuyện với hầu như tất cả mọi người, các NPC quan trọng thì sẽ giao cho bạn những nhiệm vụ phụ (tất cả các nhiệm vụ phụ này đều đáng làm và có mức tưởng thưởng cao) và mọi ngóc ngách trong thế giới mở của game đều ẩn chứa những vật phẩm bí mật. Một chi tiết độc đáo hơn đó là theo tiến trình game người chơi sẽ nhận được những năng lực đặc biệt giúp bạn đặt chân tới những khu vực mới. Chẳng hạn như tự thu nhỏ (năng lực này nhận được từ các Thần lùn) hay di chuyển tức thời (nhận được một cách bất đắc dĩ từ phi thuyền của người ngoài hành tinh).
Đôi khi game còn xuất hiện những câu đố, buộc người chơi phải tìm lời giải thông qua việc kết hợp những năng lực mà mình có. Game thủ sẽ lang thang trên những con phố của thị trấn South Park rất nhiều lần nhưng chẳng bao giờ cảm thấy chán bởi cứ mỗi lần quay lại là lại phát hiện ra những địa điểm mới. Ngoài ra đồng hành với bạn còn có một buddy (bạn có thể chọn một trong số các nhân vật Cartman, Butters, Kyle, Stan, Công chúa Kenny hoặc Jimmy) và tất cả đều sở hữu những năng lực đặc biệt, chưa kể đến các chiêu đòn riêng trong trận chiến.
Giống như trong một số tựa game RPG, người chơi có thể tùy ý quyết định có muốn chiến đấu tay đôi hay không. Kẻ thù thường sẽ lởn vởn xung quanh và bạn có thể dùng cung tên bắn chúng hoặc “xì hơi” vào chúng (sẽ giải thích kĩ hơn ở phía dưới) để khiến chúng bị choáng trước khi giao chiến, hoặc thậm chí có thể lợi dụng môi trường xung quanh để hạ knock – out chúng mà không phải tốn một giọt mồ hôi.
Các trận chiến diễn ra dưới dạng theo lượt (“Cậu phải chờ đến lượt mình mới được tấn công, như thời Trung Cổ ấy” – theo lời Cartman) và buộc người chơi phải tập trung hết mức. Các vật phẩm hồi máu, buff mana có thể được dùng trước mỗi đòn đánh, các pha ra đòn cần phải được canh đúng lúc cùng một số mini QTE để tăng sát thương, còn đỡ đòn (block) thì phải được thực hiện chính xác tới từng li bằng cách nhấn chuột phải nếu không nhân vật của bạn sẽ lĩnh đủ. Rõ ràng là ở đây có “mùi” Paper Mario, nhưng có thể nói nếu xét về mức độ tập trung và chính xác thì The Stick of Truth còn vượt hẳn series của Nintendo một cái đầu.
Người chơi có thể làm suy yếu đối phương bằng những tác dụng phụ của vũ khí như Grossed Out, Bleeding, Burning, Pissed Off nhưng đồng thời kẻ địch cũng biết “đánh trả” (Riposte) hoặc “phản lại” (Reflect) các đòn cận chiến hoặc đòn tầm xa của người chơi. Những trận chiến bởi vậy luôn rất hấp dẫn và không bao giờ có chuyện chỉ nhấn nút “Attack” và ngồi xem là xong – người chơi lúc nào cũng phải tham gia trọn vẹn vào các pha hành động.
Khía cạnh quan trọng còn lại của mảng combat là Phép thuật – tên gọi mĩ miều của… “xì hơi” trong South Park. Có tổng cộng bốn phép “xì hơi” trong game và cả bốn đều có thể được dùng cả trong lẫn ngoài trận chiến với những công dụng và hiệu ứng khác nhau. Game thủ có thể tăng sức sát thương cho đòn đánh với phép Dragonshout, đánh lạc hướng kẻ địch với Sneaky Squeaker và thậm chí là phá tan cả môi trường xung quanh với “quả bom mùi” Nagasaki. Vừa… kinh tởm, vừa buồn cười lại vừa rất hữu dụng – đúng chất South Park!
Nước cờ độc đáo nhất của Obsidian đó là lấy việc kết bạn trên Facebook làm trọng tâm của toàn bộ trò chơi. Cứ mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ hoặc nói chuyện với ai đó game thủ sẽ nhận được những lời mời kết bạn, và càng có nhiều bạn trên Facebook cá nhân thì bạn càng unlock được nhiều Perk cho nhân vật của mình hơn (một ý tưởng được vay mượn từ Fallout). Nhiệm vụ quan trọng nhất trong game nhìn từ góc độ nhân vật của bạn thực ra chỉ là làm sao để kết bạn được với càng nhiều cư dân của thị trấn hẻo lánh này càng tốt. Vậy nên biến ý nghĩ đơn giản đó trở thành cốt lõi lối chơi, đồng thời lại tăng sức mạnh cho game thủ là một quyết định khôn ngoan của nhà sản xuất. Hơn nữa những người bạn này sẽ thường xuyên đăng những câu bình luận hết sức dí dỏm lên “tường” Facebook cá nhân của bạn, khiến cho công việc kết thân trở nên bõ công hơn. Tuy nhiên nếu có thể thì đừng nên kết bạn với Al Gore nếu không gã hoang tưởng này sẽ spam bừa bãi lên Facebook của bạn. Một sự thật thú vị là nhiệm vụ “Hủy kết bạn” với Al Gore có lẽ là nhiệm vụ “khó xơi” nhất trong The Stick of Truth.
Đồ họa và âm thanh trong The Stick of Truth đều mang chất South Park không lẫn vào đâu. Cũng giống như trong series hoạt hình South Park, Trey và Matt đảm nhiệm khâu lồng tiếng cho gần như tất cả các nhân vật nam. Mọi thứ trong môi trường thì đều như thể được cắt ra từ những tấm bìa cứng đủ sắc màu vậy, song cũng không thể không nhắc tới khối lượng chi tiết khổng lồ mà Obsidian đã dày công đưa vào các khung cảnh. Người dân đi lại xung quanh, ô tô đi lướt qua, cảnh nền không “bất động” mà di chuyển cùng người chơi. Đặc biệt, chỉ cần nghía qua tủ quần áo của Cartman, game thủ sẽ thấy những liên hệ thú vị tới gần như mọi tập phim của show truyền hình South Park trong suốt hơn một thập kỉ qua.
Để tìm ra được một điểm trừ nào đó của The Stick of Truth thực sự là rất khó. Những hạt sạn mà game thủ có thể gặp phải trong quá trình chơi chủ yếu chỉ do “bới lông tìm vết” mà thôi. Hạt sạn đầu tiên đó là game không có nút “Bán tất cả” (Sell all) tiện dụng cho những thứ đồ lặt vặt (Junk) mà game thủ tìm được, thay vào đó phải click chuột để bán từng món đồ một trong số hàng trăm thứ “rác” tìm thấy ở mục Junk – rất mất thời gian. Nhưng cũng có thể bào chữa là do Obsidian cố tình làm vậy vì muốn người chơi đọc qua tất cả những câu mô tả hài hước được gắn trên mỗi món đồ. Một vấn đề nhức nhối hơn một chút đó là với 4 Magic Spell cùng 4 năng lực đặc biệt phải chọn lần lượt qua hai nút bấm Q và E chứ không được gán riêng cho các nút 1, 2, 3, 4 thì game thủ sẽ rất dễ bị nhầm lẫn, nhất là những khi có một kẻ địch đang đuổi theo bạn và bạn muốn rút cung tên ra để bắn hắn nhưng lại kích hoạt nhầm thứ bột tự thu nhỏ của Thần lùn chẳng hạn. Hạt sạn cuối cùng đó là game phải load cảnh quá nhiều mỗi khi bước sang một khu vực mới hoặc bước vào một căn nhà, có thể cắt đứt mạch hưng phấn của người chơi.
“Chất South Park” của The Stick of Truth hầu như cũng không chê vào đâu được, chỉ trừ có một điểm là một số nhân vật nổi tiếng của series này đã bị game lược bỏ mặc dù từng xuất hiện trên những tấm screenshot giới thiệu game thời kì đầu và thậm chí là xuất hiện cả trên màn hình loading của game nữa – quỉ Satan, dân hippy và Towelie chẳng hạn. Hi vọng là Obsidian muốn “để dành” họ cho những phiên bản tiếp theo của dòng game South Park.
Cuối cùng, game thủ hãy cân nhắc thật kĩ càng trước khi chơi game bởi cách thể hiện của The Stick of Truth đôi khi khá phản cảm. Game thủ có thể cười và cho rằng “South Park từ trước tới nay luôn là vậy mà”, nhưng thành thực mà nói thì hiếm có khi nào Trey Parker và Matt Stone lại được thoải mái thể hiện “khiếu hài hước” kì lạ của họ đến mức này. Chửi thề không được kiểm duyệt, khỏa thân, máu me, trẻ em bị zombie ăn thịt, giọng nói của chính trùm Phát xít Adolf Hitler được lồng cho những con Zombie Phát xít và màn đấu boss quái đản nhất trong các màn đấu boss, tất cả đều xuất hiện trong The Stick of Truth. Là một tựa game với nhân vật chính là trẻ con nhưng nội dung của game thì không hề trẻ con chút nào (game bị gắn mác Mature), vậy nên hãy coi chừng nếu như bạn tính đến chuyện chơi The Stick of Truth trong phòng khách hoặc khi có trẻ em xung quanh.
Kể từ sau series Batman Arkham của Rocksteady đến giờ làng game thế giới mới lại được thấy một tựa game gắn mác “ăn theo” có chất lượng tuyệt vời đến thế, một tựa game không chỉ mang đậm chất South Park mà còn là một tựa game role – playing xuất sắc nữa. Trò chơi này có thể chưa “vĩ đại” về kích thước với hàng cơ số nhiệm vụ phụ như những bom tấn The Witcher 3 hay Dragon Age: Inquisition trong tương lai nhưng ít nhất ở vào thời điểm này thì đây chắc chắn đã có thể được xem là một đối thủ nặng kí cho giải thưởng Game nhập vai của năm. The Stick of Truth chứa đựng vô số nhiệm vụ thú vị, cơ chế chiến đấu hấp dẫn, những năng lực đặc biệt rất sáng tạo giúp gợi mở bối cảnh thị trấn nhỏ bé và trên hết là cực kì khôi hài. Tính cả phần lớn các side quest thì game sẽ tiêu tốn xấp xỉ 20 giờ chơi và con số đó là hoàn toàn xứng đáng, từ đoạn gợi mở ngô nghê cho tới trường đoạn kết thúc vô cùng mãn nhãn.
Game thủ nên thử qua South Park: The Stick of Truth ít nhất một lần nếu không phải game thủ “nghiêm túc” hoặc không ưa show truyền hình South Park.
Theo VNE
Assassin's Creed có thể sẽ được sản xuất đều đặn mỗi năm
Gã khổng lồ Ubisoft đang nung nấu những dự định tung ra các phiên bản của series game kinh điển: Assassin's Creed mỗi năm. Theo đó, rất có thể hệ máy game mà nhà phát hành này chú trọng chính là PS3 và Xbox 360.
Phát biểu trên truyền thông gần đây, Lionel Raynaud đã cho biết rằng, Ubisoft nên cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào việc phát triển của Assassin's Creed. Bởi nhu cầu thưởng thức trò chơi hằng năm của game thủ vô cùng lớn. và quả thật, thời gian ra mắt mỗi phiên bản của dòng game AC này mất khá nhiều thời gian chờ đợi.
Giám đốc điều hành Lionel Raynaud của Ubisoft
Raynaud cho biết: "Chúng tôi rất có thể sẽ cung cấp các phiên bản AC đều đặn mỗi năm. Thật sự là một điều lãng phí khi nhu cầu người chơi lại không thể được đáp ứng mạnh mẽ bởi nhà phát hành. Tuy nhiên, chất lượng game sẽ không hề thuyên giảm ở một thời gian trong khuôn khổ."
Ubisoft cũng cho biết thêm, 2 phiên bản mà họ sẽ đánh mạnh vào thị trường hiện nay đó chính là PS3 và Xbox 360. Nhu cầu thưởng thức trên các hệ máy curren - gen vẫn đang lớn. Và với việc vừa cho ra mắt phiên bản Assassin's Creed: Comet vừa qua, đây có thể sẽ là màn chào sân cho những phiên bản nổi tiếp của dòng game này.
Giải thích cho việc game sẽ không được phát triển mạnh trên Xbox One và PS4, Raynaud cũng cho ra mắt, mỗi thế hệ máy game điều có những nét hấp dẫn riêng. Và Ubisoft vẫn muốn chú trọng đến những thế mạnh mà hãng đang có được, thay vì tập trung quá nhiều cho những hệ máy mới sau này.
Sẽ có nhiều phiên bản Assassin's Creed trên thế hệ máy Xbox 360 và PS3
Đây quả là một tin vui cho những game thủ yêu thích dòng game này. Tuần trước, sự xuất hiện củaAssassin's Creed: Unity và phiên bản Comet đã làm không ít game thủ phải phấn khích chờ đợi. Nếu đây là việc mà Ubisoft sẽ thực hiện vào thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ có những tựa game Assassin's Creed đầy chất lượng chào đời. Hãy cùng tiếp tục dõi theo những bước biển chuyển của gã khổng lồ trong thời gian tới.
Theo VNE
Làng game Nhật đang chết dần? Với sự ra mắt của PS4 với kiến trúc đầy thân thiện, các nhà làm game Nhật đang có cơ hội sửa sai tốt hơn bao giờ hết.Nhật Bản - cái nôi của ngành công nghiệp game từ lâu vẫn là địa danh mà khi nhắc đến ai ai cũng nghĩ tới những tựa game hấp dẫn đầy sức sáng tạo mà không...