Sốt xuất huyết và trách nhiệm
Ở xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như VN thì chuyện hằng năm phải chiến đấu chống dịch bệnh sốt xuất huyết khó mà tránh khỏi. Nhưng vấn đề là những ai sẽ có trách nhiệm “tham chiến” cao nhất?
Ảnh minh họa
Chắc chắn rồi, phải là ngành y tế chủ động “tham chiến” trước. Cũng là ngành y tế thì mới biết nên làm những việc gì là tốt nhất, cần thiết nhất để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tuyên truyền trước mùa có khả năng phát sinh dịch bệnh. Tiến hành kiểm tra môi trường sống ở những nơi có nguy cơ cao. Chủ động phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng để kiểm soát nguy cơ.
Chắc chắn rồi, chính quyền ở từng địa phương, nhất là ở những vùng có nhiều yếu tố nguy cơ phát dịch SXH cũng phải “tham chiến” sớm, hành động có trách nhiệm và quyết liệt để huy động lực lượng y tế địa phương thực hiện các kế hoạch hiệu quả nhằm phòng dịch SXH.
Video đang HOT
Những gì diễn ra hằng năm cũng cho thấy một điều, nếu thiếu sự “tham chiến” có trách nhiệm của cộng đồng, của người dân thì cuộc chiến với muỗi năm nào cũng có những thất bại đáng tiếc. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hành những chỉ dẫn đơn giản để tránh bị muỗi đốt và hạn chế môi trường sản sinh muỗi, loăng quăng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh SXH.
Chúng ta luôn mong đợi ý thức hành động tự giác của người dân trong cuộc chiến với muỗi. Tuyên truyền tích cực và hiệu quả hơn để chỉ dẫn người dân “tham chiến” tích cực chống phát sinh dịch SXH là điều cần được đặt vào quyết tâm của ngành y tế, của chính quyền địa phương.
Nhưng kết quả là chúng ta vẫn không tránh được những thất bại cay đắng trong cuộc chiến với muỗi và dịch bệnh SXH. Con số của một địa phương như Đồng Nai có thể khiến người đọc giật mình: từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.600 ca mắc SXH (tăng 2,65 lần so với cùng kỳ 2018), trong đó có 2 ca tử vong.
Trước những thất bại như thế thì cần phải quay ngược lại để xem xét mức độ và trách nhiệm các bên liên quan hòng tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Là y tế địa phương “tham chiến” chậm, thụ động? Hay là chính quyền địa phương thờ ơ không quan tâm đúng trách nhiệm nên không “tham chiến” sớm để triển khai kịp thời các hành động phù hợp? Hay là vì chính người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết nên chẳng chịu “tham chiến”, cứ duy trì những nếp sinh hoạt tùy nghi thuận tiện mà chẳng quan tâm đến chuyện muỗi mòng, nhiều khi vì thế mà gây ra những ổ gây bệnh SXH ngay trong nhà, ngay trước nhà?
Vậy nên mới có ý tứ từ phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng, phải xử lý những hộ dân để muỗi trú ngụ, sinh sản và phát triển khiến cho công tác dập dịch gặp khó khăn. Nói như thể dân cố tình “nuôi” muỗi.
Thay cho thời gian ngồi nghiên cứu biện pháp chế tài với trường hợp dân “nuôi” muỗi, có lẽ các cơ quan y tế nên dành thời gian theo dõi tình hình, chủ động “tham chiến” sớm để giúp dân diệt muỗi bằng những biện pháp chuyên môn thì còn hơn.
Theo Thanh niên
Châu Đốc tập trung phòng, chống sốt xuất huyết
"Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành ở Việt Nam thường tăng cao vào mùa mưa. Hiện nay, SXH đang bước vào cao điểm nên các cas mắc SXH ở Châu Đốc liên tục tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến cuối tháng 8-2019, toàn thành phố ghi nhận 108 cas mắc SXH (so cùng kỳ năm trước tăng 62 cas), trong đó tháng 7 và 8 tăng vượt đường dự báo dịch. Địa phương có số mắc cao, như: phường Vĩnh Mỹ, Châu Phú B, Châu Phú A, Núi Sam" - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ cho biết.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc phối hợp 7 xã, phường trên địa bàn đã tổ chức 5 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Đồng thời, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở, lật úp các đồ sinh hoạt có nước đọng, thả cá vào dụng cụ chứa nước sinh hoạt... "Số ca mắc SXH tăng cao do thời tiết thay đổi, một phần do ý thức của người dân trong công tác phòng, chống SXH chưa cao. Mặc dù biết nguyên nhân gây bệnh là do muỗi truyền nhưng một số người dân không chủ động, mà lại trông chờ vào Trạm Y tế, các đoàn thể địa phương đến diệt lăng quăng; khi có bệnh thì đề nghị đến phun xịt muỗi. Mặt khác, một trong những cái khó trong công tác phòng, chống SXH tại địa phương là lực lượng tham gia phòng, chống dịch không ổn định, thường xuyên thay đổi nên kỹ năng diệt lăng quăng chưa "chuyên nghiệp" - bác sĩ Lê Hoàn Vinh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc băn khoăn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc), tháng 7 và tháng 8-2019, số ca bệnh nhân mắc SXH tăng cao, không chỉ có bệnh nhân trên địa bàn TP. Châu Đốc mà còn có của các huyện, thị xã khác chuyển tuyến, nằm điều trị tại bệnh viện. Điển hình, bệnh nhân Nguyễn Đăng Khôi (8 tuổi, ngụ xã Khánh An, An Phú) là một trong những bệnh nhi nhập viện do bị SXH đã vào sốc ngày thứ 4 của bệnh. Sau khi nhập viện, bé được điều trị chống sốc, truyền dịch 2 ngày mạch đã ổn định, bé đòi ăn. "Con vào bệnh viện được mấy cô, chú y, bác sĩ điều trị tích cực, nay con đã bớt nhức đầu, con khỏe nhiều"- bé Nguyễn Đăng Khôi cho biết.
Chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ, đang vào mùa mưa nên khả năng dịch SXH bùng phát. Trước tình trạng trên, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc đã tham mưu UBND thành phố tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống SXH; tham mưu chính quyền địa phương triển khai thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng... Đồng thời, ban hành kế hoạch phòng, chống SXH trên địa bàn và chỉ đạo khối điều trị, dự phòng, trạm y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu... Thực hiện đúng "Quy định về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue" của Bộ Y tế nhằm giảm tỷ lệ tỷ vong tại các cơ sở điều trị. Đồng thời, chẩn đoán ban đầu độ chính xác cao giúp giảm tải cho công tác xử lý ổ bệnh tuyến xã. Tăng cường giám sát bệnh, chủ động thực hiện điều tra dịch tễ cas bệnh, củng cố và kiện toàn đội chống dịch cơ động, chủ động dự báo dịch... Song song đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình thành phố, truyền thanh các xã, phường. Đẩy mạnh cổ động trực quan, như: pa-nô, áp-phích, tờ rơi, tờ gấp và qua các đội tuyên truyền lưu động. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong công tác phòng, chống dịch trên tất cả các lĩnh vực về công tác giám sát chặt chẽ, báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, huy động các đoàn thể xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả không chỉ có ngành y tế, mà cần có sự tham gia tích cực của mọi người, mọi nhà. Bác sĩ Lâm Thành Tứ lưu ý: "Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, cách phòng, chống bệnh tốt nhất vẫn là người dân cần chủ động diệt lăng quăng, muỗi, ngăn ngừa muỗi đốt. Một điều cần lưu ý, người bị nhiễm SXH có thể bị bệnh nhiều lần, vì vậy người dân không được chủ quan. Cần xét nghiệm máu nếu sốt cao liên tục trong 3 ngày để sớm phát hiện, điều trị SXH hiệu quả".
THU THẢO
Theo baoangiang
Nỗ lực phòng chống bệnh sốt xuất huyết Sốt xuất huyết (SXH) hiện đang vào mùa cao điểm. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 124.751 ca SXH, 15 người tử vong. Giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại hộ dân ở xã Định Tiến (Yên Định). Dịch SXH đang có nguy cơ bùng phát mạnh...