Sốt xuất huyết len lỏi giữa Covid-19
Tuần qua TP HCM ghi nhận 4 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng nhẹ hơn so với trung bình 4 tuần trước song giảm gần 70% so cùng kỳ.
Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, ngày 27/4 thành phố ghi nhận 121 ca sốt xuất huyết trong tuần qua, không có người tử vong. Các ổ dịch đã được xử lý.
Đầu năm đến nay ngành y tế ghi nhận gần 6.400 ca sốt xuất huyết. Các tỉnh phía Nam đang chuẩn bị vào mùa mưa. Đây là mùa của sốt xuất huyết do môi trường thuận lợi để loăng quăng, bọ gậy sinh sôi phát triển gây bệnh. Ngành y tế khuyến cáo bên cạnh việc giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, người dân cần phòng ngừa sốt xuất huyết, diệt loăng quăng.
Trong khi đó các bệnh mùa như tay chân miệng, sởi… giảm mạnh. Nguyên nhân là trẻ nghỉ học từ đầu năm để phòng ngừa Covid-19, nên cũng giảm nguy cơ lây.
So với bốn tháng đầu năm ngoái, số catay chân miệng giảm 63%, ở mức gần 1.300 trường hợp. Trong tuần qua ghi nhận 16 ca tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, cao điểm khoảng tháng 2 đến tháng 4.
Video đang HOT
Số bệnh nhân sởi cũng giảm 90% so cùng kỳ. Trong tuần qua ghi nhận 3 bệnh nhân sởi, giảm so với các tuần trước.
Đến ngày 27/4, TP HCM ghi nhận 54 ca nhiễm nCoV, trong đó 53 người đã khỏi. Ngày 26/4, hai người tái dương tính sau khi xuất viện, được đưa trở lại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi theo dõi.
Lê Phương
3 bệnh nhân COVID-19 tái nhiễm: Kỹ thuật RT-PCR rất nhạy, khó có sai sót
Theo tin từ Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tới sáng 27.4 đã ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 nghi ngờ dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Dù vậy, theo chuyên gia, khó có khả năng lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Việt Nguyễn- Sơn Tùng
Bệnh nhân 74: được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị và được công bố khỏi bệnh ngày 10.4, về nhà cách ly tại Phú Thọ. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở.
Ngày 25.4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Hai ca nghi ngờ tái dương tính còn lại là bệnh nhân 207 và bệnh nhân 224.
Bệnh nhân 207 được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi công bố khỏi bệnh ngày 18.4; bệnh nhân này nhập viện ngày 1.4 và đã 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính (ngày 13, 15 và 17.4.2020).
Ngày 18.4, bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Ngày 25.4.2020, được theo dõi tại nhà, xét nghiệm lại và cho kết quả dương tính trở lại.
Bệnh nhân 224 được bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho công bố khỏi bệnh ngày 18.4. Bệnh nhân này vào viện ngày 30.3 và đã có 5 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính (ngày 12, 13, 15, 15 và 16.4.2020).
Bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh ngày 18.4. Ngày 23.4.2020, sau khi theo dõi tại nhà, được xét nghiệm lại và cho kết quả dương tính trở lại.
Hiện cả hai bệnh nhân này đã được đưa vào Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi theo dõi điều trị.
Trong thời gian cách ly tại nhà, các bệnh nhân trên đều được giám sát y tế chặt chẽ.
Khó có thể xảy ra sai sót trong xét nghiệm vì kỹ thuật RT-PCR rất nhạy
Trả lời về việc các bệnh nhân mắc COVID-19 dương tính trở lại, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay thụ thể yêu thích của SARS-CoV-2 là ở phổi, không nhiều ở trên vùng hầu họng. Chính vì vậy, khi người bệnh có triệu chứng, virus đã tấn công xuống đến phổi. Khi điều trị 6-7 ngày đến hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus.
Khi bệnh nhân đã có 2 lần âm tính (hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu), đa phần lần xét nghiệm tiếp theo là âm tính nhưng không loại trừ trường hợp có tổn thương ở phổi, tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus. Lúc này, virus không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất khỏi phổi, xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.
"Cần lưu ý là dương tính khi phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại, sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này, khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính", bác sĩ Thái cho hay.
Theo chuyên gia này, đến nay, chưa thấy bằng chứng về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Thế giới chưa ghi nhận những ca lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới này.
"Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thuật RT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại một vài vật liệu di truyền của virus là sẽ có kết quả dương tính. Dương tính trong xét nghiệm RT-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của SARS-CoV-2, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và đang gây bệnh", bác sĩ Thái nhận định.
THÙY LINH
Bà bầu phòng ngừa Covid-19 như thế nào? Thai phụ cần bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin, canxi, trái cây..., duy trì đi bộ, vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần thoải mái. Chế độ dinh dưỡng đủ, đúng, giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, bảo vệ thai nhi; giúp bé phát triển tối ưu và là nền tảng cho sức khỏe sau khi sinh ra....