Sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Người dân không nên tự ý mua thuốc về để điều trị sốt xuất huyết mà cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành thăm khám, chữa trị kịp thời.
10 ca tử vong vì sốt xuất huyết
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số ca mắc có xu hướng tiếp tục tăng nhanh tại nhiều địa phương.
Các tỉnh, thành phố có số ca mắc trên 100.000 dân cao nhất cả nước là: Khánh Hoà, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.
Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trên diện rộng, để tăng cường phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ra chỉ thị khẩn số 07/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh SXH.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong việc huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7/2019 đến hết năm. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin và báo cáo tình hình dịch.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân SXH; Hỗ trợ cán bộ tuyến dưới trong công tác tập huấn, chẩn đoán, điều trị bệnh SXH.
Video đang HOT
Mới đây, ngày 29/7, tại Quyết định số 3301/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập 8 đoàntác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh SXH tại các tỉnh, thành phố trọng điểm: Khánh Hoà, Bình Thuận, TPHCM, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định…
Không được chủ quan
Mặc dù SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng nhưng không ít người vẫn khá chủ quan và có nhận thức chưa đúng đắn về căn bệnh này và cho rằng SXH chỉ mắc một lần trong đời, hết sốt là hết bệnh, tiếp xúc với người bị SXH sẽ lây bệnh…
Thực tế cho thấy, khi xuất hiện các biểu hiện như: đau đầu, đau cơ, đau khớp, sốt,… hầu hết người dân đều nghĩ mình bị cảm cúm hoặc sốt do virus nên đã tự ý mua thuốc giảm đau về để sử dụng, trong đó có 2 loại thuốc là aspirin và ibuprofen. Theo các bác sĩ, 2 loại thuốc này không chỉ làm cho tình trạng ra máu ở người bệnh trầm trọng hơn mà còn có thể gây xuất huyết dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, khi phát hiện các biểu hiện ban đầu của bệnh, người dân tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về để điều trị và cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành thăm khám, chữa trị kịp thời.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện nay đang là tháng cao điểm của SXH, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu mỗi người dân không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống. Bệnh SXH đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất chống dịch,…
Đức Trân
Theo daidoanket
Ồ ạt nhập viện do sốt xuất huyết
Bắt đầu từ tháng 6, khi thời tiết bước vào mùa mưa cũng là lúc bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh tại khu vực phía Nam.
TP Hồ Chí Minh đang là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, các chuyên gia dự báo, nếu không có các giải pháp quyết liệt, kịp thời, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến rất phức tạp.
Bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Trẻ con, người lớn ồ ạt nhập viện
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca sốt xuất huyết nhập tại bệnh viện này là 5.161, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, số ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là ở người lớn.
Tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, trong tháng 6 qua đã tiếp nhận gần 800 ca bệnh, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận thêm từ 50 - 70 ca bệnh nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, dù đã phải kê thêm gần 30 giường bệnh, nhưng khoa này đang quá tải bởi bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện gia tăng nhanh.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh những ngày qua cũng chứng kiến bệnh nhi "ồ ạt" nhập viện do sốt xuất huyết. Đơn cử trong ngày 9/7, Khoa Nhiễm của Bệnh viện này có đến 65 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 trẻ bị nặng và 1 trường hợp phải thở máy. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số trẻ nhập viện trong tình trạng sốc, mạch và huyết áp không đo được.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do sốt xuất huyết những ngày qua. Trung bình có từ 50 - 60 trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại các đơn vị này mỗi ngày.
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, cả ở người lớn và trẻ em, cao hơn cùng kỳ năm trước 139%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh - địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước có 24.768 ca bệnh sốt xuất huyết cả nội trú lẫn ngoại trú, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018.
Hạn chế tử vong, tích cực phòng bệnh
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Lý giải nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết cao, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là địa bàn phức tạp, có mật độ dân cư cao, công trình xây dựng nhiều, vì thế rất khó kiểm soát bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Một trong những khó khăn mà TP Hồ Chí Minh gặp phải là mùa dịch năm 2018-2019 kết thúc muộn khi đỉnh dịch kéo dài đến tháng 1/2019 và tháng 4/2019 mới kết thúc. Đến tháng 6/2019 khi mùa mưa đến, số ca sốt xuất huyết lại ồ ạt tăng cao. Như vậy, khoảng thời gian nghỉ giữa hai mùa dịch chỉ có một tháng, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Ngoài nỗ lực của ngành Y tế, việc vận động người dân tham gia vào công tác phòng chống sốt xuất huyết rất quan trọng. Thế nhưng, cho đến nay, sự bất hợp tác của một số người dân trong việc phòng chống sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát bệnh này trở nên khó khăn hơn. Thực tế khi nhân viên y tế phường, xã đến tận hộ dân thông báo sẽ phun hóa chất diệt muỗi tại khu dân cư, nhiều người dân đóng cửa để hóa chất không bay vào nhà.
"Kể cả khi chúng tôi sử dụng máy phun chuyên dụng để phun hóa chất cho những ngôi nhà cao 2 - 3 tầng thì người dân cũng đóng cửa sổ lại, điều này gây nên sự lãng phí lớn mà không mang lại hiệu quả phòng chống dịch", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Không những có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước tính đến ngày 11/7, TP Hồ Chí Minh cũng có số ca tử vong do sốt xuất huyết nhiều nhất với 5 trường hợp tử vong, trong đó 3 người lớn và 2 trẻ em. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018 không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.
"Số ca bệnh tử vong tỷ lệ thuận với số ca mắc, do đó để hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, chúng ta cần phải giảm số lượng ca mắc bệnh", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, thực hiện test nhanh, xác định mắc sốt xuất huyết hay không. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, đau nhiều ở hạ sườn phải, đi tiêu - đi tiểu ra máu, ra máu cam, xuất huyết dưới da thì người dân nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Riêng đối với những người có cơ địa đặc thù, béo phì hay có bệnh nền, cần nhập viện điều trị sớm bởi những trường hợp này dễ tử vong nếu mắc sốt xuất huyết.
Để huy động người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đã thay đổi cách tiếp cận với cộng đồng bằng thông điệp "Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi", nhằm vận động người dân dành 15 - 20 phút vào ngày cuối tuần dọn dẹp môi trường sống xung quanh, loại bỏ các vật dụng chứa nước. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng nòng cốt như đoàn thanh niên, dân phòng, quân đội, các cơ sở giáo dục, tôn giáo, cùng chung sức vận động phòng chống sốt xuất huyết.
"Nếu chúng ta quyết tâm, thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp và tập hợp được sức mạnh của toàn dân cùng chung tay chống dịch thì sẽ giảm được số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng trong thời gian tới", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.
Đinh Hằng
Theo TTXVN
Không để thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều địa phương với số người mắc tăng rất cao, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn có kế hoạch...