Sốt với “cây đổ máu” gây xôn xao
Sau hàng loạt cơn sốt của các loại cây cỏ được thiên hạ xem là biệt dược chữa bá bệnh như xáo tam phân, ươi, trái cây rừng, thông đỏ, nấm linh chi… Nay đến lượt thiên hạ sốt đến điên cuồng cái gọi là… cây đổ máu.
Cây đổ máu theo lời rêu rao, đồn đại của những người buôn dược liệu cũng như các đầu nậu và phường Sơn Tràng chuyên tầm nã cây thuốc quý ở khắp các cánh rừng Bắc – Trung – Nam là các loài cây si mà khi dao rựa phập vào thân nhựa tuôn tràn. Vì nhựa cây đỏ như máu người nên dân trong nghề gọi chung là… cây đổ máu!
Lúc ban đầu dân trong nghề không rõ người ta mua “cây đổ máu” để làm gì, cũng chẳng ai rõ cái thứ nhựa máu kia quý ra sao. Người ta chỉ biết rằng giá thu vào của thứ cây có nhựa đỏ như máu này được giới đầu nậu tung ra leo thang đến chóng mặt. Người ta thấy rằng, nếu tìm được một “cây đổ máu” thì dân Sơn Tràng sẽ chắc ẵm tiền tỉ trong tay. Cơn sốt phát sinh từ đó!
Một hình ảnh “cây đổ máu”.
Xáo tam phân chỉ là em út…
“Gần một tuần qua nhiều người dân ở xã An Trung và một số xã lân cận ở huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) xôn xao trước thông tin một nhóm người tình cờ phát hiện cây si có nhựa đỏ như máu giá trị cao ngất ngưởng không thua kém gì trầm hương… Người dân cho biết, cây si nhựa đỏ là loại đặc biệt quý hiếm vì không giống như một số giống cây si “anh em” khác với nhựa màu trắng, si nhựa đỏ có nhựa đỏ như máu… Người phát hiện cây si nhựa đỏ ở An Trung là anh Nhã, 36 tuổi. Anh Nhã biết cây si có nhựa đỏ như máu từ một người bạn. Chuyện rằng khi được thương lái nhờ tìm, người bạn của anh Nhã tâm sự với anh, nhờ anh cùng kiếm tìm vì thương lái mua với giá rất cao.
Từ lời của bạn, nhớ ven suối ở thôn 5 có cây si khổng lồ nên anh Nhã cùng 3 người bạn ra suối chặt. Lúc đầu cây chảy nhựa màu vàng, sau chuyển thành đỏ sậm như máu… Nhiều người lan truyền cây si nhựa đỏ mà anh Nhã tìm được giá trị đến cả tỉ đồng. Lợi lớn quá, nhiều người xin được nhập vào nhóm mong được chia tiền nhưng nhóm của Nhã không đồng ý, từ đó nảy sinh mâu thuẫn… Nghe tin cây si đỏ giá tiền tỉ, nhiều người kéo đến thôn 5 có ý định chặt phá, gây mất trật tự địa phương”.
Trên đây là thông tin mà chúng tôi tóm lược từ nhiều trang báo mạng có liên quan đến “cây si đổ máu” ở Gia Lai vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, vốn dĩ là nguồn cơn của cơn sốt. Sau hàng loạt chuyện lùm xùm quanh “cuộc chiến” tranh giành cây si đổ máu kia, cơn sốt đích thực quanh loài cây cho nhựa đỏ như máu bắt đầu với vô số thông tin chào mua của những đầu nậu, ban đầu 200.000 đồng/kg và càng về sau càng gia tăng đến… chóng mặt.
Ngày 10-9, nghĩa là sau khoảng nửa tháng kể từ khi rộ lên chuyện cây si đổ máu ở Gia Lai, khi theo chân các đầu nậu, con buôn dược liệu (chuyên “ăn” hàng trong nước rồi xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch – PV), sau khi đi qua nhiều cánh rừng ở các tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi nắm được thông tin đầu nậu sẵn sàng thu vào với giá 8 triệu đồng/kg. Ở thời điểm “sốt” đỉnh điểm, giá của cây “thần dược” xáo tam phân được con buôn bán ra cho người có nhu cầu chữa bệnh nan y chưa đến 3 triệu đồng/kg. Giá này so với giá “si đỏ” nói theo ông Hai Q., ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) chỉ là… “em út”!
Thời điểm thông tin cây si nhựa đỏ “chào đời” đến hôm nay chỉ khoảng 1 tháng nhưng vì giá của nó lên đến 8 triệu đồng/ kg và còn hơn thế nữa nên khắp Bắc – Trung – Nam, dân buôn phát cuồng vì loài cây đổ máu này. Vì phát cuồng, vì ham tiền tỉ nên dân buôn dược liệu tung tin mua si nhựa đỏ và các loại cây khác hễ có nhựa đỏ như máu giá cao với tốc độ khủng khiếp. Hão huyền những phi vụ bạc tỉ.
Cần nói rõ lúc ban đầu, khi “nhong nhóng sốt”, dân buôn dược liệu chẳng biết các ông trùm dược liệu mua si nhựa đỏ như máu nhằm mục đích gì? Sau hơn 2 tuần “sốt”, lúc này mới rộ lên thông tin các ông trùm gom si nhựa đỏ về Trung Quốc đặng để các chuyên gia chiết xuất chất nhựa đỏ như máu làm thảo dược chữa ung thư?!
Video đang HOT
Để rõ hơn về cây si nhựa đỏ có giá tiền tỉ, được một số dân buôn bắc cầu, chúng tôi vào trang duocminha… của ông trùm tên M. chuyên thu mua dược thảo, trong đó có si nhựa đỏ, và bội thu trước những thông tin ly kỳ: “Si nhựa đỏ thường sống trên vách đá cheo leo, có bộ rễ bám sâu trong khe đá. Quan trọng nhất khi tìm cây si nhựa đỏ là phải xác định đó phải là si hoặc đa, sau đó vặt lá rồi thấy cuống lá phòi ra nhựa đỏ là đúng.
Nhựa là phần quan trọng nhất của cây si, nhựa màu đỏ tươi như máu, sau 2 – 5 phút nhựa khô lại chuyển màu đen. Khi giao dịch cây si đỏcây đa nhựa đỏ phải chụp ảnh lá, lấy nhựa bôi ra tay và chụp ảnh, lấy cành cây khoảng 40cm, gói kín trong bao ni-lông, tiếp đến lấy mũi dao thọc 1 lỗ nhỏ cho nhựa chảy vào 2 lọ thủy tinh, tiến hành chụp ảnh, chụp ảnh một người ôm lấy cây, đâu đó rồi gửi toàn bộ email và mẫu về địa chỉ công ty. Khi xác định đúng mẫu chúng tôi sẽ cho người liên hệ đặt tiền, xong hàng sẽ giao tiền tại nơi có cây, giao đủ”…
Vào thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, cơn sốt cây đổ máu đã lan rộng trong cả nước, nhiều người buôn bán phát cuồng với hy vọng chỉ cần những toán quân được mình đặt hàng sẵn được thì khả năng ẵm trong tay hàng tỉ đồng sẽ ngon ơ. Cũng vì suy nghĩ ấy mà lắm kẻ tung tin cho các toán sơn tràng rằng sẵn sàng mua với giá 2-3 triệu đồng một ký lô chứ không phải như lúc đầu chỉ 1-2 trăm ngàn một ký: “Với giá thu vào 8 triệu đồng thì ngần ấy tiền thu vào có nhằm nhò gì. Tính sát rạt ra mỗi ký mình cũng lời ít nhất 4 triệu đồng. Mà một cây si nhựa đỏ như thế phải nặng từ nửa tấn trở lên. Cứ lấy 4 triệu mà nhân bét nhất con số 500 (500kg-PV) thì sẽ rõ nguồn thu thôi” – ông T., 47 tuổi, ở Ninh Hòa, một người thu mua dược liệu nhẩm tính.
Theo kiểu tính toán của ông T. thì chỉ với cây si nhựa đỏ hay đa đổ máu gì đó nặng 500kg được giao dịch, dân buôn như ông đút túi “bét nhất 2 tỉ đồng”. Chính lợi nhuận khá hấp dẫn này đã khiến dân kinh doanh dược liệu ở khắp các vùng miền, và cả tại phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, TP HCM… phát sốt.
Mới đây, khi ghé phố đông dược này “điều nghiên” thị trường cây đổ máu, chúng tôi được nhiều ông bà chủ cho biết nhiều ngày qua, ngày nào cũng có người đến hỏi thăm, đặt vấn đề mua cây đổ máu: “Họ nói không quan tâm tôi thu vào bao nhiêu, nếu tôi thu vào càng rẻ thì lợi càng nhiều vì cứ mỗi ký tùy lớn nhỏ mà họ trả cho tôi từ 6 – 8 triệu đồng” – bà Vân, chủ quầy Đông dược, T.Vân cho biết!
Như đã nói, chuyện của các loại cây đổ máu khiến thiên hạ điêu đứng mơ “ẵm” tiền tỉ thì ai cũng biết. Nhưng có ai ẵm tiền tỉ đích thực thì chẳng ai được tận tường, nếu không tự huyễn hoặc, tưởng tượng thì chỉ là nghe “người ta nói” biết qua “người ta đồn”. Và điều lạ kỳ là dù đã tung nhiều cánh quân, cho người sục sạo khắp mọi nơi nhưng chẳng ông bà chủ nào thu được chiến lợi phẩm.
Ai đứng sau các vụ thu gom, ai tung tin “mỗi kí tự 8 triệu đồng” với cam đoan “bao nhiêu cũng gom”…? Vì chẳng đầu nậu, con buôn, dân sơn tràng nào trả lời được những khúc mắc này nên bức màn về cây đổ máu tiền tỉ mà chúng tôi cất công tìm hiểu càng thêm… bí ẩn.
Trò thao túng của các ông trùm
Hình ảnh khác về cây đổ máu
“Có gì mà khó hiểu đâu. Đây là đòn độc của những người thu mua dược liệu Trung Quốc thôi. Trước khi tung tin tức ấy ra, các ông trùm đã cho người lùng sục, đánh dấu tọa độ những khu vực có cây đổ máu rồi bắt đầu tung tin thu mua với giá leo thang từng ngày. Mục đích nhằm tạo cơn sốt, kích thích lòng tham của các con buôn trong nước”.
Đây là tiết lộ của ông B.Tùng, một đầu nậu dược liệu từng có thâm niên làm ăn với đầu nậu Trung Quốc nay chỉ chỉ chuyên tâm kinh doanh trầm hương – kỳ nam. Theo ông Tùng, để có nhiều cá cắn câu, khi tung tin thu mua, theo chỉ đạo của các ông trùm, mấy tay đàn em là tay sai sẽ tạo điều kiện cho một số con mồi “trúng” được vài trăm triệu đồng qua phi vụ buôn si mủ đỏ. Khi “cá say mồi”, ông trùm sẽ tung quân vào vai dân đi rừng bắn tin với các con buôn, đầu nậu rằng đã tìm được hàng.
Thấy ngon ăn, nghĩ đến cái viễn cảnh mỗi ký lô thu vào sẽ lời hàng triệu đồng nên các ông chủ bà chủ sẽ tung hết vốn liếng, vay thêm tiền của bạn bè người thân, thậm chí thế chấp nhà đất cho ngân hàng để thu mua vào càng nhiều cây đổ máu càng tốt: “Tạo cơn sốt ảo rồi, vờ thu mua chút đỉnh để tạo niềm tin và kích thích lòng tham của con buôn rồi, lúc này đầu nậu mặc sức cho quân đi chào bán cây đổ máu mà mình có sẵn với giá 3 – 4 triệu đồng một ký nhưng giá trị thực chỉ vài mươi ngàn đồng. Khi con mồi “ăn no hàng” gọi bán thì đầu dây bên kia của đầu nậu ò í e, lúc đó con buôn chỉ có nước khóc ròng”.
Ông B.Tùng sớm khép lại câu chuyện cạm bẫy cây đổ máu bằng minh chứng về vụ ươi vừa rồi cũng do những ông trùm Trung Quốc đạo diễn, khiến nhiều người ở Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa… ăn trái đắng, có kẻ phát điên vì thua lỗ nợ nần: “Vào đầu vụ, đầu nậu tung tin gom mỗi ký ươi đến hơn trăm ngàn đồng, có bao nhiêu gom bấy nhiêu. Gom xong rồi, chúng nó còn ma mãnh tạm ứng trước một số tiền cho chủ vựa để tạo niềm tin với lời nhờ vả cố gắng gom càng nhiều càng tốt.
Cứ mỗi 1kg ươi thu mua vào bán cho đầu nậu lời bán được vài chục ngàn đồng, thấy quá ngon ăn, vậy là có chủ vựa huy động mọi vốn liếng thu mua cả chục tấn ươi, có người thậm chí gom cả hàng chục tấn, gom xong alô cho ông trùm thì đầu dây bên kia báo số máy không liên lạc được. Một thời gian sau có kẻ lạ xuất hiện hỏi mua số ươi kia với giá rẻ mạt lúc này chủ vựa đành phải bán thì để lâu thì ươi mục nát, và lãi vay sẽ gia tăng nên đành phải bán tống bán tháo…”.
Xem ra kịch bản cây đổ máu chẳng khác gì màn kịch ươi. Ông B.Tùng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng hiện tại đã có nhiều chủ vựa, con buôn dược liệu đã cắn câu: “Sắp tới sẽ có tay cắn lưỡi, treo cổ vì cái vụ cây đổ máu đổ bể này” – ông B.Tùng, đoán chắc.
Theo lương y Nguyễn Trọng Bá (tỉnh Đồng Nai), thông tin nhựa cây si đỏ cũng như các cây có nhựa đỏ chữa ung thư cần phải kiểm chứng lại. Vì y học cổ truyền không ghi nhận điều này.
Cũng theo lương y Nguyễn Trọng Bá, trong dược điển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, về công dụng của mủ cây si, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi ghi nhựa si dùng chữa những trường hợp ứ huyết do ngã hay bị đánh, bị thương, nhức mỏi chân tay. Còn dùng mủ si chữa ho hay cắt cơn hen với liều lượng mỗi ngày uống uống 10-20ml nhựa si hòa vào 10-20ml rượu mà uống, có thể pha thêm rượu để xoa bóp nơi đau nhức.
“Tác dụng của nhựa si chỉ như thế thôi, làm gì có chuyện chữa bệnh ung thư này nọ, đó có thể do người ta tự gán để nâng giá trị nhằm bịp người thiếu hiểu biết mà thôi” – một đồng nghiệp của lương y Nguyễn Trọng Bá, lưu ý.
Theo An Ninh Thế Giới
Xuất hiện "xe vua" do quan chức bảo lãnh
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, hầu như địa phương nào cũng có đoàn "xe vua" được bảo lãnh bởi người có chức vụ tại địa phương. Địa phương phát hiện xe quá tải ít chẳng qua do kiểm tra ít hoặc chỉ kiểm tra xe chở đúng tải, thậm chí không chở gì.
Phạt cả thanh tra kém năng lực
Tại buổi tọa đàm Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe (Báo Giao thông tổ chức chiều 28/7), ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: Vấn nạn xe quá tải không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường bộ, còn tạo môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, doanh nghiệp kinh doanh đứng đắn chịu thiệt thòi.
"Hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn "xe vua" được bảo lãnh bởi quan chức tại địa phương, từ đó hình thành nhóm lợi ích, tìm mọi cách chống lực lượng thực thi công vụ, chủ trương cơ quan quản lý", ông Thanh nói. Sau 6 tháng ra quân cân tải trọng xe, ông Thanh cho rằng, đừng vội vàng thỏa mãn thành tích bước đầu. Giờ "xe vua" không còn quá lộ liễu, thách thức cơ quan công quyền, dư luận, nhưng vẫn tìm cách trốn tránh, lách trạm cân.
Ông Thanh đánh giá cao những tỉnh phát hiện nhiều xe quá tải, còn những địa phương phát hiện ít xe quá tải chẳng qua do kiểm tra ít, chỉ kiểm tra xe đúng tải trọng, thậm chí xe không chở gì.
Theo người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô, cùng với phạt nặng lái xe, phải phạt nặng lực lượng thanh kiểm tra, trạm cân để lọt xe quá tải. "Trạm trước để lọt, trạm sau bắt được chỉ xử lý lái xe rồi cho qua, đây là tiêu cực. Lực lượng thanh tra nói để lọt xe do chuyên môn kém, như thế không được, phải xử phạt cả người nhận mình kém năng lực do không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta phải nói thẳng với nhau như vậy", ông Thanh nói.
Ông Thanh đề xuất phải có cơ chế, chính sách để kiểm soát tải trọng lâu dài, hiệu quả, như đặt trạm cân tại các trạm thu phí BOT, và có cơ chế để chủ đầu tư dự án BOT được quyền từ chối cho xe quá tải vào đường do mình đầu tư; có cơ chế xử phạt nguội, phạt lũy tiến (xe chạy vượt tải càng xa phạt càng nặng)...
Trạm cân tải trọng xe tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chỉ hoạt động tới 12h trưa, sau đó dời đi cho xe quá tải hoạt động (Ảnh chụp cuối tháng 6/2014). (Ảnh: Sỹ lực).
Vì lợi ích địa phương?
Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ cho biết, hiện người đứng đầu trạm cân là thanh tra, phải chịu trách nhiệm toàn bộ, nhưng người có quyền dừng xe lại là cảnh sát giao thông. "Nếu xe quá tải qua trạm mà cảnh sát giao thông không dừng xe để kiểm tra, lực lượng thanh tra có muốn kiểm tra cũng không làm gì được", ông Sỹ nói. Chưa kể, quy định chỉ cho phép dừng 3 xe một lúc, nếu đoàn từ 4 xe trở lên thì những xe đi sau vô tư qua trạm không bị kiểm tra.
Thậm chí, có tình trạng một số tỉnh vì lợi ích kinh tế địa phương nên tạo điều kiện cho xe quá tải hoạt động. "Có lãnh đạo địa phương nói với tôi, nếu làm gắt gao cũng không được, sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách, hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Như vậy, ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng chưa thông", ông Sỹ nói.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc cân tải trọng xe rất dễ phát sinh tiêu cực, nên Bộ luôn chỉ đạo lực lượng thực hiện đúng chức trách của mình. Trong 6 tháng triển khai ra quân cân tải trọng xe, dư luận đang đặt vấn đề về tiêu cực trong xử lý xe quá tải trọng. Điều này do đâu, phối hợp chưa tốt hay có trường hợp cố tình để lọt xe quá tải, cò mồi trạm cân...
Để xử lý triệt để xe quá tải, Thứ trưởng Thọ cho biết, sẽ tăng cường xử phạt xe vi phạm, ngoài xử phạt lái xe sẽ xử phạt cả chủ phương tiện, đơn vị bốc xếp hàng lên xe.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt, 6 tháng năm 2014, lực lượng này đã kiểm tra gần 215.000 xe ô tô tải, xử phạt 47.000 trường hợp chở quá tải (chiếm 22% số vi phạm); xử phạt nộp kho bạc nhà nước 106 tỷ đồng, tạm giữ hơn 1.800 phương tiện.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
Xem "xe vua" chở gỗ khủng tự hạ tải Sau loạt bài Báo Giao thông phản ánh về tình trạng "xe vua" chở gỗ từ Lào về tàn phá QL, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc. Những ngày qua, bất chấp trời nắng, tại Lao Bảo, hàng trăm "xe vua" đều ngoan ngoãn tự phải hạ tải mong được về xuôi. Và thực tế tất cả các xe...