Sốt sắng xử lý tài xế xích lô ‘trấn’ tiền khách Nhật, rồi sao nữa?
Tất cả những vấn nạn du khách gặp phải đều xảy ra với người Việt. Du khách đến rồi sẽ đi, nhưng chính người Việt mới sẽ phải đối diện với những vấn nạn đó thường xuyên hơn.
Simon Stanley – Nhà báo tự do
Simon Stanley là cây viết tự do chuyên các vấn đề thời sự, văn hóa và lịch sử đang sống tại TP.HCM. Một số tác phẩm của Stanley được dịch sang tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy. Anh cũng từng góp mặt trong vài tập phim của series nổi tiếng Somebody Feed Phil trên Netflix có bối cảnh quay ở TP.HCM.
Cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi), du khách Nhật bị tài xế xích lô lấy 2,9 triệu đồng sau cuốc xe 5 phút, đã bày tỏ bất ngờ vì chính quyền TP.HCM đã xử lý vụ việc rất nhanh chóng và kịp thời – chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
Thực ra, nếu đọc tin tức về các vụ du khách nước ngoài được đối đãi ra sao khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, cụ Oki sẽ không bất ngờ như vậy. Có thể trích dẫn ngay những trường hợp mà cơ quan chức năng đã rất sốt sắng khắc phục những hậu quả du khách nước ngoài không may gặp phải khi ở Việt Nam.
Vì sao những vụ việc như vậy đối với du khách cứ xảy ra đến hẹn lại lên từ năm này sang năm khác, bất chấp lòng nhiệt thành và sốt sắng khắc phục hậu quả từ phía Việt Nam?
Năm rồi, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã có văn bản gửi lời xin lỗi tới du khách Australia trong chuyến đi được họ gọi là “kinh dị” tới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vì chất lượng phục vụ.
Du khách này cũng được mời trở lại Việt Nam trải nghiệm du thuyền trên vịnh Hạ Long cũng như thăm thú một số điểm đến hấp dẫn khác theo sự sắp xếp của Tổng cục Du lịch.
Năm 2017, một nữ du khách người Mỹ được đền 1.000 USD bởi một công ty ở Sài Gòn sau khi cô vấp phải móc sắt hình chữ U ở mặt đường trung tâm thành phố, ngã đập mặt xuống đất, chảy nhiều máu.
Năm 2016, chính quyền địa phương đã tổ chức xin lỗi công khai nữ du khách Ai Cập bị giật túi xách tại khu vực phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. Du khách này và người bạn đi cùng cũng được tài trợ toàn bộ chi phí cho chuyến du lịch xuyên Việt.
Tuần rồi, cụ Oki được lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM gặp mặt, xin lỗi và trao thư xin lỗi của tài xế xích lô. Đại diện Sở Du lịch cũng trao tặng cụ Oki và gia đình hai cặp vé máy bay khứ hồi Việt Nam – Nhật Bản.
Kết nối những sự việc này lại với nhau, tôi không thể không đặt câu hỏi: Vì sao những vụ việc như vậy đối với du khách cứ xảy ra đến hẹn lại lên từ năm này sang năm khác, bất chấp lòng nhiệt thành và sốt sắng khắc phục hậu quả từ phía Việt Nam? Và còn bao nhiêu vụ việc như vậy đã xảy ra mà chúng ta không hoặc chưa được biết?
Tất cả những vấn nạn du khách gặp phải đều xảy ra với người Việt. Du khách đến rồi sẽ đi, nhưng chính người Việt mới sẽ phải đối diện với những vấn nạn đó thường xuyên hơn.
Video đang HOT
Tôi hoàn toàn không có ý nói những món quà, nghĩa cử đền đáp đối với du khách gặp nạn đó là vô nghĩa. Chúng thể hiện thiện chí chân thành của người Việt muốn khắc phục sai lầm và đối đãi du khách bằng sự nồng hậu, lịch thiệp.
Thế nhưng, rõ ràng là lòng nhiệt thành, sự sốt sắng khắc phục ngay hậu quả chỉ là bề nổi và không giải quyết được triệt để vấn đề. Chúng sẽ trở thành vô nghĩa nếu những lượt du khách khác đến Việt Nam lại tiếp tục trở thành nạn nhân.
Và còn một điểm quan trọng khác: Tất cả những vấn nạn du khách gặp phải – “chặt chém”, cướp bóc hay những tai nạn từ trên trời rơi xuống – đều xảy ra với người Việt. Du khách đến rồi sẽ đi, nhưng chính người Việt mới sẽ phải đối diện với những vấn nạn đó thường xuyên hơn và trong nhiều trường hợp, chịu hậu quả nặng nề hơn.
Trong thời đại mạng xã hội, rất dễ để chúng ta có xu hướng chĩa mũi dùi công kích vào tài xế xích lô Phạm Văn Dũng vì hành vi với du khách Nhật. Ông Dũng cũng có thể xứng đáng bị lên án vì những gì mình đã làm.
Thế nhưng, rõ ràng là sẽ không công bằng khi chỉ trút mọi trách nhiệm lên vai ông Dũng, xin lỗi du khách Nhật rồi đền đáp bằng vài hành động thiện chí là xong.
Lòng nhiệt thành, sự sốt sắng cần được chuyển hoá thành những nỗ lực cụ thể biến Việt Nam thành một nơi ngày càng an toàn, sạch sẽ và đáng sống hơn đối với người dân bản địa. Khi người dân bản địa thấy tự hào và an tâm về nơi mình sống, tự khắc họ sẽ thấy có trách nhiệm làm cho người ngoài và du khách có cùng chung cảm nhận.
Lượng du khách đến Việt Nam đang tăng đều qua các năm. Đây cũng được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong nhiều năm tới với một chiến lược phát triển dài hạn, quy mô.
Trong khảo sát mới đây của ngân hàng HSBC, Việt Nam xuất hiện trong danh sách 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới với người nước ngoài. Cũng không ai nghi ngờ về thiện chí, sự hào phóng, mến khách và thân thiện của người Việt với du khách cũng như cộng đồng người nước ngoài.
Thế nhưng, không có nghĩa vì vậy mà mọi động thái cải thiện chất lượng cuộc sống đều phải chăm chăm lấy thước đo, lăng kính người nước ngoài ra làm chuẩn hay đặt sự tiện lợi, thoải mái của họ lên trước người Việt.
Một ví dụ dễ thấy nhất là việc khai thác tuyến buýt sông Sài Gòn. Ngay từ lúc được đưa vào vận hành, người ta đã nhấn mạnh việc những “nước tiên tiến” như Mỹ, Anh hay Thái Lan đã có dịch vụ buýt đường sông tương tự.
Rõ ràng là vậy, nhưng “tiên tiến” thì không chỉ là những chiếc tàu màu vàng to lớn, trống rỗng cập bến rồi lại chạy vút đi. Bức tranh toàn cảnh bị bỏ qua và việc cải tiến các tuyến đường đi bộ đến bến tàu cũng không được chăm chút.
Do đó, công năng của tuyến buýt sông này dường như chỉ là để phục vụ cho những giờ phút vi vu của du khách hơn là trở thành một lựa chọn di chuyển nghiêm túc của người Sài Gòn.
Cũng hoàn toàn chính đáng khi nhấn mạnh an toàn thực phẩm là “yếu tố hàng đầu trong phát triển du lịch”. Thế nhưng, những câu chữ hay lời hiệu triệu trên sẽ là thừa khi mối lo thực sự về an toàn thực phẩm được giải quyết trước tiên và rốt ráo cho người Việt.
Khi an toàn thực phẩm được đảm bảo trước hết cho chủ nhà thì đương nhiên khách cũng sẽ yên tâm khi đến chơi. Đôi khi người Việt lại bị ám ảnh đến mức cứ nhắc đi nhắc lại những “mối lo của khách Tây” về đồ ăn, thức uống khi đến đây mà lại quên đi những món “Tây” mang vào cũng có những nguy cơ nhãn tiền về sức khoẻ.
Điều quan trọng nhất là mọi sự sốt sắng cần được chuyển hoá thành những nỗ lực cụ thể biến Việt Nam thành một nơi ngày càng an toàn, sạch sẽ và đáng sống hơn đối với mọi người dân bản địa.
Các loại thức uống có đường, bia và đồ ăn vặt của “Tây” đang được “bày binh bố trận” trước mắt người tiêu dùng. Đồ ăn rẻ và thức uống nhiều chất béo, đường cao và dinh dưỡng thấp đang đe doạ sức khoẻ cộng đồng.
Hệ quả? Tỉ lệ béo phì của Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao ở Đông Nam Á, với đồ ăn vặt được kết luận là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Đó là còn chưa kể đến những vấn đề dân sinh khác như tai nạn giao thông, kẹt xe, ô nhiễm, khoảng xanh bị thu hẹp… ở những đô thị lớn. Khi phản ánh những vấn đề này, đôi khi truyền thông lại bị lệch theo góc “khách Tây nghĩ gì” hay “khách Tây than phiền”…
Đương nhiên ý kiến của “Tây” không phải luôn để ngoài tai, nhưng điều cốt tử nằm ở chỗ: Đây toàn là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của người Việt. Do vậy, cảm nghĩ và tiếng nói của người Việt trong những vấn đề như thế này luôn phải là quan trọng nhất để các biện pháp giải quyết gốc rễ đều xoay quanh đó.
Để giải quyết triệt để các vấn nạn ảnh hưởng đến du khách, Việt Nam không thể mãi cậy nhờ vào sự sốt sắng và lòng nhiệt thành khi chuyện đã rồi. Muốn làm vui lòng khách, hãy bắt đầu từ những động thái khiến mọi thành viên trong nhà cảm thấy hạnh phúc trước tiên.
Simon Stanley
Illustration: Như Ý
Biên dịch: Teddy Phạm
Theo Zing
Khâm phục lời cụ ông Nhật bị 'chặt chém' cuốc xích lô 2,9 triệu đồng
Điều khiến chúng ta phải khâm phục và suy nghĩ nhiều hơn cả, đó là phản ứng của cụ ông người Nhật Bản sau khi cụ bị "chặt chém" cuốc xích lô 2,9 triệu đồng.
Phạm Văn Dũng (bên phải) bị Công an quận 1 tạm giữ hình sự để điều tra.
Như Dân Việt đã đưa tin, sau khi được du khách Nhật là cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi, ở Tokyo) cung cấp lộ trình và thời gian di chuyển, Công an P.Bến Nghé đã trích xuất hình ảnh từ camera, mời những người nghi vấn lên làm việc. Sáng 6/8, Công an đã xác định được người đạp xích lô "chặt chém" du khách người Nhật sau cuốc xích lô ngắn ở trung tâm TP.HCM với giá 2,9 triệu đồng là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Công an cũng đã mời ông Dũng về trụ sở làm việc.
Tại trụ sở làm việc sáng 6/8, người đàn ông này mới thừa nhận đã lấy của khách 2,9 triệu đồng.
"Tưởng ông ấy đã già, lấy tiền chậm nên tôi... tự ý lấy trong bóp của ông 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 2 tờ mệnh giá 200.000 đồng", ông Dũng khai tại cơ quan công an.
Hình ảnh ông Dũng chở cụ Oki sáng ngày 3.8 được cắt từ camera.
Vụ việc vẫn đang được giải quyết. Nhưng điều khiến chúng ta phải khâm phục và suy nghĩ nhiều hơn cả, đó là phản ứng của cụ Oki Toshiyuki người Nhật Bản. Từ đầu đến cuối, Cụ Oki đều nhận lỗi về mình, khi biết gia cảnh người xích lô (là ông Dũng) cũng không khá giả, cụ Oki hoàn toàn không muốn đòi lại số tiền mình bị "chặt chém". Nói về sự việc, cụ Oki đều nói: "Lỗi tại tôi, là do tôi không hỏi giá trước".
Đây phải chăng là một trong những nét tính cách rất đặc trưng của sự khắc kỷ, luôn nghiêm khắc với bản thân mình, luôn nhận trách nhiệm về mình. Cụ Oki đã có những ứng xử khiêm tốn và hết sức có trách nhiệm.
Hối hận về hành động của mình, trước đó, tài xế Phạm Văn Dũng (49 tuổi) cũng đã cố gắng gửi thư xin lỗi đến cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi) vì đã lấy 2,9 triệu đồng của cụ.
Thư xin lỗi của của tài xế xích lô lấy 2,9 triệu của du khách Nhật.
"Tôi vô cùng hối hận nên tôi xin lỗi ông Oki và gia đình. Tôi mong nhận được sự tha thứ từ ông".
Người viết thơ Phạm Văn Dũng.
Đó là lời tâm sự của tài xế xích lô trong lá thư xin lỗi gửi đến cụ ông Oki qua gia đình cụ. Sáng 7/8 vừa qua, đại diện Sở Du lịch TP.HCM đã trao thư xin lỗi này tới tận tay chị Lê Thục Anh (40 tuổi, con dâu cụ Oki).
Cụ Oki Toshiyuki là kỹ sư máy tính, chế tạo rô bốt, từng đi nhiều nước trên thế giới, có thời gian 5 - 6 năm làm việc ở Trung Quốc. Đến tận 80 tuổi, cụ vẫn làm cố vấn cho các nhà máy ở Trung Quốc.
Ngày 3/8, ông Phạm Văn Dũng có nhận chở một du khách người Nhật tên Oki (sống ở Tokyo, Nhật Bản) từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1).
Khi đến trước khách sạn, cụ Oki trả 500.000 đồng thì người đạp xích lô tỏ ý đòi thêm tiền. Khi thấy du khách đang lúng túng, tài xế xích lô thò tay vào bóp lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 đồng rồi bỏ đi.
Theo Danviet
Tài xế xích lô ngang nhiên chặt chém khách nước ngoài Hàng ngàn cảnh báo bức xúc của khách quốc tế về xích lô VN khi chúng ta gõ từ khoá Cyclo scam-gian lận xích lô. Tình trạng âm ỉ đã hơn 10 năm nay, nguyên nhân vì sao? Theo VTV24