Sony mất gì khi cho Người Nhện ở lại Vũ trụ Marvel?
Sony rốt cuộc chịu xuống nước với Disney, và bóng ma độc quyền ngày một trở nên rõ ràng hơn tại Hollywood.
Cuối tuần trước, Sony và Disney đạt thỏa thuận chung sau vài tuần “không chung lối”. Rốt cuộc, Spider-Man của Tom Holland sẽ tiếp tục góp mặt trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel do Marvel Studios sản xuất, với đích đến tiếp theo là một bộ phim riêng về nhân vật ra mắt trong mùa hè 2021.
Ngoài ra, siêu anh hùng nhả tơ cũng dự kiến xuất hiện trong ít nhất một bộ phim khác của MCU và không ít khán giả kỳ vọng đó sẽ là Young Avengers – nơi Người Nhện đóng vai trò chủ chốt.
Sony rốt cuộc đã chùn bước
Theo thỏa thuận mới, Disney đầu tư 25% kinh phí sản xuất cho bộ phim riêng tiếp theo về Người Nhện. Họ sẽ hưởng phần lợi nhuận tương ứng từ phòng vé, cũng như tiếp tục kiểm soát toàn bộ doanh thu từ các vật phẩm ăn theo dự án điện ảnh.
Với thỏa thuận cũ, Sony đầu tư 100% kinh phí sản xuất cho Spider-Man: Homecoming (2017) và Spider-Man: Far from Home (2019). Nhờ chất xám từ Marvel Studios, Disney sau đó hưởng 5% doanh thu phòng vé, cùng toàn bộ tiền từ vật phẩm ăn theo.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng thỏa thuận mới với con số 25% không chỉ dừng lại ở các phim về Spider-Man, mà còn cả các tác phẩm điện ảnh liên quan tới thương hiệu mà Sony đang nắm giữ – giống như Venom (2018) hay tới đây là Morbius the Living Vampire và Venom 2.
Sony đã trải qua gần hai thập kỷ thăng trầm với Spider-Man. Nhìn chung, họ đã làm tốt nhiệm vụ đưa nhân vật lên màn ảnh.
Trong vòng gần 20 năm qua, nếu tính cả Venom, Sony đã sản xuất tổng cộng 9 phim dựa trên thương hiệu Spider-Man. Trên thực tế, 7 trong số đó là những cú hit tại phòng vé. Họ chỉ vấp ngã với hai tập Amazing Spider-Man của ngôi sao Andrew Garfield.
Song, ngay cả với phần nội dung bị cho là lặp lại loạt phim đầu của Sam Raimi, The Amazing Spider-Man vẫn mang về 758 triệu USD – con số đáng khen đối với một tác phẩm thuộc dạng tái khởi động (reboot). Còn The Amazing Spider-Man 2 cũng mang lại 709 triệu USD, tức chỉ kém Captain America: The Winter Soldier (2014) khoảng 5 triệu USD.
Người Nhện luôn là biểu tượng màn ảnh được nhiều thế hệ khán giả yêu mến và điều đó đã liên tục được chứng minh suốt hai thập kỷ qua. Vấn đề của chuỗi The Amazing Spider-Man chỉ nằm ở chỗ Sony phung phí quá nhiều tiền cho chúng. Hai bộ phim của Andrew Garfield đã tốn của hãng tới gần… nửa tỷ USD để sản xuất.
Sự tự tin thực tế đã trở lại với Sony qua Venom và phim hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse. Tác phẩm về kẻ tử thù của Người Nhện có Tom Hardy đóng chính mang về 854 triệu USD, tức gấp gần 9,5 lần kinh phí sản xuất.
Còn bộ phim hoạt hình có sự tham gia của nhiều phiên bản Người Nhện thu 375 triệu USD – so với kinh phí sản xuất chỉ là 90 triệu USD – cũng như đánh bại The Incredibles 2 tại hạng mục dành cho thể loại tại giải Oscar.
Khi Spider-Man ở lại MCU, Sony sẽ “bớt miếng”, nhưng cũng chẳng được “thêm tiếng”.
Không ai có thể phủ nhận công sức của Marvel Studios và người đứng đầu Kevin Feige trong vai trò nhà sản xuất của Spider-Man: Homecoming và Spider-Man: Far from Home. Nhưng cũng không phải tự nhiên mà tin đồn Sony muốn rút Người Nhện của MCU râm ran từ cuối năm 2018.
Video đang HOT
Thành công của Venom và Spider-Man: Into the Spider-Verse đưa hãng tới một lựa chọn mới đầy chông gai, nhưng họ rốt cuộc không chọn nó. Theo hợp đồng, Sony sẽ lấy 75% doanh thu của bộ phim Người Nhện tiếp theo, nhưng chắc chắn rằng 75% (hoặc hơn) danh tiếng của nó sẽ bị cho là của Marvel Studios và Disney.
Bóng ma độc quyền từ Disney ngày một hiện hữu
Giả sử Disney tham gia vào quá trình sản xuất Venom theo như thỏa thuận các bên mới đạt được, “Nhà chuột” sẽ hưởng thêm hơn 200 triệu USD từ phòng vé.
Mới đây, Spider-Man: Far from Home thu hơn 1 tỷ USD. Khi Người Nhện trở thành trụ cột mới của MCU sau sự ra đi của Iron Man (Robert Downey Jr.), doanh thu của phần tiếp theo gần như chắc chắn cũng đạt hơn 1 tỷ USD – và Disney sẽ hưởng 25% kết quả đó, chứ không còn là 5% như lúc này.
Mùa hè năm nay, khi Disney với Sony còn đang dùng dằng trên bàn đàm phán, Marvel Studios thông báo họ sẽ tung ra ba phim điện ảnh MCU trong năm 2021, bao gồm Shang Chi and the Legend of the Ten Rings (12/2), Doctor Strange in the Multiverse of Madness (7/5) và Thor: Love & Thunder (5/11).
Marvel Studios sẽ tung ra bốn phim MCU trong năm 2021.
“Đội hình” ấy nay được bổ sung thêm phim tiếp theo về Người Nhện, với ngày phát hành là 16/7/2021. Và đó sẽ là lần đầu tiên Marvel Studios tung ra tới 4 xuất phẩm trong vòng một năm. Đây là chiến lược đúng đắn khi thương hiệu Avengers chưa thể lập tức kéo dài và vũ trụ điện ảnh cần giới thiệu thêm một số gương mặt mới.
Nếu nhìn rộng ra, trong năm 2021, Disney còn một con át chủ bài khác: Avatar 2. James Cameron sẽ đưa khán giả trở lại hành tinh Pandora màu nhiệm sau 12 năm chờ đợi. Avatar dự kiến có thêm 4 phần mới, và đây là thương hiệu có thể giúp Disney tạm quên đi Chiến tranh giữa các vì sao sau khi câu chuyện về gia tộc Skywalker khép lại vào cuối năm nay.
Năm nay, “nhà chuột” đã thống trị phòng vé nhờ lần lượt Captain Marvel, Avengers: Endgame, Toy Story 4, The Lion King, hay tới đây là Maleficent: Mistress of Evil, Frozen II và Star Wars: The Rise of Skywalker.
Lý do khiến Disney tung ra nhiều át chủ bài tới vậy trong năm 2019 không đơn thuần là việc muốn thâu tóm thị trường phim chiếu rạp, mà còn là để lên dây cót cho dịch vụ xem phim trực tuyến Disney . Ngần ấy bom tấn thu bộn tại phòng vé sẽ sớm đổ bộ lên Disney trong cuối năm nay, đầu năm sau.
Một số cây bút quốc tế từng cho rằng Disney sẽ phải mất rất lâu nữa mới lại có được quãng thời gian huy hoàng như 2019. Song, từ hợp đồng mới ký với Sony để hưởng 25% doanh thu từ phim tiếp theo về Người Nhện, xem ra Disney rất muốn giành chiến thắng trong ván cờ năm 2021.
Universal có thể phá đám “nhà chuột” sau đây hai năm, nhờ phần cuối của hai thương hiệu đình đám là Jurassic World và Fast & Furious. Warner Bros. thì đang ấp ủ The Batman với Robert Pattinson và The Suicide Squad đề kéo dài DCEU.Paramount vẫn đang biết bấu víu vào Mission: Impossible của Tom Cruise, trong khi còn chưa rõ tương lai Terminator sẽ ra sao.
Cuộc đua phòng vé 2021 thực tế đã bắt đầu ngay từ lúc này, mà người nắm lợi thế trong tay thì vẫn là Disney.
Theo zing
Người Nhện rời MCU - điềm lành hay điềm gở cho Hollywood?
Số đông người hâm mộ thất vọng khi thấy Spider-Man rời khỏi Vũ trụ Điện ảnh Marvel, nhưng thực tế không bi đát đến thế.
Mối lương duyên giữa Spider-Man (Tom Holland) với Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) đã đứt gánh. Nguyên nhân chính bởi giữa Sony - hãng sở hữu bản quyền màn ảnh thương hiệu Người Nhện với Disney - công ty chủ quản của Marvel Studios, không thể đạt thỏa thuận về chia chác doanh thu.
Disney muốn đầu tư cho các phim Spider-Man và chuỗi tác phẩm ngoại truyện liên quan tới nhân vật như Venom (2018) ở mức 50/50, kèm theo khoản doanh thu tương ứng.
Sony không đồng ý với chuyện đó. Trong ba năm qua, họ bỏ ra toàn bộ tiền đầu tư, quảng bá, còn Marvel Studios thuộc Disney bỏ ra chất xám. Với doanh thu, Disney hưởng 5% tổng số tiền bộ phim thu được ngoài rạp từ ngày đầu tiên bất chấp lãi lỗ, cùng toàn bộ tiền từ các vật phẩm ăn theo (merchandise).
Mối nguy độc quyền từ Disney
Trên mạng xã hội, nhiều người dùng Internet cùng các ngôi sao của MCU đứng về phía Disney. Họ bày tỏ sự thất vọng trước viễn cảnh Spider-Man xa rời vũ trụ điện ảnh hấp dẫn bậc nhất hành tinh, nhất là sau khi nhân vật được nhắm cho vị trí thay thế trụ cột Iron Man của Robert Downey Jr. mới ra đi kể từ Spider-Man: Far from Home.
Trong năm 2019, Disney đã có tổng cộng 5 phim thu hơn một tỷ USD toàn cầu, bao gồm Captain Marvel, Avengers: Endgame, Aladdin, Toy Story 4 và The Lion King. Xuyên suốt chiều dài lịch sử điện ảnh, chưa một nhà phát hành nào tạo ra được kỳ tích lớn đến như vậy. Chưa kể, họ còn hai dự án gần như chắc chắn thu hơn một tỷ USD là Frozen II và Star Wars: The Rise of Skywalker trong dịp cuối năm.
Disney đã có tổng cộng 5 phim thu hơn một tỷ USD toàn cầu trong năm 2019. Ảnh: Disney.
Cũng trong năm nay, Disney còn thâu tóm Fox. Kết quả là họ nay sở hữu hàng loạt thương hiệu điện ảnh đình đám như Avatar, Alien, Predator... Ngoài ra, Marvel Studios từ đây có thể thoải mái đưa các nhóm X-Men hay Fantastic Four vào Vũ trụ Điện ảnh Marvel trong thời gian tới.
Nỗi lo về sự độc quyền của Disney là có thật. Nếu nhìn quanh, Universal chỉ có Fast & Furious, Jurassic World hay Despicable Me là đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với "nhà chuột", dù cho cả ba thương hiệu đã cho thấy dấu hiệu đuối sức về mặt sáng tạo.
Warner Bros. vẫn đang loay hoay với Vũ trụ siêu anh hùng DC, dù cho một chút tự tin đã trở lại nhờ Aquaman (2018) và Shazam! (2019). Nhưng trong khoảng 8 tháng đầu năm, "xưởng phim của những giấc mơ" liên tiếp hụt hẫng khi lần lượt The LEGO Movie 2, Detective Pikachu hay Godzilla: King of the Monsters không đạt doanh thu cao như mong đợi.
Với Paramount, họ nay chỉ biết trông chờ vào Terminator và Mission: Impossible. Song, tương lai của loạt Kẻ hủy diệt hiện vẫn bị đặt dấu hỏi lớn, còn Tom Cruise cũng đã dần chạm tới ngưỡng tuổi lục tuần.
Với bộ phim còn lại thu hơn một tỷ USD trong năm nay - Spider-Man: Far from Home, Disney cũng có phần trong đó. Ảnh: Sony.
Oái oăm thay, Sony là hãng duy nhất ngoài Disney có phim thu hơn một tỷ USD trong năm 2019. Đó chính là Spider-Man: Far from Home với thành tích 1,1 tỷ USD - mức cao nhất lịch sử hãng phát hành. Sự thắng lợi của bộ phim cho thấy dòng phim siêu anh hùng đang thống trị phòng vé ra sao.
Cũng phải nói thêm rằng Spider-Man chính là lá bài lớn nhất mà Sony đang sở hữu, sau khi họ để mất 007 vào tay Annapurna và Universal. Nếu như hãng đồng ý với yêu sách mà Disney đưa ra, "nhà chuột" sẽ gần như thống trị hoàn toàn thị trường.
Kể từ năm 2008 với Iron Man cho tới Joker chuẩn bị ra mắt vào tháng 10, có 66 tác phẩm siêu anh hùng ra rạp. Trong đó, MCU của Disney chiếm 36% với 23 tác phẩm.
Cho đến giờ, Disney đã chiếm luôn Fox - hãng phim tung ra 12 tác phẩm siêu anh hùng trong hơn 10 năm qua. Giả sử cộng thêm các phim của Sony, con số lại tiếp tục tăng thêm 4 phim nữa. Như thế, "nhà chuột" sẽ thâu tóm gần như toàn bộ những gì tinh túy nhất của thể loại siêu anh hùng, ngoại trừ nguyên tác truyện tranh DC đang thuộc về Warner Bros.
Mọi chuyện không tồi tệ đến thế?
Luồng dư luận phản đối Sony không đồng ý với thỏa thuận mà Disney đưa ra cho rằng thương hiệu Spider-Man sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng nếu như Người Nhện không còn gắn bó với MCU.
Trở lại năm 2015, Sony cho phép Marvel Studios khai thác Spider-Man sau khi loạt The Amazing Spider-Man với Andrew Garfield của họ không gặt hái doanh thu như mong muốn và vấp phải sự phản đối từ số đông giới phê bình.
Tuy nhiên, tình hình nay xem ra đã khác. Spider-Man: Homecoming (2017) và Spider-Man: Far from Home thu bộn tại phòng vé, chắc chắn nhờ công không nhỏ của Marvel Studios.
Chính Venom đã giúp Sony trở nên tự tin trở lại với thương hiệu Người Nhện trong tay. Ảnh: Sony.
Song, Sony còn kịp tung ra Venom - bộ phim về kẻ thù truyền kiếp của Người Nhện do Tom Hardy thể hiện. Cuối năm 2018, tác phẩm gây ngạc nhiên lớn khi thu 856 triệu USD toàn cầu bất chấp sự chê bai của báo chí. Chưa hết, Spider-Man: Into the Spider-Verse của họ sau đó thắng giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc và thu khoảng 375 triệu USD.
Trong quãng thời gian thị trường Trung Quốc tăng trưởng, người dân nơi đây đổ xô đi xem phim siêu anh hùng. Cụ thể, Far from Home tăng doanh thu tại quốc gia tỷ dân tới 75% nếu so với Homecoming. Hay chính Venom hưởng lợi lớn nhờ 269 triệu USD từ phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
Nhưng cần phải nhìn lại quá khứ. Ba tập Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi từng mang về cho Sony tới 2,5 tỷ USD trong quãng thời gian 2002-2007, so với tổng kinh phí sản xuất là 610 triệu USD, khi mà Trung Quốc còn chưa phải là một thị trường lớn.
Với The Amazing Spider-Man vào năm 2012, Sony bỏ ra 90 triệu USD, và thu lại gần 758 triệu USD. Một số nguồn tin cho rằng The Amazing Spider-Man 2 có thể đã tiêu tốn tới 290 triệu USD. Kết quả doanh thu cuối cùng của bom tấn là 709 triệu USD.
Tại riêng Bắc Mỹ, bộ phim thứ hai của Andrew Garfield quả là gây thất vọng khi chỉ đạt hơn 202 triệu USD. Song, doanh thu quốc tế của dự án như thế là 507 triệu USD - tức chỉ kém Homecoming sau đó khoảng 40 triệu USD. Sai lầm của Sony nằm ở chỗ họ đã đẩy kinh phí sản xuất của hai phim The Amazing Spider-Man lên quá cao.
Sony từng thắng lợi rồi vấp ngã. Giờ là lúc để họ khẳng định khả năng của mình với Spider-Man. Ảnh: Sony.
Phía lấn cấn trong cuộc chia tay lúc này là Marvel Studios. Họ đã bỏ ra ba năm xây dựng và củng cố vị trí của Spider-Man trong MCU, để rồi giờ đứng trước nguy cơ lớn không còn được sử dụng nhân vật.
Ngược lại, Sony nay có thể dễ dàng cho Tom Holland đối đầu Tom Hardy trong Venom 2, hay thậm chí là Jared Leto trong Morbius the Living Vampire. Chưa kể, ý tưởng biến Spider-Man: Into the Spider-Verse thành phiên bản live-action với cả Holland, Garfield và Tobey Maguire cũng không hề tệ chút nào.
Đứng trước bài toán kinh tế, Sony không đời nào chịu nhượng bộ trước tỷ lệ chia doanh thu 50/50 với Disney. Họ đã lấy lại sự tự tin với Người Nhện sau 15 năm kể từ Spider-Man 2. Với cái kết mở của Far from Home, hãng hoàn toàn có thể thực hiện một tác phẩm độc lập, không nhắc gì tới các sự kiện hay nhân vật của MCU.
Nhưng ngược lại, Marvel Studios thuộc Disney thì lại gặp khó trong việc giải thích với khán giả về sự vắng mặt của siêu anh hùng nhả tơ khi thực hiện Avengers 5. Dẫu sao, Kevin Feige cùng cộng sự nay hết sức bận rộn với X-Men và Fantastic Four - như một phần thông cáo báo chí của Sony đã đề cập.
Marvel Studios rất giỏi trong chuyển biến các nhân vật hạng B ở nguyên tác thành siêu sao điện ảnh. Hãy cứ để họ tiếp tục công việc đó. Ảnh: Disney.
Xét cho cùng, Spider-Man luôn thuộc nhóm siêu anh hùng nổi tiếng bậc nhất trong văn hóa đại chúng, bên cạnh Batman hay Superman. Sony từng thành công trong đầu thế kỷ XXI rồi vấp ngã. Họ đã đứng lên nhờ Marvel Studios, và nay có thể tự tin bước tiếp con đường ấy.
Còn Marvel Studios thì trở thành thế lực số một tại Hollywood nhờ việc biến các siêu anh hùng hạng B trong truyện tranh thành hạng A trên màn bạc, như Iron Man, Captain America, Thor, Doctor Strange, Black Panther, Captain Marvel hay Vệ binh dải ngân hà đã chứng minh. Kevin Feige chắc chắn cũng không cần Spider-Man để tiếp tục duy trì vị thế thống trị.
Và dòng phim siêu anh hùng theo đó như trở về thế "kiềng ba chân", với Disney, Warner Bros. cùng Sony. Điều đó có lẽ sẽ tốt hơn cho Hollywood và nhà rạp, nhất là trong bối cảnh nhiều dịch vụ xem phim trực tuyến đang ngày một vươn lên và trở thành thói quen mới đối với các tín đồ điện ảnh.
Theo zing.vn
Rời khỏi MCU, vai diễn Spider-Man của Tom Holland sẽ có số phận thế nào? Như các bạn đã biết, sự kiện đàm phán giữa Disney và Sony đã kết thúc, với việc Spider-Man đã phải rời khỏi vũ trụ điện ảnh Marvel. Tuy nhiên, việc đảm nhận vai diễn Spidey của chàng tài tử Tom Holland sẽ ra sao? Sony sẽ hướng tới điều gì trong tương lai? Các bạn còn nhớ lời khẳng định của Tom...