Sông Vàm Cỏ Đông đổi màu đen kịt là do ô nhiễm nặng
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường Tây Ninh khẳng định sông Vàm Cỏ Đông đổi màu đen kịt là do ô nhiễm nặng
Sông Vàm Cỏ Đông đen kịt vì ô nhiễm. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Ngày 30.5, liên quan đến việc sông Vàm Cỏ Đông bỗng đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi (Báo Thanh Niên ngày 26.5 đã phản ánh), Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân khẳng định nguyên nhân khiến nước sông Vàm Cỏ Đông đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi là do ô nhiễm với hàm lượng chất ô nhiễm rất cao, hàm lượng ô xi hòa tan cực thấp.
Ông Xuân cũng cho biết, nguồn nước đã bị ô nhiễm từ nhiều nguồn thải liên quan, trong đó có liên quan đến 1 nhà máy may mặc và nước thải sinh hoạt từ khu dân cư.
Kết quả đo đạc của Sở TN-MT tại cầu Bến Sỏi cho thấy nước có màu đen, bốc mùi hôi, một số điểm có ván dầu, lục bình dày đặc, cá tự nhiên trên sông không chết. Trong đó, hàm lượng ô xi hòa tan (DO) là 0,43mg/l (thấp hơn 9,3 lần theo quy chuẩn), hàm lượng oxy cần để oxy hoá toàn bộ các chất hoá học trong nước (COD) là 32 mg/l vượt 1,06 lần quy định.
Kết quả đo đạc nguồn nước tại cầu Bến Sỏi cho thấy hàm lượng chất ô nhiễm rất cao, hàm lượng ô xi hòa tan cực thấp theo quy chuẩn. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Có 3 nhà máy đang hoạt động vào thời điểm sở TN-MT lấy mẫu nước thải là Công ty TNHH Hồng Phát, DNTN Sầm Hên và Công ty TNHH SX TM GNG. Tuy nhiên, qua khảo sát hệ thống xử lý của các cơ sở này đang vận hành không có dấu hiệu xả thải chưa xử lý ra môi trường
Theo ông Xuân, Sở TN-MT Tây Ninh xác định có nguồn nước thải công nghiệp của 19 cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, miến tại TT.Châu Thành (đã lấy mẫu nước 5 cơ sở lớn đi phân tích, số còn lại đang tiếp tục kiểm tra) đưa toàn bộ nước thải sản xuất ra ngoài môi trường. Số nước thải xuống Cống Kiểu rồi chảy thẳng xuống sông Vàm Cỏ Đông.
Video đang HOT
Nước sông vẫn đen kịt. ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Vào sáng 27.5, trong quá trình khảo sát, rà soát toàn bộ khu vực nghi bị xả thải dọc sông Vàm Cỏ Đông, lực lượng Chi cục Bảo vệ môi trường cùng Thanh tra Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất cùng nước thải sinh hoạt của 1.400 công nhân Công ty TNHH Hight Vina Apparel (X.Long Thành Nam, H.Hòa Thành – hạ nguồn khu vực cầu Bến Sỏi) cũng đổ trực tiếp ra sông.
Thanh tra Sở đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử lý đối với 5 cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu tại TT.Châu Thành và Công ty TNHH Hight Vina Apparel.
Cũng theo ông Xuân, một yếu tố gây ô nhiễm khác là do mưa lớn đầu mưa cuốn theo tất cả chất bẩn tồn đọng trong các cống rãnh. Nước thải sinh hoạt của hơn 10.000 người dân tại TT.Châu Thành (do khu vực này chưa có hệ thống xử lý nước thải) cũng trực tiếp chảy xuống sông cùng nước thải sinh hoạt của toàn bộ người dân TP.Tây Ninh.
Trong ngày 30.5, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nước sông Vàm Cỏ Đông vẫn đen kịt, không giảm mùi hôi.
Giang Phương
Theo Thanhnien
Sông Sông Vàm Cỏ Đông bỗng đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi
Người dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua khu vực cầu Bến Sỏi, H.Châu Thành, Tây Ninh) bất an khi nước sông bỗng đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc.
Nước sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua cầu Bến Sỏi, X.Thành Long, H.Châu Thành, Tây Ninh) bỗng đổi màu đen kịt, bốc mùi hôiẢNH: GIANG PHƯƠNG
Từ sáng sớm ngày 26.5, màu nước sông đen kịt như màu nhớt trải dài từ khu vực X.Trí Bình đến X.Thành Long (H.Châu Thành)
Nước sông Vàm Cỏ Đông bỗng đen ngòm bất thường Ảnh: Giang Phương
Tại khu vực cầu Bến Sỏi, nhiều hộ dân tỏ ra khá bất an vì nguồn nước bỗng đổi màu từ sáng sớm. Người dân nghi ngờ nguồn nước bị các doanh nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm.
Sống ngay dưới khu vực chân cầu Bến Sỏi, ông Nguyễn Văn Hà (47 tuổi, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, X.Thành Long, H.Châu Thành) cho biết, nước sông có dấu hiệu chuyển màu dần từ 2-3 ngày trước. Tuy nhiên, đến sáng nay nước bất ngờ chuyển sang màu đen ngòm, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ông Hà nói: "Mấy ngày nay giăng lưới chẳng có một con cá nào dính nên đành cuốn lưới về treo trên ghe, trong khi đám rau nhút đang xanh tốt bỗng rệu rã chết dần chẳng rõ nguyên nhân".
Chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá nhưng nhiều ngày qua ông Nguyễn Văn Hà phải đem lưới lên ghe vì không dính được con nào Ảnh: Giang Phương
Màu nước sông bỗng chuyển sang màu đen như mực khiến người dân sống bất an Ảnh: Giang Phương
Bà Nguyễn Thị Thúy Diễm (41 tuổi) lo lắng nói: "Mấy ngày qua, gia đình tôi phải mua nước về uống, nấu ăn chứ không dám dùng nước giếng khoan do giếng gần mép sông. Chúng tôi vẫn lo lắng sợ nguồn nước ô nhiễm ngấm vào mạch nước ngầm của giếng trong khi chúng tôi sử dụng tắm giặt hằng ngày".
Bà Phạm Thị Của (45 tuổi) buồn bã nói thêm: "Tôi đã không còn dám vớt lục bình cho gà ăn nữa. Hai ngày nay, mùi hôi xộc lên mũi... Nước giếng chúng tôi cũng phải đưa lên bể lọc lại một lần rồi mới dám tắm rửa".
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, sáng nay đã cử cán bộ lấy mẫu nước để phân tích; hiện chưa có kết quả.
Theo ông Xuân, bước đầu khảo sát, đoạn nước màu đen, bốc mùi hôi chỉ xuất hiện đoạn trên khu vực cầu Bến Sỏi. Còn tại điểm quan trắc cầu Gò Chai (thuộc X.Thanh Điền, H.Châu Thành) và cầu Gió (X.Bình Minh, TP.Tây Ninh) thì không phát hiện.
Cán bộ Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh tiến hành lấy mẫu nước tại cầu Bến Sỏi. Ảnh: Giang Phương
Đo các chỉ số trong nước bằng các thiết bị chuyên dụng Ảnh: Giang Phương
Mẫu nước được đo bằng thiết bị chuyên dụng ngay khi được múc lên từ dòng sông Ảnh: Giang Phương
Ông Xuân cho biết: "Chúng tôi đã cử lực lượng khảo sát toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất khả nghi trên toàn bộ khu vực này".
Ông Xuân cho rằng: "Dù không dám khẳng định chắc chắn nhưng có nhiều khả năng cho thấy, vệt nước màu đen này là phân bón bị đổ xuống sông từ một cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh, nếu phát hiện có cơ sở vi phạm sẽ lý ngay để răn đe".
Giang Phương
Theo Thanhnien
Chất thải đặc quánh 'đầu độc' sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt Mỗi ngày 300 m3 nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy đường ở Hoà Bình đã đổ ra thượng nguồn sông Bưởi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty cổ phần Mía Đường Hòa Bình đóng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) vừa thừa nhận trong thời gian ngắn đi vào sản xuất (từ tháng 15/3 đến...