Sống tử tế giữa dịch bệnh
Những ngày qua, cộng đồng mạng không tiếc lời cảm ơn, thán phục trước thông tin du học sinh, công dân về từ vùng dịch tự nguyện cách ly tập trung để đề phòng lây lan dịch bệnh Covid-19.
Du học sinh ở tỉnh Gwangju (Hàn Quốc) tự nguyện cách ly tại khu cách ly tập trung ở Q.7, TP.HCM – Ảnh: Sỹ Đông
Một nam sinh viên ở tỉnh Gwangju (Hàn Quốc) – nơi không phải tâm dịch chia sẻ với tôi, rằng anh không chắc mình có bị nhiễm dịch bệnh hay không nên tự nguyện vào khu cách ly tập trung của Q.7 (TP.HCM) cho chắc chắn, vì nếu chẳng may bị nhiễm thì cũng không lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, anh không muốn nhân viên y tế tốn thời gian đến kiểm tra sức khỏe mỗi ngày 2 lần, rồi bị hàng xóm dị nghị, ảnh hưởng đến gia đình. Thậm chí, có cả gia đình, mà hai vợ chồng là bác sĩ, cũng tự nguyện vào khu cách ly tập trung ở Q.7 sau khi đi du lịch về từ quốc gia có dịch.
Theo quy định, họ chỉ cần tự cách ly tại nhà nhưng vì an toàn cho cả cộng đồng, họ sẵn sàng chấp nhận điều kiện sống bức bí hơn một chút về không gian.
Những hành động tử tế này hoàn toàn trái ngược với một số người về từ vùng dịch nhưng lại khai gian thông tin y tế để “né” cách ly tập trung mà điển hình là cô gái ở Bình Dương về từ tâm dịch TP.Daegu livestream “bí quyết” né dịch. Hậu quả nhãn tiền, cơ quan chức năng phát hiện và cách ly luôn cả mẹ và anh trai của cô này trong vòng 14 ngày.
Sự ích kỷ của cá nhân trong chốc lát không chỉ khiến ngành y tế địa phương tốn nhân lực giải quyết, gia đình bị vạ lây mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng; đạp đổ thành quả của cả quá trình phòng chống dịch bấy lâu. Rất may, kết quả ban đầu cho thấy cô gái này không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh.
Ngoài nỗ lực của chính quyền còn có sự hợp tác, chung tay từ phía người dân. Dịch bệnh rồi sẽ bị dập tắt nhưng điều tử tế cần được gìn giữ, lan tỏa trong cộng đồng thời.
Theo Thanh niên
Chuyện cách ly mùa 'Cô Vy': kẻ chê bôi, trốn chạy, người tình nguyện dọn nhà vệ sinh
Bạn không thể thay đổi được thực tế nhưng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thái độ của bạn quyết định cuộc đời bạn.
Do tình hình dịch Covid-19 ngày càng bùng phát khó kiểm soát ở Hàn Quốc và các nước khác, nhiều Việt kiều, du học sinh đã đổ bộ về nước để tránh dịch. Ngay từ đầu, Nhà nước đã nêu cao tinh thần 'Chống dịch như chống giặc', đây là cuộc chiến mà không có ai bị bỏ lại, đất nước luôn dang rộng vòng tay đón đồng bào trở về nhưng cũng cần phải có phương án cứng rắn để bảo vệ hàng triệu đồng bào trong nước.
Một trong những biện pháp đó là cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người trở về từ hoặc đi ngang qua vùng dịch.
Muôn kiểu phản ứng: kẻ chê bôi, trốn chạy, người tình nguyện dọn nhà vệ sinh
Tất nhiên khi thoáng nghe đến hai từ 'cách ly', đa số sẽ cảm thấy không thoải mái. Ai mà muốn tự dưng bị quản lý trong một không gian gò bó, chẳng được đi lại tự do. Ai chẳng muốn về ăn cơm với gia đình. Thời gian 2 tuần cũng không hề ngắn, nhà còn bao việc.
Gái xinh lên mạng khoe thành tích trốn cách ly.
Việt kiều về nước quay video chê khu cách ly bẩn.
Thế nên mới có chuyện một cô gái trở về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) lên mạng livestream khoe chiến tích trốn cách ly của mình, còn tự nhận mình 'thông minh', 'có đầu óc'. Hay có người về quê chớp nhoáng rồi chạy trốn để tránh bị cách ly. Thậm chí có người đã được đưa đi cách ly vẫn tìm cách trốn bằng được, mà đi đâu không đi lại trốn sang... Trung Quốc.
Có người vẫn chấp hành quy định cách ly nhưng lại quay video thể hiện sự 'khó ở' đối với giường chiếu, nhà vệ sinh, chê chiếu cũ, nhà vệ sinh bám bụi như 2 năm không có người dọn dẹp (?!). Tất nhiên những trường hợp kể trên đều hứng đủ gạch đá của cộng đồng mạng.
Cuối cùng vẫn bị cách ly nhưng lại nhận vô số chỉ trích
Tuy nhiên, trong số những người cách ly lại nổi lên một tấm gương sáng chói, truyền cảm hứng tích cực cho bao nhiêu người. Đó là cô gái Thùy Dung, một du học sinh Hàn mới về nước. Trên Facebook cá nhân, Thùy Dung đăng tải những hình ảnh trong thời gian ở khu cách ly.
Cô nàng lạc quan tự gọi mình là 'nàng Phi Yến trong cung nhà Hán', chỉ là một phi tần bị thất sủng, cấm túc trong 2 tuần mà thôi. Ngồi chơi lâu buồn chán quá, Thùy Dung xung phong dọn nhà vệ sinh, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo phạm vi cách ly của mình. Cô nàng còn quay video, chế lời bài hát 'Để Mị nói cho mà nghe' thành bài hát kêu gọi mọi người rửa tay, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh mùa dịch bệnh.
Thùy Dung xung phong dọn nhà vệ sinh.
Với thái độ lạc quan, tích cực, hành động vừa thực tiễn vừa mang nhiều ý nghĩa, Thùy Dung khiến nhiều người ngạc nhiên và nể phục. Không phải ai ở trong hoàn cảnh đó cũng có thể nghĩ và làm được như cô.
Không ai xa lánh bạn vì bạn từng phải cách ly nhưng người ta sẽ ném đá nếu bạn bỏ trốn
Nhiều người thường mang tâm lý sợ bị kỳ thị vì mọi người biết mình từng phải cách ly. Thực ra không ai kỳ thị nếu bạn chấp hành đúng yêu cầu cách ly và chứng minh mình hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta còn cảm ơn bạn vì đã hy sinh tự do cá nhân 2 tuần vì sức khỏe cộng đồng.
Ngược lại, nếu bạn tìm mọi cách tránh né, trốn chạy khỏi việc cách ly thì chẳng có ai cảm thông với bạn, người ta sẽ chỉ ném đá bạn thôi. Tất nhiên rồi, chẳng ai chấp nhận được một người có nguy cơ mang mầm bệnh lại tự do đi lại khắp nơi, biết đâu mình lại trở thành nạn nhân tiếp theo.
Với tấm gương người tốt việc tốt, Thùy Dung nổi tiếng sau một đêm, trở thành idol giới trẻ với dàn 'hậu cung' đông nghịt.
Những trường hợp trốn cách ly kể trên không những phải chịu hậu quả mà còn làm liên lụy đến bao nhiêu người khác. Cô gái livestream khoe chiến tích trốn cách ly cuối cùng cũng đã được chính quyền đưa đi cách ly, cả mẹ và em trai cô ấy cũng phải đi cách ly cùng.
Ở Vĩnh Phúc, cả xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) phải cách ly vì một bệnh nhân trở về từ Vũ Hán lây bệnh cho cả nhà và khiến cả xã lâm vào khủng hoảng. Ở Cà Mau, một số cán bộ đã bị đình chỉ công tác vì không kiểm soát tốt người từ vùng dịch đến rồi đi.
Trốn cách ly không có gì vẻ vang hay đáng tự hào cả, người bị liên lụy đầu tiên chính là người thân trong gia đình bạn, sau đó là họ hàng, làng xóm, chính quyền địa phương. Không phải tự nhiên mà chính quyền yêu cầu người đến từ vùng dịch phải cách ly 14 ngày, đó là thời gian ủ bệnh của người nhiễm Covid-19.
Dịch bệnh này có thể lây lan rất nhanh, nguy cơ tử vong cao và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vác-xin phòng bệnh. Bạn tự tin rằng mình khỏe nhưng ai biết trong cơ thể bạn có mang mầm virus hay không? Nếu trở thành người phát tán dịch bệnh như bệnh nhân số 31 siêu lây nhiễm của Hàn Quốc, bạn sẽ thành tội đồ.
Là tấm gương hay tội đồ, tùy bạn chọn!
Đừng nghĩ rằng mình 'bị' cách ly, hãy nghĩ rằng mình 'được' cách ly
Dù thế nào bạn vẫn phải chấp nhận rằng chúng ta đang sống giữa một mùa dịch bùng phát toàn cầu và vẫn chưa kiểm soát được. Nếu muốn thay đổi thế giới này, hãy bắt đầu thay đổi bản thân mình, từ những điều nhỏ bé nhất. Bạn chưa thể thay đổi được hoàn cảnh thực tại nhưng bạn có quyền chọn cho mình một thái độ sống để đối mặt với nó.
Thử nghĩ mà xem, cả năm sống chết kiếm tiền rồi bạn đã có bao nhiêu thời gian dành cho bản thân mình? Có phải một ngày ngồi chơi, không phải làm gì cả cũng là một thứ quá xa xỉ với bạn?
Dung vẫn vui vẻ chế ảnh đăng 'Phây'.
Giữa cuộc đời vất vả, ngược xuôi, tự nhiên lại có 2 tuần được nghỉ ngơi, đầu óc không phải lo toan về các thể loại deadline, KPI. Đã thế còn có người cơm bưng nước rót, phục vụ tận răng, được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Ngoài ăn với ngủ còn có thể tập thể dục thể thao, wifi lúc nào cũng căng đét, chơi game, xem phim gì cũng được. Một cuộc nghỉ dưỡng 'healthy and balance' thế còn gì nữa?
Dung chơi thể thao để tăng cường sức khỏe.
Bạn chỉ cần yên tâm cách ly, còn những nhân viên y tế, cán bộ phụ trách mới là những người vất vả nhất. Hãy nhìn những chiến sĩ bộ đội biên phòng cắm chốt nơi biên giới, dựng lán trại ngay trong rừng để chống dịch như chống giặc, họ còn vất vả hơn nhiêu. Để có cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ việc cách ly, nhiều đồng chí bộ đội đã phải nhường chính chiếc giường của mình, căn phòng của mình.
Dung vẫn không quên bài vở.
Không ai muốn phải sống với những khó khăn, bất tiện nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận và đối mặt với những biến cố không mong đợi. Bạn có thể chọn một thái độ sống lạc quan như cô gái đã xung phong dọn nhà vệ sinh, hoặc đơn giản là im lặng và chấp nhận. Đó cũng là một cách để giúp cộng đồng phòng chống dịch bệnh rồi.
Nghe Dung hát 'Để Mị nói cho mà nghe' phiên bản Cô Vy.
Hằng Nga
Theo baodatviet
Đang đi đường, du học sinh bất ngờ bị nhóm thanh niên đánh gãy xương mặt vì nghĩ là virus corona Sau cuộc hành hung, du học sinh bị thương khá nặng ở mặt, nhiều khả năng phải trải qua ca phẫu thuật tái tạo để sửa chữa một số xương. Jonathan Mok từ Singapore đến Anh du học được 2 năm. Ngày 3/3 vừa qua, Jonathan Mok đã chia sẻ lên trang cá nhân của mình câu chuyện bị hành hung dã man...