Sống trong vùng động đất
Dù nhiều nhà khoa học và chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 ( H.Bắc Trà My, Quảng Nam) luôn khẳng định động đất không ảnh hưởng đến đập thủy điện, nhưng có sống trong vùng này mới thấm được những âu lo người dân nơi đây đang đối mặt.
“Bao nhiêu năm sống ở đây dẫu có thiếu thốn, chúng tôi vẫn được yên bình với nương rẫy. Thế rồi thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng, lợi lộc đâu tôi không biết, chỉ thấy động đất ầm ầm”, ông Hồ Văn Dúi (63 tuổi)), trú thôn 3, Trà Đốc thở dài. Trong nhiều lời kể về động đất với chúng tôi, ngoài từ “sợ”, thì từ “chạy” được hầu hết mọi người nhắc tới. Từ hơn 1 tháng qua, trong họ luôn tâm niệm làm sao chạy kịp khỏi nhà khi động đất xảy ra, để bảo toàn tính mạng. Chính từ đây, nhiều câu chuyện cười ra nước mắt được lưu truyền.
Người dân làm nhà tre nứa để ở – Ảnh: Hoàng Sơn
Một phóng viên Đài phát thanh – truyền hình H.Bắc Trà My kể: “Từ hơn 1 tháng qua, con gái anh bạn tôi dù đang ngủ hay làm gì, hễ nghe tiếng động mạnh là vùng dậy cắm mặt chạy vì ám ảnh chuyện động đất liên miên. Nửa khuya, bạn tôi nghe tiếng chó sủa, nghĩ có trộm vào nhà, anh mở cửa ra ngoài xem. Không ngờ cánh cổng bằng sắt phát ra tiếng động cái rầm, cô con gái đang ngủ trong nhà nghe thế vùng dậy phóng ra sân, ngã sóng xoài trầy hết hai gối…”. Thấy cảnh tượng này ai cũng cười… méo xệch.
Từ ngày động đất xảy ra liên tục, đêm ở Bắc Trà My là những đêm không ngủ với người dân. Nghe những tiếng nổ rền trời xé toạc không gian bình yên của xứ núi, người dân lại đèn đuốc trên tay túa ra đường, tụ tập thành từng cụm vì sợ ở trong nhà sẽ nguy hiểm nếu chẳng may nhà sập. Gia đình anh Hồ Văn Mạnh (20 tuổi, trú thôn 2, Trà Đốc), dù đã chuyển ra ở trong căn nhà sàn bằng gỗ để “có cảm giác an toàn hơn”, nhưng đêm xuống cũng chẳng ai có thể chợp mắt. “Từ khi có động đất, không ai bảo ai, cả xóm đều mở toang cửa để sẵn, hễ có động (động đất – PV) là chạy. Mới mấy tháng mà ai cũng sọp người, mắt thâm quầng vì lo lắng, mất ngủ…”, anh Mạnh tâm sự.
Trong những câu chuyện hằng ngày của người dân Bắc Trà My thế nào cũng nhắc đến chuyện động đất. Ở chợ, chị em tụm năm, tụm bảy xôn xao trong cuộc “chén tạc chén thù”, bạn bè giận nhau cũng vì mỗi người theo quan điểm của mỗi nhà khoa học. “Trời đánh còn tránh bữa ăn”, nhưng động đất thì không hề tránh. Bữa cơm gia đình vừa dọn ra, chưa kịp ăn lại vội quăng bát, đũa để chạy vì đất rung bần bật. Có lần, phóng viên các báo thường trú tại Quảng Nam đang ăn cơm trưa thì xuất hiện động đất kéo dài khoảng 5 giây khiến ai nấy một phen khiếp vía, buông bát đũa vùng chạy…
Trở lại thời nhà tranh
Video đang HOT
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, người dân vùng tâm chấn có thể cảm nhận hàng chục cơn rung chấn lớn nhỏ. Lo sợ của người dân lại tăng lên khi động đất chấn tiêu nông xuất hiện vào ngày 23.9. Chỉ trong 13 giờ, người dân phải hứng chịu đến 7 trận động đất. Không những mạnh nhất, phát nổ to nhất, động đất trong ngày này còn gây thiệt hại nặng nề nhất. Hàng trăm nhà dân nứt nẻ, chính quyền địa phương như ngồi trên đống lửa, nhanh chóng vào vùng động đất “cắm chốt” để an dân. Nhưng họ đâu thể ngăn được động đất, và vì thế lòng dân vẫn không an…
Mới đây, trước cuộc họp với UBND H.Bắc Trà My và Ban Quản lý dự án Thủy điện 3, ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc nhắc lại chuyện bà Hồ Thị Thô (trú thôn 3) “bắt đền” xã vì động đất làm hỏng nhà. Số là, nhà bà Thô nằm trong khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, do động đất căn nhà này bị nứt nẻ nặng nề. Bà Thô tìm đến nhà ông Đinh Văn Minh, Trưởng thôn 3, để “tính chuyện”. “Hai bên cự cãi, bà Thô không ưng bụng liền xỉ vả ông Minh. Quá bức xúc, ông Minh nổi nóng đòi đánh bà Thô. Cuối cùng, tôi phải về thôn để sắp xếp thì chuyện mới ổn thỏa”, ông Lợi kể.
Bỏ được rượu nhờ… động đất
Đó là trường hợp ông Hồ Văn Xí (thôn 3, Trà Đốc), vốn trước đây uống rượu suốt ngày, giờ đã bỏ hẳn. “Không biết là nhờ hay vì động đất mà tôi đã bỏ rượu được nửa tháng nay. Sợ chết lắm, động đất mà say rượu thì làm sao chạy kịp”, ông Xí phân trần.
Nhà bà Thô đã được sửa xong, thế nhưng hôm chúng tôi đến, vì quá sợ động đất, bà đã gói ghém tất cả áo quần rồi dắt con sang nhà mẹ để ở. “Không dám ở trong nhà này nữa, động đất sập nhà, chết khi nào không hay. Về ở nhà mẹ tôi bằng tre, nứa, động đất có sập nhà, nhiều lắm chỉ bị thương nhẹ”, bà Thô nói.
Không riêng gì bà Thô, nhiều người dân Bắc Trà My, bằng cách của mình, họ đang chủ động “sống chung” với động đất. Tại xã Trà Bui, một số gia đình có con em đang đi học dưới chân đập đã gọi con về nhà vì quá sợ. Đàn ông thì vào rừng chặt tre nứa về làm nhà tạm để ở.
Rút tiền ngân hàng
Nhiều người dân tại thôn 3, xã Trà Đốc còn lo đi rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng về cất ở nhà cho… an toàn! Đồng bào Ca Dong, Cor lý giải đơn giản: động đất mạnh thì ngân hàng sẽ sập, ngân hàng sập thì mất tiền. Chi bằng, có được ít tiền gửi ngân hàng bấy lâu rút về bỏ đầu giường, có động đất, cứ thế ôm gói tiền chạy cho nhanh. Ngay ông Đinh Văn Minh, có chút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng NN-PTNN huyện mấy năm qua, giờ cũng rút về “để nằm nhà cho an toàn”. “Tiền đền bù tái định cư được 90 triệu đồng, tôi làm nhà hết 60 triệu đồng, còn 30 triệu đồng gửi ngân hàng định để dành đó nuôi con ăn học. Giờ động đất nhỡ ngân hàng sập thì sao. Thôi rút hết, đem về nhà cho chắc ăn”, ông Minh chân chất.
Hãy về ở cùng dân
Từ khi xảy ra động đất, lãnh đạo chính quyền H.Bắc Trà My ai cũng tự sắm cho mình cuốn sổ nhỏ bỏ túi làm “nhật ký động đất”. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, tại các cuộc họp đều nêu vanh vách giờ, phút, giây các trận động đất xảy ra, rung chấn mạnh, nhẹ và kéo dài trong bao lâu để báo cáo về tỉnh cũng nhờ có cuốn nhật ký này.
Trong khi đó, khi nhận được yêu cầu giúp đỡ khắc phục nhà bà Hồ Thị Thô hư hỏng nặng do động đất, EVN lại tỏ ra thiếu trách nhiệm khi chỉ sửa chữa một cách qua loa. Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, sau khi kiểm tra đã nói thẳng EVN cần phải đập bỏ và làm lại căn nhà này, bởi “sửa nhà trong vùng động đất mà cột bê tông không có cốt thép cũng không nghĩa lý gì”. Trong cuộc họp nghe kết luận của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu liên quan về tình hình động đất, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từng nói với đại diện EVN: “Hãy hỗ trợ người dân vùng động đất với một thái độ cầu tiến, chia sẻ. Có như vậy, khi xảy ra động đất nhẹ, người dân mới thông cảm”.
Quả là có sống cùng người dân mới thấm được sự hốt hoảng của họ khi động đất xảy ra. Làm sao có thể bình tĩnh khi nghe tiếng nổ ầm ầm trong lòng đất, rồi mặt đất, nhà cửa rung lên, đồ đạc rơi loảng xoảng… Các nhà khoa học về nghiên cứu, kết luận động đất không ảnh hưởng đến chất lượng đập thủy điện Sông Tranh 2, người dân nghe và biết vậy. Nhưng họ cũng thường truyền miệng nhau câu “Đoàn đến đoàn đi, nỗi lo ở lại”. Nỗi lo ở đây là nhà cửa hư hại, tâm lý bất an… khi động đất vẫn cứ xảy ra và ngày càng có chiều hướng gia tăng, mạnh lên. Vì thế, khi biết một nữ tiến sĩ chê người dân đang rất kém hiểu biết về động đất, cứ nghe động đất là dắt trâu bò chạy, thay nhau trực chiến cả đêm…, nhiều người dân chỉ cười hiền lành: “Vị đó hãy về đây, tự cột mình lại trong nhà để xem khi động đất có muốn chạy không, biết liền!”.
Theo TNO
Thủy điện Sông Tranh 2 "vẫn an toàn"
Động đất liên tục xảy ra và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới nhưng các cơ quan chức năng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn.
Cuộc họp báo "Về kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2" do Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) cùng các bộ ngành liên quan tổ chức đã diễn ra tại Quảng Nam ngày 28.9.
Lại xuất hiện rung chấn
UBND H.Bắc Trà My xác nhận chiều 28.9, lúc 13 giờ 34 phút đã xuất hiện thêm đợt rung chấn mạnh kéo dài khoảng 15 giây khiến người dân hoảng sợ.
V.M.T
Tại cuộc họp báo, sau khi thông báo các đánh giá về thiết kế xây dựng, chất lượng công trình..., ông Nguyễn Văn Liên - Phó chủ tịch Hội đồng - cho biết: "Dự báo trong thời gian tới, tại khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn nhưng khó có thể vượt giá trị cực đại đã đánh giá là M=5,5 độ Richter". Theo ông Liên, sau khi có công bố của tư vấn độc lập AF-Colenco, các chuyên gia Hội đồng đã tổ chức phản biện, yêu cầu giải trình và đi đến thống nhất với kết luận của AF-Colenco là thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định.
Về tình hình động đất tại Sông Tranh 2 sau tích nước, ông Liên khẳng định các trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây là động đất kích thích. Các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn đã xảy ra tại Bắc Trà My đều không quá cấp 6 và kéo dài theo phương tây bắc - đông nam.
Trao đổi trước cuộc họp, ông Nguyễn Tài Sơn, TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2, khẳng định đập Sông Tranh 2 không bị thấm qua đập mà thấm qua các tấm ngăn nước. "Chính phủ đã quyết định hồ không tích nước, tức không được đóng các cửa van. Ở mực nước chết 140 m, lưu lượng thấm khoảng 3,3 lít/giây. Chúng tôi không dùng giá trị này để đánh giá, mà chúng tôi đánh giá khi cao trình mực nước lớn nhất, lượng nước thấm sẽ khoảng 10 lít/giây... Trong mùa mưa, cao trình lớn nhất của hồ sẽ là 161 m. Lúc đó dù có động đất cấp 9 hoặc trên cấp 9, đập vẫn an toàn", ông Sơn nhấn mạnh.
Nhà dân bị nứt sau động đất - Ảnh: Hoàng Sơn
Về trách nhiệm của Tập đoàn điện lực VN (EVN) khi động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh 2 làm nhà dân bị nứt, ông Trần Văn Được, Phó TGĐ EVN, khẳng định: "EVN có trách nhiệm hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng do động đất". Tuy nhiên trả lời câu hỏi của một phóng viên "EVN đã lập kế hoạch sơ tán, di dời dân do động đất, do vỡ đập? Nếu vỡ đập trách nhiệm thuộc về ai?", ông Được nói: "Theo tính toán của tư vấn, kể cả động đất cấp 8, đập vẫn an toàn nên việc tính phương án sơ tán, chúng tôi không đề cập. Vì chúng tôi tin tưởng không bao giờ xảy ra trường hợp như thế".
Người dân lo sợ động đất, bỏ nhà tái định cư chuyển đi nơi khác
Một đại biểu đặt câu hỏi: "Trong quá trình lập dự án các bên có tính đến các yếu tố tác động môi trường, tự nhiên, công trình kiến trúc, tâm lý người dân...?". Ông Nguyễn Tài Sơn thừa nhận: "Thời điểm 2005, chúng ta phải sử dụng tiêu chí của quốc tế. Theo tiêu chí này thì không có động đất kích thích. Đây là sự bị động, thiếu sót của chúng ta thời kỳ này".
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nói: "Chúng ta yên tâm rằng, động đất kích thích sẽ không xảy ra tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, phải tính đến mọi tình huống nên sắp đến Bộ Công thương sẽ ban hành văn bản giao cho tất cả các chủ đập trên cả nước để xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo vệ đập. Trong đó, có tình huống, nếu vỡ đập sẽ xử lý như thế nào".
Báo động xả tràn trên sóng phát thanh
Sáng 28.9, Công ty CP thủy điện A Vương phối hợp với UBND H.Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức hội nghị tập huấn công tác phòng chống lũ lụt và thông tin cảnh báo xả tràn, vận hành hồ chứa thủy điện A Vương trong mùa mưa bão 2012. Gần 200 đại biểu, trong đó có trên 160 trưởng thôn của 18 xã, thị trấn thuộc H.Đại Lộc đã tham gia. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện A Vương, với tiêu chí công khai và minh bạch trong việc vận hành hồ chứa, từ 25.9 - 25.12.2012, UBND H.Đại Lộc cử 12 người (Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn TNCS) chia làm 6 tổ luân phiên thường trực tại đập dâng -tràn thủy điện A Vương để giám sát quá trình vận hành Nhà máy thủy điện A Vương trong mùa mưa bão. Trong mùa mưa lũ, Công ty CP thủy điện A Vương tiến hành báo động xả tràn hồ chứa thủy điện A Vương trên sóng radio tại tần số FM 104MHZ và báo động trước khi xả tràn 2 giờ.
Theo TNO
Tư vấn thiết kế nhận thiếu sót vụ thủy điện Sông Tranh 2 Hôm 28.9, trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế thừa nhận thiếu sót vì "chưa tính đến động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh 2 gây ra". Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn...