Sống trong tủi hổ vì già vẫn xin con nuôi rồi bán
Lẽ ra, những người đáng tuổi ông, tuổi bà như các bị cáo phải tạo phúc cho con cháu, thậm chí làm gương cho thế hệ sau học tập thì họ lại đi làm cái việc thất đức là buôn bán trẻ sơ sinh khiến mọi người đều chê trách.
Tuổi cao… vẫn làm chuyện thất đức
Có những đứa trẻ vừa sinh ra đã không may mắn khi bị người mẹ bỏ rơi ở bệnh viện. Số phận những đứa trẻ này đã được an bài sẽ ở lại bệnh viện cho đến khi có người nhận nuôi, hoặc sẽ bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Nắm bắt được tình hình này, và nhận thấy có thể kiếm chác được chút ít, cặp vợ chồng Đặng Quang Hy (SN 1944) và Nguyễn Thị Kim Chi (1953, đều trú tại 106 Hòa Mã, phường Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhanh chóng bày ra kế hoạch nhằm đạt được mục đích kiếm tiền bất chính.
Cặp vợ chồng Huy-Chi ngày bị bắt tại CQĐT (ảnh ANTD)
Cặp vợ chồng già này đã tìm đến các bệnh viện để nhắm được đối tượng có mong muốn cho con sau khi sinh xong. Khi tiếp cận được “đối tượng”, cụ ông, cụ bà đều nước mắt ngắn dài, trình bày hoàn cảnh đã già mà vẫn không có đứa con đứa cháu nào ở bên cạnh, nên rất muốn nhận nuôi một đứa bé cho khuây khỏa tuổi già.
Người ngoài nhìn vào, hay thậm chí cả những người mẹ dứt lòng cho con để lấy một món tiền nho nhỏ, cứ ngỡ rằng rồi con mình sẽ được đôi vợ chồng già phúc hậu này yêu thương, chăm sóc… Mà không ai có thể ngờ rằng, sau khi xin được “con” bằng những giọt “nước mắt cá sấu” ấy, hai người đó liền thuê người chăm sóc hộ, và ra sức tìm người có nhu cầu xin con nuôi để bán kiếm tiền.
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Chi (nguyên là nhân viên hộ lý của bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội), dù đã nghỉ hưu, nhưng vì trong thời gian làm việc biết có nhiều trường hợp sản phụ sinh con trong hoàn cảnh ngoài hôn nhân, không muốn mang con về nuôi, và cũng có rất nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn có nhu cầu xin hoặc mua con về nuôi, nên Chi đã bàn với chồng là Đặng Quang Hy về ý định giả vờ xin con nuôi rồi bán qua tay kiếm lời.
Nghe lời vợ, Hy tìm đến một số bệnh viện để làm quen với các nhân viên của bệnh viện và cánh xe ôm vẫn ngồi trước cửa bệnh viện nhằm mục đích móc nối với các trường hợp sản phụ cho con để xin về làm con nuôi.
Về phần Chi, do bản thân không có điều kiện sức khỏe để chăm sóc trẻ sơ sinh trước khi bán qua tay, nên đã nhờ Bùi Thị Lệ Thuần (là em dâu của Chi, SN 1962, trú tại 132 Bạch Đằng, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nuôi và chăm sóc hộ, với tiền công là 70.000 đồng/1 ngày. Ngoài ra, Chi hứa sau mỗi phi vụ sẽ thưởng thêm cho Thuần một số tiền nữa.
Video đang HOT
Sau khi móc nối với các mối quen biết, từ đầu năm 2009, cặp vợ chồng Chi – Hy đã tìm được nhiều trường hợp sản phụ muốn cho con, và cũng đã thực hiện thành công nhiều phi vụ bán trẻ sơ sinh để kiếm lời qua tay. Tổng cộng cặp đôi này đã thực hiện trót lọt 6 phi vụ buôn bán trẻ sơ sinh, trừ tiền bồi dưỡng cho mẹ đứa bé, cho các đường dây móc nối, và “bà vú nuôi” Thuần, thì cả hai còn thu lời được hơn 50 triệu đồng.
Hành động mua bán trẻ sơ sinh qua tay của Chi, Hy và Thuần đã bị nhiều người dân xung quanh đó phát giác và báo lại với cơ quan Công an. Theo dõi hành vi của các đối tượng, cơ quan điều tra nhận thấy có nhiều trẻ sơ sinh được đưa đến và đưa đi khỏi ngôi nhà của đối tượng Thuần một cách lén lút. Do đó, sau gần 2 năm, ngày 23/11/2010 công an đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng, giải cứu được một trẻ sơ sinh sắp bị rao bán.
Sáng qua, 21/2, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ba bị cáo Hy, Chi và Thuần về tội “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo Điều 120 Bộ luật hình sự.
Quả báo?
Sau khi bị phát giác ra trước pháp luật, hành vi của cặp vợ chồng già này khiến nhiều người phải rùng mình. Thay vì tích đức để con cháu được hưởng phúc, cặp vợ chồng này vẫn không từ thủ đoạn để kiếm tiền bất chính, ngay cả việc mua bán trẻ sơ sinh, một việc làm bị cả xã hội cực lực lên án.
Trước vành móng ngựa, ở độ tuổi 68, bị cáo Hy vẫn có phong thái khỏe mạnh mặc dù tóc đã bạc trắng cả mái đầu. Trong phiên xử sơ thẩm, bị cáo Chi, vợ của Hy vắng mặt với lý do sức khỏe, vì thế mà phiên tòa cũng phải tạm hoãn.
Theo chị L. một người quen của gia đình bị cáo, thì cách đây mấy năm bị cáo Chi bị tai biến mạch máu não, để lại hậu quả nặng ở chân và mỗi lúc trái gió trở trời cả người lại đau nhức. Vợ chồng bị cáo có 2 người con trai đều đã lớn nhưng cách đây vài tháng, người con trai cả tuy nghiện chưa lâu, nhưng đã bị sốc thuốc mà chết. Bị cáo Chi sau cái chết đột ngột của cậu con trai thì cũng ốm nặng, đến giờ vẫn cứ ngơ ngẩn bên bàn thờ con.
Từ sau khi người con trai cả bị chết, những người dân ở quanh đó vẫn bàn tán chuyện vợ chồng Chi – Hy làm việc thất đức nên bị quả báo. Những lời này khiến cả 2 vợ chồng dù tạm thời được tại ngoại nhưng không dám ra khỏi nhà, việc chợ búa cơm nước vẫn phải nhờ chị L. sang giúp.
Theo chị L. việc làm phạm pháp của vợ chồng Hy-Chi, chị không hề biết. Một lần thấy Chi bảo với chị là có quen ai muốn nhận con nuôi thì báo với Chi, Chi sẽ lo giúp. Thế nên vào khoảng tháng 8/2011, khi có đôi vợ chồng người quen ngỏ ý muốn xin con nuôi, chị có nói lại với Chi.
Có lẽ vì mối quan hệ thân thiết với chị L. nên lần này vợ chồng Chi – Hy đã giao đứa trẻ sơ sinh vừa “xin” được cho cặp vợ chồng kia mà không lấy một tí “tiền bồi dưỡng” nào như mọi lần.
Khi Chi và Hy bị bắt, chị L. cũng được gọi lên cơ quan điều tra để làm rõ danh tính cặp vợ chồng đã xin con nuôi. Tại đây, biết được hành vi phạm pháp của cặp vợ chồng già này, chị vẫn không dám tin.
Có một điều may mắn, là những đứa trẻ mặc dù bị cặp vợ chồng Hy và Chi coi như món hàng mua bán, nhưng đã gặp được những người bố người mẹ rất tốt, yêu thương các cháu như con đẻ của mình. Những người đã nhận con nuôi đều không yêu cầu lấy lại số tiền đã đưa cho vợ chồng bị cáo, và mong muốn được giữ quyền nuôi các cháu.
Tuy nhiên, vì nhận con nuôi qua tay, và không có đầy đủ giấy tờ chứng sinh từ mẹ các cháu bé, nên việc làm giấy khai sinh cho các cháu bé gặp nhiều khó khăn. Như vợ chồng chị N. ở Thạch Thất nhận nuôi con đã hơn một năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được giấy khai sinh cho con mình.
Tâm sự với phóng viên, người mẹ này bày tỏ lo lắng sẽ bị truất quyền nuôi con, vì: “Thằng bé thông minh và ngoan lắm, cả nhà ai cũng yêu nó”. Vì thế, vợ chồng chị mong muốn vụ án sớm được đưa ra xét xử, để được đường đường chính chính nuôi dạy đứa bé.
Theo PLVN
"Vật chứng" đặc biệt của một vụ trọng án
Đã tròn 1 năm, cháu bé - "vật chứng" đặc biệt trong một vụ án bắt cóc buôn bán trẻ sơ sinh vẫn ngơ ngác bởi nguồn gốc của mình.
Không gia đình, không người thân, "vật chứng" vụ án biết khóc, cười, biết uống sữa này vẫn hoài mong một tiếng gọi "Mẹ" khắc khoải.
Dù là "vật chứng" trong vụ án nghiêm trọng nhưng cháu bé cũng là một con người. Đã là người thì phải được chăm sóc và có tên gọi. Thế nên, sau khi đưa về trụ sở, "vật chứng" đặc biệt này nhanh chóng được các nữ cán bộ, nhân viên y tế chăm bẵm. Nhờ bàn tay khéo léo của các chị, chỉ một loáng là thằng bé đã thành người trở lại. Mọi người đều tạm gọi nó là thằng cu, cái tên dân dã hay dùng gọi các bé trai. Thế nhưng, khi đưa vào biên bản lời khai thì không thể gọi "vật chứng" đặc biệt này là "Thằng Cu" được. Thế là có một cuộc thảo luận nhỏ, Trung tá Đỗ Đình Đang, người được các chiến sỹ trẻ ở đơn vị hay gọi thân mật là "bố Đang" bảo, "lấy tên cậu thanh niên trẻ nhất đội đặt tên cho thằng bé". Thế là "vật chứng" biết uống sữa, biết khóc, biết cười ấy chính thức có tên gọi - Phạm Hồng Quân.
Phạm Hồng Quân ngay sau đó được các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đưa đến Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TW. Nó cần được các bác sỹ khám sức khỏe, chăm sóc đúng tiêu chuẩn dành cho trẻ sơ sinh. Ngoài việc hỏi cung đối tượng, tiếp tục điều tra mở rộng vụ án buôn bán trẻ sơ sinh, các anh còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các bác sỹ về sức khỏe của cháu bé. Từ những việc nhỏ nhất như nó có bú hết bình sữa, ngủ nghê thế nào... cũng được các anh cập nhật. Việc thằng bé ăn ngủ tốt và đang được những nhân viên y tế ở bệnh viện đầu ngành về nhi chăm sóc, các anh rất yên tâm.
Trong quá trình đấu tranh với Ngô Thị Sang và Nguyễn Văn Hải, những đối tượng bị bắt giữ lúc rạng sáng 30-1-2010, các điều tra viên đều nỗ lực để tìm ra manh mối về mẹ ruột của bé Hồng Quân. Nút thắt quan trọng trong vụ án này là Trần Thị Phượng Loan - đối tượng được xác định là đầu mối tiếp nhận bé Hồng Quân trước khi cháu được giao cho Sang bế ra Bắc. Chỉ có Loan mới biết, bé Hồng Quân được "thu gom" từ đâu. Và rất có thể, đối tượng này còn biết ai là mẹ ruột bé. Thế nhưng đến nay, Loan vẫn bặt vô âm tín dù lệnh truy nã toàn quốc đã phát đi. Việc này khiến cho quá trình điều tra tạm dừng lại ở giai đoạn 1. Ở giai đoạn điều tra này, các đối tượng Ngô Thị Sang, Nguyễn Văn Hải bị kết tội "buôn bán trẻ em".
Bị cáo Hải và Sang tại phiên tòa xét xử.
Vụ án tạm khép lại ở giai đoạn điều tra 1, những đối tượng phạm pháp đã nhận những bản án thích đáng. Thế nhưng với bé Hồng Quân - một công dân có số phận trắc trở ngay từ thuở lọt lòng thì còn là cả một tương lai ở phía trước. Mỗi ngày, bé một lớn khôn. Khi được cứu khỏi bọn buôn người, bé mới khoảng 10 ngày tuổi. Còn hôm nay, bé gần hai tuổi. Ngày 10-12, khi đến thăm tại Trung tâm Trẻ em Mồ côi Suy dinh dưỡng (gọi tắt là Trung tâm), chúng tôi nhìn thấy một bé Hồng Quân thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cháu đang bập bẹ nói và cũng đã đi được vài bước. Nhìn cậu bé chơi đùa cùng những đứa trẻ - những phận người không may mắn được ở bên bố mẹ, chúng tôi chợt chạnh lòng.
Hai mươi cháu bé, hai mươi cảnh đời éo le được sinh ra từ những người bố, người mẹ khác nhau đang được chở che bởi những người làm công tác bảo trợ xã hội. Tiếng "Mẹ!" đầu đời của chúng không phải dành riêng cho người chín tháng mang nặng đẻ đau mà tiếng gọi chung cho tất cả những người phụ nữ đang làm việc ở Trung tâm. Những người phụ nữ này ngày lại ngày đang chăm bẵm và cho chúng tình yêu thương. Tuy nhiên, chúng lại không có người mẹ của riêng mình như đa số những đứa trẻ khác trên cõi đời này.
Nếu như, việc cơ quan Công an giải cứu thành công cháu bé sơ sinh và bóc gỡ thành công đường dây buôn bán trẻ em ra nước ngoài khiến người ta ngỡ ngàng về thủ đoạn tinh vi, tàn nhẫn của kẻ buôn người, thì việc hình ảnh cháu bé chừng 5-6 tháng tuổi có đôi mắt đen láy được đăng tải trên Internet càng khiến người ta quan tâm hơn đến số phận của nó. Đó chính là thời điểm tháng 6-2010, khi cậu sinh viên y khoa Đoàn Nam Sơn đang thực tập tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TW chụp và đưa hình ảnh bé Hồng Quân lên mạng thông tin toàn cầu. Hằng ngày, chứng kiến "vật chứng" đặc biệt lẽ ra phải được nằm trong vòng tay của ông bà, cha mẹ lại phải ở bệnh viện, nơi xung quanh là những bệnh nhân nhí đang đấu tranh với bệnh tật, Sơn không khỏi xót thương.
Cậu làm một việc rất táo bạo và đứng trước nguy cơ bị... kỷ luật là đưa hình ảnh cháu bé lên mạng. Trò chuyện với chúng tôi tại thời điểm này, tác giả loạt ảnh cho biết, cậu mong được nhiều người biết đến hoàn cảnh bé Hồng Quân. Càng nhiều người biết thì khả năng, thông tin về bé lọt đến tai người mẹ ruột càng lớn hơn. Mong ước của sinh viên thực tập Nam Sơn đã đạt được một phần, khi hằng ngày đều có những người đến bệnh viện để "mục sở thị" sinh linh được cứu thoát bởi bọn "mẹ mìn". Câu chuyện về cháu bé có số phận đặc biệt cứ râm ran trong bệnh viện, ra các công sở, trường học... Và có rất nhiều người đến bệnh viện, gặp cán bộ điều tra để đề đạt nguyện vọng được nhận Hồng Quân làm con nuôi.
Làm con nuôi cũng đồng nghĩa với việc, đứa bé có cơ hội được nuôi dưỡng trong một gia đình đúng nghĩa. Sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ nuôi sẽ khiến đứa bé bớt phải chịu cảnh côi cút. Rồi tương lai của nó hẳn sẽ rộng mở hơn... Thế nhưng, cháu bé đang là "vật chứng" của vụ án buôn bán người. Cơ quan điều tra đang tìm manh mối để biết về cội nguồn của nó. Với những lý lẽ trên, chẳng ai được phép cho nó làm con nuôi. Cơ hội được nhận làm con nuôi khi nó ở tuổi 5-6 tháng gần như khép lại. Trong khi đó, không thể để một đứa trẻ khỏe mạnh lớn lên trong bệnh viện. Thế là vào một ngày hè năm 2010, cán bộ điều tra đến Bệnh viện Nhi TW nhận nó để chuyển giao cho ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Kèm theo túi quần áo và một vài đồ lưu niệm mà những người phụ nữ khi hay tin về nó đã đến thăm, tặng trong hành trang của nó còn một tấm ảnh. Tấm ảnh về tập thể các y, bác sỹ Khoa Sơ sinh. Tấm ảnh ấy hiện nay vẫn được lưu giữ trong bộ hồ sơ pháp lý của công dân Phạm Hồng Quân kèm lời đề tặng rất dễ thương, đánh dấu khoảng thời gian nó sống tại đây.
Đối tượng Trần Thị Phượng Loan đang bị truy nã.
Trong bộ hồ sơ pháp lý của bé Hồng Quân mà cán bộ Bảo trợ xã hội đã hoàn thiện có một thứ giấy tờ đặc biệt. Đó là tờ giấy khai sinh. Mọi đứa trẻ khi mới chào đời đều được cơ sở y tế cấp ngay Giấy chứng sinh. Cha mẹ đứa bé sẽ đem tờ giấy có dấu tròn của ngành Y tế kèm theo Đăng ký kết hôn, sổ Hộ khẩu gia đình đến UBND cấp xã/phường làm Giấy khai sinh cho con. Nhưng với những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị trở thành hàng hóa ngay từ lúc mới lọt lòng thì để làm được tờ Giấy khai sinh không hề dễ. Chị Hoa, cán bộ Bảo trợ đã năm lần bảy lượt đến cơ quan điều tra, đến bệnh viện hoàn thiện thủ tục để đưa đến UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội đăng ký khai sinh cho bé Hồng Quân. Đương nhiên, trong hồ sơ đăng ký khai sinh cho nó không có Giấy chứng sinh, hộ khẩu gia đình... như những đứa trẻ khác mà là những văn bản pháp lý liên quan đến vụ án. Trong Giấy khai sinh của bé Hồng Quân ở mục tên cha, tên mẹ đều để trống...
Tại phiên xét xử ngày 22-6-2011 của TAND huyện Thanh Trì, cán bộ Trung tâm Trẻ em Mồ côi Suy dinh dưỡng được tòa mời đến với tư cách là đơn vị bảo trợ bé Hồng Quân, nạn nhân. Tại đây, các đối tượng Ngô Thị Sang, Nguyễn Văn Hải đã khai rõ hành vi phạm tội của mình. Hồng Quân là đứa trẻ may mắn khi được giải thoát, nếu không cháu sẽ có chung số phận như những đứa bé đã bị biến thành hàng hóa khác. Trong phiên tòa, các đối tượng trên đồng ý chuyển hơn 4 triệu đồng tiền mặt bị cơ quan Công an thu giữ cho Trung tâm để nuôi dưỡng bé Hồng Quân. Chúng bị kết án với các mức án là 4 và 5 năm tù giam.
Như vậy, giai đoan 1 của vụ án buôn bán người đã được khép lại. Kẻ có tội phải chịu án phạt. Tiếc rằng, người mẹ ruột của bé vẫn chưa một lần lên tiếng. Thực tế đã chứng minh rằng, có những đứa trẻ trong đường dây buôn bán trẻ em đã được trở về với mẹ ruột sau khi vụ án được khám phá. Có thể trong số những đứa trẻ ấy, có đứa được mẹ ruột nó thuận tình cho đi ngay sau khi sinh. Thế nhưng, khi cơ quan pháp luật phanh phui hành vi tàn độc của bọn buôn người, tình mẫu tử trong những người phụ nữ này được thức tỉnh. Họ dám vượt qua định kiến, thị phi để dũng cảm nhận lại con mình. Mong rằng mẹ của bé Hồng Quân dù vì một lý do nào đó đã để con trai vuột khỏi vòng tay mình sẽ cũng làm được như vậy...
Theo ANTD
Bi kịch bố "dàn trận" bán... con ruột Giữa đêm tối, hung thủ trắng trợn xông vào nhà cướp đi đứa bé còn ngây dại đang nằm trên tay người mẹ, rồi lặng lẽ bỏ đi. Đến khi sự việc bại lộ, tất cả mới té ngửa, toàn bộ vụ cướp được chính bố của đứa bé dàn dựng một cách công phu. Chuyện thật đến nhói lòng đang xảy ra...