Sống thử, có sao đâu
Đàn ông mở miệng ra là công- dung- ngôn- hạnh và đòi hỏi người yêu hay bạn đời của mình phải có đủ 4 đức tính đó. Đàn bà thì lúc nào cũng khép mình vào một cái khuân phép vô hình và chịu đựng kìm nén cảm xúc, ham muốn của bản thân,… sao phải khổ sở thế??
Ảnh minh họa
Gửi độc giả! Tôi là một thanh niên thế hệ 8X, đọc mấy bài viết về chủ đề sống thử và những comment chửi bới của độc giả dành cho những “khổ chủ” mà tôi thấy tức cười quá. Thú thực, tôi cũng chẳng rảnh rỗi đến mức lên đây để cãi nhau với ai, nhưng tôi cũng muốn đưa ra quan điểm rõ ràng của mình về vấn đề sống thử.
Tôi là tôi, Đỗ Văn Mạnh (Hà Nội) chứ không phải một ai đó đã viết bài lên bị ném đá và giờ dùng nick khác “giả mạo” viết lại để chửi lại độc giả như một số độc giả sẽ nghi ngờ.
Còn về vấn đề sống thử hay không sống thử tôi thấy có vấn đề gì đâu mà phải cãi vã. Ở bên nước ngoài, yêu nhau là họ sống với nhau, và sex mỗi ngày. Điều này với các quốc gia phương Tây đã trở nên quá bình thường, và chẳng có gì phải bàn cãi. Sau một thời gian sống với nhau, họ không cảm thấy được thỏa mãn thì chia tay vui vẻ, cũng rất bình thường, có sao đâu. Đó là quyết định của hai người, và họ tôn trọng nhau,…Chúng ta vẫn hằng ngày phải học tập họ về trình độ, công nghệ, kỹ năng quản lý,… có nghĩa họ phát triển hơn chúng ta. Sao chúng ta không học tập cách họ sống mà cứ bảo thủ với suy nghĩ từ bao nhiêu đời nay để cãi vã và làm khổ nhau?!
Còn ở Việt Nam ta thì sao, lúc nào cũng trinh tiết, chuẩn mực, rồi đạo đức. Đàn ông mở miệng ra là công- dung- ngôn- hạnh và đòi hỏi người yêu hay bạn đời của mình phải có đủ 4 đức tính đó. Đàn bà thì lúc nào cũng khép mình vào một cái khuân phép vô hình và chịu đựng kìm nén cảm xúc, ham muốn của bản thân. Tôi xin hỏi các anh các chị, những thứ đó có ăn vào mồm được không, hay có nhìn thấy được không, có làm cho bản thân bạn trở nên giàu có được không,… vậy thì làm sao mọi người phải khổ sở như thế?. Lời khuyên của tôi là đừng coi trọng quá vấn đề trinh tiết, và để ý xem bạn đời của mình đã từng sống thử hay chưa. Mà hãy tìm hiểu xem, người ta có yêu bạn không, có sẵn sàng hy sinh và sống với bạn đến trọn đời hay không, có đối xử tốt với bạn và gia đình bạn hay không?…
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Thế kỷ 21 rồi, hai người yêu nhau họ sống với nhau, và quan hệ với nhau như vợ chồng thì có sao đâu?. Chẳng nhẽ, vì bạn không muốn, tôi không muốn thì họ phải dừng lại ham muốn của mình và sống theo cách của chúng ta hay sao?. Đó là quyền tự do của họ mà, pháp luật có ai cấm người đàn ông, đàn bà đến tuổi trưởng thành, chưa vợ, chưa chồng không được sống thử với nhau đâu?. Vậy có nghĩa là họ không làm gì sai pháp luật, thì kệ họ đi, chúng ta can thiệp làm gì?.
Còn nếu quan điểm của các anh, chị là không bao giờ chấp nhận lấy những người sống thử, mất đi trinh tiết trước hôn nhân thì hãy cứ đi mà tìm những cô gái còn trinh tiết về đặt lên bàn thờ mà thờ phụng. Nhưng xin thưa với các anh rằng, kiếm được một cô gái còn Zin bây giờ chẳng khác nào “mò kim đáy bể” cả. Hơn nữa, khi đã tìm được rồi thì cũng phải xem xem đó đúng là đồ thật hay lại là đồ giả, đồ rởm,…kẻo có ngày lại lên đây kêu than “cô ấy lừa dối tôi”.
Tôi nghĩ sống như thế nào là quan điểm của mỗi người. Có thể bạn đồng ý với cách sống đó, có thể bạn không đồng ý, nhưng hãy thể hiện sự tôn trọng với người khác. Vì không phải tất cả mọi người đều đồng ý với cách bạn đang sống đâu, bạn nghĩ gì nếu như một ngày người khác cũng chửi bạn bằng những lời lẽ cay độc như bạn đã chửi họ.
Đây là một diễn đàn mở, ai cũng có quyền đưa ra quan điểm sống của mình, vì thế hãy biết tôn trọng những quan điểm sống của người khác, cho dù quan điểm ấy không giống mình.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Vợ chồng lục đục vì bố mẹ quá yêu thương
"Với cha mẹ, con cái lúc nào cũng là những đứa trẻ, luôn cần sự quan tâm, lo lắng mà họ quên mất rằng khi chúng lớn khôn, lập gia đình, chúng rất cần một không gian riêng cho cuộc sống mới. Các bậc cha mẹ vẫn "hồn nhiên" can thiệp thô bạo vào cuộc sống của các con, vô hình trung đẩy con cái vào những tình huống dở khóc, dở cười". Đến khổ vì bố mẹ chồng cưng chiều
5 năm về làm dâu nhà mẹ, Liên (Hoàng Mai - Hà Nội) trải qua không biết bao nhiều biến thiên của cảm xúc. Những ngày đầu chị hạnh phúc, tự hào với bạn bè đồng nghiệp rằng bố mẹ chồng hết sức tâm lý, chiều chuộng con dâu, con trai. 5 năm sau đó, bố mẹ vẫn giữ nguyên cách yêu thái quá ấy với con cái, nhưng tâm trạng của chị thì hoàn toàn ngược lại. Liên mệt mỏi bởi chính sự quan tâm, thậm chí can thiệp quá sâu của bố mẹ vào cuộc sống riêng của hai vợ chồng. Dù đã ở riêng vậy mà cảm giác thèm khát có một không gian riêng cho hai vợ chồng chưa phút nào lắng xuống trong lòng chị. Và quan trọng hơn, trong những lúc than thở với chồng, Liên chỉ nhận được lời đáp cụt lủn của Tùng: " Em sướng như tiên mà còn không biết hưởng thụ. Thử xem có bố mẹ chồng nào yêu chiều con dâu như bố mẹ anh không?", đoạn Tùng lại cắm đầu vào màn hình máy vi tính.
Ngày mới cưới, Liên hạnh phúc lắm. Tới cơ quan nghe các bà "tám" than thở về mẹ chồng khó tính hay xét nét nàng dâu, thế mà mẹ chồng của chị lại khác hẳn. Mẹ cực kỳ tâm lý, chiều chuộng con dâu. Ban đầu là việc bố mẹ mua cho hai vợ chồng Liên một ngôi nhà nhỏ xinh cách nhà bố mẹ chừng 3km, muốn tạo dựng cho hai con cuộc sống độc lập, tự do. Nhưng chẳng biết lúc nào mẹ đánh một bộ chìa khóa riêng, đi làm về Liên đã thấy nhà cửa tinh tươm, gọn gàng, ngăn nắp. Cũng bởi bố mẹ chồng có điều kiện, nhà có giúp việc nên việc nhà ông bà chẳng phải động tay động chân vào. Hai ông bà thường chở nhau đến nhà vợ chồng Liên thăm nom, đốc thúc con cái ăn uống và làm việc. Dù ở riêng nhưng nhà Liên chẳng mấy ngày vắng mặt bố mẹ chồng. Toàn bộ việc nhà đều do bố mẹ chồng quán xuyến, Liên không phải lo toan bất cứ việc gì. Bố mẹ đặt ra một nguyên tắc, đó là chiều nào hai vợ chồng cũng phải về ăn cơm với bố mẹ cho vui cửa vui nhà. Thì buổi trưa, vợ chồng Liên dùng cơm công sở với đồng nghiệp, muốn dành thời gian riêng cho nhau trong bữa tối, nhưng bố mẹ "đọc lệnh" rồi, cả hai cứ nem nép thực hiện thôi. Chính thế nên đi đâu, làm bất cứ việc gì thì đến bữa cơm tối, vợ chồng Liên cũng phải về dùng cơm với bố mẹ.
Liên làm trong một công ty tư nhân liên kết với nước ngoài, thường xuyên phải tiếp khách, nhưng trước tuyên bố của bố mẹ chồng, chị không dám làm trái. Mấy lần chị bị nhắc nhở vì tội không nhiệt tình trong hoạt động chung của công ty là vì thế. Nhưng Liên không thể lấy lý do bố mẹ chồng bắt về ăn cơm tối để giải thích cho đồng nghiệp hiểu. Liên khổ tâm lắm.
Chưa hết, công việc của chị bận rộn. Có khi sau bữa sáng chị không kịp dọn rửa bát đũa, vơ vội vào bồn định bụng tối về rửa. Y rằng sau bữa cơm tối sẽ thấy một cuộc họp nhỏ giữa các thành viên. Bố chồng nhường lời cho mẹ và mẹ "làm chủ diễn đàn", mắng chị là phụ nữ mà không biết lo toan, vun vén gia đình, ăn xong có vài cái bát cũng không dọn dẹp luôn cho sạch sẽ, khi trưa mẹ đáo qua nhà thấy bừa bộn nên rửa cho rồi. Mẹ mắng thì mắng thế thôi, nhưng sau đó lại lúi húi bắt con trai xách lỉnh kỉnh đủ thứ hoa quả để tẩm bổ cho con dâu của mẹ.
Kinh hãi nhất là thời kỳ Liên mang thai, bố mẹ chồng trở thành "chuyên gia dinh dưỡng" riêng cho chị. Để tiện chăm sóc con dâu, bố mẹ yêu cầu hai đứa dọn về nhà sống. Sợ bố mẹ buồn, Liên và Tùng miễn cưỡng nghe theo. Biết chân giò hầm tốt cho phụ nữ mang thai, hôm nào mẹ cũng ninh một nồi chân giò cho nàng dâu. Bữa nào cũng ép Liên phải ăn một bát tô, bà ngồi "canh chừng", đợi con ăn hết mới chịu đi làm việc khác. Đến mức sau này, chỉ cần ngửi mùi chân giò là Liên đã thấy buồn nôn. Tối nào mẹ cũng tự tay pha một cốc sữa, mang lên tận phòng nắc nỏm: " Uống sữa khỏe cả mẹ lẫn bé". Bố chồng Liên cũng chu đáo không kém. Sáng sáng ông dắt xe ra cổng cho Liên và chiều chiều lại ngóng đợi sẵn ở cổng để dắt vào nhà. Ông thường rủ con dâu đi bách bộ cùng, vừa tập thể dục khỏe người lại thuận lợi cho "công cuộc sinh nở" sau này.
Sinh con xong tưởng rằng "thoát nạn", nào ngờ mọi việc còn khủng khiếp hơn. Mẹ không cho Liên làm bất cứ việc gì, cấm xem tivi vì sợ hại mắt, cấm nói chuyện nhiều sợ sau này nói nhịu, cấm viết lách vì sợ run tay... Một bảng danh sách những việc không được làm sau khi sinh được mẹ ghi chép tỉ mẩn cẩn thận dán ở cửa phòng con dâu, nàng cứ thế mà tuân theo. Kể cả khi con trai chị được hơn 2 tuổi, mẹ vẫn bắt Liên phải nhất nhất phục tùng, đến mức nhiều lần Liên phát ngượng với bạn bè, hàng xóm vì mẹ chồng coi cô như trẻ con, làm gì cũng phải theo ý mẹ.
Họ muốn có một khoảng thời gian riêng tư bên nhau cũng chẳng có... (Ảnh minh họa)
Tưởng được bố mẹ chồng quan tâm là sung sướng, nhưng Liên bị rơi vào trạng thái stress trầm trọng. Kể lể nỗi căng thẳng với chồng, Tùng vô tư cho rằng vợ nghĩ ngợi vớ vẩn, nhức đầu. Bao phen Liên khóc rấm rứt vì chồng không hiểu và bố mẹ chồng vẫn hồn nhiên can thiệp vào cuộc sống riêng của vợ chồng chị. Vợ chồng lục đục, giận dỗi nhau cũng từ lúc đó mà ra. Chị ước có một khoảng thời gian riêng, bé tí tẹo cũng được, nhưng chị được làm những việc mình thích, mình ao ước. Thế mà khó quá!
"Em sướng không biết đường sướng"
Không chỉ dừng lại ở mức độ vợ chồng khục khặc "đóng cửa bảo nhau" như vợ chồng Liên, Hường và Điền kéo nhau ra Tòa cũng vì lý do bố mẹ cưng chiều thái quá. Hôn nhân của cặp đôi này đang đứng bên bờ vực.
Hường vốn là người mạnh mẽ, cá tính. Trước sự quan tâm, chiều chuộng quá mức của bố mẹ chồng, chị thường xuyên cảm thấy ngột ngạt, mất tự do. Chị nhiều lần làm phật lòng bố mẹ vì cái tính thẳng băng của mình khi góp ý: "C húng con lớn rồi, bố mẹ không phải lo liệu cho chúng con tỉ mẩn như trẻ con lớp 1 nữa đâu". Bố mẹ chồng cho rằng, con dâu chưa hài lòng với cách "hậu đãi" của bố mẹ, họ lại càng tỏ ra quan tâm, chiều chuộng nhiều hơn nữa.
Hường không bao giờ phải làm bất cứ việc gì trong nhà, họa hoằn lắm sau một hồi năn nỉ mẹ chồng mới "cho" vào bếp nấu nướng cùng. Bà bảo, sợ mùi thức ăn ám lên người con dâu, không cho con rửa bát vì sợ đôi tay con dâu họa sỹ không mềm mại để cầm cọ vẽ. Thi thoảng muốn pha cốc nước cam cho chồng, mẹ chồng đã hớt hải "tranh" mất phần. Muốn tỏ ra chăm sóc, yêu thương chồng một chút Hường cũng không có cơ hội.
Quần áo của Hường hầu hết là vải mềm bằng lụa. Tính đơn giản, xuề xòa, Hường bỏ tất vào máy giặt cho nhanh. Mỗi lần vậy, mẹ chồng lại cuống quýt lôi chúng ra và giặt chúng bằng tay cho quần áo bền đẹp, làm nàng dâu bao phen ngượng tím mặt trước sự vồn vã của mẹ. Chưa hết, bà thường khuyên con phải làm cái nọ, không được làm cái kia... khiến Hường cảm thấy mệt mỏi, bị kiểm soát.
Tâm sự với chồng, nhờ chồng "có đôi lời" với mẹ, thì Điền mắng vợ: "Đ ược voi đòi tiên", "Sướng không biết đường hưởng thụ"... Rồi anh đưa ra một loạt dẫn chứng về các bà mẹ chồng khó tính khó nết làm khổ nàng dâu. Còn Hường có được mẹ chồng tuyệt với như thế mà còn bày đặt hoành họe, đòi hỏi. Từ đây, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng nảy sinh, thậm chí có lần Điền đã tát vào mặt vợ một cái rát đét vì Hường kiên quyết bảo vệ chủ kiến, tự do của mình. Cứ sống mãi trong thế giới ngột ngạt, bị kiềm tỏa thế này, Hường không thở nổi. Sau thời gian suy nghĩ, Hường quyết định gửi đơn ly hôn trong sự ngỡ ngàng của chồng và gia đình chồng. Đến khi đó, bố mẹ Điền vẫn không thể hình dung vì sao các con lại ra nông nỗi thế.
Trong mắt các bậc làm cha, làm mẹ, con cái lúc nào cũng bé bỏng, dại dột và không bao giờ lớn. Nhưng thực tế khi đã đến tuổi trưởng thành, lập gia đình rồi thì các ông bố bà mẹ nên để cho con được quyết định những việc riêng. Bố mẹ chỉ nên tham gia góp ý và giúp con các việc cần thiết. Hai chuyện kể trên để thấy một điều: cái gì "quá liều" cũng không hẳn đã ổn, kể cả yêu thương và sự quan tâm.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Suốt đời yêu anh Anh dấu yêu! Hãy cho phép em được gọi anh bằng những lời yêu thương này anh nhé? Chỉ một lần cuối cùng trong vô vàn nỗi nhớ về anh. Đã biết bao ngày buồn bã, trống vắng qua đi là bấy nhiêu ngày em khắc khoải mong nhớ anh trong vô vọng. Vì anh đã không thuộc về của riêng em nữa,...