‘Sóng thần’ Covid-19 càn quét bệnh viện Italy
Một bác sĩ vùng Lombardy mô tả Covid-19 như “sóng thần” càn quét bệnh viện của anh, khi hơn 100 trong 120 ca nhiễm nCoV bị biến chứng viêm phổi.
Một bệnh viện khác gần đó cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên, khi các y bác sĩ lần lượt nhiễm nCoV và trở thành bệnh nhân.
Các bác sĩ, nhà nghiên cứu virus và giới chức y tế trên tuyến đầu chống Covid-19 của Italy mô tả hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng quá tải, giống như nhiều quốc gia khác khi bị Covid-19 tấn công.
Để đối phó với đợt “sóng thần” này, Italy cho phép người theo học chuyên ngành y tá điều dưỡng tốt nghiệp sớm và kêu gọi nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Bệnh viện ở những vùng có Covid-19 tạm hoãn những ca phẫu thuật chưa cần thiết và chạy đua tìm cách bổ sung 50% giường chăm sóc đặc biệt.
“Đây là kịch bản tồi tệ nhất tôi từng thấy”, Angelo Pan, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện thành phố Cremona, miền bắc Italy, nói và nhấn mạnh về sự phổ biến của biến chứng viêm phổi trong các ca nhiễm nCoV. Ông cho biết 35 bệnh nhân ở bệnh viện này phải đặt nội khí quản hoặc thở máy.
Nữ nhân viên y tế bước ra từ lều dựng trước khoa cấp cứu bệnh viện Cremona, vùng Lombardy hôm 29/2. Ảnh: AP.
Italy đang mở rộng phạm vi đối tượng xét nghiệm nCoV, bao gồm cả người chưa xuất hiện triệu chứng nhiễm virus. Nước này hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ ba thế giới, với hơn 2.500 người nhiễm và 79 ca tử vong, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.
Giới chuyên gia cho biết hầu hết ca nhiễm nCoV ở Italy tương đối nhẹ, nhưng tại các ổ dịch ở miền bắc đất nước, nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn được ghi nhận, với chủ yếu là người già có tiền sử ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Người cao tuổi chính là đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi Covid-19 tấn công.
Video đang HOT
“Tình hình ở vùng tâm dịch khá tồi tệ. Chúng tôi có nhiều người già cần hỗ trợ y tế. Điều này đã gây ra gánh nặng cho các bệnh viện ở khu vực đó”, Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia Italy, cho hay.
Giống như bang Washington ở Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu virus tin rằng nCoV đã lây lan ở miền bắc Italy nhiều tuần trước khi được phát hiện vào cuối tháng 1. Bệnh nhân 38 tuổi, người đầu tiên dương tính với nCoV ở vùng Lombardy và hiện nằm ở khoa chăm sóc đặc biệt, chưa từng đi nước ngoài và ban đầu đã được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Khi Covid-19 bùng phát ở Italy, bệnh viện vùng Lombardy nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Vào thời điểm đó, hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế đã bị lây nhiễm virus và trở thành bệnh nhân.
“Bài học ở đây chính là bạn phải can thiệp thật nhanh một cách quyết liệt. Nếu không, hệ thống y tế sẽ phải hứng hậu quả nặng nề. Chúng ta không thể thỏa hiệp”, Rezza nói.
Bị chỉ trích vì phát hiện ca bệnh đầu tiên quá chậm, giới chức y tế Italy sau đó đã hành động quyết liệt khi phong tỏa 50.000 người ở 11 thị trấn miền bắc từ ngày 22/2 và xét nghiệm virus cho hàng nghìn người nhằm kiểm soát Covid-19.
Quan chức y tế Italy hy vọng các biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Rezza cho biết giới chức có thể phải gia hạn lệnh hạn chế đi lại và tụ tập đông người sau hai tuần đầu tiên, nhằm đánh giá tốt hơn về công việc họ đang làm, trong khi việc phong tỏa các thị trấn có thể kéo dài hơn.
Ông cho biết việc ngăn chặn hoàn toàn nCoV là điều không thể vào lúc này, nhưng quan trọng là làm chậm tốc độ lây lan của nó. “Điều tệ nhất là có quá nhiều ca nhiễm bệnh ở cùng một địa điểm”, ông nói.
Theo vnexpress.net
Cô giáo Hà Nội nhập viện sau khi trở về từ Ý âm tính với SARS-CoV-2
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả xét nghiệm cho thấy, cô giáo đi Ý về có biểu hiện ho, sốt, tức ngực phải nhập viện âm tính với SARS-CoV-2.
Dịch Covid-19 lan rộng tại các nước có nhiều giao lưu với Việt Nam khiến cả người dân và chính quyền quan ngại Ảnh TN
Cụ thể, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, kết quả xét nghiệm với cô giáo của Học viện Báo chí - Tuyên truyền vừa mới có xong. Rất may, cô giáo âm tính với SARS-CoV-2.
Trả lời câu hỏi "kết quả này đã đủ yên tâm chưa, liệu có phải xét nghiệm tiếp lần 2, lần 3?", ông Cảm cho biết: "Chỉ với những người đã dương tính, sau điều trị có kết quả âm tính mới phải xét nghiệm 3 lần. Còn trường hợp cô giáo này âm tính có nghĩa là âm tính".
"Do cô giáo đã âm tính với virus nên những người đi cùng đoàn cũng không phải lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo mọi người để ý đến sức khoẻ, theo dõi các biểu hiện và đến cơ sở y tế khám bệnh khi thấy dấu hiệu ho, sốt. Khuyến cáo này không chỉ dành cho thành viên của đoàn công tác đến Ý, mà dành cho tất cả mọi người", ông Cảm nhấn mạnh.
Trước đó, khi nghe báo cáo về trường hợp này tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội vừa kết thúc lúc 19 giờ hôm nay, 4.3, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND thành phố, đã yêu cầu cách ly tập trung với tất cả các công dân trở về từ Ý, Iran; sau đó mới phân loại xem có trở về từ vùng có dịch hay không để cách ly tại nhà.
Chiểu theo ý kiến này, toàn bộ đoàn công tác sẽ phải cách ly tập trung.
Tuy nhiên, theo ông Cảm, đoàn công tác đã trở về trước thời điểm Chính phủ có chỉ đạo cách ly tập trung với công dân về từ Ý, Iran, nên sẽ không phải cách ly tập trung. Dù vậy, một lần nữa ông Cảm khuyến cáo mọi người theo dõi sức khoẻ và chú ý thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều nay, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thông tin về 1 trường hợp sốt, ho, tức ngực phải nhập viện, có tiền sử đi từ Ý về.
Đó là một cô giáo 39 tuổi, cư trú tại một tòa chung cư, có tham gia hội thảo tại Ý cùng với đoàn của Bộ GD-ĐT từ 22 - 26.2. Sau khi trở về, cô giáo này có biểu hiện sốt, ho, tức ngực, đã được đưa vào Bệnh viện Đống Đa vào hôm nay, 4.3.
Theo cô giáo này, đoàn dự hội thảo cùng cô có 30 thành viên. Nghe báo cáo về tình huống này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, người chủ trì buổi giao ban, đã đề nghị: theo nguyên lý, cô giáo này sẽ phải cách ly 14 ngày, dù đã có kết quả dương tính hay không.
Theo Bộ GD-ĐT, Bộ này không phải là đơn vị tổ chức đoàn 30 người dự hội thảo ở Ý, mà chỉ cử người tham gia (2 người) với vai trò là một trong số các đơn vị tham gia.
Sau khi từ Ý trở về (ngày 26.2), 2 cán bộ của Bộ GD-ĐT tham gia chuyến đi đã tự cách ly ở nhà, chưa đến cơ quan làm việc.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, đoàn 30 người dự hội thảo ở Ý từ ngày 22 - 26.2 là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm do EU tài trợ.
Dự án có sự tham gia của 11 đơn vị, gồm: Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và 9 trường đại học, học viện. Đơn vị tổ chức hội thảo (một trường đại học ở Ý) gửi giấy mời cụ thể cho từng cá nhân tham gia. Căn cứ vào đó, từng đơn vị quản lý nhân sự liên quan ra quyết định cử người đi dự hội thảo. Vì thế, Bộ GD-ĐT chỉ ra quyết định cử 2 cán bộ của mình thực hiện chuyến đi sang Ý.
Được biết, theo kế hoạch thì hội thảo diễn ra từ 22 - 29.2. Vì thế, khi đoàn bắt đầu sang Ý thì ở nước này chưa có người nhiễm Covid-19.
Sau khi sang Ý được vài ngày, đoàn nhận thông tin có người Ý đầu tiên nhiễm Covid-19 ở cách nơi dự hội thảo khoảng 200 km. Vì thế, đoàn đã thay đổi lịch trình, về nước vào ngày 26.2, thay vì 29.2.
Quý Hiên
Theo thanhnien.vn
Dịch Covid-19: Một cô giáo Hà Nội đi Ý về có biểu hiện sốt, ho phải nhập viện Một nữ giáo viên 39 tuổi đi theo đoàn hội thảo do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức ở Ý trở về đã có biểu hiện sốt, ho, tức ngực phải nhập viện hôm nay, có nguy cơ cao về dịch virus corona (Covid-19). Tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch virus corona (Covid-19) TP.Hà Nội chiều...