Sông Thạch Hãn “oằn mình” trước nạn cát tặc
Những chiếc xà lan cứ ngang nhiên nổ máy, thả vòi rồng, ngày đêm hút cát, “băm nát” dòng sông một cách không thương tiếc, khiến nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Dòng sông Thạch Hãn vốn yên bình nay bỗng trở nên hung dữ.
Dòng sông bị “móc ruột” đêm ngày…
Có dịp đi qua sông Thạch Hãn, địa giới giữa huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, chắc hẳn mọi người không khỏi xót xa khi chứng kiến những con thuyền chở đầy cát ngày đêm lượn lờ trên sông. Càng đớn đau hơn bởi con sông này từng ghi nhận biết bao đau thương mất mát, bao cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc máu xương ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Cựu chiến binh Lê Bá Dương, người đã cùng đồng đội trải qua những ngày đêm chiến đấu khốc liệt trong chiến dịch 81 ngày đêm, mùa hè năm 1972. Sau này, ông quay trở lại Thành Cổ, đứng bên dòng Thạch Hãn đã cảm tác những dòng thơ đầy xúc động: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi nghàn năm”.
Thế nhưng, dòng sông vốn đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng quả cảm và khí phách anh hùng đó đang bị “tổn thương” trong thời bình, khi bom đạn đã tạm “ngủ yên”.
Sau quá trình “móc ruột” lòng sông, các thuyền chở đầy ắp cát quay trở về bãi tập kết
Những ngày có mặt trên đoạn sông này, chúng tôi ghi nhận việc khai thác cát diễn ra hết sức rầm rộ. Nghiêm trọng hơn, thực trạng này đã và đang gây ra bao hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân dọc ven sông, hủy hoại môi trường…
Bài 1: “Cát tặc” ngày đêm “băm nát” dòng sông
Nạn khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn không phải bây giờ mới diễn ra mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Mặc dù, các ngành chức năng địa phương đã tổ chức nhiều cuộc truy quét, xử lý, nhưng “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoành hành.
Video đang HOT
Chỉ vài giờ “thị sát” dọc sông Thạch Hãn, chúng tôi ghi nhận hàng chục phương tiện cùng rất nhiều loại máy móc đang hoạt động hết công suất. Tiếp đó, những xà lan chở đầy cát thi nhau trở về các điểm tập kết sau quá trình “móc ruột” lòng sông.
Theo quan sát, từ khu vực bến thả hoa Nam Thạch Hãn đến hết địa phận thôn Như Lệ, xã Hải Lệ; phía bắc sông Thạch Hãn từ phường An Đôn kéo dài đến xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong…có đến hàng chục điểm tập kết cát, sạn. Tại những điểm tập kết này luôn có rất nhiều phương tiện tàu thuyền, máy móc bơm cát dưới thuyền lên bãi, rồi xe tải vận chuyển cát đi các nơi.
Một điểm khai thác cát tại bãi bồi trên sông Thạch Hãn, thuộc xã Hải Lệ
Nhiều người dân sống dọc sông Thạch Hãn cho biết, ngày nào các phương tiện chở cát cũng hoạt động hết sức nhộn nhịp. Bất kể ngày đêm, các thuyền, xà lan thi nhau nổ máy hút cát dưới lòng sông. Chưa bao giờ, việc khai thác cát trên sông Thạch Hãn lại trở nên nhức nhối như hiện nay. Ngày qua ngày, dòng sông cứ thế bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc.
Một cụ ông sống tại thôn Như Lệ bức xúc: “Trước đây, họ đặt vòi hút ngay sau nhà tui khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa nứt nẻ, đường sá cũng bị trôi tuột xuống sông. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền mới ra quyết định không cho khai thác ở khu vực này nữa nên mới tạm yên. Tuy nhiên, ban ngày thì yên ắng như vậy, còn về đêm thì các phương tiện đặt vòi hút sát nhà dân, đe dọa cuộc sống của chúng tôi. Các cơ quan chức năng có tổ chức ngăn chặn, xử lý nhưng không ăn thua”.
Các thuyền hút cát một cách ngang nhiên, khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng
Được biết, hiện chỉ có 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát, sạn trên sông gồm: Công ty TNHH Thiên Phú và HTX Như Lệ. Tuy nhiên, theo như những gì người dân địa phương phản ánh thì ngoài những đơn vị trên còn có rất nhiều nhóm khác cũng tham gia hút cát trên sông Thạch Hãn. Những đối tượng này đặt vòi hút cát mọi nơi, đặc biệt là vào giữa đêm đến rạng sáng và tỏ ra hết sức “manh động” nếu gặp phải sự phản đối, ngăn cản từ người dân.
Đã có không ít trường hợp người dân lẫn lực lượng chức năng địa phương bị các đối tượng khai thác cát đe dọa, hành hung khi phản đối, ngăn cản họ khai thác cát. Về sau, vì e ngại, sợ các đối tượng trên trả thù nên dù bức xúc nhưng người dân cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, và mặc nhiên, các đối tượng “cát tặc” cũng thừa cơ khai thác. Sông Thạch Hãn cứ thế “oằn mình” chịu sự hoành hành của “cát tặc”.
Chính quyền bất lực?
Khi đặt vấn đề về việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông, chúng tôi đều nhận được tiếng thở dài từ các vị lãnh đạo chính quyền ở các địa phương. Mặc dù, ai cũng thừa nhận thực trạng “cát tặc” hoành hành trên sông, gây ra biết bao hệ lụy, nhưng đều tỏ ra bất lực trong khâu xử lý?
Mỗi ngày có đến vài chục chiếc thuyền, xà lan thi nhau lượn lờ trên sông, có thuyền chìa vòi hút ngay sát bờ
Một vị lãnh đạo UBND xã Triệu Thượng bức xúc: “Các tàu thường xuyên tới hút trộm cát; lực lượng ở xã thì mỏng, phương tiện không có thì giữ sao nổi. Có trường hợp, người dân đã xung đột với “cát tặc”.
Điển hình như năm 2011, khi phát hiện có thuyền khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Thượng Phước xã Triệu Thượng, lực lượng Công an xã Triệu Thượng đã đến hiện trường để xử lý vụ việc và sau đó đã xảy ra một vụ “xung đột” giữa cơ quan chức năng và “cát tặc”. Vụ việc đó đã khiến anh Phan Thanh Hoàng, Phó Trưởng Công an xã Triệu Thượng và anh Lê Văn Cẩm, thôn Thượng Phước bị thương phải đưa vào điều trị tại Bệnh viện.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, hầu hết các đối tượng khai thác cát trên sông đều là người ở các xã lân cận như: Triệu Thành và thị xã Quảng Trị. Do phần lớn không có nghề nghiệp ổn định nên họ đi khai thác cát “chui”. Khi lực lượng chức năng phát hiện, cùng lắm chỉ xử phạt hành chính kết hợp với việc tuyên truyền, thuyết phục để họ nhận ra cái sai mà thôi. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp khi lực lượng của xã và các đơn vị liên quan ở huyện tổ chức truy quét, gặp các đối tượng “tinh vi” hơn, họ đã biết trước để tẩu thoát, hoặc “án binh bất động”. Như vậy, nếu không bắt được quả tang thì cũng không có cách gì để xử lý được.
Dòng sông Thạch Hãn đang “oằn mình” trước nạn “cát tặc”
Theo như những gì đang diễn ra ngày ngày trên sông Thạch Hãn thì dường như các cấp, các ngành và chính quyền địa phương vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, xử lý quyết liệt. Cũng chính vì vậy, thực trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông vẫn đang là vấn đề nhức nhối, đáng báo động.
Đăng Đức
Theo dantri
"Đỡ đầu" cho "cát tặc", hai vợ chồng hầu tòa
Vì nguồn lợi béo bở, Thế cùng vợ tạo lập bãi tập kết vật liệu xây dựng và bao tiêu toàn bộ nguồn cát đen được khai thác trái phép. Tạo điều kiện cho "cát tặc" mặc sức hoành hành, cặp vợ chồng này còn không ngần ngại ứng tiền và che chắn đồng bọn.
Vợ chồng Đỗ Văn Thế (bên trái) cùng đồng bọn tại tòa
Chiều qua (24-11), TAND huyện Đan Phượng đã tiến hành phiên xét xử sơ thẩm đối với Đỗ Văn Thế (SN 1965, trú ở thôn 7, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội) về tội "Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản", quy định tại Điều 172-BLHS. Đồng phạm của chủ bãi vật liệu xây dựng này còn có Nguyễn Thị Vấn (SN 1972, vợ Thế, trú cùng địa chỉ) và Phí Văn Tuấn, Phí Văn Miết (cùng SN 1983) đều trú ở thôn Liếu Đê, xã Tân Liễu, Yên Dũng, Bắc Giang.
Quá trình xét xử cho thấy, đêm 28 rạng sáng 29-4 vừa qua, tổ công tác của CAH Đan Phượng phối hợp một số đơn vị của CATP Hà Nội bắt quả tang Đỗ Văn Thế, Phí Văn Tuấn cùng một số đối tượng có hành vi khai thác cát đen trái phép trên sông Hồng, thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Vào thời điểm bị bắt quả tang, Tuấn đang bơm chuyến cát thứ hai trong ngày vào bãi tập kết vật liệu của vợ chồng Thế. Ngay lập tức, toàn bộ tang vật cùng nhiều giấy tờ, sổ sách và tài sản liên quan bị tạm giữ.
Thế khai nhận, năm 2011, đối tượng cùng vợ là Nguyễn Thị Vấn dùng khoảng 8.000m2 mặt bằng tại bãi Ngũ Châu, xã Trung Châu để kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó chủ yếu là cát, sỏi. Do biết tiếng tăm ông chủ bãi vật liệu Ngũ Châu từ trước nên đầu năm 2013, Phí Văn Tuấn cùng Phí Văn Miết đến gặp và đặt vấn đề sẽ bán toàn bộ số cát khai thác trái phép được cho Thế. Tuy nhiên, Thế ra điều kiện vị trí khai thác cát phải thuộc địa bàn xã Trung Châu để đối tượng dễ bề lo liệu, một khi bị chính quyền "sờ gáy".
Kèm theo đó, Thế hứa sẽ bảo đảm vấn đề an ninh, tạm ứng tiền trước, cung cấp dầu mỡ và bao luôn cả điện nước sinh hoạt. Với thỏa thuận trên, từ đầu năm 2013 đến khi bị bắt, Phí Văn Tuấn đã khai thác được tổng cộng 57.760m3 cát đen bán cho vợ chồng Thế, thu lời bất chính hơn 960 triệu đồng. Tương tự, Phí Văn Miết đã khai thác được hơn 20.700m3 cát đen và đều bán cho vợ chồng Thế, thu lời bất chính gần 290 triệu đồng. Ngoài ra, từ tháng 6 đến tháng 12-2013, Trần Việt Tước (SN 1973, trú ở xã Hồng Hà, Đan Phượng) cũng đã bán cho vợ chồng Thế tổng số hơn 8.700m3 cát đen, tương đương 137 triệu đồng. Tổng cộng, cả 3 chủ tàu chuyên khai thác cát trái phép đã bán cho vợ chồng Thế hơn 87.000m3 cát đen và thu lời bất chính 1,7 tỷ đồng.
Tại tòa, Thế cùng đồng bọn thành khẩn khai nhận hành vi hủy hoại lòng sông Hồng và "đánh cắp" tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước như tài liệu truy tố. Mặc dù hành vi phạm tội của các bị cáo đã được TAND huyện Đan Phượng làm rõ, song trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ khá nhiều tang vật và tạm giữ nhiều tài sản liên quan. Do đó, để giải quyết thấu tình đạt lý đối với hàng loạt tài sản liên quan đến vụ án, HĐXX sơ thẩm quyết định nghị án kéo dài. Dự kiến, ngày 28-11 tới đây, hình phạt dành cho Đỗ Văn Thế cùng đồng bọn mới được đưa ra.
Theo_An ninh thủ đô
Gần 200 cảnh sát vây bắt cát tặc: Công an huyện bất ngờ Hàng trăm cán bộ chiến sỹ thuộc Bộ Công an đã vây bắt cát tặc bí mật giữa đêm, ngay cả công an huyện cũng bất ngờ. Như đã đưa tin, rạng sáng 8/11, khoảng 200 cán bộ chiến sỹ thuộc Bộ Công an đã bất ngờ vây bắt hàng chục tàu cùng nhiều đối tượng xã hội đen, côn đồ, hung hãn...