Sống tại Đông Nam Á, nhưng bạn có biết?
Thời tiết thất thường, quy định khắt khe trong tháng Ramadan hay thanh toán phải dùng tiền mặt, đó là những kinh nghiệm của du khách khi du lịch một số nước Đông Nam Á.
Marielle Descalsota có cơ hội đặt chân đến 9/11 quốc gia ở Đông Nam Á. Ảnh: Marielle Descalsota.
Trong hai năm qua, Marielle Descalsota (sinh sống tại Singapore) – phóng viên của tờ Business Insider – đã đặt chân đến 9/11 quốc gia tại Đông Nam Á. Cô ngắm mặt trời mọc ở Angkor Wat (Campuchia), chăm sóc những chú voi ở Chiang Mai (Thái Lan) và khám phá “thành phố trong lòng đất” Địa đạo Củ Chi tại TP.HCM (Việt Nam).
Trải nghiệm để lại cho Descalsota ấn tượng mạnh mẽ, song chuyến đi không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Phóng viên này chia sẻ một số trở ngại đối với du khách khi chọn du lịch tại các quốc gia Đông Nam Á.
Mùa mưa và mùa đốt rơm
Tháng 7/2023 tại Chakkrawat (Bangkok,Thái Lan), Descalsota ngày nào cũng gặp mưa lớn. Cơn mưa xối xả cùng với những con đường hẹp, ngoằn ngoèo khiến cho việc di chuyển rất rắc rối.
Không biết trước thời tiết, cô không mang theo ô hay áo mưa mà đành vội vã tìm kiếm các cửa hàng trên đường để mua một chiếc áo mưa vào phút chót.
Từ kinh nghiệm này, Descalsota cho rằng trước khi du lịch đến Đông Nam Á, du khách nên tránh hai mùa:
Thứ nhất là thời điểm gió mùa, thường đi kèm mưa ở hầu hết quốc gia Đông Nam Á và có bão mạnh ở các quốc gia như Philippines.
Thứ hai là mùa đốt rơm làm ruộng, nương. Ở một số nơi, những người nông dân sẽ đốt rơm ngay tại ruộng nhằm lấy tro làm phân bón cho đất, thường phổ biến ở các quốc gia như Lào, Thái Lan và đảo Borneo. Khói từ rơm, rạ có thể làm cản trở tầm nhìn, ô nhiễm không khí hoặc mùi khó chịu.
Video đang HOT
Mùa mưa và mùa đốt rơm là hai thời điểm du khách nên lưu ý khi đến khu vực Đông Nam á du lịch. Ảnh: JWINTHAI.
“Tôi đến Lào vào tháng 4/2023 trong mùa đốt rơm, hầu hết kế hoạch của tôi, bao gồm cả chuyến đi khinh khí cầu, đều bị hủy bỏ vì khói nghi ngút, dày đặc trên bầu trời. Tôi cũng không mang theo khẩu trang, nên đã bị đau họng”, cô chia sẻ.
Tháng Ramadan tại Brunei
Lớn lên ở Singapore, nữ du khách đã quen với các tập tục trong tháng Ramadan – tháng linh thiêng của người Hồi giáo, thời điểm mọi người nhịn ăn hầu hết thời gian trong ngày.
“Tuy nhiên, tại nhiều thành phố ở Singapore, Malaysia và Indonesia, những người không theo đạo Hồi vẫn được tự do dùng bữa ở nơi công cộng, miễn là họ ăn uống một cách tế nhị. Nhưng, Brunei có nhiều tập tục mà tôi chưa từng biết”, nữ du khách chia sẻ.
Việc ăn chay trong tháng Ramadan là rất quan trọng đối với các tín đồ Hồi giáo. Ảnh: Waterman Aspen.
Trong chuyến đi của Descalsota tới Brunei vào tháng 4/2023, giai đoạn giữa tháng Ramadan, hầu hết nhà hàng đều đóng cửa và ngay cả khi họ mở cửa, thực khách không được phép ăn ở đó, mà chỉ được phép mua mang đi. Ăn uống ở nơi công cộng tại Brunei vào thời điểm này là một hành vi sai trái, ngay cả đối với những người không theo đạo Hồi.
“Khi muốn uống một ít nước, mọi người phải tìm góc khuất, không có ai xung quanh. Điều đó không hề dễ dàng, đặc biệt vào những ngày Brunei có nhiệt độ gần 38 độ C”, cô cho hay.
Luôn mang theo trang phục lịch sự
Theo Descalsota, Đông Nam Á khá tự do về trang phục và du khách có thể mặc bất cứ thứ gì mình muốn ở nhiều nơi. Tại các điểm đến nổi tiếng như Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia), rất nhiều khách du lịch mặc áo bikini và quần đùi đi dạo trên đường phố, và người dân địa phương hầu hết thoải mái với điều đó.
Nhưng có một số nơi, mọi người cần ăn mặc kín đáo, chẳng hạn như nơi thờ cúng, bao gồm các đền chùa và nhà thờ Hồi giáo.
“Khi tôi đến thăm Angkor Wat – khu phức hợp đền thờ nổi tiếng ở Campuchia – vào tháng 2/2023. Tôi đã chứng kiến một số khách du lịch bị hướng dẫn viên du lịch địa phương khiển trách vì mặc quần đùi và áo ba lỗ”, cô kể lại.
Từ sự việc trên, cô đã học được cách thận trọng khi lựa chọn trang phục và mang theo váy sarong mọi lúc mọi nơi, để dễ dàng che phần chân kín đào.
Mang theo thuốc khi ăn đồ ăn đường phố
Một số nước ở Đông Nam Á sở hữu nền ẩm thực đường phố độc đáo bậc nhất trên thế giới. Ở các quốc gia của khu vực này, mọi người có thể dễ dàng tìm thấy đồ ăn vừa rẻ vừa ngon, điển hình như Malaysia và Việt Nam. Tại đây, các món ăn đường phố có thể chỉ tốn 1 USD.
Ẩm thực đường phố tại các quốc gia Đông Nam Á rất độc đáo. Ảnh: @huangryfoodie, @gyuhyun_elf.
Trong chuyến đi của mình, Descalsota chủ yếu ăn đồ ăn đường phố. Lúc này, thuốc điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày là thứ bắt buộc phải có, đặc biệt với những người bụng dạ kém.
“Tôi đã bị ốm hai lần do ăn đồ ăn đường phố và cả hai lần đều là cùng một món. Thật không may, đó là những lần tôi không mang theo thuốc”, cô chia sẻ.
Nữ du khách tự nhận bản thân là người “bạo ăn, tợn uống”. Cô đã ăn đủ thứ, từ cá nóc hầm đến cháo ếch và các món làm từ ruột được bán ở ngoài đường. Cô cũng đã học cách làm sạch các dụng cụ trước khi ăn, đảm bảo thức ăn được nấu theo yêu cầu và hâm nóng trước khi phục vụ.
Mang theo đủ tiền mặt
Ở Singapore, Descalsota thường thanh toán qua thẻ ngân hàng. Nhưng, cô nhận thấy nhiều cửa hàng tại một số nước khác ở Đông Nam Á chỉ chấp nhận tiền mặt.
“Ví dụ, trong chuyến đi lần thứ 3 đến Việt Nam, tôi đã dành một giờ để cố gắng thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng vì nhân viên tại một cửa hàng nước hoa sang trọng – nơi bán các mặt hàng có giá lên tới 200 USD – thông báo với tôi rằng họ không chấp nhận thanh toán qua thẻ”, cô kể lại.
Descalsota cũng nhận thấy phần lớn những người bán hàng rong trong khu vực chỉ chấp nhận thanh toán chuyển khoản hoặc tiền mặt. Do đó, cô đã học cách mang theo tiền mặt đáng kể và không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thẻ ngân hàng.
Thành phố nào an toàn nhất Đông Nam Á?
Theo trang mạng Numbeo, Chiang Mai, nằm ở phía Bắc Thái Lan, được xếp hạng là thành phố an toàn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 32 trong số 416 thành phố được đánh giá trên toàn thế giới. Chiang Mai giành được 75,5 điểm, xếp thứ nhất tại Đông Nam Á, tiếp theo là thành phố Davao của Philippines (72,4 điểm) và Singapore (70,8 điểm).
Chiang Mai, nằm ở phía Bắc Thái Lan, được xếp hạng là thành phố an toàn nhất Đông Nam Á. (Nguồn: Travel Blog)
Thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) được vinh danh là thành phố an toàn nhất thế giới với 88,8 điểm, tiếp theo là thủ đô Doha của Qatar (85,5 điểm) và thành phố Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (84,9 điểm).
Trong khi đó, Bangkok đứng thứ 170 trên toàn thế giới và thứ 7 Đông Nam Á với 59,5 điểm. Chiang Mai nằm cách Thủ đô Bangkok khoảng 800 km về phía Bắc.
Do nằm trên vùng địa hình đồi núi gần như cao nhất tại Thái Lan, nên khu vực này có khí hậu tương đối mát mẻ. Chiang Mai cũng được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng tại Thái Lan với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Phát ngôn viên chính phủ Anucha Burapachaisri cho hay, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cảm ơn tất cả các cơ quan liên quan vì đã đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Anucha lưu ý thêm rằng bảng xếp hạng này cũng phản ánh những nỗ lực của chính phủ trong việc đối phó với tội phạm, cải thiện cuộc sống của người dân và củng cố niềm tin của người nước ngoài.
Trang mạng Numbeo là cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới cung cấp các chỉ số về nhà ở, tỷ lệ tội phạm, chăm sóc sức khỏe, giao thông, chi phí sinh hoạt.
Đi du lịch Thái Lan mùa nào đẹp? Thái Lan là điểm đến du lịch phổ biến ở Đông Nam Á với nhiều địa điểm hấp dẫn, tuy nhiên để có một chuyến du lịch Thái Lan tuyệt vời, bạn cần chọn thời điểm phù hợp. Thời gian tốt nhất để đến Thái Lan là từ tháng 11 đến tháng 2 nếu bạn muốn tránh được cái nóng gay gắt của...