Sống sót giữa vòng vây quân thù
Ông gạt nước mắt, bặm môi để khỏi bật khóc vì tôi đã gợi lại ký ức đẫm máu của người lính tình nguyện năm xưa.
40 chiến sĩ trẻ Việt Nam trong đại đội của ông cùng dấn thân vào một trận đánh ở Campuchia, chỉ duy nhất một mình ông sống sót. Đến giờ, nhiều đêm ông vẫn nằm mơ nghe dồn dập tiếng đạn B40 xé tai của kẻ thù và tiếng đồng đội thét vang “chiến đấu đến cùng”…
Cuộc hành quân khẩn cấp
Đó là buổi sáng bi hùng ngày 29-11-1986. Đêm trước trận đánh đẫm máu này, trung đoàn 4, sư đoàn 5 của người lính Huỳnh Văn Châu đang ở mặt trận Battamboong được lệnh hành quân sang Siem Reap, hỗ trợ sư đoàn 302 đang bao vây quân Pol Pot.
Người lính tình nguyện Huỳnh Văn Châu bây giờ – Ảnh: Quốc Việt
Chiến sĩ Châu ở đại đội 13, tiểu đoàn 3 cơ động khẩn cấp đến tối 28 thì đến sông Loong Vien. 4g50 sáng 29, đại đội được lệnh bí mật qua sông. Toàn bộ quân số đại đội ông lúc này có 52 người, gồm cả sĩ quan tiểu đoàn phó xuống chỉ đạo hành binh trực tiếp.
“Mới tờ mờ sáng, chiến sĩ bọc hậu cuối cùng đã qua được bờ bên kia. Trung đội 8 với 12 lính được lệnh ém quân chốt giữ bờ sông để giữ không cho quân Khmer Đỏ cài mìn trên đường đi chuyển của đơn vị. 40 anh em còn lại của hai trung đội 7 và 9 tiếp tục hành quân áp sát trận địa.
40 anh em cùng lên tuyến đầu nhưng chỉ có một mình tôi còn sống sót. 39 người kia phải nằm lại. Lý do trận đánh kết thúc không chỉ vì quân Pol Pot đông hơn gấp nhiều lần, mà vì kẻ thù hầu như chỉ sử dụng súng chống tăng để tấn công Anh Huỳnh Văn Châu
Chúng tôi vượt qua rặng tre gần bờ sông, đi tiếp khoảng 500m thì tiến vào cánh đồng lúa bỏ hoang. Địa hình bằng phẳng, trống trải, tầm quan sát rõ ràng.
Nhìn thấy bóng lính Khmer Đỏ nhấp nhô ở phía trước, đơn vị được lệnh dừng lại, dàn quân dọc theo một bờ ruộng đất ngắn, lúp xúp cao chưa tới đầu gối. Chúng tôi dàn quân hình cánh cung theo thế chặn đường rút lui của kẻ thù” – ông Châu nhớ lại.
Ngoài súng AK cá nhân, đơn vị chỉ có hỏa lực là một khẩu cối 62 li và một khẩu đại liên. Ông Châu lúc ấy là xạ thủ đại liên do có sức khỏe tốt và đã trải thực chiến qua bốn trận đánh lớn dù mới sang chiến trường Campuchia từ giữa tháng 6-1986.
Ngược lại, phía Pol Pot trận này áp đảo hẳn về hỏa lực B40, B41 và B10 cỡ nòng 82 li do Trung Quốc viện trợ có sức hủy diệt tương tự hỏa lực DKZ của quân đội Việt Nam.
Ông Châu kể không hiểu Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Pol Pot nhiều đến mức nào mà có những trận đánh, kẻ thù sử dụng hỏa lực hạng nặng này còn nhiều hơn cả súng bộ binh AK và gây thương vong nặng nề cho quân ta.
Trên trận địa, Khmer Đỏ đã bị quân tình nguyện Việt Nam bao vây các hướng dù lực lượng của chúng tương đương cấp sư đoàn. Sở dĩ đại đội 13 chỉ có 40 người án ngự chỗ này vì đây là khu vực trống trải. Mọi người không nghĩ kẻ thù dám mở đường máu ở hướng bằng phẳng này.
“Mặt trời vừa mới ửng lên, chúng tôi thấy vài bóng lính Pol Pot nhưng sau đó cứ đông dần, đông dần, phải đến hàng trăm quân, nhiều hơn cả chục lần chúng tôi. Chúng đủ lực lượng chia qua hai phía rồi bọc hậu phía sau, thành thế bao vây lại” – Châu kể đồng đội anh đều bất ngờ vì cuộc hành quân bao vây lại rơi vào thế bị bao vây do quân số quá chênh lệch.
Video đang HOT
Pol Pot quyết tâm mở đường máu hướng này, do biết quân tình nguyện Việt Nam quá ít ỏi.
Tượng đài quân tình nguyện VN tại TP Kampot, Campuchia – Ảnh: Tiến Trình
39 người nằm lại
Chỉ vài phút sau, kẻ thù đã tràn ngập. Châu siết cò khẩu đại liên K57 nhưng viên đạn đầu lại không nổ khiến khẩu đại liên bị kẹt. Xạ thủ dự bị tên Huy nhào lên, phụ tháo viên đạn lép bị kẹt của khẩu đại liên thì lập tức tiếng B40, B41, B10 từ phía kẻ thù bên kia rền lên.
Bờ ruộng nhỏ xíu giữa đồng nhanh chóng bị hỏa lực này phá nát. Xạ thủ Huy vừa bị trúng đạn AK vào ngực vừa bị mảnh đạn B40 ghim khắp người, anh vẫn ôm khẩu súng. Châu cũng bị nhiều mảnh đạn, máu chảy đỏ người nhưng anh vẫn cố gắng di chuyển.
Anh cố gắng kéo khẩu đại liên ra chỗ khác để bắn tiếp. Bởi vị trí cũ đã bị Khmer Đỏ phát hiện, nếu anh cứ nằm tại chỗ mà bắn chắc chắn bị hỏa lực kẻ thù hủy diệt.
Chỉ sau ít phút, trận địa 40 người của đại đội 13 đã bị các loại đạn chống tăng, phá lô cốt của kẻ thù cày tung. Nhiều chiến sĩ hi sinh ngay tại chỗ, một số chiến sĩ bị thương cố bắn trả rồi kiệt sức dần.
Ở vị trí chỉ huy, chiến sĩ thông tin Đỗ Hồng Hà đeo máy PRC 25 cùng tiểu đoàn phó Phan Duy Thành, đại đội trưởng Đức Thụ cố gắng gọi sang tiểu đoàn 1 xin chi viện nhưng họ chưa dứt lời thì bị trúng đạn B40. Tất cả đều hi sinh.
Đơn vị bạn gần đó cũng không thể chi viện pháo binh được vì chưa biết chính xác tọa độ, sợ bắn lẫn vào chính quân mình…
Nhớ lại trận đánh này, ông Châu xúc động: “40 anh em cùng lên tuyến đầu nhưng chỉ có một mình tôi còn sống sót. 39 người kia phải nằm lại. Lý do trận đánh kết thúc không chỉ vì quân Pol Pot đông hơn gấp nhiều lần, mà vì kẻ thù hầu như chỉ sử dụng súng chống tăng để tấn công. Hàng chục quả đạn chống tăng bắn thẳng vào trận địa chỉ có 40 người”.
Trong lúc bị thương nặng gục xuống, ông Châu thấy kẻ thù tiến đến dùng AK bắn thẳng vào đầu từng người lính Việt dù còn bị thương hay đã chết. Đến giờ ông Châu vẫn không hiểu điều kỳ diệu nào khiến kẻ thù lại “bỏ sót” mình dù ông vẫn đang nằm ở trận địa…
Khi trời sụp tối, ông Châu tỉnh lại tìm về trung đoàn của mình. Ngày hôm sau dù thương tích vẫn còn đỏ máu, ông vẫn tình nguyện dẫn anh em đi tìm đồng đội. 39 thi hài lính Việt Nam bị quân Pol Pot chất thành đống, gài mìn bên dưới, nhưng đoàn đi tìm đã có kinh nghiệm với kiểu bẫy xác man rợ này. Không ai có thể cầm được nước mắt.
Trận địa như một cánh đồng vừa bị cày xới sau mưa đạn súng chống tăng. Máu chiến sĩ đỏ ngập khắp nơi. Không một liệt sĩ nào được nhận dạng gương mặt bởi các phát đạn bắn bồi thêm quá gần của kẻ thù.
Sau trận đánh ấy, chỉ huy sư đoàn 5 xuống tận bệnh xá động viên và thăm hỏi thương binh Huỳnh Văn Châu, người lính duy nhất sống sót của đại đội 13: “Anh cứ nói thật lòng muốn về đâu, ra khỏi vị trí tác chiến hay giải ngũ? Anh xứng đáng được hưởng điều đó”.
Thế nhưng anh Châu đã cương quyết xin ở lại chiến đấu. Ông trả lời rằng chẳng lẽ khi đồng đội ông hi sinh như thế, ông lại bỏ về?
Sau ngày đẫm máu đó và khi vết thương được chữa lành, ông Châu được đề bạt làm khẩu đội trưởng cối 62, tái lập lại chính đơn vị chiến đấu cũ. Mỗi lần ra trận, ông phải quấn băng trên đầu vì tiếng đạn pháo quá lớn làm tái phát vết thương cũ.
Ông đã chiến đấu cho đến ngày quân đội Việt Nam rút hết quân về nước. Giờ đây khi nhắc lại cuộc chiến không thể nào quên này, ông Châu nói rằng: “Đến giờ, nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ nghe tiếng đồng đội gọi mình và nhìn thấy hình ảnh chết chóc của họ”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Vị tướng hi sinh trên chiến trường Campuchia
Thiếu tướng Kim Tuấn (tên thật là Nguyễn Công Tiến, sinh năm 1927, quê xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội), tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) là vị tướng duy nhất đã hi sinh trên chiến trường Campuchia.
Thiếu tướng Kim Tuấn (trái) đang báo cáo tình hình mặt trận tại Campuchia (1-1979) cho phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn - Ảnh tư liệu, Đức Bình chụp lại
Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà, tiến sĩ tâm lý học, chính ủy Viện Y học cổ truyền quân đội, con gái tướng Kim Tuấn, dù rất bận rộn nhưng cũng sắp xếp gặp chúng tôi vào một buổi tối muộn tại nhà riêng, trong ngõ nhỏ phường Phương Mai (Hà Nội).
"Đất nước thống nhất (năm 1975), nhưng gia đình tôi vẫn chưa được sum vầy, bố tôi vẫn phải ở lại Sài Gòn. Rồi đến năm 1978, cấp trên lại giao nhiệm vụ mới và ông lại ra chiến trường tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot"
Thiếu tướng NGUYỄN THỊ THANH HÀ
Thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà, con gái tướng Kim Tuấn, đang kể câu chuyện về cha mình - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Vị tướng anh hùng
Ôm cuốn sách Chân dung vị tướng anh hùng, liệt sĩ Kim Tuấn trong lòng, thiếu tướng Hà nói: "Đời binh nghiệp, vì việc nước, việc quân, bố tôi đi biền biệt. Chị em tôi cứ thui thủi lớn lên ở vùng sơ tán, số lần chúng tôi được gặp bố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những gì chúng tôi biết về bố là qua lời kể của mẹ, các đồng đội của bố và được tập hợp hết trong cuốn sách này...". Tướng Hà nói rồi tặng chúng tôi cuốn sách (NXB Quân Đội Nhân Dân ấn hành tháng 7-2012).
Theo bà Hà, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên phó tư lệnh (rồi quyền tư lệnh) Quân đoàn 3, tư lệnh Quân đoàn 4, thường nhắc về thủ trưởng, người tiền nhiệm của mình với tình cảm nể phục, kính trọng. Tướng Thước còn nhớ mãi một trận đánh đầu năm 1979 nhằm đập tan tuyến phòng ngự của hai sư đoàn Pol Pot tại Công Pông Chàm do tên bộ trưởng Son Xen trực tiếp chỉ huy.
Nhiệm vụ là sư đoàn 320 (do Khuất Duy Tiến chỉ huy) phải đánh tan tuyến phòng ngự này để mở đường cho các đơn vị của ta vượt sông Mekong, tiến vào giải phóng Phnom Penh. Trước trận đánh, tướng Kim Tuấn cùng phó tư lệnh Nguyễn Quốc Thước đã trao đổi rất kỹ, đưa ra các tình huống khác nhau.
Thậm chí, tướng Tuấn đã suy nghĩ nhiệm vụ của sư đoàn 320 khá nặng nề, nên đã giao ông Thước (là phó tư lệnh) tăng cường để hỗ trợ chỉ huy trận đánh. Khi vào trận chiến, đúng như những gì tướng Tuấn đã dự liệu, khi quân ta bí mật vượt sông định đánh chiếm đầu cầu phía bên kia thì bị địch phát hiện.
Do đã bàn và thống nhất trước, quân ta đã chuyển sang tiến công, tấn công bằng sức mạnh và chỉ sau 20 phút, hệ thống phòng tuyến của địch tê liệt, sức đề kháng của hai sư đoàn Khmer Đỏ bị quân ta đánh tan tác...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể vào đầu tháng 3-1979, Bộ Quốc phòng quyết định Quân đoàn 3 mở một đợt truy quét vào sào huyệt cuối cùng của Pol Pot tại khu vực biên giới Battambang (giáp với Thái Lan). Trước trận đánh, tướng Kim Tuấn giao tướng Thước trở lại Siem Reap để thu quân, bàn giao sư đoàn 31 cho Bộ Quốc phòng để làm nhiệm vụ khác, còn ông sẽ trực tiếp ở lại Battambang để chỉ đạo, tham gia chiến dịch truy quét tàn quân Pol Pot.
Dù tướng Thước cùng nhiều chỉ huy các đơn vị cho rằng tư lệnh Kim Tuấn phải về Siem Reap, nhưng tướng Tuấn nhất quyết không nghe. Ông lệnh cho một số cá nhân, bộ phận liên quan chuẩn bị để sáng 16-3 lên thị sát mặt trận, kiểm tra công tác chiến đấu của sư đoàn 10, sư đoàn 31...
Sáng 16-3-1979, tướng Kim Tuấn ngồi trong một chiếc commăngca đi kiểm tra mặt trận. Khi đến Phum Tốc (cách Battambang 40km), một phát súng B40 từ trên núi bắn xuống, trúng xe của ông. Tư lệnh Kim Tuấn bị thương nặng, trực thăng cấp cứu đã chở ngay ông về sân bay Pochentong, sau đó bay tiếp về sân bay Tân Sơn Nhất.
"Do điều kiện cấp cứu ở chiến trường Campuchia không tốt nên bố tôi được máy bay đưa về TP.HCM để cấp cứu. Đích thân ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ đã trực tiếp ra sân bay Tân Sơn Nhất cùng hai êkip cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, bố tôi đã mất ngay trên máy bay. Trước lúc mất, ông nhận hết trách nhiệm về mình, dặn dò đồng đội và gửi lời xin lỗi vợ con" - thiếu tướng Nguyễn Thị Thanh Hà xúc động kể lại.
Cuộc chiến và cuộc đời
Bà Hà tâm sự khi cuộc chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt (đầu những năm 1960), bà mới 6 tuổi cùng cậu em trai Nguyễn Công Hiệu, 4 tuổi, phải cùng ông bà nội sơ tán về mãi Phú Thái, Hải Dương. Mẹ bà thì làm bác sĩ ở Hà Nội, bố bà đi suốt đến giải phóng cũng không về, rồi vì nhiệm vụ lại quay ngay sang Campuchia luôn. Dù vậy, hai chị em bà vẫn không trách móc hay cảm thấy thiệt thòi gì về sự vắng mặt thường xuyên của bố.
"Giờ chúng tôi cũng đã 60 tuổi rồi, làm cha làm mẹ, lên ông lên bà rồi nên hiểu rất rõ tình cảm của bố tôi với vợ con sâu nặng như thế nào. Chúng tôi tự hào về bố của mình. Với chúng tôi, ông là tấm gương để noi theo. Khi bố hi sinh cũng là lúc tôi tốt nghiệp đại học, và tôi đã tiếp bước ông xin vào quân ngũ (Học viện Quân y)" - bà Hà nói.
Trong cuộc chiến, như lời kể của bà Hà thì tướng Kim Tuấn tham gia quân đội từ rất sớm, ông là học sinh Trường võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong 33 năm chiến đấu liên tục trên các chiến trường liên khu 3, Trị Thiên, Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định ông đã lập nhiều chiến công vang dội.
"Đất nước thống nhất (năm 1975), nhưng gia đình tôi vẫn chưa được sum vầy, bố tôi vẫn phải ở lại Sài Gòn. Rồi đến năm 1978, cấp trên lại giao nhiệm vụ mới và ông lại ra chiến trường tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot".
Theo lời kể của các đồng đội ông Tuấn thì mùa xuân năm 1979, cả Quân đoàn 3 bước vào cuộc tổng tiến công thần tốc, vượt chặng đường 600km xung quanh Biển Hồ, giải phóng sáu tỉnh phía bắc và tây bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia. Đồng thời, quân đoàn của tướng Kim Tuấn cũng đã đồng loạt tiến công truy quét, đập tan cơ quan trung ương và lực lượng tàn quân địch ở vùng rừng núi tây nam Campuchia.
Trong 20 tháng chiến đấu, Quân đoàn 3 đã tiêu diệt làm tan rã toàn bộ quân địch trên mặt trận đường 7 quân khu Đông, quân khu Tây Bắc, quân khu Bắc, loại khỏi vòng chiến đấu trên 48.000 tên địch, thu trên 53.000 súng các loại, gần 11.000 tấn đạn, hàng trăm ôtô, xe tăng, máy bay và nhiều tài liệu, tài sản quý rồi bàn giao đầy đủ cho chính quyền mới của Campuchia, góp phần giải phóng 1,7 triệu dân thoát khỏi cơn ác mộng diệt chủng Khmer Đỏ.
Khi nhiệm vụ tại Campuchia kết thúc, đại tướng Văn Tiến Dũng đã đánh giá về Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) dưới quyền lãnh đạo của thiếu tướng Kim Tuấn như sau: "Binh đoàn Tây Nguyên đi đến đâu được bạn tin dân mến, kẻ thù khiếp sợ và ta thì trưởng thành", và "hoàn thành một nhiệm vụ không đơn giản nhưng rất vẻ vang".
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của quân đoàn và một số cá nhân, ngày 20-12-1979, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Quân đoàn 3 và các đơn vị: sư đoàn 10, sư đoàn 320, sư đoàn 31, lữ đoàn xe tăng 273, lữ đoàn công binh 7, trung đoàn bộ binh 66, 48, 866 cùng 7 tiểu đoàn, đại đội và thiếu tướng, liệt sĩ Kim Tuấn, tư lệnh quân đoàn và chuẩn úy Nguyễn Đình Tâm (lữ đoàn xe tăng 273).
(Theo Tuổi Trẻ)
Con trai tóc bạc nghẹn ngào đón cha trở về từ chiến trường Lào Khi người cha hi sinh, ông Nguyễn Công Kình mới 5 tuổi. Ròng rã hơn 60 năm cả gia đình canh cánh tâm niệm tìm thấy và đưa liệt sỹ Nguyễn Công Côn trở về quê hương. Ngày về, con trai tóc đã ngả màu bật khóc đón cha được bao bọc dưới tấm quốc kỳ. An táng 65 hài cốt quân tình...