Sống phản khoa học, hại mình, hại người
Tẩy chay vắc xin, cuồng sữa mẹ, sinh con tự nhiên tại nhà không cần nhân viên y tế, ăn uống thực dưỡng trị bá bệnh… Sau vài năm du nhập vào nước ta, các trào lưu phản khoa học này đang gây nhiều hệ luỵ cho xã hội và cộng đồng.
Hậu quả nhãn tiền
Trong đợt dịch cúm năm nay tại Mỹ, người ta ghi nhận hàng ngàn người mắc bệnh phải nhập viện điều trị. Bệnh cũng cướp đi sinh mạng nhiều người, trong đó chỉ tính trẻ em là gần 100 ca. Phần lớn các trẻ này không được chích ngừa vì cha mẹ chúng sống theo trường phái… nuôi con thuận tự nhiên.
Nuôi con thuận tự nhiên, theo những người này, là không can thiệp bất kỳ phương pháp khoa học nào cho trẻ: sinh trẻ tại nhà, không chích vắc xin, không dùng kháng sinh, dùng sữa mẹ trị mọi loại bệnh, kể cả ung thư!
Dịch cúm mới nhất xảy ra ở Mỹ, nhưng chắc nhiều người không quên trận dịch sởi kinh hoàng ở nước ta vào năm 2014, gây bệnh cho hơn 7.000 người và hơn 100 trẻ tử vong. Đa phần các trẻ này không được chích ngừa hoặc chích không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cha mẹ chúng thuộc phái anti-vaccine (chống vắc xin).
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, nhưng thần thánh hóa nó như thuốc chữa bách bệnh thì thật sự nguy hiểm. Ảnh: TLTA.
Sinh trẻ tại nhà ở nước ta là bắt chước một trào lưu xuất hiện trong chục năm gần đây tại vài nước phương Tây. Y học phản bác mạnh mẽ, vì cho rằng nó gây nhiều nguy cơ cho mẹ lẫn con. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 130 triệu ca sinh trên thế giới, trong đó có hơn 300.000 ca tử vong mẹ, 2,6 triệu ca thai chết lưu và 2,7 triệu em bé tử vong trong 28 ngày đầu đời. Nhiều lý do dẫn đến các bi kịch này, có lý do sinh nở không an toàn tại nhà.
Tuần qua có thông tin tại TP.HCM xảy ra ca tử vong mẹ, con sau khi sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà. Cơ quan chức năng xác minh đây chỉ là tin đồn, nhưng theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ, trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ của mẹ và bé, đe doạ các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé.
Video đang HOT
Trong năm 2017, riêng tại bệnh viện Từ Dũ có 68.921 ca sinh con, trong đó có 3.390 ca tiền sản giật (sản phụ bị tăng huyết áp, nguy cơ sản giật), 1.617 ca băng huyết sau sinh, 2.086 ca thai suy trong khi chuyển dạ, 1.291 ca bé sinh đủ tháng bị vàng da cần đến can thiệp y tế. Chưa kể nhiều ca sản phụ không thể sinh ngả âm đạo do ngôi thai không thuận lợi. Nhờ sinh tại bệnh viện mà những ca này được can thiệp kịp thời, bảo đảm sức khoẻ cho mẹ và bé. Vậy liệu nếu sinh nở tự nhiên tại nhà không có nhân viên y tế giúp đỡ, những ca sinh khó này sẽ như thế nào?
Vì sao trào lưu phản khoa học tồn tại?
Vài ngày sau khi fanpage của một hội cổ suý sống thuận tự nhiên bị sập, một fanpage mới lại mọc lên tiếp tục hoạt động. Một thành viên chủ lực của nhóm này trấn an: “Kiến thức ở nhóm cũ đã bị sập sẽ được cập nhật lại, các bạn chuẩn bị tinh thần tải về nghiên cứu”.
Khó thống kê hết có bao nhiêu fanpage và trang mạng đang ngày đêm gieo rắc những kiến thức ăn uống, tập luyện, chữa bệnh phản khoa học. Hàng ngàn người đang mụ mị vì những thông tin không kiểm chứng, thiếu xác thực, thậm chí nguy hại này.
Vì sao một người không phải là bác sĩ, chỉ học 120 giờ online về tư vấn sữa mẹ nhưng không được cấp bằng chứng nhận, tự xưng là “chuyên gia sữa mẹ” lại có thể thu hút hàng ngàn người đi theo mình suốt những năm qua bằng các kiến thức phi lý như “nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ để trị loét giác mạc”, “sữa mẹ trị được ung thư”, “sữa mẹ giúp trẻ mọc lại ngón tay bị mất”… ?
Trong buổi giao lưu với độc giả nhân ra mắt cuốn Để yên cho bác sĩ “HIỀN” của mình cuối tuần qua tại TP.HCM, BS Ngô Đức Hùng, đại học Y Hà Nội, cho biết mạng xã hội có hai mặt, mặt tích cực giúp thông tin được lan toả nhanh chóng, nhưng mặt tiêu cực lại tạo ra một số cá nhân ảo tưởng về mình. Khi đạt vị trí nhất định ở một khía cạnh nào đó, họ ngộ nhận về mình, cho rằng những gì mình thu thập được là chân lý.
BS Hùng nói: “Họ đáng thương hơn đáng trách, vì không nhận ra mình đang đi sai đường. Lan toả cảm hứng nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ là điều rất tốt, nhưng cần phải hiểu rằng sữa mẹ chỉ là nguồn dinh dưỡng chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Nếu chúng ta “thần thánh hoá” sữa mẹ, không có đầu óc suy xét đúng sai thì dễ lãnh những hậu quả nguy hiểm”.
Có ý kiến cho rằng chính giới truyền thông đã tiếp sức cho “giáo chủ” đứng đầu các trang mạng phản khoa học, bằng cách gán cho họ những danh xưng như “chuyên gia sữa mẹ”, “thạc sĩ sữa mẹ”. Nhưng theo BS Hùng, thực sự một phần lỗi ở đây chính là sự “thờ ơ” của nhân viên y tế. Anh phân tích: “Nhân viên y tế đã “đóng cửa” quá lâu và quá nhiều với báo chí. Khi không có được thông tin chính thống, người viết báo phải “suy đoán” hoặc tìm kiếm những thông tin không chính thống”.
Năm năm qua, âm thầm tư vấn về sữa mẹ cho nhiều phụ nữ, BS Lê Ngọc Anh Thy, công tác tại bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, người Việt Nam duy nhất hiện nay được công nhận là “chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế” (IBCLC = International Board Certified Lactation Consultant), thừa nhận mình rất ngại tiếp xúc với báo chí. Tuy nhiên, chị cho biết, sắp tới sẽ thay đổi bằng cách viết sách, viết báo, sao cho những thông tin hữu ích, chính xác được lan toả với nhiều người.
Theo Tâm An (Thế giới tiếp thị)
Chức danh giáo sư, phó giáo sư đang bị nâng tầm quá mức
Nhiều chuyên gia cho rằng, một bộ phận cố trở thành giáo sư, phó giáo sư bởi háo danh, để được nhận đặc quyền.
Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015. Nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Viết Khuyến phải thốt lên "quá bất thường". Lý do là nền khoa học, giáo dục không thể phát triển đột biến trong một năm. Việc nhiều người đổ xô đi làm giáo sư, phó giáo sư thể hiện sự háo danh, bệnh thành tích của một bộ phận tri thức.
Một cán bộ trường đại học ở Hà Nội cũng cho rằng bản chất giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp, gắn với hoạt động giảng dạy ở đại học. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, chức danh này được nâng tầm, trở thành minh chứng cho đẳng cấp trình độ của người đạt được. Trong khi trình độ phải được tính bằng cử nhân, tiến sĩ. Mỗi mùa công nhận giáo sư, phó giáo sư nhà nước lại tổ chức vinh danh rầm rộ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm hội nghị quốc gia...
"Từ việc đơn thuần là chức danh nghề nghiệp, giáo sư, phó giáo sư trở thành cái gì đó rất ghê gớm, thể hiện sự hơn người", vị này nói. Ông cho rằng từ năm 2015, các giáo sư, phó giáo sư nhận được các quyền lợi như lương cao, được hướng dẫn nghiên cứu sinh... cũng là lý do để nhiều người dù trình độ chưa đạt vẫn tìm mọi cách có được danh hiệu này.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên "thần tượng hóa" chức danh giáo sư, phó giáo sư bởi bản chất là chức danh nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Nhà nước chỉ nên quy định tiêu chuẩn chức danh tối thiểu
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nên trả giáo sư, phó giáo sư về đúng bản chất chức danh nghề nghiệp và giao cho trường đại học thực hiện việc công nhận, bổ nhiệm. Nhà nước chỉ nên định hướng, đưa ra các tiêu chí để trường tự phong.
"Các đại học sẽ nắm rõ và đánh giá chính xác nhất chuyên môn, đóng góp của ứng viên ở cơ sở mình. Chế độ đãi ngộ của giáo sư, phó giáo sư cũng do trường tự đặt ra, trên cơ sở khuyến khích người tài vào làm việc. Việc công nhận, bổ nhiệm chức danh này chỉ có giá trị 5 năm, chứ không phải vĩnh viễn như quy định hiện nay", nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học Lê Viết Khuyến góp ý.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Đại học FPT) đồng quan điểm trả việc phong giáo sư, phó giáo sư về trường đại học, bởi đây là chức danh nghề nghiệp gắn với một trường đại học cụ thể. "Các đại học đã được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì cấp thêm chứng nhận giáo sư, phó giáo sư cũng là chuyện bình thường. Với một giảng viên giỏi, trường này không phong giáo sư thì trường khác phong, tránh việc nộp hồ sơ 5-7 lần mà bỏ phiếu vẫn trượt", ông Tùng nói.
Chức danh giáo sư, phó giáo sư gắn với tên của trường đại học đồng nghĩa với việc trường này phải chịu trách nhiệm về chất lượng công nhận của mình (có dựa trên bộ tiêu chí tối thiểu của nhà nước quy định). Do đó, theo TS Tùng sẽ khó có chuyện trường đại học ồ ạt phong giáo sư, phó giáo sư.
Các chuyên gia đồng loạt phản đối việc phong danh hiệu này cho những người không làm công tác giảng dạy và không thuộc biên chế của trường đại học, viện nghiên cứu có hoạt động đào tạo. Ý nghĩa của từ "giáo" trong giáo sư, phó giáo sư khi đó sẽ không còn.
"Thay máu" hội đồng chức danh giáo sư
Một cán bộ trường đại học cho rằng, không công bằng khi dùng người không có (hoặc kém) trình độ tiếng Anh, không có công bố quốc tế để đánh giá người giỏi ngoại ngữ, có công bố quốc tế. Do đó phải "thay máu" Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, hội đồng ngành hiện nay, đưa vào những người trẻ tài năng, xứng đáng hơn.
Giảng viên một trường đại học lớn khác cho biết, không hề có ý định ứng tuyển chức danh giáo sư, phó giáo sư dù đủ điều kiện, vì không phục hội đồng xét duyệt. Việc làm hồ sơ quá phức tạp, mất thời gian và nhiều tiền bạc nên dù biết trở thành phó giáo sư sẽ được tăng lương, tiến sĩ này chọn "an phận" với mức lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng (đã có trợ cấp) và dạy thêm bên ngoài.
"Giáo sư hay phó giáo sư tiêu chí quan trọng nhất phải là làm được việc, truyền cảm hứng và kiến thức tốt cho sinh viên. Họ đồng thời phải đều đặn nghiên cứu khoa học và nghiên cứu đó có tính thực tiễn. Ở trường tôi có phó giáo sư bị sinh viên rất chê bởi kiến thức thực tế quá kém", giảng viên này chia sẻ.
Trước đó Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung lý giải có hai lý do khiến số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 tăng mạnh. Đó là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và các ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.
Tuy nhiên, ông Nhung nhấn mạnh, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên.
Theo Minh Anh (VnExpress)
5 người Việt vào top 1% các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới Theo công bố của Thomson Reuters, năm nay có năm người Việt lọt vào tốp các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó GS.TS Nguyễn Sơn Bình và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng lần thứ ba liên tiếp có mặt. Như mọi năm, qua trang web hcr.stateofinnovation.thomsonreuters.com, Thomson Reuters đã công bố danh sách 3.266 nhà khoa học thuộc 21...