Sống ở Hà Nội, tôi chán lắm rồi!
Sống ở đây như sống vào thời chiến, đó là cuộc chiến của giao thông, của tiền bạc, của giá cả và của cả tình cảm con người…
Không cần phải làm đơn đăng kí với nhà tổ chức cũng như chẳng cần bật tivi lên mới thấy, bản thân mỗi người phụ nữ có gia đình ở cái đất Hà Nội này cũng đều đang là một thí sinh miệt mài thi đấu trong một Cuộc đua kì thú thực tế. Không tin ư? Để tôi chứng minh cho bạn thấy.
“Cuộc đua kì thú” là một chương trình thực tế mà trong đó các đội đua sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau để chinh phục các chặng đường với một lượng tiền hạn chế, phải tự mình hoàn thành tất cả thử thách, phải tự thân vận động xin sự trợ giúp. Các bà nội trợ, các chị em phụ nữ ở thành phố Hà Nội này cũng phải đối mặt với những “thử thách” khắc nghiệt trong một điều kiện cực kì ngặt nghèo nhé: Tiền lương thì cố định không bao giờ thay đổi, mà thường thì sẽ ít hơn so với nhu cầu lẫn giá cả thực tế thị trường.
Trong khi vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ: chăm lo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho cả gia đình, con cái phải được học hành trường tử tế, hiếu kính đầy đủ với cha mẹ hai bên, đảm bảo thi thoảng gia đình phải có một chuyến vui chơi du lịch…Các điều kiện để vượt qua “cuộc đua kì thú” này thì càng ngày càng ngặt nghèo: giá cả mỗi ngày mỗi khác, và thường nếu giảm nửa đồng thì tức là sắp tới sẽ tăng lên đồng rưỡi. Chưa kể các nhân tố gây nhiễu cũng rất hăng hái trong việc gia tăng khó khăn. Tăng giá thì tăng trên cả nước nhưng đặc biệt ở Hà Nội thì tốc độ tăng giá của mọi mặt hàng luôn theo kiểu đi trước đón đầu. Mới nghe tin giá xăng tăng là bà bán phở đầu ngõ đã cộng thêm năm nghìn.
Tăng giá thì tăng trên cả nước nhưng đặc biệt ở Hà Nội thì tốc độ tăng giá của mọi mặt hàng luôn theo kiểu đi trước đón đầu. Mới nghe tin giá xăng tăng là bà bán phở đầu ngõ đã cộng thêm năm nghìn. (Ảnh minh họa)
Vừa thấy có thông báo tháng tới giá nước lên, chị bán rau ngoài chợ cũng cộng thêm 2000 đồng tiền nước vẩy cho rau tươi. Tiền nước, tiền điện tăng đồng nghĩa với tiền chi tiêu hằng tháng cộng thêm vài con số trong khi tiền lương (khoản tiền cho mỗi đội chơi) là hạn chế. Nhà nào may mắn xin được “quyền trợ giúp” từ ông bà bố mẹ thì còn bơn bớt gánh lo. Nhưng dù có về nhất hay về bét thì đội nào đội nấy cũng rã rời, tơi tả cả rồi.Kể cả vợ chồng có tiền lương khủng, mua hàng không thèm nhìn giá thì cũng sợ chẳng còn sức lực đâu mà đưa nhau đi chơi hâm nóng tình cảm, gần gũi con cái vì đã bị vắt kiệt do làm việc rồi.
Chưa kể, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù là cặp tình nhân yêu đương nồng thắm thì cũng có lúc nhìn nhau như kẻ thù. Các khó khăn chồng chất, áp lực căng thẳng khiến ai cũng dễ cáu giận. Ở trên tivi thì chỉ sau một đúp quay là mâu thuẫn được giải quyết chứ ở ngoài đời … có khi hỏng cả đội hình chỉ vì không thể hoàn thành nổi nhiệm vụ. Đấy, cuộc đua làm sao để sống nổi ở đất Hà Nội cái gì cũng tăng trừ lương này có đúng là chẳng khác mấy so với “cuộc đua kì thú” không.
Vậy nên tôi cực kì thắc mắc sao mọi người cứ đua nhau đổ về đây cố tìm cách chen chân làm một công dân hờ ở Hà Nội làm cái gì. Ở các tỉnh khác có thể còn nhiều điều hạn chế nhưng chắc chắn sự cạnh tranh không cao, giá cả mọi mặt hàng đều dễ thở hơn, tiền lương có ít một tẹo cũng vẫn đủ chi tiêu thoải mái. Chứ ở đất kinh kì này, cái quái gì cũng đắt. Mỗi ngày đi chợ là một ngày đau đầu tính toán chi tiêu làm sao vừa mua đồ phải chăng lại tránh hàng kém chất lượng mà vẫn đủ phục vụ nhu cầu.
Làm gì cũng như tham gia một cuộc chạy đua: xin học cho con cũng phải “đạp đổ cổng trường” chen nhau mới được; xin việc thì chạy vòng quanh từ “cửa” nọ sang “cửa” kia chưa chắc đã xong; đi ăn thì phải thật tốc độ để giảm thiểu “cục bấc cục chì” văng ra từ chủ quán. Và hằng ngày thì tất cả cùng thi nhau chạy đua với giá cả biến đổi nhanh như chớp. Trừ những ai muốn thành vận động viên vừa chạy bền khỏe vừa đua tốc độ tốt thì sống ở Hà Nội thực sự là môi trường phù hợp.
Nhưng đại đa số chị em phụ nữ thật sự chỉ mong muốn một cuộc sống không phải chạy ăn từng bữa. Chị em đều là người lao động chân chính, chăm chỉ, muốn được sống tốt dựa trên số tiền gia đình kiếm được. Chứ như bây giờ, cả hai vợ chồng sống tằn tiện, phấn đấu làm việc, mà nhiều khi thấy mệt mỏi vì có thế nào cũng không thể “vượt mặt” được cái “thằng” giá cả. Lắm khi cũng chỉ ước giá như “Cuộc đua kì thú” thực tế này cũng được như cuộc thi trên tivi kia: Là một khoảng thời gian trải nghiệm tuy đầy rẫy khó khăn nhưng đầy hào hứng và sau những chặng đường đầy thử thách là những phần thưởng xứng đáng với mồ hôi công sức đã bỏ ra.
Theo VNE