Sống ở chung cư: Sẵn sàng ôm chăn nhảy!
Hàng trăm hộ dân ở Hà Nội, Đà Nẵng từ nhiều năm qua phải sống trong thấp thỏm, sợ hãi bởi nguy cơ đổ sập tại những chung cư cũ nát.
Sáng 27/6, PV trở lại nhà E6 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) khi những công nhân đầu tiên đang hàn khung thép gia cố cầu thang có nguy cơ đổ sập theo chỉ đạo của UBND TP. Một cái khe rộng toang hoác gần như đã tách đơn nguyên 1 nhà E6 ra làm 2 phần riêng biệt, khiến cầu thang như có thể rụng rời bất kỳ lúc nào vì không còn bám vào bức tường chịu lực của khu nhà.
Do độ lún nứt quá lớn nên nhiều mảng trần, lan can cũng trong tình trạng nham nhở, có thể đổ ụp xuống đầu bất kỳ lúc nào. Bác Nguyễn Văn Tùng (phòng 403 nhà E6) cho biết, gia đình bác đã hàng chục năm sống trong sự sợ hãi do tình trạng lún nghiêng của khu nhà.
Cầu thang nhà E6 Thành Công có nguy cơ đổ sập
“Mỗi lần đi trên cầu thang tôi đều có cảm giác gạch đá, bê tông đổ ụp xuống đầu bất kỳ lúc nào. Chân thấp chân cao tôi phải đi cho thật nhanh”-bác Tùng nói. Bác Tùng kể lại lần gần trăm hộ dân tại đây thót tim khi nghe tin cơn bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Nhiều người lấy dây buộc sẵn vào chăn đề phòng khi nguy cấp thì có thể theo dây mà nhảy xuống đất!
Hà Nội hiện có 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 4-6 tầng với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2 sàn và hầu hết đều nằm trong khu vực hạn chế phát triển. Hầu hết các khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng tuy nhiên tiến độ cải tạo rất chậm do gặp nhiều vướng mắc, chậm quy hoạch… (Nguồn: UBND TP Hà Nội)
Bác Dương Thị Hoà, Tổ trưởng dân phố số 59 cho hay, do việc lún nứt khá nghiêm trọng nên đường ống nước của khu nhà E6 thường xuyên bị xé vỡ, đường điện cũng chập chờn lúc có lúc không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các hộ dân. Đã hai lần người dân trong nhà E6 tự góp tiền tu sửa cầu thang, chống lún nhưng đều bất lực trước tình trạng xuống cấp quá nhanh của khu nhà vốn được xây kiểu lắp ghép cách đây hơn 40 năm.
Tại nhà C8 Giảng Võ, tình trạng xuống cấp cũng hết sức đáng lo ngại. Toàn bộ diện tích tầng một đã bị lấn chiếm kinh doanh đủ kiểu; “chuồng cọp” cơi nới tràn lan kéo ngửa khu nhà ra phía sau. Nhiều hộ dân trên tầng 5 phản ánh mỗi khi mưa trần thấm dột rất nặng do nhà bị nghiêng, nhiều bức tường nứt toác..
Bác Nguyễn Văn Tùng bày ra trước mắt PV cả một tập dày đơn thư, văn bản và cho biết bản thân bác đã phải soạn rất nhiều đơn cho Tổ dân phố gửi đến UBND phường, quận và nhiều cơ quan liên quan từ năm 2005. Nhiều đoàn công tác của quận Ba Đình, Cty quản lý nhà đã đến kiểm tra, ghi nhận tình hình nhưng mãi đến nay người dân tại đây mới nhận được sự chỉ đạo của TP yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp xử lý dứt điểm sự cố.
“Tất cả các đoàn khảo sát đến đều khẳng định E6 là nhà nguy hiểm nhưng không hiểu vì sao không cơ quan nào đưa ra giải pháp gì cả”-bác Tùng nói. “Biết là khắc phục như hiện nay cũng chỉ là tạm bợ thôi, nhưng chúng tôi nói với nhau thế cũng đã là thành công lắm rồi”-bác Dương Thị Hoà chia sẻ.
Vào nhà, đội mũ bảo hiểm
Tại Đà Nẵng, nằm ngay khu đô thị sầm uất trung tâm quận Hải Châu, khu tập thể số 18 Hùng Vương trái ngược hẳn với vẻ khang trang, kiên cố của nhà dân, khu căn hộ liền hề. Cầu thang bộ nhỏ hẹp, ẩm thấp, vẩn rêu mốc dẫn lên dãy căn hộ 5 tầng. Gọi là căn hộ, nhưng mỗi phòng chỉ rộng 10-15m2, xuống cấp trầm trọng. Dọc dãy hàng lang, hệ thống thanh sắt lan can ố rỉ, nhiều đoạn gãy đứt. Trên trần nhà, mái hiên bong tróc thành từng mảng lớn, để lộ miếng thép đan. Nhiều chỗ thủng cả miếng trần xi măng cốt thép nhìn xuyên tầng dưới.
Bốn người sống trong căn hộ 12m2, vợ chồng ông Lương phải ra ngoài hành lang ăn uống, ngủ nghỉ
“Ngày mưa nước thấm vô tường, chảy lênh láng khắp nhà. Chỉ cần trận gió lớn là mọi người lo ngay ngáy, mất ăn mất ngủ vì không biết cái gì trên tầng sẽ rơi xuống” – ông Trịnh Tường Châu (50 tuổi, căn hộ 501) nói.
Tám nhân khẩu trong nhà ông Châu sống chen chúc trong căn hộ chưa đầy 13m2. Nhiều năm nay ông phải cơi nới thêm ít diện tích gian bếp, nhà vệ sinh, sống tạm. Tại căn hộ 301, vợ chồng ông Phạm Hiền Lương (77 tuổi) ăn ngủ ngoài hành lang để nhường chỗ học, làm việc cho 2 con lớn.
Ông Lương bảo: “Được cái gần phố thị chứ sống thế này cực lắm. Vào đến nhà vẫn phải đội MBH vì sợ xi măng rớt. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe cái rầm. Từng mảng tường bê tông trên tầng rớt xuống khắp lối cầu thang, hành lang”.
Video đang HOT
Khu tập thể này nguyên gốc là khách sạn Đồng Khánh. Sau giải phóng (1975), chính quyền Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tiếp nhận, bố trí cho cán bộ công chức khối văn phòng UBND tỉnh. Các khu chung cư, tập thể 25,30 Hùng Vương, 80 Yên Bái, 69 Trần Phú… cũng trong thảm cảnh tương tự. 10 căn hộ khu tập thể 69 Trần Phú nhưng chỉ có 2 phòng vệ sinh và 1 phòng tắm. Gần 40 năm nay, bà Lê Thị Tươi (ở nhà 69/104) cùng 5 nhân khẩu sống chật trội, bất an trong căn hộ rộng chừng 12m2.
Lúng túng xử lý
Ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Cty Quản lý Nhà Đà Nẵng thừa nhận tình trạng xuống cấp trầm trọng ở 22 căn hộ chung cư, tập thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, an toàn tính mạng khoảng 200 hộ dân sinh sống. Tháng 3/2012, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Cty Quản lý Nhà làm việc cụ thể với các hộ dân tại 22 khu nhà tập thể này và đề xuất cụ thể phương án tái định cư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cty này, hiện chỉ có khu tập thể số 38 Nguyễn Chí Thanh với diện tích thu hồi hơn 800m2 đã được Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng sử dụng để đầu tư xây khu chung cư mới với 106 căn hộ; một số khu tập thể vùng ven, khu tập thể 18 Hùng Vương đồng ý phương án di dời, bố trí tái định cư tại căn hộ chung cư Cẩm Lệ. Còn lại các khu khác ở khu vực trung tâm Hải Châu, Thanh Khê đều chưa thể thực hiện được do rất nhiều hộ dân chưa chịu di dời vì họ cho rằng còn nhiều chế độ chưa thỏa đáng, vướng giải tỏa mặt bằng.
Theo ông Bùi Văn Bốn, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng Đà Nẵng), Sở có đề xuất trình lên UBND TP 2 phương án: Một là sẽ di dời dân, sau đó tiến hành sửa chữa rồi đưa người dân về ở lại. Hai là để người dân tự sửa chữa. Nhưng cả hai khó thực hiện do thiếu kinh phí. Trước mắt, Sở giao Cty Quản lý Nhà Đà Nẵng làm việc với Trung tâm kiểm định chất lượng để đánh giá cụ thể hiện trạng xuống cấp của các khu nhà tập thể, báo cáo với UBND TP. Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng phân trần đã nhiều lần mời các hộ dân khu tập thể xuống cấp lên triển khai phương án di dời, bố trí nơi ở mới nhưng hai bên chưa thể thống nhất. Một thực tế, các hộ dân khu tập thể đều muốn bố trí đất tái định cư, nhưng quỹ đất hạn hẹp; trong khi đó bố trí các chung cư vùng Cẩm Lệ nhiều hộ dân không chịu di dời khiến địa phương lúng túng tìm phương án xử lý.
Theo Dantri
"Chung cư răng rụng": Sống trong sợ hãi!
Nếu không có tấm biển giữ xe chung cư 727 (TPHCM) đặt phía trước, chúng tôi cứ nghĩ đây là một chung cư bỏ hoang.
Có vị trí giáp ranh quận 1 và chỉ cách chợ Bến Thành hơn 2 km, lại sở hữu mặt tiền đại lộ quan trọng bậc nhất TP.HCM, chung cư 727 được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước với tên gọi Building President, cao 13 tầng gồm 6 blok nhà liên thông nhau, có tổng cộng 530 phòng. Chung cư 727 từng được đánh giá là chung cư cao cấp và hiện đại bậc nhất Sài Gòn vào lúc đó nhưng đến nay chung cư đang bị xuống cấp trầm trọng.
Chung cư hoang tàn đổ nát
Đứng bên ngoài nhìn vào chung cư, đập vào mắt tôi mặt tiền của chung cư loang lổ, nhiều mảng tường xám đen, có mảng trơ ra cả khung sắt. Nếu không có tấm biển giữ xe chung cư 727 đặt phía trước, chúng tôi cứ nghĩ đây là một chung cư bỏ hoang.
Cuộc sống bên trong khu "chung cư răng rụng"
Vừa bước vào bên trong, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, nước thải chảy lênh láng. Cầu thang của chung cư được ghép lại từ những thanh sắt nhỏ cũng hoen rỉ. Chỉ cần lắc nhẹ tay, cầu thang đã rung lên bần bật. Nhiều đoạn cầu thang sắt bị thủng, người dân phải dùng những tấm ván để che "hố tử thần".
Trong hầu hết các phòng, cửa sổ và cửa chính bị vỡ bung bét, đường dây điện hở toang hoác giăng ra như muốn bẫy người. Vôi vữa trong phòng, ngoài hành lang bong tróc vương vãi tung tóe... Các hành lang của chung cư đều tối om, vắng lặng đến rợn người. Một số đối tượng lợi dụng sự vắng lặng này để lấy tài sản của người dân.
Chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân sống nơi đây của chính quyền TP.HCM đã có từ năm 2002. Tháng 11/2007, UBND TPHCM giao UBND quận 5 triển khai phương án di dời các hộ dân ra khỏi chung cư 727 Trần Hưng Đạo.
Thế nhưng đến năm 2009, một số hộ dân mới được bố trí tái định cư tại chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5), hơn 150 hộ dân còn lại phải chờ bố trí về chung cư Nguyễn Chí Thanh, nhưng đến nay vẫn chưa di dời được vì còn vướng mắc giấy tờ và giá tái định cư. Người dân phải sống thấp thỏm không biết chung cư "răng rụng" 727 sập lúc nào.
Dây điện, đồng hồ nước, thiết bị chữa cháy gần như bị trộm hết. Đường ống dẫn nước chữa cháy lâu ngày bị hoen gỉ, xì nước. Hồ nước chữa cháy xuống cấp nghiêm trọng. Từ tầng 5 trở xuống, mỗi tầng chỉ còn lại vài bình chữa cháy, các tầng phía trên bình chữa cháy mất gần hết, các thùng chứa vòi nước cứu hỏa bị đập nát lấy sắt, ống dẫn nước cũng không có.
Hiện tại, mức độ xuống cấp của chung cư đang ở mức báo động, hàng chục sự cố sập tường, bể dầm bê tông, "rụng" cửa sổ sắt... đã xảy ra.
Theo các hộ dân, mới tuần trước, tại chung cư này xảy ra hai sự cố. Một mảng bê tông lớn rơi từ lầu 3 xuống đất khiến nhiều cư dân hốt hoảng tháo chạy. Tiếp đó, trạm điện của chung cư phát nổ do mái che trạm điện bị mục, nước mưa thấm vào gây nổ.
Nhiều hộ dân cho biết, từ năm 2008 mức độ xuống cấp của chung cư đã được báo động, thành phố có quyết định giải tỏa nhưng sau nhiều lần hứa hẹn. Đến nay, quận 5 chỉ di dời hơn nửa số hộ dân của chung cư, còn hơn 150 hộ dân sống tại đây vẫn đang đối mặt với nguy hiểm. Hiện bà con luôn sống trong cảnh lo âu, sợ hãi.
Giá tái định cư quá cao
Anh Nguyễn Văn Lộc một người dân sống ở đây lo lắng: "Nhìn mức độ xuống cấp mà chóng mặt, nhưng giá di dời đến nơi tái định cư quá cao, chúng tôi không có tiền đành sống liều với chung cư "rụng răng" này".
Theo người dân ở đây, hằng ngày chung cư vẫn có người thu gom rác sinh hoạt và thu phí mỗi hộ 30.000đ/tháng. Còn điện thì bà con nơi đây vẫn dùng điện giá chính thức, duy chỉ có nước sinh hoạt là cao đến 19.000 đồng/m3.
Nhiều vật dụng được người dân vứt bừa bãi trong lối đi chung
Sống tại chung cư này, đồng thời có thâm niên 20 năm làm bảo vệ tại đây, ông Trần Văn Long, cho biết: "Gia đình tôi đã bốc thăm được đến chung cư mới ở đường Nguyễn Chí Thanh. Căn hộ bên ấy rộng hơn 50m2 so với căn hộ của tôi ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Nếu tính hết tổng số tiền bù thêm thì phải gần 1 tỷ đồng. Số tiền này nằm ngoài khả năng của gia đình tôi. Tôi và cả nhà đành chấp nhận ở lại chung cư 727. Một số gia đình khác cũng trong tình trạng như vậy".
Cũng theo ông Long, tất cả hệ thống bơm và ống dẫn nước ở đây bị xuống cấp nghiêm trọng không được nâng cấp sửa chữa gây thất thoát nước sạch vì vậy giá nước đội lên để bù hao hụt.
Một cư dân khác của chung cư này, bà Cao Thị Bông chia sẻ: "Chồng tôi chạy xe ôm, bản thân tôi đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh từng ngày. Chúng tôi lấy đâu ra số tiền gần tỷ đồng để bù vào phần diện tích dư dôi ở chung cư Nguyễn Chí Thanh".
Nhiều hộ dân còn lại trong số hơn 150 hộ tại chung cư 727 vẫn chưa thể di dời vì còn vướng giấy tờ chủ quyền, thủ tục.
Một số hình ảnh ghi lại từ "chung cư răng rụng":
Cầu thang chung cư bị rỉ sét, thủng lỗ lớn, người dân phải lấy tấm ván đậy lên miệng lỗ
Hệ thống PCCC bị lấy cắp và khó có thể dập lửa nếu cháy xảy ra
Lối đi tối om, không một bóng người
Chung cư nhìn từ trên xuống đầy rác
Vết loang lổ, ẩm mốc trên tường cùng mùi hôi khó chịu
Một căn phòng bỏ hoang đến rợn người
Cửa sổ bị mất song sắt
Một phụ nữ với gánh hàng rong bán trong chung cư
Chung cư nhìn ra hướng trung tâm thành phố
Trẻ nhỏ hồn nhiên vui đùa bằng trò dùng miếng xốp làm súng giả
"Chung cư răng rụng" vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" giữa trung tâm TP.HCM, bên trong là 150 hộ dân hằng ngày phải sống trong sợ hãi...
Theo 24h
HN: Bán nhà chung cư cũ được miễn thuế? Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô, tại phiên họp thường kỳ của tập thể UBND TP Hà Nội (ngày 4/5), các đại biểu đã cho ý kiến về một số biện pháp để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc...