Sống nhờ… người chết: ‘Ô sin’ cõi âm phủ
Cái nắng đầu buổi chiều gay gắt như muốn thiêu cháy cả nghĩa trang trập trùng bia mộ san sát nhau.
Thấp thoáng vẫn có những bóng người quần áo lao động nhấp nhô làm cỏ, lau chùi, hương khói cho những nấm mộ. Người sống – người chết không họ hàng thân thích. Đơn giản đó là một nghề. Họ tự gọi nghề của mình “ô sin nghĩa trang”.
Nghề đặc biệt!
Chị Thái: “Ai đời người chết lại nuôi được người sống”
Bất kỳ một người lạ nào bước chân vào khu vực nghĩa trang, ngay lập tức được đội quân làm việc thuê “đón tiếp” nhiệt tình. Dừng xe ở khu B2, chúng tôi bị một đám đông cả đàn ông lẫn phụ nữ bám theo, khẩn khoản mời mọc: “Anh đi thăm mộ à? Nếu lên nghĩa trang lần đầu thì đọc tên chúng em chỉ đường. Khu nào ở đâu chúng em có thể đọc vanh vách. Có cần phải nhổ cỏ dại, lau rửa gì không để chúng em làm luôn”. Chạy đi chỗ khác cũng không tránh được những lời chào mời bám riết theo: “Anh chắc lâu ngày mới lên thăm mộ, giờ xung quanh có khi cỏ đã mọc um lên rồi, để bọn em nhổ cho. Hay là anh có muốn trồng mấy khóm hoa trước mộ cho các cụ vui mắt không? Chúng em có bán hương, vàng, hoa, loại nào cũng có”.
Video đang HOT
Vừa lúc ấy, một chiếc ôtô băng lên dốc đồi phía khu giữa nghĩa trang. Lập tức đám đông hơn chục người lại đổ dồn về phía đó. Người phóng xe đạp, kẻ chạy hộc tốc đuổi theo rồi vây lấy những người khách mới bước xuống xe. “Dân làm thuê việc ở nghĩa trang cũng giống như các bác xe ôm ở các bến xe, ai nhanh chân trước thì được khách trước chứ không phải là “dẻo miệng” đâu. Hiền lành có mà chết đói”, chị Hoa một người làm việc thuê ở nghĩa trang này có thâm niên 13 năm cho biết.
“Ô sin” nghĩa trang đa phần là phụ nữ và trẻ em trong số đó phần nhiều là dân xã Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội), số ít còn lại đến từ các xã bên. “Việc lau dọn và trồng hoa cảnh, hương khói phù hợp với phụ nữ. Vì thế mà, nghĩa trang này là nơi làm việc của đa phần chị em. Thời gian gần đây một số chị em bên Phú Thọ cũng sang đây kiếm sống làm cho đội quân “ô sin” tăng lên. “Có nhiều người tự tiện đến lau chùi, quét dọn rồi đòi khách trả tiền công. Họ đã làm ảnh hưởng xấu đến công việc của chúng tôi”, chị Hoa nói thêm.
Cứ thế, mỗi khi có gia đình nào lên thăm mộ là họ lại bám theo, nài nỉ để được thuê nhặt cỏ, nhổ cây, trồng hoa và lau rửa bia mộ. Hay đơn giản là việc tìm mộ, vì nhiều người ít lên, chẳng biết mộ người thân nằm ở chỗ nào, giữa hàng vạn ngôi mộ khác. Chỉ cần đọc số mộ, hàng mộ, lập tức khách sẽ được dẫn đến tận nơi. Thường thì những người này không đòi tiền công chính xác là bao nhiêu mà tùy khách muốn đưa bao nhiêu thì đưa.
Đội quân “nhóc tỳ”
Trong thành phần “ô sin” nghĩa trang có nhiều những đứa trẻ tuổi lên 8 lên 10. Bọn trẻ đến từ sáng sớm, cũng tham gia chào mời, chèo kéo và ngã giá chuyên nghiệp không kém gì người lớn.Chúng tôi bắt chuyện với một “ô sin” trẻ em, tên Nguyễn Thị Thanh, học sinh lớp 6 ở Phú Sơn. “Đồ nghề” của Thanh là chổi cùn, chai nước, cái liềm và một nhúm giẻ. Mới ít tuổi song mặt Thanh đã đen sạm, người gầy gò và tay dính đầy nhựa cỏ, có lẽ do cả ngày phơi mình ngoài nắng.
Nhà Thanh ở thôn Yên Kỳ ngay sát nghĩa trang, nghèo lắm. Thanh kể, từ hồi 8 tuổi em đã đi cùng với em ra nghĩa trang nhổ cỏ lau mộ. Chỉ sau một thời gian, cô bé có thể xách đồ nghề lang thang khắp trong nghĩa trang kiếm sống cùng người lớn. Rồi tới một ngày, chính cô bé Thanh lại trở thành người dẫn đường cho bé Lan gia nhập “ thế giới ô sin nghĩa trang”. Hằng ngày từ sáng đến chiều, ngoài giờ học Thanh lại xách chổi cùn ra ngồi ngoài nghĩa trang hóng khách. “Ban đầu làm việc này “ớn” lắm anh ạ! Nhưng lâu dần rồi cũng quen. Nghĩa trang giờ người đông vui như công viên. Ngày bình thường vào mùa cải mộ và tiết thanh minh như thế này em cũng kiếm ít nhất được vài chục nghìn”, Thanh kể.
Ngoài Thanh, đội quân “nhóc tỳ” ở nghĩa trang đa số vẫn theo học trường làng. Hỏi chuyện học hành, Thanh ngập ngừng: “Bố mẹ thì bán bia mộ không ăn thua, bởi quá đông người làm nghề này. Chúng em phải phụ giúp gia đình. Bố nói bám vào nghĩa trang mà sống. Chẳng bao giờ phải lo chết đói cả!”. Thứ bảy, Chủ nhật, là thời điểm đội quân “nhóc tỳ” có mặt đông đảo nhất bởi các em được nghỉ học.
Công việc của Thanh, Lan và các bạn thường làm là nhổ cỏ và lau mộ cho thật sạch. Thường mỗi mộ người ta cho 5.000-10.000 đồng. Một ngày trung bình chỉ được hơn vài chục nghìn đồng, nhưng như thế cũng phụ được bố mẹ rồi. Thanh đang trò chuyện, chợt nhớ ra việc đang dở dang. Gia đình Thanh được một gia đình ở Giảng Võ nhờ chăm sóc mộ phần ông bà “trọn gói”, cho nên hàng tháng vào dịp rằng hay đầu tháng nếu người thân không lên thì em phải lau rửa mộ và thắp hương hộ.
Những mảnh đời tần tảo
Phút chờ việc!
Người trong thôn Yên Kỳ hầu hết đều làm việc liên quan đến mồ mả trong nghĩa trang. Trước đây còn ít việc, nhưng nghĩa trang ngày càng mở rộng, dân Hà Nội lên thăm mộ người thân, họ có nhiều tiền thuê dọn dẹp luôn nên mới phát sinh cái nghề “ôsin” mộ vậy.
Ở Yên Kỳ ai cũng biết ba chị em Lê Thị Hội, Lê Thị Nguyệt và Lê Thị Lan làm nghề này đến nay đã 40 năm, từ khi nghĩa trang Yên Kỳ vẫn có tên là Bất Bạt.
Tuổi thơ của họ cũng chẳng khác nào những em nhỏ làm việc ở nghĩa trang bây giờ. Ba chị em đã làm với nhau từ nhỏ, rồi lấy chồng là người cùng làng, lại tiếp tục sống dựa vào những ngôi mộ ở Yên Kỳ. Khi có nhiều khách, mỗi người chia công việc ra làm, có ngày ít khách, làm được một ngôi mộ cũng chia ba.
Chị Hội tâm sự: “Bọn tôi quá thiệt thòi, hồi bé chẳng đứa nào được học hành. Thấy có cái nghĩa trang của dân Hà Nội mở ở đây, bố mẹ chúng tôi ngày ấy bảo mấy chị em ra xem có ai thuê làm việc gì thì làm kiếm tiền. Vậy là ra làm riết rồi thành cái nghiệp luôn”.
Thời điểm đông khách nhất là dịp đầu năm. Các chị lăng xăng chạy qua chạy lại giữa các hàng mộ mời chào khách đến thắp hương, trang trí mồ mả. Mỗi mộ cũng chỉ được dăm nghìn đồng. Khách rộng rãi thì cho 10.000 đồng. Nhưng có những người dọn giúp họ đến 10 ngôi mộ lại chỉ trả 10.000 đồng cho cả ba chị em. Cũng vui vẻ thôi. Thù lao nghề này tùy tâm mà”, chị Hội nói.
Chị Hà Thị Thái, mới vào nghề tâm tình: “Trời tối trong nghĩa trang rộng mênh mông nhìn bốn phía đều là mộ nhiều khi cũng rùng mình. Đôi lúc cũng bị ám ảnh bởi chuyện mồ mả. Bám trụ được với nghề phải có cái tâm với người đã khuất mới vượt qua được sự sợ hãi”. Ngoài những đứa trẻ con có thể kèo nài thêm vài đồng tiền công, còn với các chị khách trả sao lấy vậy.
Ngồi nghỉ ngơi lúc rỗi việc, chị Thái lấy nón quạt quạt qua mặt cho mát rồi buông một câu thật buồn: “Vất vả thì không bằng thợ nề, phu gạch. Nhưng tranh khách, bon chen chốn toàn người âm thế này có lẽ cũng chỉ vì manh cơm tấm áo thường nhật mà phải làm. Ai đời người chết lại nuôi được người sống!”.
Theo Gia Đình