Sóng ngầm mại dâm (1): “Kỹ nghệ” chiều khách của gái làng chơi
Sau vài lon bia các kiều nữ chẳng cần ướm hỏi hay lựa lời, nói chuyện tự nhiên và “hoang” tới mức nếu tỉnh táo, phải dạn dĩ lắm người nghe mới không tái mặt.
Luyện “đô”
Ai đó khắt khe thì nhìn những cô gái làm nghề rót bia và nhậu cùng khách trong các cuộc vui không mấy thiện cảm. Nhưng đằng sau cái vẻ xinh xắn, ăn mặc mát mẻ, luôn luôn tươi cười ấy là câu chuyện của thân phận đầy nghiệt ngã.
Cái tâm lý nhậu phải có em út ngồi bên “chăm sóc” đã trở nên phổ biến với nhiều “đệ tử Lưu Linh” thời nay. Vì thế, từ các “lò”, không ít kiều nữ được huấn luyện bài bản về kỹ năng ăn nhậu, chiều khách tới bến trước khi cung ứng cho các quán. Lãm – một tay chơi thứ thiệt đã dẫn tôi thâm nhập các “dịch vụ xả hơi” dạng này. Khi vừa vào quán S.T trên đường Hải Phòng (Đà Nẵng), thoáng liếc mắt, tay quản lý quán đã nhanh nhẹn dẫn chúng tôi ra hậu phòng. Dẫu chỉ có 2 người nhưng chúng tôi được bố trí phòng với hàng chục ghế. Tất nhiên, gã nhân viên có chủ ý sẵn, nên chỉ cần ngồi xuống ghế, chưa kịp kêu món thì được đặt thẳng vấn đề: “Để kêu 2 em xinh tươi phục vụ các anh nhé!”.
Oanh bảo làm nghề ngày đòi hỏi “đô” phải cao
Lãm rít một hơi thuốc, nói: “Chọn em được mắt một chút, đỡ mất công đổi”. 15 phút sau, một kiều nữ khuôn mặt khả ái, nước da trắng trẻo, mặc áo khoét sâu cổ để ngực lồ lộ bước vào. Thấy tôi có vẻ không mặn mà lắm, cô liền sà xuống đùi Lãm, chào bằng giọng Huế nhỏ nhẹ. Chừng hơn phút sau, một kiều nữ khác, mặc áo dài tím, nước da bánh mật, đầy vẻ quyến rũ tới “kèm cặp” tôi. Cô bảo mình tên Thùy, 22 tuổi, quê mãi Hậu Giang, còn đồng nghiệp, cũng trọ cùng phòng tên Oanh, ở Huế.
Lúc đầu chưa đủ “tửu lượng”, cả hai nói chuyện có phần cầm chừng. Nhưng chỉ đến lon bia thứ ba, các kiều nữ mới trút hết vẻ ngoài dè dặt, chẳng cần ướm hỏi hay lựa lời, nói chuyện tự nhiên và “hoang” tới mức nếu tỉnh táo, phải dạn dĩ lắm người nghe mới không tái mặt. Chẳng hề gì, các kiều nữ thừa biết, đã vào đây, uống tới vài lon, có ông nào lại chẳng muốn nghe chuyện “hoang”. Vì thế, “chích” vài ly, các kiều nữ không ngần ngại thể hiện kỹ năng “ngoại giao”. Lúc đầu bằng lời nói “hoang” để kéo khách vào thế giới của mình, để cuộc nhậu thêm vui vẻ, tự nhiên, sau đó thì chân tay, tất cả đều hoạt động không ngơi nghỉ. Được “rửa mắt”, “rửa tai”, bia thì sẵn đấy, các kiều nữ có đủ kỹ nghệ để “nâng lên hạ xuống”, khiến khách càng uống càng hăng.
Oanh bảo, làm cái nghề nâng ly này, “đô” phải thật cao. Có khách đòi uống tay đôi cũng phải chiều. Một nguyên tắc bất di bất dịch là không được từ chối đề nghị của khách. Hầu như khách muốn gì, kiều nữ chỉ có một lựa chọn: vui vẻ chấp nhận. Có khách nhậu vài ly nổi máu “dê” liền thô thiển lật áo kiều nữ ra để xem rồi “bình loạn” về “khuôn trăng”, cười hô hố với nhau. Cũng không ít khách tay “giấu kỹ” đến mức ngồi uống bia cả buổi mà chẳng thấy nâng ly. Kiều nữ không chỉ phải chấp nhận mà luôn tỏ vẻ vui mừng, muốn được khách “quan tâm” kiểu đó. Bởi, chỉ một ánh mắt khó chịu, một câu càu nhàu, nét mặt nhăn nhó là khách có thể đuổi thẳng khỏi phòng và yêu cầu người khác.
Video đang HOT
Lúc đó, kiều nữ không chỉ mất tiền “bo” mà còn bị quản lý quán “xạc” cho muối mặt. Oanh kể, thời gian đầu mới đi làm, ngửi thấy mùi bia rượu là rợn, nhưng do tính chất công việc nên phải luyện. Oanh và các kiều nữ khác cùng phòng trọ, đêm về mua 2 chai rượu để “luyện đô”. Uống một chai thì tất cả đã say, nhưng nếu dừng lại ở đó đi ngủ thì không lên “đô” được. Lại ráng, ráng cho tới khi không thể đưa ly lên miệng được nữa thì nằm ngủ tại chỗ. Bằng cách cứ cố, cố nữa như thế khoảng 7-10 lần, kiều nữ có đủ sức để ra “chiến trường” bia rượu.
Kiều nữ tại quán nhậu S.T
Thùy bảo làm nghề “đưa đường” trong những cuộc nhậu của khách, thu nhập chỉ từ tiền “bo”, ngoài ra không có một đồng nào khác từ quán. Tuy không trả tiền, nhưng chủ quán nắm “quyền sinh quyền sát”, ưng thì cho làm, ghét thì đuổi việc. Ở môi trường trên đe (nhà hàng) dưới búa (khách) nên đòi hỏi kiều nữ phải có những ngón nghề đặc biệt mới mong trụ lại dài dài. Với nhà hàng, kiều nữ phải cố gắng moi được càng nhiều hầu bao của khách càng tốt. Chẳng hạn ngoài món khách gọi, kiều nữ sẽ năn nỉ, giới thiệu và thể hiện mình muốn ăn thêm món này, món khác chủ yếu để được gọi thêm món giúp nhà hàng (tất nhiên là phải khéo, không thì khách lại nghĩ mình là hạng phàm ăn).
Mồi bưng lên, nhìn món lươn xào miến bưng vào, nhiều tới mức tôi nói vui với Thùy: “Em ra xem quán còn bao nhiêu người phục vụ, kêu cả vào ăn mới hết được”. Tất nhiên, khi khách đã vào đây, chuyện ăn chỉ là phụ. Có khi cả buổi nhậu cũng chẳng động đũa tới món. Kiều nữ cũng có một nhiệm vụ quan trọng khác để “ghi điểm” với nhà hàng, đó là “xúc tác” cho khách uống càng nhiều càng tốt. Muốn thế, ngoài “đô” cao, các kiều nữ phải vận động linh hoạt nhiều yếu tố khác, từ lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc mát mẻ, vẻ tươi cười nhiệt tình và cả “cử động” tay chân liên hồi. Khách đã vào nhậu, được phục vụ nhiệt tình thì khó lòng từ chối uống, và tất nhiên chuyện móc hầu bao chẳng có nhiều ý nghĩa nữa.
Theo Thùy, ở quán S.T có khoảng 30 kiều nữ, chia ngày ra làm. Vào phiên, mỗi tối nếu may mắn có thể phục vụ được 2-3 bàn. Nếu bàn khách ngồi lâu, uống nhiều, chỉ được một bàn/tối, khi đó khách thường “bo” 200 ngàn đồng/kiều nữ. Nếu khách ngồi nhanh thì 100 ngàn đồng/kiều nữ. Nếu thuận buồm xuôi gió, kiếm được 200-300 ngàn đồng/tối, với kiều nữ coi như tạm đủ sống. Nhưng nếu xui quá, “đói” khách hoặc bị khách “tống” cổ ra ngoài, coi như kiều nữ đành sống nhờ bạn cùng phòng.
Không chỉ ở quán S.T mà nhiều quán khác tại Đà Nẵng hiện nay cũng luôn có các kiều nữ sẵn sàng luyện “đô” để dìu khách “tới bờ tới bến”. Và cụng ly cũng đã trở thành cái nghề thời thượng với những cô gái có nhan sắc, uống tốt, chịu chơi.
Nhậu xong, kiều nữ sẵn sàng cùng khách tìm khách sạn, nhà nghỉ để “đáp” nếu khách có nhu cầu, bằng không sẽ gợi ý khách tìm “bãi đáp”.
Đón đọc kỳ 2: Tìm chốn “lên tiên” sau khi tàn cuộc nhậu.
Theo ATND
Sóng ngầm thuê xã hội đen đòi nợ, Kỳ cuối: Tại sao nhiều người thuê xã hội đen đòi nợ?
Càng nhiều người có nguy cơ vỡ nợ thì chúng tôi càng có nhiều việc làm". Việc nhiều chủ nợ đi thuê các băng nhóm xã hội đen đòi nợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân...
Có lẽ chưa bao giờ các băng nhóm xã hội đen "được mùa" như trong 2 năm trở lại đây. M. "sứt", một gã đòi nợ thuê chuyên nghiệp cho biết: "Tai họa của người này có thể là cơ hội của người kia. Càng nhiều người có nguy cơ vỡ nợ thì chúng tôi càng có nhiều việc làm". Việc nhiều chủ nợ đi thuê các băng nhóm xã hội đen đòi nợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân...
An ninh bất ổn vì "dịch vụ đen"
Khoảng 17h ngày 17-1-2011, anh Đỗ Văn Mạnh, 31 tuổi, trú tại khu tập thể Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, đang làm việc tại Cty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Tin học Mạnh Dũng thì bất ngờ, một nhóm côn đồ khoảng 10 người xông vào Cty đập phá tài sản và dùng dao bấm đâm vào mặt khiến anh Mạnh phải khâu 5 mũi. Thấy côn đồ hành hung anh Mạnh, anh Đỗ Văn Cừ, nhân viên của Cty, vào can ngăn cũng bị chúng xông vào đánh. Anh Mạnh cho biết, trước đó anh có vay khoảng 320 triệu đồng của chị Bùi Thị Thanh Phương ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội và hẹn đến ngày 27-28 Tết sẽ trả. Tuy nhiên, vì anh Mạnh chưa có tiền trả cho chị Phương nên bị nhóm côn đồ này hành hung để ép trả nợ.
Tháng 6-2011, anh Nguyễn Đức Khôi và bạn là anh Nguyễn Đắc Mạnh cùng ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội vay lãi với số tiền 150 triệu và 300 triệu đồng của Hoàng Quốc Anh, cùng xã. Nhiều lần đòi nợ không được, ngày 17-7, Quốc Anh lần lượt ép anh Mạnh và anh Khôi về nhà mình rồi đánh đập. Quốc Anh đã trói anh Khôi lại, rồi về nhà Khôi đòi nợ. Đến nơi, Quốc Anh vào gặp ông Nguyễn Đức T. - bố của Khôi. Sau khi ông T viết giấy nhận nợ thay cho con khoản tiền 150 triệu đồng và hẹn ngày trả, Quốc Anh mới cho Khôi về. Ngày 29-7, do không kiếm ra khoản tiền để trả nợ, nghĩ quẩn ông T đã treo cổ tự tử tại nhà riêng.
Năm 2009, do cần gấp một khoản tiền, ông Khánh ở số 804 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội đã đến gặp Nguyễn Thị Kim Thanh ở phố Phan Đình Phùng để vay 200 triệu đồng, đặt "sổ đỏ". Khi cho vay, Thanh yêu cầu ông Khánh làm hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng, mua bán, thế chấp ngôi nhà này nếu ông Khánh không trả tiền theo thời hạn 5 năm. Ông Khánh sau đó đã thanh toán xong khoản nợ với Thanh. Tuy nhiên, Thanh đã bán ngôi nhà trên cho chị Đặng Thị Mai Phương ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Ngôi nhà một lần nữa được đổi chủ từ chị Phương sang anh Trương Quốc Hưng (còn gọi là Hưng "Phú Thọ") ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Anh Hưng đã ủy quyền cho anh Đặng Hồng Hải đòi quyền sở hữu ngôi nhà của ông Khánh, bà Ngọc (vợ ông Khánh). Anh Hải cùng rất đông người đã nhiều lần đến địa chỉ trên để đòi nhà. Khoảng 6h45 sáng 21-8-2011, anh Hải thấy bà Ngọc mở cửa đi chợ, liền đi theo. Bà Ngọc chạy vào nhà và hô "cướp". Anh Hải lọt được vào nhà, hai bên cự cãi nhau về việc tranh chấp nhà cửa. Ông Khánh chặn cửa để giữ anh Hải ở trong nhà và gọi con trai: "Tùng ơi, nó đánh bố mẹ". Tùng ở tầng 3 chạy xuống và cầm dao đâm một nhát trúng tim đối phương khiến anh Hải tử vong tại chỗ. Trước đó, Tùng và gia đình từng tố cáo gia đình mình là nạn nhân của các băng nhóm đòi nợ xã hội đen...
Tối 4-12-2011, một nhóm người đi xe máy, xe ba bánh, kéo đến bao vây ngôi nhà số 9, ngõ 9, tập thể Viện Lịch sử Quân sự. Họ mở cửa và "phi" luôn một chiếc xe ba bánh vào nhà, gây huyên náo cả khu tập thể. Lúc đó chủ nhà là ông Lê Đình Thám, bà Bùi Thị Phương đi vắng.
Trong nhà chỉ có con trai lớn của ông Thám là anh Lê Thanh Tùng. Nhóm người lạ tuyên bố họ đến để lấy ngôi nhà đã được anh Lê Việt Bách, con trai thứ hai của ông Thám bán cho ông Nguyễn Đức Tiến, trú tại đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi vợ chồng ông Thám về nhà, vụ việc vẫn tiếp tục căng thẳng. Khoảng 23h ngày 18-12, bà Phương đã treo cổ vì không chịu được áp lực. Nhờ được cứu chữa kịp thời, bà Phương thoát chết. Sau một thời gian im lặng, anh Bách, đã thừa nhận mình chính là nạn nhân của một đường dây "tín dụng đen". Việc anh ký giấy chuyển nhượng căn nhà chỉ là hợp lý hóa các khoản vay với lãi suất cắt cổ...
Không chịu được áp lực, bà Phương tự tử
Vì sao "dịch vụ đen" đắt hàng?
Trong lần tiếp một phụ nữ đến tòa soạn phản ánh việc bị "xù" 2 tỷ đồng và đang tính chuyện thuê xã hội đen đòi khoản nợ đó, tôi hỏi: "Tại sao chị đã đến gặp cơ quan báo chí để phản ánh hành vi một người vay nợ có dấu hiệu lừa đảo lại còn định nhờ các băng nhóm xã hội đen đòi nợ? Chị có biết làm thế là vi phạm pháp luật không?". Người phụ nữ trả lời: "Em cũng sợ khi mình thuê xã hội đen đòi nợ rất có thể sẽ bị phiền phức, dính đến luật pháp nhưng cực chẳng đã anh ạ. Em cũng đã gửi đơn ra CA nhưng các anh ấy bảo đây chỉ là vay mượn dân sự, yếu tố lừa đảo không rõ nên CA không giải quyết và hướng dẫn em nộp đơn khởi kiện đòi nợ ra tòa án. Chồng em bảo, đòi nợ bằng con đường khởi kiện thì vài năm nữa cũng không lấy được tiền. Có mở tòa cũng còn hoãn đi, hoãn lại. Xử xong lại còn đợi thi hành án, lúc đó con nợ bị vỡ rồi thì ăn cám. Em được người ta mách, nhờ xã hội đen đòi là nhanh nhất. Thà mất mấy chục phần trăm cho bọn nó còn hơn mất trắng, dù vậy em vẫn muốn báo chí lên tiếng về thủ đoạn lừa đảo khi vay tiền để cảnh báo cho những người khác...".
Liên quan đến việc giải quyết các vụ tranh chấp công nợ đã bộc lộ không ít bất cập, khiến những người cho vay nợ có nguy cơ mất trắng những khoản tiền cho vay. Theo quy định của pháp luật, nếu việc vay nợ có dấu hiệu hình sự như: Người vay nợ bỏ trốn, người vay nợ có dấu hiệu lừa đảo (thế chấp nhà cho nhiều người, làm giả giấy tờ, dùng thủ đoạn gian dối...) thì CQCA mới thụ lý điều tra. Những quan hệ vay nợ thông thường nhưng đến hẹn không trả thì người cho vay chỉ có thể đòi được tiền bằng con đường khởi kiện ra tòa án. Về vấn đề này, luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty luật Hòa Lợi cho biết: "Để khởi kiện một vụ án đòi nợ, theo quy định thì cơ quan tòa án, phải thụ lý trong vòng 5 ngày từ khi nhận đơn. Khi giải quyết thì có thể kéo dài đến 1- 2 năm mà vẫn chưa có hồi kết. Nhiều trường hợp, khi đương sự khởi kiện ra tòa đòi nợ, đóng án phí đầy đủ nhưng vì các thủ tục phức tạp, rườm rà và quan trọng nhất là kết quả thu lại sau phiên tòa không như ý nên người khởi kiện đã rút đơn, không nhờ sự can thiệp của cơ quan xét xử".
Trong khoảng 2 năm qua, do thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán lao dốc nên hàng ngàn vụ vỡ nợ đã xảy ra trong phạm vi cả nước. Nhiều vụ vỡ nợ rất nhanh, từ lúc có dấu hiệu vỡ nợ như chậm trả lãi, đóng cửa hàng, Cty... đến lúc công bố vỡ nợ chỉ khoảng một vài tháng, thậm chí vài ngày. Trong những trường hợp này, nếu khởi kiện ra tòa thì người cho vay gần như không có cơ hội thu nợ. Chính vì thế, không ít chủ nợ đã chọn cách mạo hiểm thuê xã hội đen đòi nợ. Bên cạnh đó, việc cho vay tiền với lãi suất cao, không có hợp đồng chặt chẽ cũng là một nguyên nhân khiến người cho vay thuê xã hội đen đòi nợ...
Với thực tế trên, luật sư Vũ Lợi khuyên: "Để tránh bị xù nợ, tốt nhất người có tiền nhưng không muốn kinh doanh thì nên gửi vào các ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ, lãi suất không cao nhưng an toàn. Các băng nhóm xã hội đen không có chức năng đòi nợ, thuê xã hội đen đòi nợ là vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm. Nếu băng nhóm đòi nợ thuê bị bắt vì vi phạm pháp luật thì đương nhiên người thuê băng nhóm này cũng bị CA điều tra, xử lý".
Theo PLXH
Sóng ngầm thuê xã hội đen đòi nợ, Kỳ 3: "Gậy ông đập lưng ông" Ai cũng biết thuê xã hội đen đòi nợ là trái pháp luật nhưng không ít người vẫn "nhắm mắt" làm liều với hy vọng thu hồi được những khoản tiền đã cho vay. Khi "thân chủ" và những kẻ đòi nợ thuê chỉ giao kết chủ yếu với nhau bằng miệng thì đương nhiên những bất ổn từ "hợp đồng" này là...