Sống mỏng
Qua mùa dịch này, mình chắc chắn là sống chung với nợ nần một thời gian không ngắn.
Tự hỏi mình có làm gì sai đâu? Tất cả là tại con vi-rút chết tiệt kia. Tới giờ nó vẫn chưa xâm nhập vào cơ thể, nhưng đã khiến mình liêu xiêu kiệt sức.
Vừa mở mạng, gặp liền anh tổng giám đốc hãng hàng không nói “đang đối mặt với thách thức mang tính sống còn”. Tưởng chuyện gì lạ, mình cũng đang vật vã sống còn đây. Chưa bao giờ mình hiểu rõ “sống còn” một cách cụ thể đến thế.
Không chỉ anh hàng không, còn anh dệt may, anh dầu khí cũng nói y vậy. Mà sao tất cả đều được gọi là “chia sẻ” – cái từ thời thượng đến trơ lỳ. Ai cũng nói chia sẻ, phải chi bây giờ có ai “chia sẻ” cho mình một chút.
Hôm nay đã là hai tháng nghỉ làm, mình chỉ nhận được chút tiền còm không đủ trả tiền nhà. Nhân viên mới là những đối tượng bị giảm việc, giảm lương đầu tiên, cũng phải thôi, nhân viên cũ có thể ôm thêm việc của mình, họ rành việc, rành thị trường, bọn lính mới như mình đâu so bì được.
Còn nhớ ngày đầu nhận việc cách đây chưa đầy sáu tháng, mình hào hứng dẫn cả phòng đi nhậu “chào sân” hơn nửa tháng lương. Độc thân tay không chân rồi như mình, có việc gì đâu mà phải ky bo kiết xác.
Lương tạm ổn, thưởng không nhiều, nhưng có tiền hoa hồng cuối tháng, cả nhóm tiếp thị đều láng o, toàn điện thoại đời mới, mình còn đổi xe. Trả góp hằng tháng thôi, nhưng kệ, cứ xài đi đã, lo âu nhiều làm gì.
Đùng một cái, công ty giảm người, giảm lương do dịch. Cứ tưởng mọi chuyện chỉ là cơn cảm cúm hắt hơi sổ mũi vài bữa rồi qua, nay thì chuyện đã tệ hơn nhiều. Thẻ ATM chỉ rút được một lần là hết, giật mình thấy cái bóp cũng như mình, vô vọng chờ một kỳ lương có thể sẽ không bao giờ tới nữa. Soát lại căn phòng trọ cũng chẳng có gì đáng giá, điện thoại, xe là đồ trả góp.
Video đang HOT
Cửa hàng nơi mình mua chúng đã tạm ngưng hoạt động, nhưng tin nhắn tiền nợ tới tháng vẫn âm thầm đến. Lãi chồng lên lãi. Mình đã gọi điện xin bán lại xe, bán lại điện thoại, chịu lỗ để chấm dứt khoản nợ, nhưng đầu dây kia nói hiện nay không thâu lại được đâu anh ơi, giờ công ty em cũng khó lắm…
Mấy thằng bạn mất tăm từ sau bữa nhậu cuối phải chia tiền nhậu sát rạt. Mình hiểu không chỉ riêng mình kẹt. Cả đám đã quen sống trong cảnh đồng tiền đi từ quỹ lương qua tay chưa được dăm ba ngày đã thành tiền trả nợ.
Qua mùa dịch này, mình chắc chắn là sống chung với nợ nần một thời gian không ngắn. Tự hỏi mình có làm gì sai đâu? Tất cả là tại con vi-rút chết tiệt kia. Tới giờ nó vẫn chưa xâm nhập vào cơ thể, nhưng đã khiến mình liêu xiêu kiệt sức.
Mà hình như không phải vậy. Những ngày này cho mình ngồi yên suy nghĩ rất nhiều. Nó giúp mình hiểu ra: kiệt sức bởi mình không có nội lực. Những người trẻ như mình đã sống quá rộng, mang thanh xuân trải mỏng trang trí một mặt ngoài đẹp đẽ, hiện đại, quên đi những tích trữ cho chiều sâu nội lực của mình. Sống nhẹ nhàng, nhưng cứ nhẹ nhàng mãi, lúc nào đó sẽ thấy mình sống mỏng, sống cạn.
Lát cắt cách ly xã hội này có lẽ sẽ để lại trong mình trải nghiệm sâu sắc đầu tiên. Buồn là trải nghiệm ấy đau đớn, ngạt thở. Rồi sẽ bớt đi những chia sẻ rỗng tuếch, bớt những lời khen tặng kiểu kỹ năng mềm, bớt chạy theo mở rộng những mối quan hệ hời hợt, bớt sống ảo và bớt cả mua đồ trả góp…
Sự thật là mình đang phải vật lộn tính toán để sống còn với mấy đồng bạc cuối cùng. Thật may, phòng bên gõ vách nói “tiền nhà tháng này chủ nhà cho thiếu” …
Hoàng Mai
Vợ nợ gần 1,1 tỷ khi tôi đi làm xa
Tôi 38 tuổi, đã có gia đình và một đứa con trai 8 tuổi. Vợ chồng tôi cưới nhau cũng đã hơn 8 năm.
Thu nhập cũng đủ sống cho gia đình 3 người, đã có nhà cửa, tuy chỉ là nhà tạm với một phòng ngủ và một nhà bếp (hai vợ chồng tổng thu nhập gần 20 triệu/tháng). Tôi đang đi công tác bên Lào.
Vừa rồi, bỗng dưng tôi nghe vợ báo tin là đang vay nợ gần 1,1 tỷ, nói tôi tìm cách trả nợ (phải bán nhà để trả, mượn thêm bên ngoài). Tôi thật sự rất sốc vì khoản nợ khổng lồ từ trên trời rơi xuống này. Vợ tôi nói là vay lo cho gia đình, trả nợ nhưng tôi vẫn chưa tin vì hàng tháng tôi đều gửi tiền về cho gia đình, vừa lo cho cuộc sống vợ con, vừa để trả những khoản nợ (tôi đã trả gần 200 triệu tiền nợ).
Tôi gửi về hàng tháng khoảng 12 đến 15 triệu, nói chung là không thiếu. Tháng nào vợ nói thiếu tôi đều cố gắng gửi bổ sung về. Những vật dụng trong nhà đều do tôi mua sắm. Thế mà vợ nói vay để trả nợ, mua sắm vật dụng trong nhà, bù đắp thiếu hụt hàng tháng.
Vợ xin lỗi tôi vì có tiêu xài hoang phí trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến tháng 2/2020 (mua mỹ phẩm, nữ trang...) hơn 200 triệu trong khoản vay đó. Chỉ có 7 tháng mà vợ tôi nói chi tiêu hoang phí mỗi tháng là hơn 30 triệu. Tôi thật sự rất sốc về khoản tiêu xài này. Tôi nói vợ gửi chi tiết những khoản chi tiêu trong khoản nợ hơn 1,1 tỷ đó. Vợ gửi bảng kê nhưng tôi vẫn chưa tin vào danh sách đó. Tôi nói vợ tôi gửi lại bảng kê trung thực, đến giờ vợ tôi vẫn chưa gửi.
Thật sự hiện giờ tôi rất giận vợ, không biết vợ vay tiền vì mục đích gì mà vay số tiền lớn như vậy, với khoản nợ đó thì làm biết bao giờ mới trả nổi với thu nhập hiện tại. Tôi thì cố gắng làm việc, chấp nhận đi công tác xa để có thêm thu nhập lo cho gia đình mà vợ ở nhà lại như vậy. Tôi nói khi về sẽ làm đơn ly hôn. Hiện tôi đã cắt liên lạc với vợ (chặn toàn bộ điện thoại, mạng xã hội). Kính xin chuyên gia tâm lý tư vấn và mọi người cho tôi lời khuyên lúc này. Tôi xin chân thành cảm ơn, trân trọng kính chào.
Khải
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân gợi ý:
Chào bạn Khải,
Khoản nợ 1,1 tỷ là con số khá lớn so với thu nhập hiện tại của gia đình bạn. Hơn nữa, khi bạn đang đi công tác xa nhà, cố gắng làm lụng, tiết kiệm để gửi tiền về cho vợ con thu vén chi tiêu, trả nợ, vốn dĩ cho rằng mọi thứ đều ổn nên khi nghe thấy khoản nợ lớn "từ trên trời rơi xuống" bạn mới sốc và không biết làm gì cho phải.
Trong thư không thấy bạn nói về khoảng thời gian hơn 8 năm vợ chồng, vợ bạn chi tiêu như thế nào, cô ấy có phải là người hay "vung tay quá trán" hoặc tiêu tiền vô tội vạ không? Ngoài ra, không rõ bạn đi làm xa lâu chưa, ngay từ khi cưới vợ hay mới đi thời gian gần đây? Bạn có thấy vợ khác thường trong vấn đề tiền bạc từ giai đoạn nào đó không? Sau khi xác định rõ những điều trên thì bạn tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới khoản nợ đó. Bạn có thể xem xét vài nguyên nhân sau:
- Nghe lời bạn bè, người quen để làm ăn rồi bị lừa hoặc thua lỗ.
- Nghe người xấu xúi giục rồi sa vào cờ bạc (có thể là các hình thức chơi trên mạng).
- Đua theo bạn xấu chơi bời.
- Có thể có người đàn ông khác bên ngoài và đang bị lợi dụng.
Bạn đang ở xa nhà, bạn có thể tìm hiểu về các mối quan hệ của vợ bạn để tìm ra nguyên nhân. Nếu bạn có thể về nhà được và nói chuyện rõ ràng với vợ để giải quyết vấn đề là tốt nhất. Còn nếu bạn chưa về được, tốt nhất hãy tập trung làm việc vì bạn vẫn phải kiếm tiền để lo cho cuộc sống, sau đó tiếp tục chờ vợ gửi bảng kê khai khoản nợ một cách trung thực nhất. Trong thời gian này, khi chưa rõ về khoản nợ, cảm giác vợ còn thiếu trung thực và chưa gặp trực tiếp được cô ấy, tốt nhất bạn không nên trả nợ, hãy để vợ bạn tự giải quyết rắc rối mà cô ấy đã gây ra.
Hiện tại bạn chặn liên lạc với vợ cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ làm mọi chuyện càng rơi vào ngõ cụt. Hơn nữa, chuyện ly hôn cũng chưa nên nhắc đến vội. Thời điểm này bạn đang sốc nên khả năng phán đoán thấp và đang mất bình tĩnh. Hãy cứ bình tâm xem xét, tìm nguyên nhân cụ thể, sau đó hãy quyết định nên giải quyết như thế nào.
Chúc bạn bình tĩnh vượt qua sóng gió.
Làm việc tay chân nhưng anh có hoài bão lớn Anh nghĩ sẽ có nhiều cô gái nhìn tựa đề bài viết và bỏ đi. Nhưng em vào đọc, gửi mail cho anh thì anh sẽ rất trân trọng em. Đây là lần thứ 3 anh gửi bài lên chuyên mục Hẹn hò đấy em. Hai lần trước em trốn kỹ quá đấy, nhưng lần này anh tin rằng em sẽ xuất hiện....