Sông Mê Kông đang ‘diễn biến xấu’
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đưa ra cảnh báo về tình trạng dòng sông này đang diễn biến xấu, khi mực nước đồng loạt giảm mạnh, nhất là từ 2 tháng gần đây.
Mực nước và dòng chảy sông Mê Kông sụt giảm mạnh từ giữa tháng 6 vừa qua . Ảnh Hoàng Thiện
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam dẫn thông tin số liệu từ mạng lưới quan trắc thủy văn của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Lào, Thái Lan cho thấy, mực nước ở tất cả các trạm quan trắc trên dòng chính sông Mê Kông đều sụt giảm mạnh, nhất là từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua.
Cụ thể, tháng 7, tại Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm 2,89 m và 70% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mực nước thấp kỷ lục tại đây là ngày 18.7 m, thấp hơn 3,02 m so với mức trung bình cùng kỳ, thấp hơn 0,75 m so với mực nước tối thiểu từng đo được.
Tại Vientiane (Lào), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ là 4,47 m và 75% so với dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ở Việt Nam, tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc, được ví là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, nơi sông Mê Kông chảy vào, mực nước bắt đầu xuống thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ ngày 18.6 và trong tháng 7, mực nước ở hai trạm này thường xuyên thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 0,8 – 2,3 m.
Tương tự, dòng chảy ở Tân Châu và Châu Đốc cũng thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm tới 14.000 m3/s, giảm tới 75% dòng chảy trung bình nhiều năm cùng thời kỳ trong tháng 7 tại hai trạm này.
Lượng mưa ít, hoạt động của đập thủy điện và nhu cầu sử dụng nước tăng lên là các nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm mạnh mực nước và dòng chảy sông Mê Kông . Ảnh Nguyễn Minh Luân
Tình trạng sụt giảm mạnh mực nước và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông diễn ra ở phạm vi toàn lưu vực, kể cả phần ở Vân Nam (Trung Quốc). Sông Mê Kông sẽ còn diễn biến theo chiều hướng xấu trong thời gian tới.
Do mưa ít, vận hành các hồ thủy điện và nhu cầu sử dụng nước tăng cao
Video đang HOT
Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là lưu vực có ít mưa, việc vận hành các hồ thủy điện, nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Cụ thể, lượng mưa ở Vân Nam (Trung Quốc) vào đầu mùa lũ 2019 sụt giảm bất thường so với trung bình nhiều năm (lượng mưa trong tháng 6 chỉ đạt 90% so với lượng mưa trung bình nhiều năm là khoảng 100 mm). Đặc biệt, suốt tháng 7 vừa qua, vùng này không có mưa.
Trong khi đó, tại phần giữa Lào và Thái Lan cũng có lượng mưa thấp, chỉ đạt 30 – 50% lượng mưa trung bình nhiều năm. Còn lượng mưa trên phần lưu vực của Campuchia tháng 6 vừa qua chỉ đạt 40 – 60% lượng mưa trung bình nhiều năm và sang đến tháng 7 thì lượng mưa chỉ đạt 30 – 50% lượng mưa trung bình nhiều năm.
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nhận định, mùa khô năm nay, lưu vực sông Mê Kông thiếu mưa rất nhiều, tổng lượng mưa chỉ đạt khoảng một nửa lượng mưa trung bình nhiều năm.
Lượng mưa sụt giảm mạnh cộng với việc vận hành các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. Cụ thể, dòng chảy xả tháng 6 vừa qua từ đập Cảnh Hồng (đập cuối cùng của bậc thang thủy điện của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam) vẫn ở mức khá cao là tăng khoảng 20% so với mức trung bình nhiều năm nhưng mức xả tháng 7 sụt giảm từ 20 – 60% dòng chảy xả trung bình tháng 7 nhiều năm.
Đầu tháng 7, phía Trung Quốc đã thông báo cho các quốc gia hạ du sông Mê Kông với mục tiêu để bảo dưỡng công trình, đập Cảnh Hồng sẽ giảm lưu lượng xả nước từ ngày 5 – 19.7, tương ứng giảm tới 50% lượng nước xả trung bình nhiều năm.
Việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi được cho là chưa tính toán kỹ hết tác động tiêu cực . Ảnh EBSE
Trong khi đó, tại Lào, hiện đã có 2 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông bắt đầu đi vào vận hành, trong đó đập thủy điện Xayaburi với quy mô lớn hơn sẽ gây ra tác động đến chế độ dòng chảy vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhất là trong giai đoạn hồ bắt đầu tích nước, công trình mới đi vào hoạt động.
Nhu cầu sử dụng nước gia tăng khiến các nước tích nước ở các hồ, giảm lưu lượng xả cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh mực nước sông Mê Kông.
Mùa khô khắc nghiệt tại đồng bằng sông Cửu Long
Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, tình hình diễn biến xấu về mực nước, dòng chảy sông sẽ được cải thiệt chút ít trong thời gian tới nhưng vẫn không mấy khả quan.
Việc mực nước, dòng chảy sông Mê Kông bị sụt giảm sẽ khiến đồng bằng sông Cửu Long ở vùng hạ lưu đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt, xâm nhập mặntăng, mùa lũ thấp hay thậm chí không có lũ.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các biến động về nguồn nước sông Mê Kông ở thượng nguồn, thúc đẩy Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các quốc gia thành viên xây dựng mạng quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường; xây dựng cơ chế toàn diện chia sẻ thông tin số liệu và hành động chung trong toàn lưu vực để ứng phó với các tình trạng hạn hán trong mùa khô.
Theo Thanhnien
Thiệt hại do thiên tai tiếp tục tăng
Theo báo cáo nhanh ngày 7/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3 tiếp tục tăng.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và đoàn công tác kiểm tra tình hình sạt lở tại bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát ngày 6/8. (Nguồn: baothanhhoa.vn)
Cụ thể: 12 người chết, trong đó Thanh Hóa 7 người (Mường Lát 3 người, Quan Sơn 4 người), Bắc Kạn 1 người, Điện Biên 1 người, Lào Cai 1 người, Sơn La 1 người, Phú Thọ 1 người; 9 người mất tích, trong đó tại Thanh Hóa 8 người (huyện Quan Sơn) và Điện Biên 1 người;
Về thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, thiệt hại do mưa, dông lốc và triều cường tính đến ngày 6/8, như sau:
Tỉnh Sóc Trăng: 1 người chết (ông Châu Văn Thơ, sinh năm 1975, ở ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, bị chết do gió lốc làm tốc mái nhà rơi vào đầu), 4 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng.
Tỉnh Cà Mau: Mưa lớn kèm theo giông lốc từ ngày 2/8 đến 6/8 đã làm 1 người bị thương, sập 134 căn nhà, tốc mái 665 căn, 1 trường học bị hư hỏng; triều cường làm ngập 1.781 căn nhà, 1 trường học, 471m bờ bao vuông tôm và 2.540m đường giao thông và 107.75ha lúa Hè Thu (hiện nước đã cơ bản rút hết).
Tỉnh Kiên Giang: Từ ngày 2-5/8/2019, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã xảy ra mưa lớn làm 1 xưởng sửa xe và 2 căn nhà bị sập, 10 nhà tốc mái, 3.874 nhà ngập nước, 10,12ha hoa màu bị ngập hư hỏng, 1.675 con gia cầm bị chết, 16,7 tấn thủy sản và 10 tấn muối bị thiệt hại, 33,6 km đường giao thông bị ngập.
Về tình hình lũ, hiện lũ trên sông Thao, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã đang xuống dưới mức báo động 1. Dự báo lũ trên sông Thao, sông Bưởi và hạ lưu sông Mã sẽ tiếp tục xuống.
Về tình hình hồ chứa, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 29 hồ chứa thủy điện vận hành xả tràn, trong đó một số hồ trên lưu vực sông Mã xả cụ thể: Bá Thước 1 xả 180 m3/s, Bá Thước 2 xả 243m3/s, Trung Sơn xả 115m3/s. Về hồ chứa thủy lợi, hiện có 113 hồ xuống cấp, hư hỏng; 56 hồ đang thi công cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn.
Về tình hình đê điều, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, tính đến 19h00 ngày 6/8, các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa đã xảy ra 9 sự cố đê điều, tăng 2 sự cố tại tỉnh Thanh Hóa so với ngày 5/8.
Về tình hình áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tối ngày 6/8 vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 01h00 ngày 08/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Phi-líp-pin) 30km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía Bắc vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Thông báo số 362 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và các bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền Thông, Tài nguyên và Môi trường đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của trên Biển Đông, mưa lũ sau bão và triển khai các biện pháp ứng phó.
Tại Thanh Hóa, Đoàn công tác do ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Quan Sơn và Mường Lát; Đoàn công tác do ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Bá Thước. Địa phương đã huy động 4.462 cán bộ, chiến sỹ/60 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo duy trì lực lượng 24/24 để tiếp tục theo dõi, hộ đê biển Tây. Tính đến 17h ngày 6/8, đã huy động 2 xe cuốc, 10.000 bao tải cát, đất, đá; trải 177m vải bạt; đóng 4.000 cọc cừ tràm để gia cố 276m/356m đê biển Tây; đánh chìm 1 xà lan để ngăn sóng. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tập kết 2.000 bao đất và 1.000 cừ tràm để tiếp tục gia cố đoạn còn lại.
Những công việc cần triển khai tiếp theo: Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo khôi phục điện, giao thông đến các khu vực bị ảnh hưởng tại tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển tây Đồng bằng sông Cửu Long. Huy động các lực lượng xử lý sự cố đê biển tại Cà Mau./.
Đặng Hiếu
Theo ĐCSVN
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) đã gây ra nhiều thiệt hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ngoài ra, với diễn biến bất thường, phức tạp của khí hậu, ở khu...