Sóng lòng dân trong lòng Quốc hội
Những đợt sóng triều dâng này cho thấy, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, mọi vấn đề khác nếu được lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội sẽ chỉ có lợi hơn cho đối nội và đối ngoại.
Quốc hội khóa XIII có lẽ có sứ mệnh lịch sử gắn với biển Đông. Còn nhớ kỳ họp đầu tiên của khóa này bắt đầu vào tháng 7/2011, trùng với căng thẳng leo thang trên biển với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam.
Đến phiên họp giữa kỳ này vào tháng 6/2014, sức nóng của cuộc đụng độ trên biển Đông do Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam đã qua một tháng vẫn không hề sụt giảm.
Trong tình hình đó, tại phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước cả ngày 2/6/2014, phần lớn đại biểu QH đã phát biểu tại hội trường đều ít nhiều đề cập đến tình hình biển Đông.
Thống kê cuối ngày cho thấy, đã có 47 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, còn 23 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa có điều kiện để phát biểu, ý kiến sẽ được gửi về cho Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp. Chắc chắn trong số các đại biểu chưa kịp lên tiếng đó cũng sẽ có không ít ý kiến về chủ đề nóng bỏng này. Những người đại diện cho nhân dân đã lên tiếng về một chuyện mà mỗi người dân Việt Nam đều ngóng trông về – biển Đông.
Tàu TQ tiếp tục dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sang
Hơn nữa, những mong muốn, suy nghĩ, tâm tư, bức bối… của người dân đã được nói lên từ nhiều góc cạnh khác nhau. Từ phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc, ủng hộ các đối sách của Chính phủ, đồng lòng ủng hộ các chiến sỹ thuộc các lực lượng canh giữ biển đảo, bà con ngư dân; đến những ý kiến thiết thực về chi ngân sách, đóng tàu, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo…; Rồi phân tích khả năng “phòng thủ” về kinh tế, hoặc các ý kiến về cải cách toàn diện để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc…
Ý chí của nhân dân đã được thể hiện một cách mạnh mẽ chưa từng có trên một diễn đàn lớn nhất của đất nước – phiên họp toàn thể của Quốc hội, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên cả nước.
Video đang HOT
Những thông điệp rành mạch, rõ ràng và rung động lòng người đã được phát ra từ các đại biểu tới quốc dân đồng bào. Đó là: chúng ta “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng của mình để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”; “chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và nhắc nhở ai đó còn mơ hồ về tình hữu nghị anh em, về 16 chữ vàng và 4 tốt”; “Chúng ta dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, và cũng không đẩy nhân dân vào chốn mũi tên hòn đạn chiến tranh”; “nên tiến hành song song, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa”…
Thực ra, những ý kiến dội lại từ lòng dân tại phiên họp toàn thể ngày 2/6 là diễn biến hoàn toàn logic của một loạt các hành động trước đó trên các diễn đàn khác nhau của Quốc hội.
Những ngọn sóng biển Đông, ngọn sóng lòng dân nối tiếp nhau, bắt đầu từ việc thảo luận, xin ý kiến ĐBQH về chương trình kỳ họp, trong phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, phiên họp kín nghe báo cáo của Chính phủ, thảo luận tổ, thông cáo báo chí của Quốc hội, ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban chủ chốt của Quốc hội về vấn đề này là Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Ủy ban Đối ngoại, các ý kiến trả lời phỏng vấn của ĐBQH, và bây giờ là con sóng lớn dội về từ biển Đông trong một phiên họp.
Những đợt sóng triều dâng này cho thấy, trừ những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, mọi vấn đề khác nếu được lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội sẽ chỉ có lợi hơn cho đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, Chính phủ có cơ hội giải thích, trần tình; những nỗi niềm, nguyện vọng của nhân dân được phản ánh tại Quốc hội; thêm lòng tin trong nhân dân. Về đối ngoại, có thêm những tiếng nói tại Quốc hội sẽ san sẻ gánh nặng cho Chính phủ, càng tăng thêm sức nặng ngoại giao, vì đó là những tiếng nói chính danh, chính đáng nhất, của những người đã được toàn thể nhân dân ủy quyền.
Trên đà của những ngọn sóng của cá nhân từng đại biểu, như nhiều ĐBQH đã đề xuất, và cũng là ý nguyện của tất cả cử tri, Quốc hội cần có hình thức phù hợp để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của cả Quốc hội, cơ quan đại diện đến cử tri về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, có thể là lời kêu gọi, tuyên bố, hoặc nghị quyết của Quốc hội.
Văn bản này sẽ là hình thức thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, sức mạnh và vũ khí hữu hiệu để giúp chúng ta đối phó với thách thức, giành được thắng lợi trên mặt trận bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, giúp chúng ta vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Quốc hội Việt Nam là do Dân Việt đẻ ra, do Nước Việt nuôi nấng. Mỗi ĐBQH cũng đều là người con đất Việt.
Không lẽ gì mà Quốc hội và mỗi ĐBQH không bắt sóng và không thấy thôi thúc phải có hành động thích ứng trước tình hình hiện nay trên biển Đông.
Nguyên Lâm
Theo_VietNat)
Trung Quốc và sai lầm khi bộc lộ quyền lực quá sớm
Thời điểm giữa năm 2014, cạnh tranh chiến lược ở châu Á trở nên nóng bỏng. Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cùng lúc phái các tàu ngăn cản đường tiếp tế của Philippines tại bãi cạn tranh chấp giữa hai bên, không chấp nhận việc Manila khởi kiện ra Tòa án quốc tế. Trên hướng bắc, máy bay chiến đấu của Nhật Bản, Trung Quốc chút nữa đã có va chạm tại vùng nhận diện phòng không chồng lấn, trong khi Nga và Trung Quốc có các cuộc tập trận ngay ở biển Hoa Đông.
Bối cảnh và diễn biến
Quan hệ Nga - Trung chuyển sang một giai đoạn mới, với việc hai nước đạt được nhiều thỏa thuận mang tính liên minh hợp tác, với hợp đồng khủng 400 tỉ USD, cùng cam kết hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kĩ thuật, thương mại quân sự. Cùng thời điểm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thách thức trật tự chiến lược do Mỹ đứng đầu, với việc Bắc Kinh củng cố vai trò tại Diễn đàn về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố niềm tin ở châu Á (CICA) mà ở đó Mỹ và các đồng minh bị gạt ra rìa.
Còn nhiều nghi ngại sau cái bắt tay giữa Nga và Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 ở Singapore (30/5-01/6), Thủ tướng Shinzo Abe ngỏ ý Nhật Bản mong muốn trở thành đối tác an ninh của những nước có "hục hoặc" với Trung Quốc. Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo Trung Quốc về các hành vi "ức hiếp, hù dọa". Đáp lại, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung chỉ trích quan điểm của cả Tokyo và Washington, coi đây là những phát biểu vượt khỏi "lằn ranh" có thể chấp nhận được trong quan hệ ngoại giao.
Điểm qua những sự kiện trên, có thể thấy một bức tranh cho môi trường an ninh châu Á: Đó là cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và hệ thống liên minh của Mỹ, hoặc là dẫn đến xung đột quy mô, hoặc là sự thoái lui của Mỹ tạo điều kiện để Trung Quốc giữ vị thế áp đảo trong trật tự tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực nổi lên là trung tâm của thịnh vượng toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang cố gắng tranh đấu với những thực tế địa chiến lược lãnh hải ở châu Á mà nước này chưa thấy hài lòng. Đó là lý do mà Bắc Kinh nỗ lực đánh bật Mỹ, các đồng minh hiện tại và đồng minh tiềm năng ở khu vực, thông qua việc phô trương vai trò lãnh đạo và sự tự tin. Có vẻ như Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm phù hợp cho hành động của mình. Cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine đã làm dấy lên những nghi ngờ về quyền lực lãnh đạo của Mỹ, cũng như mức độ sẵn lòng can dự của Washington trong các vấn đề chưa phải là lợi ích trực tiếp, quyết định.
Tự tin quá sớm
Sự thật thì có thể sẽ không đơn giản vậy. Trật tự chiến lược tại châu Á tựa như một vở kịch mà ở đó "vai diễn chính" của Mỹ đang bị nghi ngờ. Tuy nhiên, đây là một trò chơi phức tạp, nhiều lớp. Nếu Trung Quốc vội vàng phản kháng Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Philippines... thì có thể đó sẽ là toan tính sai lầm. Về mặt dài hạn, sự phô trương sức mạnh quá sớm như Trung Quốc từng thể hiện gần đây sẽ làm tổn hại lợi ích của nước này.
Hãy xem vụ việc Trung Quốc triển khai giàn khoan tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Với bước đi này, hẳn là Bắc Kinh muốn tạo tiền lệ ở Biển Đông, thay đổi nguyên trạng trên thực địa, đồng thời muốn chứng tỏ "giới hạn" của Mỹ khi tạo lập các quan hệ đối tác mới trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á.
Trung Quốc đã tự tin thái quá vào vai trò lãnh đạo ở khu vực? Ảnh: SMH
Thế nhưng hiệu ứng ngược cũng đã rõ. Các bên có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc giờ không còn ảo tưởng về việc một Trung Hoa hùng mạnh hơn sẽ cư xử một cách đúng mực. Điều này sẽ khuyến khích các nước tăng cường sợi dây an ninh với Mỹ, Nhật Bản, củng cố tiềm lực quốc phòng, để buộc Bắc Kinh phải nhìn nhận quan điểm. Đó là lý do Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đang thúc đẩy hợp tác hải quân với Mỹ.
Việc Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố về trục Moskva - Bắc Kinh cũng cần phải được nghiên cứu kĩ. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo trên truyền thông phương Tây rằng trục này là huyễn hoặc, là cách tuyên truyền của cả Nga và Mỹ. Những cam kết hợp tác về năng lượng, khoa học kĩ thuật, chuyển giao vũ khí... không thể khỏa lấp được khoảng trống niềm tin chiến lược giữa Moskva và Bắc Kinh.
Nga không muốn là đối tác "dưới cơ" của Trung Quốc và Moskva vẫn bán khí đốt cho Nhật, vũ khí hiện đại cho Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á... Các nhà chiến lược của cả hai bên đều "để mắt" lẫn nhau, với sự e ngại về những căng thẳng dài hạn. Một trong những lý do dẫn đến việc Nga quyết định giữ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và bảo lưu học thuyết "đánh đòn trước" là do sức mạnh truyền thống của Moskva đang suy giảm trước Trung Quốc. Vậy nên, ngay cả khi lâm vào một cuộc khủng hoảng quân sự với Mỹ, Trung Quốc cũng không thể mong đợi Nga sẽ có hành động can thiệp. Trong bất kì tình huống nào, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ không động binh để bảo vệ Trung Quốc.
Ngay cả đến tuyên bố của Trung Quốc về cấu trúc ngoại giao cho châu Á để quản lý "cùng thắng" những vấn đề an ninh tại châu lục mà Trung Quốc đưa ra cũng còn nhiều lỗ hổng. Ý định của ông Tập Cận Bình khi đưa ra tuyên bố về định hướng này tại CICA vừa qua đã lộ rõ: Các cường quốc châu Á phải là người xử lý thách thức của châu Á, hay nói cách khác "châu Á là của người châu Á". Vấn đề cần làm rõ: châu Á này là châu Á nào và thách thức kia là thách thức chi? Nhìn vào thành viên diễn đàn CICA, có thể thấy phạm vi của tổ chức đa phương này là quá rộng, không giới hạn ở châu Á - Thái Bình Dương, với sự hiện diện của cả Ai Cập, Iraq và Iran nhưng lại không có Nhật Bản, Philippines hay Indonesia - những nước mới chỉ là quan sát viên.
Không có gì là bí mật. Về bản chất, CICA là sáng kiến được Kazakhstan đưa ra hồi những năm 1990, nằm trong một nghị trình khiêm tốn thời hậu Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, nó đã có chút biến đổi và được Trung Quốc tiếp sức sau khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra "mất kiên nhẫn" với những thiết chế thiên về ngoại giao ở châu Á - Thái Bình Dương được hình thành trong nhiều thập kỉ qua. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á; Diễn đàn An ninh khu vực (AFR), Hội nghị Bộ Trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ). Dù có mức chuyển đổi chậm dãi, nhưng nó vẫn là trụ cột của trật tự khu vực đa phương, mà ở đó nguyên tắc không đe dọa, tôn trọng luật pháp được chia sẻ và công nhận. Thế nên, thế thượng phong của Trung Quốc ở CICA chỉ là cách nước này tự "đánh bóng" vai trò của mình, là cách thể hiện sách lược "gây thiện cảm" (charm offensive) mà chắc hẳn các nước đều cảnh giác trước ý định "xây dựng lòng tin" của Bắc Kinh.
Theo Tin Tức
Trung Quốc không thể trở thành kẻ giật dây trong khu vực Theo đánh giá của chuyên gia, đối đầu chiến lược tại châu Á giữa năm 2014 đã vượt quá một kịch bản và Trung Quốc không thể là "kẻ giật dây" cho nguy hiểm trong khu vực. Trên tờ National Interest hôm 3/6, ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia đồng thời...