‘Song Lang’ kén khán giả, lỗi đâu phải ở một cuộc làm tình?
“ Song Lang” rất đẹp, đẹp đến từng cảnh quay, đến giọt mưa rơi, đến đôi mắt huê tình. Nhưng phim cũng mang lại đầy sự nuối tiếc trên cả hai phương diện, điện ảnh và xúc cảm.
22h đêm 6/9, theo kế hoạch, là suất chiếu cuối cùng của Song Lang tại Hà Nội sau chiến dịch “Cho Song Lang thêm tuần nữa”, được khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Trong phòng chiếu, khán giả yêu bộ phim đến không còn một ghế trống, trong đó có nhiều người xem lần 2, lần 3.
Vì hết vé, và không còn đủ chỗ ngồi, những khán giả đến sau được cho phép ngồi trên nệm babykid dọc hai lối đi. Một cảnh tượng hiếm hoi. Càng bất ngờ hơn, khi trước giờ chiếu, Hoàng, một nhân viên trẻ của rạp chiếu cầm trên tay chiếc loa kiểu “loa phường”, và tuyên bố: Song Lang lại được yêu thêm một tuần nữa.
Với Song Lang, Issac thuyết phục hơn trong diễn xuất.
Câu hỏi không lời giải: Họ có yêu nhau?
Nói “yêu” với Song Lang không khó. Trên mạng xã hội, bao mỹ từ đã dành cho bộ phim của đạo diễn Leon Lê, có nghệ sĩ, có người làm nghề, có giới phê bình, và có cả khán giả. Ở môi trường mà đâu đâu cũng thấy anh hùng bàn phím, cũng thấy ném đá, thì những lời hay ý đẹp dành cho một tác phẩm điện ảnh Việt, thật đáng quý, đáng để một ê-kíp tự hào.
Nhưng có một câu hỏi bao người thắc mắc, rằng “ Dũng Thiên Lôi ( Liên Bửu Phát) và Linh Phụng (Issac) có yêu nhau không?”. Mối quan hệ ấy liệu có phải là tình yêu hay chỉ là sự đồng điệu, gắn kết, thương cảm của hai tâm hồn cô đơn đến cùng cực, may thay được cứu rỗi bởi những câu vọng cổ.
Phải chăng thứ tình ấy giống như hai nhân vật chính trong The King And The Clown (Nhà vua và chàng hề)? Một thứ tình huynh đệ keo sơn, đồng điệu, chẳng thế gọi tên. Hình như, họ cùng ở bên nhau, cùng rong ruổi, thậm chí cùng “ghen” chỉ vì hai người cùng yêu ca hát.
Ánh mắt và ngoại hình của Issac trong vai Linh Phụng có nét giống ánh mắt Lee Jun Ki trong vai Lee Gong Gil, một vẻ sắc rất nữ tính. Trong khi Liên Biểu Phát với Dũng Thiên Lôi như Kam Woo-sung với vai Jang-saeng, cũng bụi phủi, bất cần.
“Mối quan hệ không tên của Dũng và Linh Phụng chưa tới mức tri kỉ, cũng không hẳn là tình yêu, thậm chí còn chưa thể coi là tình bạn hữu. Đó đơn thuần là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người xa lạ trong thoáng chốc”, một nhà báo viết.
Nhận định ấy có phần tàn nhẫn với khán giả nhưng là suy luận có lý trí.
Trong một tác phẩm hay, chi tiết không bao giờ là vô nghĩa. Cảnh làm tình của Dũng và bạn gái không lộ một chút da thịt nam nữ, lại nằm trong một bộ phim bị gắn mác “tình trai”, hẳn đạo diễn phải có dụng ý. Có nhiều tình tiết để chứng tỏ Dũng và cô bạn gái không chỉ là mối quan hệ qua đường, nhưng Dũng thực lòng yêu ai thì không ai có thể có câu trả lời.
Liên Bửu Phát là một phát hiện thú vị của đạo diễn, cách thoại của nam diễn viên tương đối ấn tượng và phù hợp với nhân vật.
Với Leon Lê – cha đẻ của tác phẩm, anh gọi mối quan hệ của Dũng và Linh Phụng là tình yêu, dù không hôn, không làm tình, không va chạm. Một thứ tình yêu chớm nở, thánh thiện, không toan tính, không dục vọng. Một thứ tình yêu không thể coi là không đẹp.
Thật, Linh Phụng đã yêu Dũng, yêu đến từng ánh mặt, cử chỉ, nụ cười. Có yêu mới muốn người ta thay đổi, mới nâng niu hộp quà, mới chờ đợi sốt ruột, và mới diễn được như không trên sân khấu trong cảnh mất mát, chia ly.
Dũng, dù gồ ghề, nhưng cũng có những khoảnh khắc bộc lộ tình yêu như vậy. Nếu không yêu Linh Phụng, liệu Dũng có thể nhìn say đắm khi đối phương đang ngủ. Và không yêu, liệu có vì hai ba câu nói mà thay đổi, từ bỏ công việc đòi nợ, “đâm thuê chém mướm” để thành một nhạc công dù biết đó là nghề bạc bẽo.
Nhưng một giải thuyết khác, Dũng cũng có thể là một nhân vật Song tính luyến ái, yêu cả nam lẫn nữ như Hong Lim (Jo In Sung) trong Sương Hoa Điếm (Hàn Quốc).
Và cũng không loại trừ trường hợp tình yêu Linh Phụng chỉ là bi kịch tình đơn phương như Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) trong Bá Vương Biệt Cơ.
Vì thế, câu hỏi “Dũng và Linh Phụng có yêu nhau không?”, gần như đã không có đủ tình tiết để giải đáp. Câu hỏi rơi vào hư không, tạo nên những thắc mắc đầy ẩn ức, khiến Song Lang, dù quá đỗi đượm tình nhưng không hẳn là bộ phim về tình yêu giới tính.
Một trong những cảnh quay cho thấy sự hòa hợp của hai nhân vật nam chính., người đàn kẻ hát.
“Song Lang”, hay thì hay thật, nhưng vẫn thiếu?
Song Lang là tác phẩm có nhiều tình tự đẹp. Song Lang mang đến những nét văn hóa “hiếm có, khó tìm” trên màn ảnh. Cải lương hiện lên chân phương mà lộng lẫy.
Thật khó để phục dựng Sài Gòn những năm 1980, thật khó để phục dựng thời hoàng kim của cải lương, càng khó để tạo nên không khí nghệ thuật cải lương đong đầy, đúng nghĩa và chính xác nhất.
Nhưng Leno Lê và ê-kíp của mình làm được điều đó. Dù tất nhiên, có chỗ chưa thật chính xác với lịch sử cải lương. Nhưng những tình tự đẹp mà phim mang lại xóa nhòa đi tất cả.
Song Lang là bộ phim đẹp đến từng cảnh quay, là những thước phim điện ảnh nhất, và cũng Việt nhất có thể. Từ giọt nước rơi xuống vũng máu, từ trang sách cũ, từ ánh nhìn của nhân vật hay những góc quay trung, cận cảnh đều cho thấy sự chỉn chu, kỹ lưỡng đến mức hoàn hảo, khó có thể chê trách.
Nhưng tại sao Song Lang đã không thể “hot” hơn dù có nhiều yếu tố được cho là khả quan về hiệu ứng như diễn viên đẹp, tình yêu đồng giới trong một tác phẩm có cao trào, kịch tính, lại có yếu tố văn hóa cải lương vốn quá ư quen thuộc.
Song Lang, đáng ra không cần phải có những chiến dịch “cho thêm một tuần nữa”, nghe có phần đáng thương. Đúng ra, Song Lang có thể không gây bão, nhưng phải được yêu thích và lan tỏa hơn, như những gì phim xứng đáng được nhận.
Có rất nhiều biện giải, trong đó có ý kiến cho rằng Song Lang là một phim dòng nghệ thuật, lại là nghệ thuật lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thông, hẳn nhiên sẽ kén khán giả.
Nhưng ngoài những yếu tố ngoại cảnh, tự thân Song Lang cũng có những nuối tiếc điện ảnh. Về câu chuyện, Song Lang thiếu một chút tàn nhẫn trong việc xây dựng nhân vật Dũng ở phần đầu, thiếu một chút trong khắc họa sự tài hoa, cô đơn và nổi tiếng của Linh Phụng.
Về âm nhạc, cải lương trong Song Lang thiếu một chút thuyết phục trong giọng hát Issac, và của các nhân vật khác.
Về mối quan hệ giữa Dũng và Linh Phụng, đạo diễn chủ ý tạo nên sự dở dang, nuối tiếc nhưng vô tình cũng khiến cảm xúc người xem hụt hẫng, bẽ bàng. Kết thúc ấy là một nỗi buồn, một sự bất ngờ bi ai, nhưng nếu xem lại lần 2, lần 3, khi sự bất ngờ không còn nữa, cảm xúc gì sẽ ở lại nơi người xem?
Không ít khán giả “trùng” xuống, cảm giác như không muốn đứng dậy sau cảnh cuối vì mối tình dang dở của Dũng Thiên Lôi và Linh Phụng, lại là dang dở theo kiểu “drama” nhất. Nhiều chữ “giá như” được hiện lên, dù ai cũng biết, số phận nhân vật là quyền năng của biên kịch và đạo diễn.
Có rất nhiều cách để tạo nên sự dở dang, và dở dang mà vẫn đẹp bao giờ cũng dễ được đón nhận hơn. Call by your name kết thúc trong 3 phút nước mắt của nhân vật Elio, cũng là kết thúc một mối tình đẹp nơi mùa hè nước Ý. Nhưng sự dở dang ấy có phần bớt “sát thương” hơn nhiều Song Lang.
Tình dang dở không phải là kết thúc mới mẻ trong những bộ phim có yếu tố đồng tính.
Huống hồ, “sát thương” ở cảnh cuối, nhưng mạch phim trước đó lại có phần thiếu cao trào, “gieo” tình tiết chưa xuất sắc khiến phim trôi qua nhanh trong 90 phút, và ít nút thắt.
Khi Song Lang chưa công chiếu, trailer và poster phim khiến nhiều người liên tưởng đến phim Bá Vương Biệt Cơ, một bộ phim cũng tuồng tích và đau đớn.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng, trong Bá Vương Biệt Cơ, cách xây dựng cả về nghệ thuật truyền thống là kinh kịch đặt trong bối cảnh lịch sử, đến mối quan hệ đầy đau khổ, khó xử của các nhân vật đều được đẩy đến tận đỉnh, khiến phim cao trào và có nhiều nút thắt hơn Song Lang.
Tất nhiên, Song Lang là một bộ phim riêng biệt và rất Việt. Tuy cũng có những tình tự vô tình tương đồng với một số bộ phim chung hướng đề tài trên thế giới, nhưng Leon Lê đã có những kiến tạo tài hoa rất cá nhân. Leno cho thấy bản thân là một người có thể làm nên chuyện với điện ảnh nước nhà, trong bối cảnh phim Việt vẫn đầy “remake” và hài nhảm.
Theo Zing.vn
Nao lòng với cặp đôi Dũng-Phụng trong 'Song Lang': Tình yêu đồng tính thế kỉ 20 chỉ đến thế thôi sao?
Mối tình giữa Dũng "Thiên lôi" và Linh Phụng trong phim "Song Lang" là đại diện cho bức tranh toàn cuộc vào thập niên 80: bế tắc, đắng cay nhưng mang vẻ đẹp rất đỗi diễm tình.
Chỉ vừa ra mắt vào ngày 17/8, song siêu phẩm văn hoá Việt Song Lang do Ngô Thanh Vân sản xuất đã nhận được đông đảo sự yêu mến của các khán giả gần xa, đặc biệt là những người con Sài Gòn yêu mến loại hình cải lương ca cổ. Bên cạnh bức tranh thành phố Bác những năm 80 cuộn trào kí ức xưa cũ, người xem còn được thưởng thức sự sinh nôi nảy nở mối quan hệ giữa bộ đôi nam chính - Linh Phụng ( Isaac) và Dũng Thiên Lôi ( Liên Bỉnh Phát), để rồi tự hỏi nhân duyên trên đời phải chăng đều hợp tan dễ dàng như thế?
Sinh ly tử biệt đều vì hai tiếng "cải lương"
Nếu Phụng và Dũng gặp gỡ và thầm mến nhau qua cải lương, thì cả hai rời khỏi cuộc đời của nhau cũng là vì cải lương. Xuyên suốt Song Lang, mối quan hệ của hai người được lồng ghép song song với vở Chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu, trong đó Linh Phụng là kép chính vào vai con trai của Triệu Đà.
Có duyên gặp gỡ khi Dũng đến đoàn cải lương Thiên Lý đòi nợ và giở trò du côn, ấn tượng của anh trong mắt Linh Phụng không có lấy một điểm tích cực. Ngược lại, dường như Dũng đã cảm mến chàng kép hát chân chất, đứng đắn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai tiếp tục "dính" lấy nhau khi Dũng giúp Phụng đánh đuổi bọn say rượu, từ đó tình cảm của đôi nam nhân tại con phố Hoa kiều bắt đầu.
Dũng Thiên Lôi tính đốt đồ diễn để đòi nợ đoàn hát, sau đó lại gặp Phụng.
Khi xem phim, khán giả dễ lầm tưởng, thậm chí ngộ nhận đây chỉ là tình huynh đệ, sự lo lắng chăm chút của Dũng dành cho Phụng cũng chỉ là xã giao, hay xuất phát từ lòng tốt sẵn có trước người gặp hoạn nạn. Ngược lại, Phụng đã thay đổi quan điểm của bản thân đối với Dũng, rằng du côn đòi nợ thuê cũng là con người, cũng có phần lương thiện trong đó, nên đối xử tốt hơn với ân nhân là chuyện đương nhiên phải phép. Cặp nam - nam đã chơi game cùng nhau, rồi đi ăn, dạo phố, tuyệt nhiên trong sáng.
Dù chỉ một đêm, nhưng tình cảm của Phụng và Dũng lại thuần khiết, rộn rã tiếng cười.
Nếu xem xét kĩ càng hơn, đối với Dũng và Phụng thì mọi thứ không ngừng lại ở "tình đồng chí". Những ánh mắt mà Phụng dành cho đối phương luôn dạt dào tình cảm, đôi khi ám muội khó lường. Cũng chẳng có ai mong ngóng anh em mà lại nôn nao lên sân khấu như Phụng, tất cũng chỉ nhanh chóng diễn xong để gặp đối phương. Hơn hết, chính tình yêu đang lớn dần trong Phụng đã giúp anh chàng hát cải lương có tình hơn trước, không cần diễn cũng ra được.
Ánh nhìn của Phụng dành cho Dũng từ chán ghét chuyển sang yêu thương đong đầy.
Còn đối với Dũng Thiên Lôi, anh chàng này luôn làm mặt lạnh lùng đến vô cảm, nhưng bên trong lại ấm áp ôn nhu đến lạ. Mọi cử chỉ anh dành cho Phụng đều ân cần, cẩn trọng, ngay cả những khi chỉ ở một mình, trong đầu của chàng xã hội đen luôn thấp thoáng hình bóng thanh niên trẻ đẹp với bộ trang phục cải lương hào nhoáng. Tuy là người khó đoán, nhưng Phụng đã giúp Dũng tìm lại tình yêu cải lương thuở thiếu thời, từ đó Dũng như "con nghiện", lao đầu vào ái tình của Phụng.
Dũng giang hồ bên cạnh cây đàn nguyệt đã lâu không chơi.
Nếu không có cải lương, Dũng và Phụng rồi cũng sẽ là hai phận đời xa lạ, song song nhau mãi mãi. Sẽ không có cái gọi là "chủ nợ - con nợ", sẽ không có lần Phụng đến trả tiền cho bà chủ nợ để rồi gặp lại Dũng, sẽ không có chuyện Phụng bị tên say rượu chọc ghẹo nghề nghiệp dẫn đến ẩu đả, sẽ không có đêm đáng nhớ lưu lại nhà của Dũng, cùng nhau tiêu khiển tận hưởng cuộc đời. Cải lương mang đến cho cả hai ước mơ, hi vọng, hạnh phúc, tình yêu, nhưng cũng nhẫn tâm lấy đi tất cả. Nhát dao chí mạng cướp đi Dũng khỏi tay Linh Phụng, đoạn tuyệt mối tình vừa nhen nhóm lửa tâm, cũng là cảnh cuối khiến nhiều khán giả phải than thở thê lương, tiếc thương cho đôi trẻ.
Có hợp ắt có tan, hai cuộc đời giao nhau rồi chia xa vĩnh viễn.
Tình cảm nam nhân thập niên 80: Khó giữ lắm ai ơi!
Xem qua Song Lang, những ai nếu đã và đang là fan trung thành của điện ảnh Đại Lục chắc hẳn sẽ nhớ đến Bá Vương biệt cơ - một tựa phim nổi tiếng của Trung Quốc cũng lấy chủ đề tình yêu nam nhân lồng ghép cùng nghệ thuật sân khấu. Nếu ở Bá Vương biệt cơ, Trình Điệp Y đã một gươm tự kết liễu đời mình để giữ lại trọn vẹn tình cảm, ước mơ dành cho Đoàn Tiểu Lâu và kinh kịch, thì Dũng của Song Lang lại lặng lẽ ra đi khi giấc mơ vẫn còn đang nở hoa rực rỡ, để lại Linh Phụng cô liêu sau bức màn nhung, trên tay vẫn cầm chặt chiếc vòng cổ chắc sẽ chẳng bao giờ đến được tay người.
"Bá Vương biệt cơ" từng gây tiếng vang khi đan xen tình yêu đôi lứa cùng kinh kịch và chính trị.
Tuy nhiên, Song Lang của Leon Quang Lê lại cho thấy tình cảm và tư duy của vị đạo diễn được truyền cảm hứng sâu sắc từ Vương Gia Vệ - một đạo diễn lừng danh của ngành điện ảnh Hong Kong. Ngay cả cái kết của Song Lang cũng chóng vánh, khắc khoải và gây ám ảnh như cách mà Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh buông tay nhau trong Xuân quang xạ tiết 21 năm về trước. Phải chăng, dấu chấm hết cho đoạn tình cảm này lại là tốt nhất, khi xã hội cũ bấy giờ không phải là thiên đường dành cho những phận người mưu cầu hạnh phúc giản đơn trong khi vẫn còn mắc kẹt với guồng quay cơm áo gạo tiền bế tắc?
Vương Gia Vệ là người đi đầu trong thể loại phim chính kịch lấy bối cảnh thị thành thời hậu chiến.
Nhìn lại một chặng đường dài của phim ảnh châu Á, hiếm có được một tựa phim đồng tính diễn ra vào nửa cuối thế kỉ 20 mà có cái kết viên mãn, trùng phùng. Lướt qua một loạt những Xuân quang xạ tiết, Lam Vũ, Bá Vương biệt cơ, Đông cung Tây cung, và nay là Song Lang, khán giả đều gần như "trụy tim" hết lần này đến lần khác vì đoạn kết đắng cay, một đoạn tình cảm bị chặt đứt bởi biến cố, bởi xã hội, bởi chiến tranh, hay bởi chính đương sự trong cuộc.
"Song Lang" cũng khó tránh khỏi số phận "SE" đầy xót xa.
Thế nhưng, trong cái ám ảnh, xót xa ấy, Song Lang vẫn ánh lên nét đẹp ý nhị, chân chính, rằng lấy được nước mắt khán giả là mong muốn lớn nhất, làm được khán giả gào thét kể khổ là tình yêu vẫn còn hi vọng, vì có đau có khổ thì mới trân trọng niềm vui, mới có sức mạnh mà đấu tranh cho một cái kết hạnh phúc thật sự. Song Lang đã gan dạ đánh cược chính mình trên đấu trường phòng vé để chọn cú chốt hạ "ngược tâm" với hi vọng có thể khoét sâu vào tâm khảm của khán giả, khai thác triệt để những cảm xúc thầm kín nhất của con người, như đối với Leon Quang Lê đã chia sẻ " coi xong Song Lang mà thấy buồn, thấy hụt hẫng là phim đã thành công rồi".
Cùng thưởng thức trailer chính thức của "Song Lang".
Song Lang chính thức công chiếu vào ngày 17/8/2018.
Theo Trí Thức Trẻ
Các hủ nữ ghen hộ Sơn Tùng khi thấy Isaac ôm hôn Liên Bỉnh Phát Một đoạn clip được cho là ở hậu trường phim Song Lang có cảnh Isaac và Liên Bỉnh Phát tình tứ, hôn nhau và ở ngay bên dưới, các fan đã bày tỏ sự bức xúc thay cho Sơn Tùng. Mới đây, đoạn clip ngắn hé lộ một cảnh quay Isaac và Liên Bỉnh Phát chuẩn bị hôn nhau trong phim Song Lang...