Sông Hàn ở Seoul đóng băng toàn mặt sông
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 9/1, mặt nước sông Hàn chảy qua thủ đô Seoul đã đóng băng sau khi Hàn Quốc hứng chịu một đợt lạnh khắc nghiệt trong những ngày gần đây khi có thời điểm nhiệt độ ở mức dưới -20 độ C.
Sông Hàn nhìn từ Công viên Yeouido (Ảnh chụp ngày 9/1/2021).
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018, nước sông Hàn đóng băng. Độ dày của băng trên mặt sông có chỗ được ghi nhận khoảng 5 cm.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cũng xác nhận sự hình thành băng đầu tiên trong mùa Đông năm nay trên sông Hàn vào sáng 9/1 khi nhiệt độ ở mức -16,6 độ C. Thời điểm đóng băng của sông Hàn trong năm nay xảy ra sớm hơn 4 ngày so với thời điểm trung bình của 30 năm qua.
Video đang HOT
Việc quan sát sự đóng băng mặt nước của sông Hàn bắt đầu được KMA thực hiện từ năm 1906 và dựa trên sự hình thành băng xung quanh các trụ cầu ở giữa cầu Hangang Grand, cây cầu vượt sông lâu đời nhất ở Seoul.
Mặt sông Hàn bị đóng băng, nhìn từ cầu Banpo (Ảnh chụp ngày 9/1/2021).
Cũng theo KMA, khu vực thủ đô Seoul và nhiều tỉnh, thành phố khác đã được đặt trong tình trạng cảnh báo sóng lạnh kể từ ngày 6/1 vừa qua khi nhiệt độ thấp nhất hàng ngày ở mức dưới -20 độ C. Cảnh báo sóng lạnh được KMA đưa ra khi nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng ở mức dưới -15 độ C trong hơn hai ngày liên tiếp, hoặc khi nhiệt độ giảm mạnh và dự kiến có thiệt hại lớn.
Nhiệt độ thấp nhất vào sáng 9/1 ở hai thành phố Cheorwon và Chuncheon của tỉnh Gangwon lần lượt là -26 độ C và -22 độ C; ở Yeoncheon là -24,4 độ C và thành phố biên giới Paju là -21,5 độ C. Khu vực phía Nam Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ đối với đợt lạnh đang diễn ra do chịu ảnh hưởng của một luồng không khí lạnh từ Siberia tràn xuống.
Mặt sông Hàn đóng băng, có nơi dày 5 cm (Ảnh chụp ngày 9/1/2021).
Thành phố cảng Busan ghi nhận nhiệt độ thấp nhất hàng ngày xuống dưới -10 độ C và lần đầu tiên sau 3 năm ghi nhận sự hình thành băng trên dòng sông Naktong. Trước đó, nhiệt độ thấp nhất hàng ngày ở Busan lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua đã giảm xuống dưới -12 độ C vào ngày 6/1 vừa qua.
Nhật, Hàn tiếp tục tranh cãi về vấn đề 'phụ nữ mua vui'
Ngày 9/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã điện đàm bày tỏ sự phản đối với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha liên quan đến phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho những người từng bị binh sĩ Nhật cưỡng ép làm "phụ nữ mua vui" trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời ông Motegi khẳng định với bà Kang rằng Tokyo không chấp nhận phán quyết được tuyên bố chính thức hôm 8/1, cho rằng phán quyết này "vi phạm luật pháp quốc tế". Ngoại trưởng Motegi, đang ở thăm Brazil, cũng hối thúc Hàn Quốc "ngay lập tức triển khai các biện pháp thích đáng để sửa chữa hành vi vi phạm luật pháp quốc tế".
Các phụ nữ từng bị cưỡng ép làm lao động tình dục thời chiến tại một cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/11/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày dẫn lời Ngoại trưởng Kang Kyung-wha trong cuộc điện đàm yêu cầu phía Nhật Bản kiềm chế, tránh đáp trả một cách thái quá đối với phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc.
Trước đó, trả lời các phóng viên tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng theo luật quốc tế, một quốc gia có chủ quyền thì không thuộc quyền tài phán của tòa án nước ngoài. Do đó, phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc phải được hủy bỏ. Ngoài ra, ông nêu rõ phán quyết này đã đi ngược lại Hiệp định Hàn-Nhật được hai nước ký năm 1965 nhằm giải quyết các vấn đề tài sản và yêu sách liên quan tới thời gian phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên 1910-1945.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, hàng nghìn phụ nữ đã bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho binh lính phát xít Nhật, còn gọi là "phụ nữ mua vui". Họ chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Triều Tiên, Philippines, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc). Vấn đề "phụ nữ mua vui" là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài.
Theo thỏa thuận năm 2015, Nhật Bản xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen (9,18 triệu USD) để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên. Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye còn tại nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống hiện nay Moon Jae-in cho rằng đây là một thỏa thuận sai lầm và không phản ánh đúng những ý kiến của "những phụ nữ mua vui" còn sống. Tháng 10/2018, Tòa án Tối cao của Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng cá nhân các nạn nhân vẫn có quyền đòi được bồi thường cho dù đã có thỏa thuận giữa nhà nước với nhà nước.
Hôm 8/1, Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết đầu tiên yêu cầu Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cụ thể, Tòa án tại Seoul yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho 12 nạn nhân, mỗi người 100 triệu won (91.300 USD).
Sĩ quan Hải quân Hàn Quốc mất tích trên biển khi đang tuần tra ngoài khơi đảo Baengnyeong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết một sĩ quan Hải quân nước này đã mất tích khi đang làm nhiệm vụ trên tàu tuần tra ngoài khơi đảo Baengnyeong thuộc khu vực biên giới phía Tây. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sĩ quan được giấu danh tính trên đã mất tích vào khoảng 22h ngày 8/1...