Sóng dữ trên con đường chinh phục châu Âu của Huawei
Để mở rộng hoạt động và tầm ảnh hưởng tại thị trường châu Âu, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei được cho là đã sử dụng nhiều cách thức, bất chấp những lo ngại về nguy cơ an ninh từ các sản phẩm của “gã khổng lồ” này.
Gian hàng của Huawei tại sự kiện công nghệ di động ở Barcelona, Tây Ban Nha năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Khi các nhân viên mới vào làm việc cho Huawei, họ sẽ được phát những cuốn sách ghi chép về những thành tựu của tập đoàn Trung Quốc này. Theo New York Times, một trong những thành tựu nổi bật nhất của Huawei là cách “gã khổng lồ” trong ngành viễn thông này phát triển thịnh vượng tại thị trường châu Âu.
Một trong số những cuốn sách được phát cho các “tân binh” đã dành một chương để mô tả về công việc khó khăn của các nhân viên Huawei trong việc lôi kéo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông châu Âu và bán cho họ các thiết bị được xem là “xương sống” của mạng lưới không dây di động. Mặc dù vậy, những cuốn sách này không nói nhiều về cách Huawei khéo léo vận động hành lang, hứa hẹn việc làm và đầu tư nghiên cứu để “lấy lòng” các chính phủ châu Âu trong suốt 15 năm qua.
Chẳng hạn tại Anh, Huawei đã thành lập một hội đồng quản trị đặc biệt do John Browne, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ BP, dẫn đầu. Huawei đã tài trợ cho các trường học, bao gồm Đại học Cambridge, tổ chức các bữa tiệc dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và quyên góp cho các quỹ từ thiện lớn như Prince’s Trust do Thái tử Anh Charles sáng lập.
Tại Đức, Huawei đã mở các cơ sở để tiến hành nghiên cứu những công nghệ sáng tạo mới và tài trợ cho các sự kiện, bao gồm hội nghị gần đây của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền.
Các chính phủ châu Âu cũng luôn chào đón Huawei. Năm ngoái, sau khi Huawei công bố cam kết chi 3 tỷ pound (khoảng 3,8 tỷ USD) trong 5 năm để mở rộng hoạt động tại Anh – nơi tập đoàn này đang tuyển khoảng 1.500 lao động, Thủ tướng Anh Theresa May đã tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Huawei Sun Yafang. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng chụp ảnh tại gian hàng của Huawei trong một triển lãm thương mại hồi năm ngoái.
Nguy cơ an ninh?
Video đang HOT
Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt hồi tháng 12 (Ảnh: Huawei)
Mặc dù đầu tư rất cẩn trọng, song vị thế của Huawei tại châu Âu hiện nay vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ. Mỹ quyết định hạn chế sử dụng công nghệ của Trung Quốc vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng cho mục đích gián điệp.
Hồi tháng trước, các nhà chức trách Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập tập đoàn này, với cáo buộc lừa đảo ngân hàng để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran, từ đó vi phạm các lệnh trừng phạt Tehran của Washington. Các công ty viên tại Seattle, Mỹ cũng đang vào cuộc điều tra Huawei với cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Cuộc khủng hoảng của Huawei cũng lan rộng tại châu Âu – thị trường lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Điều này cũng dự báo những nguy cơ mà Huawei phải đối mặt tại các khu vực khác trên thế giới. Trong tháng này, một trong số các nhân viên của Huawei đã bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc gián điệp.
Các nhà chức trách tại Đức, Pháp và Séc đang cân nhắc ngăn cản Huawei tham gia hệ thống mạng không dây thế hệ mới, hay còn gọi là 5G. Người đứng đầu cơ quan tình báo MI6 của Anh cũng cảnh báo về việc sử dụng công nghệ viễn thông của Trung Quốc. Các nhà mạng châu Âu, trong đó có Deutsche Telekom (Đức), đang xem xét lại việc sử dụng dịch vụ của Huawei. Đại học Oxford (Anh) gần đây thông báo sẽ dừng tiếp nhận các khoản viện trợ và học bổng từ Huawei.
“Trước khi có những cảnh báo đỏ được đưa ra về nguy cơ an ninh, công ty Trung Quốc vẫn vận hành thuận buồm xuôi gió tại châu Âu. Xu hướng mà chúng ta được chứng kiến trong 3 tháng qua là: (các nước) tìm ra các biện pháp điều chỉnh để hạn chế việc sử dụng thiết bị của Trung Quốc tại châu Âu”, Thorsten Benner, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin, Đức, nói về Huawei.
Theo Heli Tiirmaa-Klaar, nhà ngoại giao Estonia tham gia vào các cuộc thảo luận an ninh mạng với các quan chức Mỹ và châu Âu về Huawei, châu Âu đang “quay lưng” với Huawei do lo ngại về Trung Quốc, chứ không hẳn vì các hành động cụ thể của Huawei. Bà Heli đã điểm lại một loạt vấn đề gây nghi ngại của Trung Quốc như lịch sử tấn công mạng, đánh cắp bí mật thương mại, nhân quyền, kiểm soát internet và cả việc Trung Quốc ra quy định về an ninh mạng, trong đó yêu cầu các nhà mạng phải bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Bắc Kinh.
Huawei đã phủ nhận thẳng thừng rằng công ty này không làm gì sai phạm. Trong thông báo, Huawei cho biết họ đã “thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với các khách hàng, nhà cung cấp và chính phủ trên toàn châu Âu, nơi vấn đề an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu” của Huawei. Huawei cũng khẳng định sự tăng trưởng của họ tại châu Âu là kết quả của những thành tựu đã đạt được, chứ không phải nhờ vận động hành lang. Theo Huawei, việc kết nối với các quan chức chính phủ là chuyện phổ biến của các tập đoàn lớn.
Tầm phủ sóng tại châu Âu
Đối với các nước châu Âu, việc “quay lưng” với Huawei là điều không dễ dàng. Các thiết bị của Huawei là một phần trọng yếu trong hạ tầng không dây ở châu Âu. Công ty này cũng chi hàng trăm triệu USD để nghiên cứu mạng 5G, mở các trung tâm thử nghiệm ở Anh, Đức và Ba Lan. Huawei cho biết những nước cấm cửa Huawei như Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn quá trình xây dựng mạng lưới 5G mới này.
Đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc và bắt đầu đặt chân tới châu Âu từ năm 2001, Huawei phải chật vật mới giành được vị thế tại khu vực này. Thị trường châu Âu càng trở nên quan trọng hơn với Huawei sau khi tập đoàn này gần như bị loại khỏi thị trường Mỹ vào năm 2012 do các lo ngại về an ninh.
Vào năm 2004, do quá háo hức được tiếp cận các khách hàng châu Âu, Huawei đã dùng một container chở hàng, trang trí các thiết bị không dây của hãng này bên ngoài và đỗ xe trước cửa trụ sở của các nhà mạng tại Đức. Mục đích của chiến dịch quảng bá này là nhằm thu hút sự chú ý của các nhân viên làm việc cho các nhà mạng.
Huawei đã từng bước gặt hái được thành quả. Năm 2005, tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận cung cấp thiết bị cho BT Group – một hãng viễn thông lớn của Anh. Để chuẩn bị gói thầu cho dự án của BT, Huawei đã đưa khoảng 100 lao động Trung Quốc sang London và nhanh chóng thuê các căn hộ tại đây. Họ thường làm việc cho tới 3 – 4 giờ sáng.
Năm 2005, Huawei cũng giành được hợp đồng với nhà mạng Vodafone của châu Âu để bán khoảng 1 triệu USD tiền thiết bị. Sau đó, Huawei đặt ra mục tiêu mới là bán cho Vodafone 1 tỷ USD tiền thiết bị trong vòng 3 năm. Huawei cũng nhanh chóng mở một văn phòng tại tòa nhà của Vodafone ở Dusseldorf, Đức.
Ngày nay, 12.000 trong số 180.000 nhân viên của Huawei làm việc tại châu Âu, tăng so với con số 7.300 người vào năm 2013. Huawei dự định thuê thêm gần 3.000 người vào năm tới. Năm 2017, Huawei đạt doanh thu hơn 20 tỷ USD tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi, xấp xỉ 1/4 so với tổng doanh thu của cả tập đoàn.
Mặc dù các nhà chức trách Mỹ cảnh báo các đồng minh về nguy cơ an ninh từ thiết bị của Huawei, song tập đoàn này phần lớn đều không quan tâm tới các cáo buộc. Huawei vẫn mở một trung tâm thử nghiệm, nơi các nhà chức trách Anh có thể tới kiểm tra các sản phẩm của Huawei.
Huawei đã mở 23 cơ sở nghiên cứu và phát triển tại 14 nước châu Âu và hỗ trợ nghiên cứu tại hơn 150 trường đại học. Huawei cũng đón nhiều quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp từ châu Âu tới thăm trụ sở của tập đoàn tại Thâm Quyến. Trong bối cảnh bị chỉ trích như hiện nay, Huawei vẫn sẵn sàng gặp các khách hàng và quan chức chính phủ để xoa dịu lo ngại, bao gồm việc cho phép các quan chức Đức kiểm tra kỹ thuật và lập trình.
Thành Đạt
Theo Dantri/New York Times
Trung Quốc nói Canada "đâm sau lưng", dọa trả đũa nếu Huawei bị chặn tham gia mạng 5G
Đại sứ Trung Quốc cho rằng việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ là "đâm sau lưng" Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu Huawei bị chặn tham gia vào dự án mạng 5G của Ottawa vì lý do an ninh.
Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye (Ảnh: Global News)
SCMP đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye ngày 17/1 đã yêu cầu chính phủ Ottawa dừng việc kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế trong căng thẳng giữa 2 quốc gia. Ông Lu cho rằng việc Canada bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ vì cáo buộc "lừa đảo các tổ chức tài chính" ngày 1/12/2018 là hành động "đâm sau lưng". Ông cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Canada cấm Huawei tham gia vào dự án mạng 5G của Ottawa.
Chỉ vài ngày sau khi Canada bắt bà Mạnh, Trung Quốc đã bắt 2 công dân Ottawa khác là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc gây nguy hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc. Canada, EU, Mỹ và một số quốc gia khác đã chỉ trích việc Trung Quốc bắt giữ 2 ông Spavor và Kovrig là hành động thi hành pháp luật tùy tiện.
Trước đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định rằng vấn đề Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của bà tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ vào tuần tới. Bà cho biết sẽ tận dụng sự kiện này để kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế nhằm chống lại động thái bắt người của Trung Quốc.
Ông Lu cho rằng kế hoạch của bà Freeland là ý tưởng không tốt. Tuần trước, ông Lu cáo buộc Canada đi theo quan điểm "người da trắng thượng đẳng" khi yêu cầu thả 2 công dân của Ottawa. Bà Freeland khi đó lên tiếng rằng việc bắt giữ bà Mạnh là tuân thủ theo pháp quyền và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.
Canada vẫn đang kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đồng minh lên tiếng nhằm yêu cầu Trung Quốc thả 2 ông Kovrig và Spavor. "Đây không chỉ là vấn đề Canada quan tâm mà đã tiến tới phạm vi cộng đồng quốc tế. Ngày càng nhiều nước đồng tình với quan điểm của Canada về việc thực thi pháp quyền", bà Freeland cho biết.
Ngoài vấn đề bắt giữ công dân của nhau, căng thẳng Canada-Trung Quốc cũng đang xoay quanh vấn đề mạng viễn thông 5G của Ottawa. Canada đang nghiên cứu các khía cạnh liên quan tới an ninh quốc gia để quyết định xem có chặn Huawei tham gia vào dự án trên hay không trong bối cảnh có nhiều cáo buộc hướng về tập đoàn này.
Theo đó, Huawei được cho là có liên quan tới các kế hoạch gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Mỹ, Australia, Nhật Bản và một số chính phủ khác đã ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei với các hợp đồng chính phủ vì những quan ngại nói trên.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ SCMP
Ông Trump có thể ban hành sắc lệnh khẩn cấp quốc gia "cấm cửa" Huawei, ZTE Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc ban hành một sắc lệnh khẩn cấp quốc gia vào đầu tháng 1 tới, nhằm cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông của hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết. Mỹ lo ngại Huawei có thể là công...