“Sóng cuộn” trên con đường trăm tỷ!
Được đầu tư số tiền 822 tỷ đồng, mới được sử dụng 4 năm, nhưng đoạn đường tránh qua TP Thanh Hóa đã hư hỏng nặng với rất nhiều những “sống trâu” nổi dọc tuyến đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
1km hơn 80 tỷ đồng!
Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa do Công ty CP đường tránh TP Thanh Hóa thi công từ tháng 4/2005 và đưa vào sử dụng đầu tháng 9/2009với tổng chiều dài hơn 10km, chiều rộng nền đường 26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 5m. Toàn tuyến có 5 cầu, 5 nút giao. Tổng số vốn đầu tư 822 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. Như vậy kinh phí cho 1km là 82 tỷ đồng.
Những “sống trâu” xuất hiện dọc hàng cây số trên tuyến đường
Thế nhưng, đoạn đường chỉ mới đưa vào sử dụng được 4 năm, mặt đường đã hư hỏng, sình lún cục bộ, đặc biệt nền mặt đường trên tuyến bị lún lõm, vệt bánh xe tạo thành những “sống trâu”, rãnh rất sâu. Theo ghi nhận của PV, tình trạng xuống cấp của đoạn đường xuất hiện ngay từ điểm bắt đầu vào đường tránh. Nghiêm trọng nhất là những đoạn vượt cầu Kênh Vinh, cầu Đông Hải, đoạn qua QL 47, qua đại lộ Lê Lợi. Có khi sống trâu chạy dài cả cây số.
Một chị bán nước ở ven đường cho biết, đã có rất nhiều người đi đường qua đây rồi tự ngã. Đặc biệt là những ngày trời mưa thì những người lái xe máy bị trượt bánh xe ngã là chuyện thường.
Đoạn đường được chia thành nhiều làn lún lõm
Video đang HOT
Theo số liệu xử lý tai nạn giao thông của Đội CSGT, CA TP Thanh Hóa thì trong 3 năm trở lại đây đã có hơn 10 trường hợp tai nạn giao thông trên tuyến đường này, làm 10 người chết và một người bị thương nặng.
Chẳng biết kêu ai
Nhiều người dân tham gia giao thông qua đoạn đường này vô cùng bức xúc khi mà số tiền họ bỏ ra đóng mỗi khi qua chốt cao gấp đôi những nơi khác nhưng chất lượng con đường lại quá kém.
Cận cảnh những đoạn lồi lõm trên đường
Anh Lê Mạnh Hùng, người lái xe chở hàng tuyến Hà Nội – Đà Nẵng cho biết: “Mỗi khi chạy qua tuyến đường này cứ phải lựa tay lái cho cẩn thận vì chỉ cần trật bánh lên “sống trâu” là có thể lật xe như chơi. Tiền qua chốt vé chúng tôi đóng gấp đôi những trạm khác nhưng bù lại thì như thế này đây. Thế nhưng dân chúng tôi chẳng biết kêu ai cả. Tình trạng hư hỏng, xuống cấp thế này cũng đã lâu lắm rồi nhưng có thấy ai sửa chữa gì đâu”.
Ông Hoàng Văn Đồng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Thanh Hóa, cho biết: “Tuyến đường này của Bộ GTVT, hiện đang giao cho Công ty cổ phần B.O.T đường tránh Thanh Hóa quản lý, khai thác nên dù biết nó có dấu hiệu xuống cấp Sở cũng bất lực vì không có quyền hạn gì cả. Về mặt nhà nước, chúng tôi đã có rất nhiều công văn gửi Ban B.O.T về tình trạng xuống cấp và kiến nghị Bộ đôn đốc đơn vị quản lý, nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy xử lý”.
Điều khó hiểu nữa là trạm thu phí của đoạn đường này không phải đặt ở đầu đường tránh mà lại đặt qua đường tránh cách 30 km và số tiền thu gấp đôi những trạm khác.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Về thăm vùng biển có gần 200 phụ nữ góa chồng
Trở về mảnh đất có gần 200 người phụ nữ góa chồng mới thấm bao nỗi đau không thể nói bằng lời...
Chúng tôi tìm về Ngư Lộc (Hậu Lộc- Thanh Hóa) đúng vào mùa biển động dữ dội, những đợt sóng như những con thú dữ lao thẳng về phía trước rồi ập xuống như muốn kéo tất cả về biển.
Những người phụ nữ góa bụa nơi này vẫn ngày ngày mải miết với cuộc sống mưu sinh và đêm đến họ lại gặm nhấm nỗi cô đơn khi vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha của những đứa con đang tuổi ăn học.
Có 180 phụ nữ ở Ngư Lộc đã phải mang trên đầu vành tang trắng của chồng, hậu quả từ những chuyến ra khơi không trở về. Biển đầy ắp cá tôm nhưng biển cũng dữ tợn và tàn nhẫn, bởi vậy số phụ nữ góa chồng cứ tăng theo năm tháng.
Biển đã lấy đi quá nhiều nước mắt và nỗi đau của những người phụ nữ quê biển
Tột cùng nỗi đau ở Ngư Lộc là bà Trần Thị Bảy, người đàn bà cùng lúc gánh nỗi đau mất 2 con trai, một người con rể và một cháu trai. Nỗi đau đớn trong giây phút kinh hoàng ngày ấy giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người đàn bà khốn khổ với trái tim nhiều vết cứa này.
Nỗi đau quá lớn của gần 20 năm trước dường như đã lấy kiệt đi nước mắt của bà. Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọt nước mắt đục ngầu hiếm hoi trong hõm mắt sâu. Ấy là vào một đêm cách đây 17 năm về trước. Một cơn "đại hồng thủy" đã cướp đi 54 sinh mạng chỉ trong một đêm. Kể từ năm 1996 đến nay, có lẽ hàng ngàn người dân Ngư Lộc vẫn chưa thể nguôi ngoai về nỗi đau kinh hoàng ấy. "Hôm đó trời mưa tầm tã, nhấn chìm cả Ngư Lộc trong biển nước, những ngôi nhà rệu rạo như muốn đổ ụp xuống bởi gió bão. Tôi cố gắng băng qua biển nước đi về phía bờ biển Diêm Phổ cùng hai con dâu, và các cháu nhỏ với hy vọng rằng người thân vẫn còn sống. Nhưng những đợt sóng hung dữ, những con thuyền nát, lật tứ tung đã là câu trả lời. Không khí tang thương, đớn đau chưa từng thấy, hàng trăm phụ nữ, trẻ con, người già khóc lóc thảm thiết khi lần lượt hàng chục xác ngư dân được tìm thấy xác đưa lên bờ. Lúc đó chân tôi như níu lại nhưng cố gắng lê từng bước tìm con trong số những ngư dân còn sống sót. Nhưng không, tôi không thể tin vào nổi mắt mình khi phát hiện những đứa con mình nằm ngay dưới mép biển. Số người chết cứ tăng dần từ 10 rồi 20, 30, 40, 50...Tôi như chết đi cả con người" - bà Bảy lén lau nước mắt nhớ lại.
Không dừng lại ở đó, năm 2010, những người con của biển lại một lần nữa nằm lại giữa biển khơi bao la. Chiếc tàu của gia đình ông Đô Chữ ở thôn Chiến Thắng với 9 thuyền viên bị mất tích. Trong đó, gia đình ông Đô có 3 người con trai đều đi trên chuyến tàu định mệnh đó. Năm 2011 chiếc tàu đánh cá của ông Tăng Viết Xô ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc cũng theo sóng biển ra đi với 9 thuyền viên.
Nỗi đau của người mẹ, người vợ biết bao giờ nguôi ngoai?
Nỗi đau từ những chuyến ra khơi mà ngàn đời này, người dân Ngư Lộc có lẽ không bao giờ hết ám ảnh, không bao giờ có thể nguôi ngoai. Có lẽ bởi vậy mà chiều về, niềm vui của những người phụ nữ nơi đây không phải là tôm cá đầy thuyền mà là nhìn thấy gương mặt người thân của mình trở về bình yên.
"Từ khi chồng mất, bên tôi chỉ có 3 đứa con là niềm an ủi , nhiều lúc tôi cứ muốn quên đi tất cả, nhưng nghĩ những đứa con thơ dại, tôi lại an ủi mình tiếp tục sống" - Chị Lê Thị Quyên tâm sự.
Còn chị Hoàng Thị Hoa có chồng mất tích trong tai họa năm 1996. Gần 20 năm qua, người phụ nữ này gồng gánh nuôi 5 đứa con ăn học. Giờ đây 3 con của chị đã học lên Đại học, cao đẳng. Chị bảo đó là niềm hạnh phúc và động lực để chị sống tiếp và cũng bởi vì sống tiếp cả phần đời còn lại của chồng nên phải sống sao cho ý nghĩa.
Vượt qua nỗi đau, những người phụ nữ ấy vẫn kiên cường đứng lên gồng gánh cuộc đời vì con cái
Không chỉ chị Hoa, chị Quyên mà hàng trăm phụ nữ khác, họ vẫn sống kiên cường vượt lên số phận. Vùng biển đã sinh ra những người phụ nữ có một trái tim sắt đá và nghị lực phi thường để chống chọi lại với những sóng gió, mất mát đau đớn có thể đến bất cứ lúc nào...!
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Nam thanh niên tử vong do không đội mũ bảo hiểm Đường đông, thiếu quan sát, nam thanh niên đi xe máy đã va quẹt vào một ô tô đi ngược chiều. Do không đội mũ bảo hiểm, nạn nhân bị ngã đập đầu xuống đất đã tử vong ngay tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 20giờ ngày 7/11, nạn nhân (chưa xác định được danh tính), điều khiển chiếc xe...