Sống cùng Đài Tiếng nói Việt Nam trong mưa bom, bão đạn
Đài là vũ khí có sức mạnh to lớn, vạch trần âm mưu xâm chiếm, chia cắt đất nước của kẻ thù
Trong hai cuộc kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam là cầu nối hai miền Bắc – Nam cả về chính trị và tình cảm. Đài là vũ khí có sức mạnh to lớn, vạch trần âm mưu xâm chiếm, chia cắt đất nước của kẻ thù và tuyên truyền, cổ vũ nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu, giành độc lập dân tộc. Trong hoàn cảnh bom đạn đánh phá ác liệt, những cán bộ, phóng viên, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã không quản hy sinh, gian khổ để giữ vững “cây cầu” nối 2 miền Nam – Bắc đó.
Ông Đặng Trung Hiếu bên những kỷ vật về Đài TNVN.
Tháng 10/1956, nhà báo Trần Đắc Lộc chuyển sang công tác ở Ban Biên tập miền Nam – Đài Tiếng nói Việt Nam với bút danh Viễn Kính. Ở tuổi đôi mươi, chàng trai quê Cần Thơ mang trong mình niềm đam mê văn chương và ấp ủ những hoài bão đẹp. Nhà báo Đắc Lộc cho biết, khi bước vào nghề, chúng tôi mới hiểu được thế nào là khó khăn, gian khổ của một phóng viên thời chiến. Những phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ tác nghiệp chỉ bằng cuốn sổ và cây bút. Ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm mà bom đạn thì cứ dội xuống liên miên. Ấy vậy mà những phóng viên của Đài vẫn sáng tạo và hoạt động “hết công suất”. Mỗi bài được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là mỗi lần phóng viên được tiếp thêm năng lượng để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Nhà báo Trần Đắc Lộc nói: “Chúng tôi lúc đó làm việc không tính toán ngày giờ. Buổi sáng đi họp giao ban viết ngay một bài cho buổi trưa. Nhưng đến buổi trưa, viết xong nhận nhiệm vụ viết bài khác. Nghĩa là viết không kịp thở. Một tuần phóng viên viết 7 bài mà không nghĩ đến tiền nong hay chế độ đãi ngộ gì”.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của cách mạng, tiếng nói của nhân dân cả hai miền Nam – Bắc. Cán bộ và nhân dân ta nghe Đài để nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình chiến sự trong nước và quốc tế. Kẻ địch thì nghe Tiếng nói Việt Nam để thăm dò phản ứng của chính quyền cách mạng Việt Nam mỗi ngày. Những bài viết phát trên sóng của Đài đánh trúng điểm yếu của kẻ địch, khiến chúng điên cuồng và xem Đài Tiếng nói Việt Nam là mục tiêu quan trọng hàng đầu để đánh phá.
Đối với nhà báo Huy Lan, một thời lăn lộn với nghề khi làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng ở Trung ương Cục miền Nam (nay thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh) là những kỷ niệm không thể nào quên. Những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông và các đồng đội đã leo núi, lội suối, băng sông để đưa những thông tin mới nhất về phong trào cách mạng ở miền Nam đến với nhân dân cả nước.
Trong 6 năm làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng, nhà báo Huy Lan không còn nhớ hết có bao nhiêu lần giặc Mỹ và tay sai càn quét, bắn phá. Những năm 1969-1970, có những trận càn của địch làm chia cắt liên lạc, chặn đường tiếp tế lương thực giữa căn cứ Trung ương cục miền Nam với những vùng lân cận. Các phóng viên phải tìm mọi cách thoát khỏi vòng vây để tác nghiệp.
Video đang HOT
Thành công của các phóng viên là nhờ một phần rất lớn từ sự cưu mang, che chở, giúp đỡ của nhân dân. Thông qua Đài Phát thanh Giải phóng, đồng bào miền Nam luôn vững tin vào tiếng nói của Đảng, tiếng nói của cách mạng và con đường đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong mưa bom, bão đạn, nhiều phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng thời chống Mỹ đã hy sinh trong khi đang tác nghiệp trên chiến trường.
Nhà báo Huy Lan nhớ lại: “Cuộc chiến đấu của đồng bào ta ở miền Nam lúc đó rất sôi động, đòi hỏi người phóng viên phải làm việc không mệt mỏi. Chúng tôi nhiều khi phải vừa viết, vừa chạy. Những trận càn của giặc thì anh em phải đào hầm rồi ngồi ở dưới hầm viết. Khi chuyển ra đến Hà Nội, ngày hôm sau nghe đài ở trong này thấy bài của mình được phát thì phấn khởi lắm”.
Trong căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM, ông Đặng Trung Hiếu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật phát thanh thuộc Tổng Cục Bưu điện – Truyền thanh và Nghệ sỹ ưu tú Trần Thị Ngọc Linh (nghệ danh Việt Hà) – vợ ông, người gắn bó 20 năm với nghiệp Xướng ngôn viên của Đài đã dành một không gian nhỏ để lưu giữ những kỷ vật về một thời hoa lửa. Đó là chiếc Radio cũ kỹ, chiếc máy đánh chữ cùng những bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ và các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam… Đối với vợ chồng ông, đó là những thứ rất đáng trân trọng về những tháng năm gắn bó với làn sóng quốc gia. Cũng từ “ngôi nhà” 58 Quán Sứ, Hà Nội, ông bà đã gặp nhau để rồi tình yêu đơm hoa, kết trái.
Nghệ sỹ ưu tú Việt Hà (Ngồi thứ 3 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp được đến thăm bác Hồ, tháng 2 năm 1967.
Ông Đặng Trung Hiếu cho rằng mình rất may mắn vì là người được chứng kiến những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Ông là người có mặt trong ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) và tiếp quản Sài Gòn (30/4/1975); đồng thời là một trong những người đầu tiên tiếp quản Đài Phát thanh của Pháp ở miền Bắc và Đài Phát thanh của chế độ Mỹ – Ngụy ở miền Nam. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, những người làm công tác kỹ thuật của Đài đã có nhiều sáng tạo để làn sóng Tiếng nói Việt Nam luôn được giữ vững.
Ông Đặng Trung Hiếu nói: “Cái đêm giặc Mỹ dùng chiến thuật pháo đài bay để bắn phá miền Bắc đó, tôi được phân công ở lại Đài làm nhiệm vụ. Đồng chí Trần Lâm hôm đó cũng ở lại để chỉ huy biên tập bên Quán Sứ. Trong đêm, đồng chí ấy điện qua hỏi: “Bây giờ Mễ Trì bị đánh sập rồi, giờ làm sao”?. Tôi mới nói rằng: “Y như kế hoạch chúng ta đã chuẩn bị trước”. Sáng hôm sau, nhân dân thủ đô không hề biết trạm phát sóng Mễ Trì bị đánh sập, bởi vì chúng ta phát bằng sóng đặt ở 45 Bà Triệu. Rất nhiều người trong ngành cũng không hiểu được điều đó, vì tất cả những kế hoạch chúng ta thực hiện đều là bí mật”.
Chiến tranh đã dần lùi sâu về quá khứ. Những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài năm xưa nay đã tóc bạc, da mồi. Tuy nhiên, những tháng năm họ đã sống, làm việc và cống hiến đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt 70 năm đồng hành cùng đất nước./.
Thanh Trung
Theo_VOV
Người làm nghề phát sóng phát thanh
Càng tự hào hơn, người bạn đời cũng luôn sát cánh, cùng các con kế tục nghiệp bố, góp phần nối dài cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam
Suốt chiều dài lịch sử vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển của Đài TNVN, ông Trần Văn Đốc luôn tự hào đã gắn bó với nghề kỹ thuật phát sóng ngót 40 năm. Càng tự hào hơn, người bạn đời cũng luôn sát cánh, cùng các con kế tục nghiệp bố, góp phần nối dài cánh sóng của Đài TNVN không ngừng bay cao, bay xa.
Dù đã nghỉ hưu, hàng ngày ông Trần Văn Đốc vẫn dõi theo làn sóng của Đài TNVN .
Năm 1970, chàng thanh niên Trần Văn Đốc từ quê lúa Thái Bình bước vào nghề kỹ thuật phát thanh tại Đài TNVN, với công việc chính là sửa chữa, lắp đặt các thiết bị tại Đài phát sóng Mễ Trì. Chỉ hai năm sau, Đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm bom xuống thủ đô Hà Nội, Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì là mục tiêu trọng yếu, nên cũng bị bom oanh tạc phá sập, Tiếng nói Việt Nam đột ngột ngừng phát gần 9 phút, đồng bào, chiến sĩ cả nước hồi hộp, lo âu.
Cùng với quân và dân thủ đô 12 ngày đêm làm nên Chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", những người thợ kỹ thuật phát thanh như ông Trần Văn Đốc khi đó cũng ngày đêm "chiến đấu" trong mưa bom bão đạn để giữ vững làn sóng quốc gia. Công việc đó, theo ông Đốc là vô cùng hãnh diện. "Lớp trẻ chúng tôi hồi đó vô cùng hãnh diện được phục vụ cho làn sóng phát thanh, công việc rất là lớn lao. Tôi nhớ nhất là giữa năm 1972, anh em được lệnh sơ tán ra khỏi tổng kho đài Mễ Trì đi sơ tán về Quốc Oai, lắp thiết bị ở trong đài CK2, trong hang Núi Vàng. Địch đánh phá rất nhiều lần, tuy vất vả, gian khổ nhưng anh em chúng tôi vẫn vui vẻ làm việc suốt ngày đêm; làm việc liên tục để đưa tín hiệu lên. Địch đánh phá 12 ngày đêm, anh em chúng tôi túc trực liên tục ở trong hang, phát sóng kịp thời, đảm bảo an toàn và nâng cao tầm Tiếng nói Việt Nam".
Đầu năm 1973, với thắng lợi lịch sử của Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại, ông Trần Văn Đốc cùng những người thợ kỹ thuật phát thanh của Đài TNVN lên đường xây dựng nhiều cơ sở đài, trạm phát sóng khắp vùng căn cứ cách mạng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh như Cao Bằng, Tân Trào, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Khu Tây Bắc, Việt Bắc, Lào Cai, Hòa Bình.... Đồng thời, ông cùng đội quân kỹ thuật nhiều lần sang Lào để lắp đặt, sửa chữa các hệ thống phát thanh, truyền thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia Lào.
Giải phóng miền Nam, non sông nối liền một dải, kỹ thuật viên Trần Văn Đốc lại vác ba lô "Nam tiến", tham gia tiếp quản, sửa chữa, lắp đặt, nâng cấp đài phát sóng ở các địa phương khu vực miền Trung; từ Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng, Bình Định đến Khánh Hòa. Những cơ sở này bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đã được những người thợ kỹ thuật phát thanh nhanh chóng khôi phục, hoạt động trở lại. Rồi ông lại cùng đoàn quân kỹ thuật tiếp tục hành trình vào tận các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, lắp đặt các trạm phát thanh phục vụ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Trở về thủ đô Hà Nội, ông tham gia vào đại công trường xây dựng Đài phát sóng VN1 có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đối với ông, được làm việc cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật của Liên Xô (cũ) với toàn bộ trang thiết bị, máy móc, vật tư, kỹ thuật phát thanh hiện đại để xây dựng cơ sở phát sóng cho Đài TNVN là niềm vinh dự lớn trong nghề. Và đây cũng là nơi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát lệnh phủ sóng biển Đông vào năm 2009.
25 năm gắn bó với nghề kỹ thuật phát thanh, lặn lội trong bom đạn chiến tranh ác liệt, ra Bắc vào Nam và nhiều lần sang tận nước bạn Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, những tưởng sẽ dừng chân ở thủ đô Hà Nội, nhưng cái nghiệp kỹ thuật phát thanh thêm một lần nữa đưa ông vào với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đấy là vào năm 1994, ông Trần Văn Đốc cùng đoàn cán bộ của Đài TNVN vào tiếp quản Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc ở thành phố Buôn Ma Thuột.
Đây là cơ sở phát thanh của chế độ cũ được xây dựng từ năm 1960, đã xuống cấp, xập xệ. Ngay sau khi tiếp quản, được sự đầu tư của Đài TNVN, đài phát sóng phát thanh Đắc Lắc được nâng cấp toàn diện. Với khuôn viên rộng gần 20 hec-ta, đài được xây dựng tường rào kiên cố. Cột ăng-ten phát sóng cao gần 200 mét cùng hệ thống máy móc, thiết bị được nâng cấp hiện đại, công suất lớn, đủ để phủ sóng toàn vùng Tây Nguyên rộng lớn, với thời lượng 20/24 giờ trong ngày. Cùng với việc tiếp sóng VOV1, VOV2, đây cũng là nơi phát sóng chương trình phát thanh nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số (VOV4).
Xác định Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình, ông Trần Văn Đốc đã đưa cả gia đình vào sinh sống, rồi cùng nhau gắn bó với nghề kỹ thuật phát sóng phát thanh. Ở Tây Nguyên, Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc là một trong những mục tiêu quan trọng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong những năm 2001, 2004, kẻ xấu xúi giục, kích động, gây bạo loạn, cơ sở phát sóng do ông Đốc quản lý lại thêm một lần được tăng cường bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giữ vững làn sóng của đài phát thanh quốc gia.
Đài phát sóng phát thanh Đăk Lăk (thuộc Đài TNVN) phủ sóng toàn vùng Tây Nguyên.
Suốt chặng đường 40 năm gắn bó miệt mài với nghề kỹ thuật phát sóng phát thanh, trải qua bom đạn chiến tranh, đi khắp miền đất nước và ra cả nước ngoài, rồi lên Tây Nguyên, ông Đốc cũng chỉ làm một nghề đó. Nay đã nghỉ hưu, gia đình ông sống quây quần trong căn nhà nhỏ cạnh Đài phát sóng Phát thanh Đắc Lắc. Hai người con trai lại tiếp tục nối nghiệp bố. Cầm chiếc radio nhỏ trên tay, dò sóng từng chương trình, nghe rõ nét, ông Trần Văn Đốc khẳng định, đó chính là niềm vinh dự, tự hào, niềm hạnh phúc của những con người làm nghề phát sóng phát thanh.
"Bản thân tôi giờ đã nghỉ hưu rồi. Sống ở trên khu vực Tây Nguyên, thấy ngày càng phát triển. Các cháu đều làm việc nối nghiệp của bố, gia đình rất phấn khởi.Theo nghiệp bố thì các cháu luôn luôn được rèn luyện. Chúng tôi rất mong muốn các cháu làm việc ngày càng tốt hơn, phát triển hơn; cùng nắm vững được thiết bị, phấn đấu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp của bản thân mình". Ông Đốc nói./.
Quốc Học
Theo_VOV
Sơ duyệt diễu binh kỷ niệm Quốc khánh 2/9 Sáng 26/8, tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Miếu Môn (Hà Nội) đã diễn ra buổi sơ duyệt Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tham dự buổi sơ duyệt này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi sơ duyệt...