Sóng cấp 7, tàu chở xe tăng T-54 lật trên biển: May mà lính tăng biết bơi!
14h, tàu nghiêng dần về bên trái, ngày một tăng rõ rệt. Lái xe Lâm hỏi đồng chí lái tàu thì được biết nước đang rò rỉ vào khoang chở xe tăng còn máy bơm nước đã bị hỏng.
Sóng cấp 7, tàu chở xe tăng T-54 lật trên biển: May mà lính tăng biết bơi!
Cuối năm 1971, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 rất nhiều đơn vị xe tăng lên đường vào chiến trường trong đó Tiểu đoàn 512 thuộc Trung đoàn 203. Sở dĩ nó có tên như vậy vì đó chính là ngày mà tiểu đoàn nhận lệnh đi chiến trường – ngày Mồng 5 tháng 12 năm 1971.
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,…
Chuyến đi bão táp
Để đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam có nhiều lộ trình khác nhau tùy theo tình hình cụ thể từng thời điểm.
Song lộ trình tối ưu, có ý nghĩa tiết kiệm nhất đối với hành trình dự trữ của xe tăng là: dùng tàu hỏa chở xe tăng vào Vinh; từ Vinh dùng tàu thủy chở xe tăng vào Đồng Hới (hoặc Long Đại); từ đó xe tăng sẽ bắt đầu hành quân bộ theo các ngả đường về các chiến trường khác nhau.
Loại tàu thủy chở xe tăng thời đó được bộ đội ta gọi nôm na là “tàu há mồm” hay “tăng-kít” cũng vậy. Đó là loại tàu vận tải cỡ nhỏ thuộc biên chế của Hải quân song hoạt động theo lịch của Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.
Tàu có một cửa ở phía mũi có thể hạ xuống cho xe tăng hoặc xe ô tô bò lên, có lẽ chính vì vậy mà người ta gọi nó là tàu “há mồm” chăng?
Trọng tải của tàu khoảng 50 tấn nên nếu chở xe tăng T-54, T-59 thì chỉ được một chiếc; còn nếu chở loại xe thiết giáp K-63 thì có thể chở được 2 chiếc. Gọi là tàu cho oai chứ thực ra nó chỉ như một cái xà-lan mà thôi.
Vì số lượng tàu có hạn, phải chạy quay vòng nhiều chuyến nên ngày 20 tháng 12 năm 1971 hai chiếc xe cuối cùng của tiểu đoàn 512 mới được lên tàu: một chiếc xe của trung đội trưởng Do và một chiếc của lái xe Lê Hồng Lâm. Đi cùng với xe Lâm có đồng chí Khai – Đại đội phó kỹ thuật và đồng chí Oánh pháo thủ.
Ngoài 3 chiến sĩ xe tăng thì trên chuyến tàu này còn có 10 cán bộ, chiến sĩ hải quân, bao gồm đồng chí đại đội trưởng, 3 thuyền trưởng và 6 thuyền viên. Sở dĩ tàu đông như vậy vì đây là chuyến tàu cuối của đợt vận chuyển này nên sẽ đưa toàn thể anh em trong đơn vị về tập kết ở khu vực Long Đại để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22 tháng 12.
Chuẩn bị cho ngày Tết quân đội, cánh Hải quân còn mang cả lợn gà, gạo nếp và rất nhiều thực phẩm tươi sống đi cùng. Anh em hải quân còn cho biết trong số này có đồng chí Núi, chiến sĩ nuôi quân đã 29 tuổi chuẩn bịvề phép cưới vợ sau đợt vận chuyển này nên không khí trên tàu rất vui vẻ.
Sáng sớm ngày 20 tháng 12, xe được đưa lên tàu. Sau khi chèn chống và dùng dây thép chằng buộc cẩn thận, một chiếc xà-gồ được lao dọc theo tàu trên nóc xe và được phủ bạt lên kín mít trông như những tàu chở hàng thông thường. Ngay sau đó, tàu rời Bến Thủy theo sông Lam ra Cửa Hội từ lúc mặt trời chưa lên.
Hôm đó có gió mùa đông bắc thổi khá mạnh phải đến cấp 6, cấp 7 song vì nhiệm vụ gấp nên đoàn vẫn quyết định sẽ đi.
Chẳng mấy chốc tàu đã ra đến biển và chuyển hướng về phía nam. Lúc này gió càng to hơn và sóng cũng mạnh hơn. Bàu trời xám xịt một màu nặng chịch, nhìn vào bờ chỉ thấy một vệt xanh mờ.
Phía Hải quân cho biết do sóng to, gió lớn nên tàu không đi xa hẳn ra ngoài như thông thường mà sẽ chỉ đi cách bờ khoảng vài km mà thôi. Thuyền trưởng trấn an mọi người “Sóng to gió lớn thế này càng đỡ sợ máy bay”!
Mặc dù vậy, con tàu nhỏ bé vẫn liên tục bị dồi lên, giật xuống và lắc lư liên tục. Lần đầu đi biển lại bị sóng dồi như vậy nên cả ba chiến sĩ xe tăng lập tức bị say sóng và nằm bẹp trong ca-bin của tàu.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, tàu nghiêng dần về bên trái (theo hướng tiến của tàu). Độ nghiêng ngày một tăng rõ rệt. Lái xe Lâm là người còn tỉnh táo hỏi đồng chí lái tàu thì được biết nước đang rò rỉ vào khoang chở xe tăng trong khi máy bơm nước đã bị hỏng.
Video đang HOT
Chính lượng nước rò vào quá nhiều đã làm cho tàu bị nghiêng và chạy rất chậm. Lúc này, theo quyết định của thuyền trưởng, một góc bạt được tháo ra và tất cả mọi người tập trung lại đó để tát nước ra.
Trong khi đó, chiếc tàu kia vẫn giữ nguyên tốc độ và khoảng cách giữa hai tàu ngày một xa. Ngày đó, các tàu vận tải loại này chưa có bộ đàm để liên lạc với nhau.
Mặc dù rất tích cực tát nước nhưng sức người không thể thắng nổi sức nước nên độ nghiêng của tàu ngày càng lớn hơn. Đúng lúc đó, một cơn sóng lớn đánh vào mạn làm con tàu đột nhiên nghiêng hẳn đi, các chiến sĩ trong ca-bin vội chui ra ngoài.
Thật là may mắn vì ngay sau đó tàu bị lật úp xuống còn bọn họ cũng kịp thời trèo được lên “bụng” tàu mà quần áo vẫn khô.
Hải quân Nga diễn tập đổ bộ xe tăng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
May mà biết bơi!
Ngoài mấy chiến sĩ đang ngồi trên “bụng” tàu thì tất cả các chiến sĩ đang tát nước giờ đây đều đã bị văng xuống biển và đang hình thành hai, ba tốp bơi xung quanh con tàu. Do bị bất ngờ nên tất cả súng ống, trang bị và phao cứu sinh đều không kịp lấy nên anh em đều đang bơi vo cả.
Một vài người thì bám được vào cái can hoặc thùng phuy rỗng. Còn con tàu vẫn nổi được có lẽ là do: sau khi tàu bị lật úp thì chiếc xe tăng đã rơi xuống biển rồi và cái khoang chở xe tăng với khoảng trống đó đã trở thành một cái phao bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, với điều kiện sóng to gió lớn đến cấp 6 như thế này thì chắc chắn nó chỉ nổi được một thời gian ngắn nữa rồi sẽ chìm mà thôi.
Quả thật như vậy! Chống chọi với sóng biển thêm vài phút nữa thì tàu chìm hẳn. Tất cả các chiến sĩ trên đó buộc phải nhảy xuống biển bất chấp không khí và nước biển đều rất lạnh. Rất may, các chiến sĩ xe tăng cũng đều biết bơi và bơi khá tốt.
Lúc đầu, họ nương theo chiều gió để bơi hướng vào bờ nhưng sóng lớn quá nên đoàn nhanh chóng bị tách thành hai nhóm cách xa nhau vài chục mét. Không có phao, lại vướng quần áo nên chẳng mấy chốc tất cả đều đã mệt phờ.
Trong khi đó chiếc tàu vẫn nổi lập lờ chưa chịu chìm hẳn nên một nhóm quyết định quay lại đó hy vọng cầm cự được càng lâu càng tốt để chờ cứu viện.
Lúc này, bụng tàu cũng đã chìm trong nước và chỉ có chỗ chân vịt tàu là nhô cao hơn cả nên anh em cùng bám vào đó. Tuy nhiên, tất cả đều biết rõ rằng chỉ không lâu nữa con tàu này sẽ chìm hắn và họ sẽ không còn cái gì mà bấu víu.
Một tình thế tuyệt vọng đang đến với nhóm chiến sĩ này. Đau đớn hơn nữa là họ không có cách nào để kêu cứu hoặc nhờ vả mọi người đến giúp đỡ mình. Giá như lúc đó có khẩu AK hoặc khẩu súng tín hiệu mà bắn lên trời thì thế nào cũng tạo được sự chú ý chứ có kêu gào đến mấy ở giữa biển khơi này cũng không ai nghe thấy.
Đang hết sức bi quan thì một thanh gỗ dài chừng hơn 4 mét bỗng nổi lên và trôi lập lờ ngay cạnh tàu. Thì ra đó chính là thanh xà gồ dùng làm xà nóc khi họ trùm bạt lên khoang chở xe tăng của tàu.
Chắc là đến lúc đó sóng gió mới giải phóng nó khỏi các mối dây buộc và nó mới nổi lên được. Đồng chí đại đội trưởng hải quân cao giọng: “Chiếc tàu này trước sau cũng bị chìm. Ta không thể bấu víu vào nó mãi được.
Bây giờ chỉ còn cách bám vào cây gỗ kia rồi cùng bơi vào bờ mà thôi!”. Ai cũng thấy thế là có lý và ngay sau đó họ rời cái chân vịt tàu chuyển sang bám vào cây gỗ rồi nhằm hướng đất liền bơi vào.
Cuộc chiến đấu kiên cường trên biển cả và tấm lòng người dân Hà Tĩnh
Có thể nói rằng cây xà- gồ hôm đó chính là cứu tinh của nhóm cán bộ, chiến sĩ đó vì chỉ vừa rời khỏi tàu một lát thì con tàu hoàn toàn mất dạng dưới làn nước xám lạnh lẽo.
Tuy nhiên, do cây gỗ khá nhỏ, lại đã ngấm nước nên họ chỉ được bám vào đó một cách nhẹ nhàng thôi và phải bơi bằng sức mình là chính, lúc nào quá mệt thì mới nương vào nó.
Để đỡ nặng và vướng víu, các cán bộ chiến sĩ gỡ bỏ hầu hết các thứ trên người như quần áo ngoài, giày dép…
Nhưng cũng vì thế mà ngực, đùi và hai cánh tay trầy xước, bầm tím hết cả. Cũng may, gió mùa đông bắc đang thổi rất mạnh nên họ bơi vào bờ gần như xuôi gió. Lòng ham sống cùng với ý chí quyết tâm phải trở về đơn vị đã cố kết anh em lại và cho họ nguồn động lực lớn lao để vượt qua sóng gió biển khơi.
Thật may cho họ là khi trời đã sâm sẩm tối thì thấy xuất hiện phía trước mấy chiếc thuyền đánh cá của ngư dân. Họ vội vàng hò hét, vẫy gọi… và thật là kỳ diệu: các ngư dân đã phát hiện ra họ. Khi được bà con kéo lên thuyền và ủ ấm cho các chiến sĩ xe tăng đều ngất đi không biết gì nữa.
Họ chỉ tỉnh lại bên một đống lửa trong ngôi nhà nhỏ của một ngư dân lúc đêm đã xuống. Sau khi được ăn một bát cháo nóng họ mới dần tỉnh táo trở lại. Đến lúc này thì họ mới được biết những người đã cứu mình là ngư dân của xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Thật đau xót, trong số 13 anh em trên con tàu định mệnh đó thì bà con đã cứu được 12 người. Chỉ duy nhất người chiến sĩ nuôi quân chuẩn bị nghỉ phép về cưới vợ là không cứu được. Ngay cả thi thể của anh cũng không tìm thấy. Anh đã ở lại với biển khơi cùng với con tàu và chiếc xe tăng xấu số.
Những ngày sau đó họ tiếp tục sống trong sự cưu mang, đùm bọc của bà con. Dù còn rất nghèo nhưng bà con ở đây đã thật sự “nhường cơm, sẻ áo” cho bộ đội. Nói như vậy vì khi được cứu trên người họ chỉ có duy nhất chiếc quần lót.
Giữa mùa đông lạnh lẽo, bà con đã phải huy động tất cả những thứ gì có thể để chống rét cho nhóm bộ đội.
Toàn bộ tình hình nhanh chóng được địa phương báo cáo lên trên. Ba ngày sau, ba chiến sĩ xe tăng được đón về Vinh và đi ô tô vào vị trí tập kết của trung đoàn tại đập Cẩm Ly, Quảng Bình để chuẩn bị tham gia chiến dịch Quảng Trị 1972.
Họ bịn rịn chia tay các đồng đội hải quân và bà con xóm chài để về đơn vị. Câu đầu tiên ba anh em báo cáo với đồng chí cán bộ đến đón về là: “Cũng may là cả ba anh em tôi đều biết bơi!”.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Hồng Lâm, nguyên chiến sĩ lái xe tăng Tiểu đoàn 512, nguyên phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp)
(Theo Thời đại)
Không cần Nga, Israel, Việt Nam tự lực nâng cấp tăng T-54/55?
Việt Nam đã tự nghiên cứu thành công giáp phản ứng nổ, hệ thống điều khiển hỏa lực, thiết bị cảnh báo an toàn cho xe tăng T-54/55.
Dù đã có thông tin cho rằng Việt Nam đã mua xe tăng T-90MS từ Nga, tuy nhiên lâu dài thì xe tăng T-54/55 vẫn là "xương sống" trong lực lượng tăng - thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, như đã biết, sau gần nửa thế kỷ sử dụng, xe tăng T-54/55 đã xuống cấp nhiều, nhiều trang bị hỏng hóc không thể thay mới, tính năng kỹ thuật không còn đủ để tác chiến hiện đại. Vì vậy nhu cầu nâng cấp, sửa chữa, thay mới thiết bị là cần thiết để duy trì sức chiến đấu trong toàn quân.
Trong điều kiện, ngân sách chúng ta vẫn đang phải tập trung nhiều cho không quân - hải quân thì ta khó có đủ điều kiện đặt hàng nước ngoài nâng cấp hàng trăm chiếc T-54/55 cùng một lúc. Chính vì vậy, một trong những giải pháp khả thi là sử dụng nền tảng CNQP trong nước để "tự lực cánh sinh" nâng cấp xe tăng, sửa chữa, trang bị mới....
Mới đây, theo báo Quân đội Nhân dân, cán bộ, nhân viên kỹ thuật Kho KT887 (Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật) đã tập trung nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công thiết bị cảnh báo bảo vệ an toàn cho xe tăng.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế thử các thiết bị cảnh báo bảo vệ an toàn sử dụng cho động cơ và thiết bị điện trên xe tăng T-54 và T-55, các cán bộ kỹ thuật đã tính toán lý thuyết, lựa chọn phương án, giải pháp thiết kế tối ưu; sử dụng các phương tiện đo kiểm hiện đại để đánh giá các thông số kỹ thuật, xác định chỉ tiêu kỹ thuật của thiết bị.
Sau đó, các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, xác định vị trí lắp đặt, thiết kế, chế tạo giá để cố định thiết bị trên xe tăng. Sản phẩm mới bảo đảm chức năng cảnh báo về nhiệt độ dầu, nước; áp lực dầu bôi trơn tăng, giảm quá giới hạn cho phép; máy phát điện không làm việc; áp lực dầu nhờn không bảo đảm trước khi khởi động động cơ; chưa ngắt nguồn khi lái xe rời khỏi xe...
Về chức năng bảo vệ an toàn, thiết bị cho phép khống chế thời gian, số lần khởi động; dừng cấp điện cho động cơ khởi động khi động cơ đã làm việc và khi bình điện phóng quá 50% dung lượng; dừng cấp điện cho các thiết bị tiêu thụ điện trước khi khởi động động cơ. Qua thời gian thử nghiệm thiết bị trên thực tế, kết quả thu được đều đạt các yêu cầu chất lượng, thông số kỹ thuật đề ra. Thiết bị hoạt động ổn định, thao tác dễ dàng. Hội đồng Khoa học-Công nghệ Cục Kỹ thuật binh chủng đã nghiệm thu, đánh giá cao tính khoa học của đề tài, cho phép ứng dụng thiết bị, góp phần đáp ứng nhu cầu thực tế công tác bảo đảm kỹ thuật ngành tăng-thiết giáp.
Bên cạnh đó, các cơ quan kỹ thuật Binh chủng TTG đã tự nghiên cứu thành công giáp phản ứng nổ và hệ thống điều khiển hỏa lực cho xe tăng T-54/55. Theo đó, cách đây không lâu, các cán bộ kỹ thuật thuộc Viện Thuốc phóng, thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công một loại giáp phản ứng nổ (ERA). ERA do Việt Nam chế tạo gồm ba phần: Phần tử nổ, thân hộp giáp và cơ cấu gá, trong đó, phần tử nổ là bộ phận chính có chức năng cản xuyên, được thiết kế lượng nổ kẹp giữa hai tấm thép.
Giáp phản ứng nổ tăng khả năng bảo vệ xe tăng T-54/55 trước các loại vũ khí chống tăng thông thường có chiều sâu xuyên thép 450mm. Tuy nhiên, giáp ERA này mới chỉ có thể chống được các loại tên lửa chống tăng (ATGM) thế hệ đầu như AT-3, tương lai chúng ta cần phải cải tiến nhiều hơn nữa để chống ATGM thế hệ ba.
Ngoài ra, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự (TĐHKTQS) thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) quân sự, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt thử nghiệm hệ thống điều khiển hỏa lực lên xe tăng T-54/55.
Hệ thống điều khiển lực (fire-control system - FCS) là tập hợp các thành phần làm việc cùng nhau, thường là máy tính dữ liệu pháo, máy ngắm và radar (có thể có trên xe tăng) được thiết kế để hỗ trợ hệ thống vũ khí tấn công mục tiêu. Với FCS, xe tăng sẽ có khả năng tính toán phần dữ liệu bắn, ngắm bắn nhanh hơn, chính xác hơn.
Trên các xe tăng T-54/55 mà Việt Nam sử dụng do Liên Xô sản xuất từ những năm 1950-1960 nên thường chỉ có kính ngắm ngày/đêm cho trưởng xe, pháo thủ để ngắm bắn. Chính vì vậy, việc trang bị FCS sẽ tăng đáng kể khả năng tác chiến của tăng trên chiến trường hiện đại.
Với giáp ERA, hệ thống FCS cùng các thiết bị cảm biến mới được trang bị, sức chiến đấu của xe tăng T-54/55 tiếp tục được đảm bảo, tạm phù hợp với chiến tranh hiện đại.
Hi vọng rằng, trong vài năm tới chúng ta sẽ nâng cấp được hệ thống pháo 100mm D-10T2C trên các xe tăng T-54/55 hoặc là nghiên cứu được các loại đạn pháo có sức xuyên tốt hơn để đối phó với xe tăng hiện đại.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cải tiến động cơ, hệ thống truyền động của xe tăng T-54/55 nhằm tăng khả năng cơ động, khả năng việt dã.
Theo Kiến Thức
Những cỗ xe tăng trường tồn qua 6 thập kỷ của Liên Xô Ra đời hơn 60 năm trước, những cỗ xe tăng T-54 và T55 đơn giản, dễ bảo dưỡng và nâng cấp vẫn hứa hẹn là những chiến xa lợi hại trong nhiều thập kỷ tới. Gần đây, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và quân nổi dậy tại Trung Đông thường sử dụng xe tăng T-55 thu được từ quân...