Sơn La: Trồng tới hơn 1.300ha chanh leo, bán cho ai?
Chanh leo là một trong những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ những của tỉnh Sơn La, cho năng suất cao, đang đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhờ đó, diện tích chanh leo ngày càng mở rộng, hình thành liên kết sản xuất theo nhóm hộ, mô hình hợp tác xã (HTX).
Thế nhưng thời gian gần đây, giá chanh leo lên xuống thất thường khiến bà con bất an.
Bỏ ngô, lúa trồng chanh leo
Tại Sơn La, cây chanh leo tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu…, với tổng diện tích trên 1.300ha, sản lượng ước khoảng 20.000 tấn. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng cả trong và ngoài tỉnh, ngoài bán tại một số siêu thị ở các thành phố lớn còn xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Trung Quốc…
Những người nông dân trồng chanh leo đang lo lắng bởi giá bán lên xuống thất thường. Ảnh: V.Đ
Anh Lờ Lao Vàng ở bản Lao Khô (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) chia sẻ: Thấy cây chanh leo trồng cho hiệu quả kinh tế, cách đây khoảng 3 năm, gia đình anh đã chuyển một phần đất ngô, lúa sang trồng chanh leo. Từ ngày trồng chanh leo, thu nhập của gia đình cao hơn vì bán được giá. Không chỉ riêng gia đình anh mà rất nhiều bà con dân bản cũng chuyển sang trồng chanh leo, nhiều gia đình đã có của ăn của để và thoát nghèo.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây giá chanh leo cũng khá bấp bênh, lên xuống liên tục, lúc được mùa thì mất giá nên chúng tôi cũng rất lo lắng. Trong khi đó, vào mùa thu hoạch, chúng tôi cũng chủ yếu bán qua thương lái chứ trong khu vực chưa có công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất hay thu mua” – anh Vàng nói.
Video đang HOT
Cũng trồng chanh leo, nhưng ông Tráng A Cao ở bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) trồng với quy mô lớn và đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp A Cao để liên kết với 10 thành viên khác, cùng trồng chanh leo với diện tích hơn 10ha.
Ông Tráng A Cao cho biết: Ban đầu, gia đình ông trồng chanh leo rất được giá, thấy vậy nhiều hộ cũng hăng hái trồng. Thế nhưng thời gian gần đây, giá chanh lên xuống thất thường nên các thành viên trong HTX cũng khá lo lắng. Bình thường HTX ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, nhưng do giá công ty thu mua thường thấp hơn giá thương lái trả nên một số thành viên đã phá hợp đồng, bán cho thương lái để được giá cao hơn. Đây là cách làm ăn thiếu bền vững, nhưng để vận động bà con xã viên thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng cũng cần có thời gian…
Cũng theo ông Cao, đầu năm nay giá chanh leo đạt trên 30.000 đồng/kg, nhưng bây giờ giá đã giảm còn 7.000 – 10.000 đồng/kg. Trong khi giá chanh leo phải từ 12.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, anh Lò Văn Tiện – Giám đốc HTX Thành Đạt (bản Lạn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn) chia sẻ: HTX được thành lập năm 2016, đến nay có 65 hộ thành viên, tổng diện tích chanh leo trên 60ha. Từ khi trồng chanh leo đến nay, đời sống của bà con khá lên nhanh vì chanh leo cho thu nhập cao hơn trồng ngô, mía. Nếu chăm sóc tốt, 1ha chanh leo có thể cho thu nhập gấp 4 lần cây mía. Thế nhưng gần đây, giá chanh leo lên xuống thất thường, phụ thuộc nhiều vào lái buôn, thậm chí giá thay đổi từng ngày nên bà con rất lo chuyện “dội chợ”, giá lao dốc.
“HTX đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, được công ty hỗ trợ từ cây giống, sản xuất đến tiêu thụ. Thế nhưng do lái buôn thường thu mua với giá cao hơn công ty từ 3.000 – 4.000 đồng/kg nên một số hộ dân đã tự ý phá hợp đồng để bán chanh cho các thương lái” – ông Tiện nói.
Nỗ lực liên kết tiêu thụ
Ông Nguyễn Minh Thái – Giám đốc HTX chanh leo Mộc Châu (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu) cho hay: So với các loại cây trồng khác thì chanh leo là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi ha chanh leo có thể cho thu nhập đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá chanh leo lên xuống thất thường đang là một trong những bài toán khó cho người trồng chanh leo, nếu không có sự liên kết trong sản xuất, nguy cơ nông dân bị thua lỗ là điều dễ xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Gia Định – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng lên gần 1.400ha. Qua theo dõi cho thấy cây chanh leo rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Sơn La, cây sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình 1ha chanh leo đạt 10 – 15 tấn quả.
Trong quá trình phát triển đã có một số đơn vị liên kết trồng chanh leo, tiêu biểu như Công ty CP Nafoods Tây Bắc, HTX chanh leo Mộc Châu… Giá bán chanh leo đầu vụ đạt 30.000 – 35.000 đồng/kg, nhưng có lúc chỉ còn 10.000 – 12.000 đồng/kg.
Theo Danviet
Sơn La: Tiêu hủy 7 tấn bao gói thuốc trừ sâu, rầy, nấm mốc...
Để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe cho người dân ở các hợp tác xã, trang trại trồng trọt, ngày 31.10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã tổ chức vận chuyển 1 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng xuống Hà Nội tiêu hủy.
Việc quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng và cộng đồng trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, góp phần hoàn thành tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sáng nay (31.10), tại Kho vật tư nông nghiệp huyện Mai Sơn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệt thực vật tỉnh Sơn La đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện Mai Sơn tổ chức bốc xếp hơn 1 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV xuống tiêu hủy ở Hà Nội
Từ tháng 8.2018 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND T.P Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mộc Châu, Yên Châu thu gom được 7 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vận chuyển xuống tiêu hủy ở Hà Nội.
Việc thu gom vỏ thuốc BVTV góp phần bảo vệ môt trường xanh sạch đẹp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con các xã vùng cao về bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn.
Trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Công nghệ Tài nguyên môi trường Hà Nội nhận tiêu hủy vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở Sơn La
Để khuyến khích việc thực hiện công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, các địa phương sẽ có hỗ trợ công tác thu gom gồm kinh phí vận chuyển, mua bao, dây, công thu gom (nguồn ngân sách các huyện, thành phố tự cân đối) và thí điểm Chương trình "Đổi vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lấy thực phẩm".
Chương trình "Đổi vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng lấy thực phẩm" (Quy đổi 2kg vỏ bao thuốc BVTV lấy tương đương các phần thực phẩm đường, mì chính, dầu ăn có giá trị tương đương 15.000-20.000 đồng). Đến nay, đã tổ chức thực hiện tại xã Hát Lót (Mai Sơn), xã Chiềng Hặc (Yên Châu). Theo đó, lượng bao gói thu gom đạt 1.600 kg, kinh phí quy đổi là 30 triệu đồng.
Tại một số huyện và thành phố đã thực hiện hỗ trợ kinh phí vận chuyển, mua bao bì, vật tư đóng gói và công thu gom từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, như: Tại huyện Thuận Châu hỗ trợ công thu gom với mức 4.000 đồng/kg, thu gom đạt 793 kg vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, kinh phí hỗ trợ 38 triệu đồng; huyện Mộc Châu hỗ trợ với mức 5.000 đồng/kg, thu gom đạt 2.500 kg vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, kinh phí hỗ trợ 49 triệu đồng.
Theo Danviet
Yên Bái diệt trừ sâu bệnh trên gần 2.000 ha lúa Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, hiện trên địa bàn đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên lúa; trong đó, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, khô vằn. Nhằm giảm tối đa mức thiệt hại do sâu bệnh gây ra, người dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực...