Sơn La nói gì về việc vận động cán bộ đóng tiền xây tượng đài trăm tỷ?
Mới đây, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch vận động tất cả cán bộ trên địa bàn tỉnh đóng góp một số ngày lương để xây dựng Tượng đài Bác Hồ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về nội dung này.
Thực hiện kế hoạch của Ban Vận động, ủng hộ thực hiện các dự án Khu vực quảng trường tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La) theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 1/3/2018 của UBND tỉnh Sơn La, về việc xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc”, Ban Vận động đã phát động toàn bộ cán bộ công chức, viên chức trên toàn tỉnh Sơn La ủng hộ ít nhất mỗi năm 1 ngày lương (thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019).
Khu Trung tâm hành chính, quảng trường, Tượng đài Bác Hồ đang triển khai xây dựng tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La).
Ngay khi được phát động, kế hoạch “hô hào” cán bộ ủng hộ tiền đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
“Là người công tác ở vùng sâu, vùng xa, rất ít khi có cơ hội được lên thành phố ngắm tượng đài mà vẫn phải cắt lương để ủng hộ; chưa được hỏi ý kiến đã phải chịu ép buộc” – một ý kiến gửi về báo Dân trí.
Dừng vận động, trả lại tiền cho cán bộ đã ủng hộ
Theo những người thợ đang thi công tại dự án này, khu vực đồi nhân tạo (trong ảnh) dự kiến sẽ là nơi đặt Tượng đài Bác Hồ.
Ngày 9/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Cảnh – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La – cho biết: Kế hoạch trên của tỉnh Sơn La vận động cán bộ công chức, viên chức ủng hộ tiền chủ yếu là để trồng cây xanh trong khuôn viên quảng trường, chứ không phải để xây dựng Tượng đài Bác Hồ (?).
Lời giải thích của ông Cảnh không khớp với nội dung các văn bản của Tỉnh ủy cũng như của UBND tỉnh Sơn La: “…ủng hộ xây dựng tượng đài”.
Cụ thể, tại công văn số 3414-CV/TU hồi tháng 6/2018 của Tỉnh ủy Sơn La có nêu rõ: “Thực hiện đúng chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc không tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng tượng đài (đối với các đơn vị đã đóng góp ủng hộ, cần có hình thức hoàn trả hợp lý)”.
Tương tự, tại công văn số 2467/UBND-KT ngày 23/7/2018 của UBND tỉnh Sơn La cũng có nội dung “Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị không thực hiện vận động cán bộ công chức, viên chức tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng tượng đài và thực hiện hoàn trả lại kinh phí theo hướng dẫn của Sở Tài chính…”.
Video đang HOT
Ao cá Bác Hồ đang được tỉnh Sơn La cải tạo, nâng cấp.
Về lý do tỉnh Sơn La dừng kế hoạch vận động nói trên, ông Cảnh giải thích: “Một mặt tránh dư luận xấu và tỉnh cũng đã tính toán lại thì thấy số tiền vận động từ cán bộ công chức, viên chức không nhiều nên đã dừng lại. Đối với những đơn vị, cá nhân nào đã ủng hộ tỉnh sẽ thoái trả lại theo đúng quy định”.
Cũng theo ông Cảnh, hiện toàn tỉnh Sơn La có khoảng 30.000 cán bộ công chức, viên chức. Theo kế hoạch trên, mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương, tương ứng số tiền là 200.000 đồng, với 30.000 người thì mỗi năm được khoảng 6 tỷ đồng, 2 năm được khoảng 12 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền để trồng cây xanh ở dự án trên khoảng 20 tỷ đồng.
“Hiện nay, số tiền cán bộ công chức, viên chức ủng hộ mới được khoảng 60 triệu đồng, chúng tôi sẽ hoàn trả lại số tiền này theo đúng quy định. Đồng thời, tỉnh cũng kết thúc giai đoạn một của việc vận động các doanh nghiệp bên ngoài ủng hộ dự án trên để tổng hợp lại và bàn bạc phương án cho giai đoạn tiếp theo. Còn vấn đề cây xanh chúng tôi đang huy động các tỉnh bạn ủng hộ” – ông Cảnh nói thêm.
Trồng cây xanh ở dự án này đang được tỉnh Sơn La huy động các tỉnh bạn ủng hộ.
Về câu hỏi xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc” tại dự án trên có kinh phí bao nhiêu tiền, ông Cảnh thông tin: Toàn bộ công trình này gồm tượng Bác, bức phù điêu, bệ,… dự toán khoảng 110 tỷ đồng. Tỉnh Lào Cai tài trợ 20 tấn đồng 9999 và đã đưa xuống Nam Định để đúc tượng Bác theo mẫu đã được Trung ương duyệt. Bức phù điêu được làm bằng đá có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa. Kinh phí xây dựng Tượng đài Bác Hồ và bức phù điêu do nguồn ngân sách của tỉnh Sơn La.
Công nhân, máy móc đang thi công các hạng mục của dự án.
Diện tích lớn của sân quảng trường đã được lát đá xong.
Trước đó, hồi tháng 8/2015, dư luận xôn xao về việc tỉnh Sơn La chuẩn bị xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc” với kinh phí 1.400 tỷ. Tuy nhiên, Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – khẳng định, thông tin đó là không chính xác. Theo ông Minh, tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
Ông Minh cho biết thêm, tổng số tiền 1.400 tỷ trong đề án nhắc tới bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với tổng diện tích dự kiến khoảng 20ha, bao gồm: quảng trường (san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước, đường giao thông…), tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ (dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa) và bảo tàng, cây xanh,…
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Ồ ạt đổ bộ, nhãn Sông Mã chính thức "đánh chiếm" thị trường Thủ đô
Sáng ngày 3.8, "Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018" đã chính thức được khai mạc tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội, kéo dài từ 3.8 đến 9.8. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La 2018.
Cây nhãn đã bén rễ với đồng đất Sơn La từ 10 năm nay và nhanh chóng trở thành một trong những nông sản chủ lực của địa phương. Nhất là từ khi được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu, nhãn Sông Mã đã thực sự tạo được thế mạnh và vị trí riêng trong "bản đồ" nông sản sạch Việt Nam.
Với mục đích đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp tạo "sân chơi" riêng cho nhãn và các sản phẩm đặc sản khác của Sơn La. Đây không chỉ là cơ hội để các đơn vị sản xuất, các HTX kết nối tiêu thụ mà còn là dịp để người dân Thủ đô có cơ hội trải nghiệm, dùng thử những loại đặc sản này.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) tham quan các gian hàng nông sản tại Hội chợ.
Đến từ rất sớm và đã thử kha khá nhãn ở các HTX khác nhau, ông Nguyễn Đình Thìn ở Yên Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) quyết định mua 5kg nhãn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Toàn Thắng, ông đánh giá: "Nhãn này cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt sắc và đặc biệt là quả to nên ăn rất đã".
Ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Toàn Thắng cho hay: "Hiện HTX chúng tôi có 35ha nhãn VietGAP với 18 thành viên, mùa vụ năm nay chúng tôi dự kiến thu về 300 - 350 tấn. Giá hiện tại là 35.000 đồng/kg nhưng thời gian tới khi giá chín rộ thì dự kiến sẽ chỉ còn 15.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chính là Sơn La, Hà Nội, TP. HCM, chúng tôi cũng đang đàm phán để hợp tác với Công ty Cánh Đồng Vàng nhằm mở rộng thị trường sang nước ngoài".
Nhãn Sông Mã được trồng theo quy trình VietGAP nên tuyệt đối an toàn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.
Với kinh nghiệp trồng nhãn từ năm 2008, hiện gia đình anh Nguyễn Văn Hải, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhãn chín muộn sở hữu 25ha nhãn. Toàn bộ diện tích này được anh Hải triển khai theo quy trình VietGAP, mỗi vụ anh Hải thu khoảng 200 tấn. Chỉ tính riêng thu nhập từ nhãn, mỗi năm anh Hải thu lãi 500 triệu đồng.
"Giống nhãn chín muộn chỉ chín sau nhãn chính vụ 15 ngày nhưng ưu điểm là có thể lưu trên cây 1 tháng nữa nên hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn so với nhãn chính vụ. Bên cạnh đó, do trồng theo quy trình VietGAP nên sản phẩm của HTX chúng tôi luôn đảm bảo đầu ra tốt, không lo vấn đề tiêu thụ" - anh Hải cho biết.
Sau khi thử nhãn, ông Nguyễn Đình Thìn quyết định mua 5kg về cho cả nhà thưởng thức.
Dù mang lại nhiều ưu điểm nhưng không phải hộ dân nào ở Mai Sơn cũng kiên trì theo đuổi VietGAP, ông Nguyễn Văn Phòng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nhãn chín muộn cho hay: "Trước đây HTX chúng tôi có 25 hộ thành viên nhưng hiện chỉ có 12 hộ kiên trì theo quy trình VietGAP. Các hộ khác đều không mặn mà bởi việc tuân thủ quy trình nghiêm ngặt khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội tiêu thụ hoặc giá bán không cao hơn, trong khi chi phí đầu tư, công chăm sóc lại nhiều hơn".
Ngoài nhãn, các HTX còn mang đến Lễ hội nhiều nông sản chủ lực khác như: bơ, chuối, xoài, chanh...
Cũng theo ông Phòng, VietGAP không mang lại giá trị trước mắt, không thể chỉ đánh đổi bằng một vài mùa vụ mà phải kiên trì theo đường dài. "Nếu xác định theo cây nhãn lâu dài thì phải làm VietGAP, có như vậy sản phẩm của mình mới có cơ hội vươn xa hơn" - ông Phòng lý giải.
Ưu điểm của nhãn Sông Mã là vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt sắc.
Ông Vi Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cam kết: "Chúng tôi luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Chúng tôi mang tới Tuần lễ này không chỉ nhãn mà còn rất nhiều nông sản là thế mạnh của tỉnh, qua đó phần nào khẳng định những thế mạnh mà Sơn La đang có, giúp người tiêu dùng định vị được các thương hiệu nổi tiếng ở địa phương".
Lễ hội nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La sẽ kéo dài từ 3.8-9.8 tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt.
Tham dự và phát biểu tại buổi khai mạc, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: "Theo hướng dẫn của các ngành chức năng, Sơn La đã được cấp 6 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn với việc tuân thủ sản xuất theo quy trình nhất định, đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm".
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng khẳng định, sự kiện đang góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu nông sản Sơn La nói chung, cũng như tôn vinh nông dân sản xuất cây ăn quả nói riêng.
Hiện tổng diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La là 12.257ha (tăng 539ha so với năm 2017), tập trung chính ở: Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu... sản lượng ước đạt 62.000 tấn (tăng 23.000 tấn so với năm 2017). Sơn La hiện đang duy trì 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn với sản lượng trên 15.000 tấn.
Theo Danviet
Tinh vi gian lận điểm thi tại Sơn La Kết quả xác minh bước đầu những sai phạm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La đang cho thấy những biểu hiện tinh vi, thủ đoạn trong sửa chữa bài thi, nâng điểm cho thí sinh, thậm chí làm một cách "có hệ thống", bài bản. Ông Phạm Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - phát biểu tại...