Sơn La: Hàng nghìn người kéo về Lễ hội đua thuyền gây tắc cứng
Hôm nay 25.2, hàng nghìn người dân cùng rất nhiều phương tiện giao thông từ khắp nơi đổ về xem Lễ hội đua thuyền tổ chức tại cầu Pá Uôn (bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) trên sông Đà, khiến con đường dẫn vào khu vực đua thuyền bị ùn tắc, kẹt cứng, tê liệt trong nhiều giờ đồng hồ, kéo dài hàng cây số.
Ngay từ sáng sớm, tại khu vực cầu Pá Uôn, nơi diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Quỳnh Nhai, rất nhiều người dân và du khách thập phương từ khắp nơi đã nườm nượp đổ về tụ hội rất đông, càng làm tăng thêm không khí nhộn nhịp, náo nhiệt của Lễ hội. Đó cũng là lý do khiến giao thông dẫn vào khu này bị tắc nghẽn.
Hàng nghìn người dân kéo về xem Lễ hội đua thuyền huyện Quỳnh Nhai khiến giao thông trên đường dẫn vào khu vực này bị tắc nghẽn kéo dài
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trên con đường đi vào khu vực đua thuyền, nhiều đoàn người cùng nhiều phương tiện xe ô tô, xe máy chen chúc nhau, dịch chuyển từng tí một để ra khỏi đoạn đường bị ách tắc. Vì giao thông bị kẹt cứng nên nhiều người đã xuống xe, tự đi bộ… Do nơi diễn ra Lễ hội đua thuyền chỉ có một tuyến đường độc đạo đi qua nên dòng người từ cầu Pá Uôn đi ra, và người từ ngoài đi vào quá đông đã khiến giao thông bị tắc nghẽn kéo dài. Lực lượng công an phải vất vả nhiều giờ đồng hồ có mặt tại những điểm bị ách tắc để kiểm soát tình hình và phân luồng giao thông.
Giao thông bị tê liệt khiến nhiều người cùng phương tiện phải dịch chuyển từng chút một để ra khỏi khu vực bị ách tắc.
Được biết, hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng, huyện Quỳnh Nhai lại tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Đà . Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Năm nay Lễ hội đua thuyền huyện Quỳnh Nhai được tổ chức trong 2 ngày (25 – 26.2).
Nhiều người phải dịch chuyển hàng giờ đồng hồ mới ra khỏi khu vực bị ách tắc
Video đang HOT
Lực lượng công an phải làm việc rất vất vả để phân luồng giao thông
Theo Danviet
Lần đầu tiên ủ thành công nước mắm cực ngon từ cá lòng hồ sông Đà
Thấy việc đánh bắt cá mương của bà con trên vùng lòng hồ sông Đà (Sơn La) bị lãng phí do lượng cá nhiều, giá bán lại rẻ vì chưa có doanh nghiệp nào thu mua, anh Tòng Văn Hải (bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai) đã nảy ra ý tưởng lấy cá sông chế biến nước mắm. Không ngờ thử nghiệm bước đầu cho kết quả tốt, mở ra hướng tiêu thụ cá cho bà con trên địa bàn.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Tuy không phải là người am hiểu về kỹ thuật chế biến nước mắm nhưng hàng ngày, thấy lượng cá mương do bà con đánh bắt được trên vùng lòng hồ nhiều, giá bán lại quá rẻ, chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, có thời điểm giá chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg, anh Hải đã tìm hiểu và được biết hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua loại cá nhỏ này cho người dân. Cá đánh bắt được chủ yếu phơi khô làm thức ăn dần hoặc phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Cơ sở chế biến nước mắm của anh Hải.
Thấy vậy, anh Hải đã nảy ra ý tưởng thử nghiệm làm nước mắm từ loại cá nước ngọt này. Anh cho biết: Năm 2013, anh đã cùng vợ về Thái Bình và Quảng Bình để học hỏi công thức làm mắm tại một số cơ sở sản xuất chế biến nước mắm. Tuy nhiên ở những vùng này người dân chỉ làm mắm từ cá biển, chưa có ai làm từ cá nước ngọt nên vợ chồng anh cứ đắn đo vì sợ cá sông không làm được nước mắm.
Anh Hải cho hay, hiện nay ở huyện Quỳnh Nhai chưa có cơ sở sản xuất nước mắm nào. Để có nước mắm sử dụng, người dân phải mua sản phẩm từ các tỉnh thành khác trong nước chuyển về. Trong khi đó, huyện có nguồn cá dồi dào nên anh Hải nhận thấy, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất nước mắm từ cá mương là hướng đi khả quan.
Bể ướp cá nước ngọt chế biến nước mắm được xây dựng khép kín, đảm bảo an toàn.
Năm 2014, vợ chồng anh Hải quyết định đầu tư xây dựng nhà kho và hệ thống bể ướp cá theo cách làm của người dân vùng biển. Anh tiến hành gom cá của bà con với một số lượng nhất định về sơ chế, làm sạch cá, sau đó cho cá vào các bể ướp, làm theo đúng kỹ thuật mà anh đã tiếp thu được sau những lần đi thực tế.
Lúc đầu, anh Hải làm 4 chum cá ướp có dung tích khoảng 400 lít. Sau 6 - 7 tháng, anh thu được mẻ nước mắm đầu tiên. Qua thử nghiệm, nước mắm làm bằng cá nước ngọt có mùi thơm, ngọt, đậm vị không thua kém gì nước mắm cá khác trên thị trường, thậm chí chất lượng nước mắm còn có phần đậm đặc hơn vì được làm hoàn toàn thủ công.
Vợ chồng anh Hải dành nhiều thời gian, tiền của cho sản phẩm nước mắm từ cá lòng hồ sông Đà ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Quốc Định
Chất lượng thơm ngon không kém mắm cá biển
Anh Hải cho biết, mẻ nước mắm đầu tiên anh đã gửi xuống Viện Công nghệ sinh học an toàn thực phẩm Quốc gia, Viện Dinh dưỡng Quốc gia để thử nghiệm và được đánh giá là sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Với kết quả bước đầu có thể thấy rằng, cá nước ngọt trên lòng hồ sông Đà ở Sơn La có thể sản xuất chế biến được nước mắm, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước mắm khác trên thị trường.
Mẻ nước mắm đầu tiên tuy không có lãi nhưng những thông tin phản hồi của người dân trên địa bàn sử dụng nước mắm mà anh Hải làm ra, đánh giá chất lượng theo hướng tích cực đã giúp anh tự tin tiếp tục sản xuất, đồng thời đúc rút kinh nghiệm trong quy trình ủ mắm.
Nước mắm chưng cất trong bể của anh Hải chất lượng không kém các sản phẩm nước mắm bán trên thị trường.
Hiện nay, anh Hải đang làm mẻ thứ 2 với 4 bể mắm đã ủ được gần 1 tháng. Đây là mẻ cá được làm theo phương pháp hoàn toàn mới, rút ngắn thời gian ủ cá, giảm thiểu được sự hao hụt tỷ lệ đạm trong quá trình chế biến.
Trao đổi thêm về quy trình sản xuất nước mắm, anh Hải cho biết: Sản xuất nước mắm theo phương pháp lên men truyền thống đã tạo ra những sản phẩm cốt mắm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, phương pháp lên men truyền thống có đặc điểm là thời gian ủ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, cũng có thể lâu hơn, nên mất nhiều thời gian, không chủ động được công nghệ do phụ thuộc vào thời tiết.
Nước mắm sau khi chưng cất được đựng vào chum sành, bảo quản nơi khô thoáng sạch sẽ. Ảnh: Q.Đ
Từ kết quả bước đầu chế biến nước mắm bằng cá mương sông Đà của anh Hải đang mở ra cơ hội mới cho nghề khai thác đánh bắt cá của người dân, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong huyện, đồng thời tạo ra sản phẩm nước mắm đặc trưng từ cá nước ngọt trên lòng hồ sông Đà.
Khu vực chế biến nước mắm của gia đình anh Hải. Ảnh: Q.Đ
Theo Danviet
Du khách đổ về đảo Cát Bà, phà Hải Phòng kẹt cứng Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) thông xe, du khách đổ về đảo Cát Bà nghỉ lễ dẫn đến cảnh ùn tắc. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, muốn đến đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), du khách phải đi qua hai tuyến phà Đình Vũ - Ninh Tiệp và Bến Gót - Cái Viềng. Ngày 2/9, khi cầu vượt...