Sơn La công bố cụm công trình 1.400 tỷ
Tỉnh uỷ Sơn La vừa thông qua Đề cương dự án cụm công trình 1.400 tỷ gắn với tượng đài Bác Hồ.
Theo như Đề cương này thì đây là công trình thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với tình cảm to lớn mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào Tây Bắc.
Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La – Tây Bắc.
Toàn bộ khu trung tâm hành chính này sẽ được di dời để phục vụ cho việc thi công công trình Tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề.
Công trình còn là ‘địa chỉ đỏ’ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Theo đó, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường được xây dựng tại phường: Tô Hiệu, Chiềng Cơi và Quyết Thắng, Thành phố Sơn La.
Đây là vị trí thuộc trung tâm thành phố, gần các trục đường giao thông huyết mạch.
Cũng theo Đề cương được Tỉnh uỷ Sơn La thông báo thì cụm công trình này bao gồm các dự án sau:
Thứ nhất là dự án Quảng trường (diện tích khoảng 3 ha): đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị- văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của nhân dân, nhất là nhân dân thành phố Sơn La.
Video đang HOT
Thứ 2 là nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài (diện tích khoảng 0,27 ha). Trong đó tượng đài Bác Hồ có quy mô nhóm A2, được xác định tùy theo tác phẩm nghệ thuật qua các bước thi tuyển và phải thỏa mãn sự phù hợp với không gian quảng trường.
Chất liệu tượng đài được sử dụng bằng chất liệu phù hợp với nghệ thuật tạo hình, có tính bền vững dài lâu dưới tác động của thiên nhiên. Chân dung Bác Hồ được thể hiện vào thời gian năm 1959, là thời gian Bác về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La (hiện nay đang trình phương án mẫu phác thảo tượng đài bước 1 xin ý kiến Hội đồng nghệ thuật).
Thứ 3 là dự án Đền thờ Bác Hồ đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,32 ha là nơi dâng hương, được quy hoạch ở bên trái của tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”.
Thứ 4 là Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 0,29 ha) là nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ 5 là dự án Bảo tàng tổng hợp (đặt trong khuôn viên, diện tích khoảng 1 ha), trong đó có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu giữ, trưng bày các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Sơn La.
Ngoài ra, còn có các hạng mục khác: Đường giao thông nội bộ trong khu vực Quảng trường; Đồi cảnh quan (diện tích 2,1 ha): Phía sau Tượng đài và đền thờ Bác Hồ; Vườn hoa hai bên sân Quảng trường (tổng diện tích 2,24 ha) tạo không gian cảnh quan; Khu ao cá Bác Hồ – vườn hoa ban (diện tích 2,24 ha), khu vực ao là di tích quan trọng gắn liền với lịch sử Nhà ngục Sơn La, nơi các chiến sỹ cách mạng bị tù đày. Tôn tạo khu vực này vừa bảo vệ, lưu giữ di tích lịch sử, vừa tạo cảnh quan cho khuôn viên sinh hoạt chung trong tổng thể khu quảng trường.
Về phương án đảm bảo nguồn vốn và hình thức đầu tư, đề cương cho biết, theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là bước thông qua đề án với khái toán dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục.
Trong đó khái toán mức đầu tư cho nội dung xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc khoảng 200 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư theo quy định.
Việc bố trí vốn triển khai đề án đảm bảo huy động phát huy có hiệu quả tổng thể các nguồn lực trong quá trình phát triển của tỉnh.
Hoàng Sang
Theo VNN
Vụ xây tượng đài 1.400 tỷ: "Nếu còn sống Bác Hồ không bao giờ đồng tình"
Xung quanh việc Sơn La trích ra 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Cuông, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, việc làm trên Bác không bao giờ chấp nhận...
1.400 tỷ không phải chỉ để xây tượng đài
Trao đổi với phóng viên Infonet sáng 4/8, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La khẳng định có việc Hội đồng Nhân dân tỉnh này mới đây đã thông qua chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La.
Tuy nhiên, ông này cho biết, việc này đã được Bộ Chính trị cho chủ trương và nhất trí cho Sơn La xây dựng công trình trên.
"Số tiền để xây dựng tượng đài 1.400 tỷ đồng như một thông tin đưa là chưa chính xác. Việc xây dựng đang ở bước lập dự án cho nên số tiền này có thể thấp hơn hoặc cao hơn", đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La khẳng định với phóng viên Infonet.
Cũng theo vị cán bộ này, diện tích dự kiến dùng để xây dựng rộng khoảng 14,5ha, gồm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và khu hành chính mới.
"Số tiền dùng để xây dựng tượng đài Bác Hồ hết bao nhiêu bây giờ còn chưa rõ vì tỉnh đang lập dự án", vị này khẳng định.
Tượng đài Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh minh họa
Bác không bao giờ chấp nhận xây tượng đài
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Infonet, ông Lê Văn Cuông, nguyên Nguyên Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, thu không đủ chi như hiện nay, đặc biệt, lại ở một tỉnh nghèo như Sơn La, còn nhiều cầu, cống, công trình dân sinh còn hết sức khó khăn... việc xây dựng công trình tượng đài tốn kém như vậy là không nên.
Theo ông Cuông, việc xây dựng chỉ phù hợp khi nào kinh tế phát triển, nguồn thu ngân sách dồi dào.
"Bây giờ làm tượng Bác hoành tráng như thế giải quyết vấn đề gì? Hơn nữa, sinh thời Bác từng nói việc gì dù nhỏ nhưng có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Học Bác thì phải làm vậy. Tôi nghĩ Bác còn sống, Bác không bao giờ đồng tình cho việc làm này. Nếu có tình cảm đích thực với Bác thì học Bác, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ thì hãy cố gắng mà làm", ông Cuông nói.
Theo ông Cuông, bây giờ với số tiền đó cần xem xét nơi nào điều kiện đi lại, học hành, ăn ở của các cháu còn khó khăn thì tập trung cải tạo thì người dân mới ghi nhận trách nhiệm của người lãnh đạo trong thời kỳ học tập gương Bác.
"Học tư tưởng Bác Hồ thì phải đầu tư cho sản xuất, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân làm phúc lợi phục vụ trực tiếp cho người dân. Tấm lòng của Bác là phải bằng trái tim mình ra sức phục vụ nhân dân, sát dân để phục vụ dân mới thiết thực còn việc xây tượng đài là không cần thiết", ông Cuông nói.
Đề cập đến việc Sơn La định dùng số tiền trên để xây dựng tượng Bác và khu hành chính mới, ông Cuông cho rằng, việc làm này cũng không phù hợp.
Theo ông Cuông, bây giờ nhà cửa, công sở còn tốt thì việc xây dựng mới làm gì? Việc quan trọng hiên nay là lãnh đạo phải để đầu óc tập trung phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân tốt hơn chứ cứ có vốn là tìm cách phá dỡ những thứ đang còn tốt còn sử dụng được trong khi người dân rất khổ thì tư tưởng đó "không hay lắm".
"Nếu Bác còn sống, Bác không bao giờ chấp nhận. Nếu vì Bác thì phải khác. Tư tưởng của Bác là phải vì dân, cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, có hại cho dân thì phải hết sức tránh", ông Cuông nhấn mạnh.
Theo Infonet
Dự án tượng đài Bác Hồ: 1.400 tỉ đồng gồm nhiều hạng mục Tại buổi họp báo chiều nay 5.8, UBND tỉnh Sơn La khẳng định số tiền 1.400 tỉ đồng để xây dựng quảng trường, tượng đài Bác Hồ... là con số khái toán của đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, trong đó có nhiều hạng mục chứ không riêng tượng đài Bác Hồ. Bức...