Sớm nhận diện trẻ chậm nói
Bạn tin không? Chỉ biết bắt chước mà không có phản ứng với âm thanh thì rất có thể trẻ bị chậm nói.
Sự phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ là không giống nhau. Tuy vậy, phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm khi bé không có những phản ứng với âm thanh, hoặc không phát ra được những âm đơn giản. Bởi vì, khi đó có thể bé yêu của bạn đã bị chậm nói.
Sự phát triển bình thường trong ngôn ngữ và lời nói của trẻ
Trẻ trước 12 tháng tuổi: Trong giai đoàn này, trẻ bắt đầu phát ra những tiếng bập bẹ, bi bô – đó chính là dấu hiệu của giai đoạn đầu cho sự phát triển lời nói. Trẻ khoảng 9 tháng, bắt đầu xâu chuỗi các âm thanh khác nhau của lời nói để tạo ra những tiếng như “ma ma”, &’ba”… mặc dù trẻ chưa hiểu ý nghĩa của những lời nói này.
Trước 12 tháng tuổi, trẻ thường rất chú ý đến âm thanh, nếu để ý thấy trẻ xem một cách chăm chú mà không có phản ứng gì với các âm thanh thì đó là biểu hiện của sự khiếm thính.
2 – 3 tuổi, khả năng nói của trẻ phát triển mạnh nhất (Ảnh minh họa).
Khi được 12 tháng tuổi, bé tỏ ra rất nhạy trong vấn đề giao tiếp với mọi người, luôn đáp ứng lại khi giao tiếp và bé hiểu bạn rất rõ, nhất là khi bạn nói chậm. Ngoài ra, bé còn phát ra những tiếng lẫn với các biệt ngữ mà có lẽ chỉ có bé mới hiểu. Bé còn đàm thoại lâu hơn, biết sử dụng kết hợp các từ ngữ mà bé biết, các biệt ngữ, nụ cười và cả ngôn ngữ cơ thể.
Lúc 14 -15 tháng tuổi: bé có thể lặp lại những từ mà bé nghe được, nói câu dài khoảng 6 từ. 16 tháng tuổi, vốn từ vựng của bé có thể gia tăng vài từ mới mỗi tuần. Đến 18 tháng có bé đã hát được một vài bài hát ngắn.
Từ 2 – 3 tuổi: Giai đoạn này, khả năng nói của bé phát triển mạnh nhất. Vốn từ của bé tăng nhanh do bé bắt đầu có thể kết hợp hơn 3 từ trong một câu. Sự hiểu ngôn ngữ của bé cũng phát triển theo.
Khi con bạn có những dấu hiệu chậm nói, hãy dành nhiều thời gian để nói chuyện với bé, thậm chí ngay cả trong giai đoạn bé còn được ẵm ngửa.
Dấu hiệu cho thấy bé chậm nói
Video đang HOT
- Từ 12 – 24 tháng tuổi: Lúc 12 tháng tuổi, bé vẫn chưa bập bẹ nói hoặc không có biểu hiện đáp ứng khi bạn gọi tên hoặc trò chuyện với bé. Bé không sử dụng cử chỉ, ví dụ như vẫy tay tạm biệt.
- Lúc 18 tháng tuổi, vốn từ của bé ít hơn 6 từ. Trong lúc này bé thích dùng cử chỉ hơn là phát âm để giao tiếp. Ngoài ra, bé còn gặp vấn đề trong việc bắt chước âm thanh.
- Hơn 2 tuổi: Bé chỉ bắt chước lời nói hoặc hành động mà không tạo ra từ, hay cụm từ tương ứng đồng thời.
- Chỉ nhắc đi nhắc lại vài từ mà không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp theo đúng sự phát triển bình thường.
- Không thể nghe theo những lời điều khiển đơn giản.
- Có tông giọng không bình thường.
Các nguyên nhân khiến trẻ chậm nói
Nguyên nhân chính của các rối loạn về ngôn ngữ là do bé có bệnh lý về hệ thống nghe, vì thế bị rối loạn ngôn ngữ. Cũng có thể là do trẻ có vấn đề ở khả năng vận động miệng dẫn đến gặp khó khăn trong việc sử dụng lưỡi, răng và hàm để tạo âm thanh.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ nên:
- Dành nhiều thời gian để nói chuyện với bé, thậm chí ngay cả trong giai đoạn bé còn được ẵm ngửa. Bạn có thể hát, nói hoặc khuyến khích con bắt trước theo những âm thanh hoặc cử chỉ của mình.
- Đọc sách, đặc biệt là đọc truyện cho con nghe ngay từ lúc con được 6 tháng tuổi và không cần phải đọc hết toàn bộ cuốn sách. Hãy chọn những cuốn chuyện tranh to, có nhiều hình ảnh sặc sỡ, điều đó sẽ cuốn hút trẻ nhìn vào sách. Để cho trẻ làm quen được với nhiều từ ngữ. Khi con lớn hơn, bạn có thể khuyến khích bé chỉ ra những bức tranh mà bé có thể nhớ và cố gắng gọi tên chúng. Con bạn thậm chí có thể nhớ dần những cuốn truyện mà nó yêu thích, mặc dù vẫn chưa biết chữ.
- Sử dụng các tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ phát triển khả năng nói, chẳng hạn như cho trẻ tập gọi tên các đồ dùng hay vật dụng, các món ăn, các loại thực phẩm… trong nhà. Hãy đặt những câu hỏi đơn giản và khuyến khích con trả lời (ngay cả khi trẻ chưa hiểu được mấy). Chẳng hạn như chỉ vào quả bóng hỏi: Đố con cái này là cái gì?…
- Có thể mua những cuốn sách dành cho trẻ tập nói. Sách này có rất nhiều hình ảnh về các con vật, phương tiện giao thông, các vật dụng trong nhà,… để cho trẻ có thể làm quen và gọi tên được nó.
Dù con ở độ tuổi nào thì việc nhận biết và điều trị kịp thời là cách tốt nhất sự chậm nói của trẻ. Khi thấy con có những biểu hiện trên, kết hợp với một số phương pháp kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ hoặc tham khảo một số ý kiến của các nhân viên y tế.
Theo SKDS
Trẻ chậm nói do "xa" cha mẹ
Thiếu sự giao tiếp với cha mẹ, dành phần lớn thời gian xem truyền hình, băng đĩa, nhiều trẻ gặp vấn đề trong sự phát triển ngôn ngữ.
Đến hơn 2 tuổi, bé N.T.M.V, con của chị T.T.H (32 tuổi, ngụ quận 10 - TPHCM) vẫn chỉ thi thoảng gọi "ba", "mẹ" trong khi nhiều em bé cùng tuổi trong xóm đã bắt đầu líu lo những câu ngắn, gọi tên thứ này thứ khác. Chị băn khoăn: "Công việc buôn bán bận rộn nên tôi đã "lo xa" bằng cách cho cháu xem tivi để mở mang hiểu biết, còn mướn đĩa hoạt hình, thế giới động vật...
Cháu thường rất ngoan, ngồi một chỗ và xem một cách thích thú trong khi chúng tôi có thể làm các công việc khác. Nhưng không hiểu sao nghe người ta nói trên tivi suốt ngày mà con tôi không học theo được?".
Chú ý các mốc phát triển ngôn ngữ
Đưa con đi khám, chị mới vỡ lẽ chính việc ít được tiếp xúc, truyện trò với cha mẹ mà chỉ ngồi cả ngày trước tivi đã khiến bé V. chậm nói.
Có khá nhiều trường hợp tương tự được điều trị tại các đơn vị tâm lý - tâm thần nhi của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Tâm thần... Bác sĩ (BS) Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, phân tích: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn tiền ngôn ngữ bắt đầu từ khi mới sinh, biểu hiện qua tiếng khóc, tiếng kêu, nụ cười, âm của nụ cười.
Yếu tố tinh thần và cảm xúc giữa bé với cha mẹ giúp trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ
Giai đoạn đầu của ngôn ngữ (10-24 tháng tuổi), trẻ nói được một số từ, bắt đầu làm câu. Giai đoạn 2-3 tuổi, trẻ có vốn từ gần 1.000, sử dụng được một số cấu trúc câu. Ngôn ngữ của trẻ sẽ được lấp đầy năm 6 tuổi, khi đó trẻ đã sẵn sàng bước vào lớp 1 để học đọc, viết...
Tương tự các mặt hoạt động tâm thần khác, quá trình phát triển ngôn ngữ dần được hoàn thiện qua tác động của nhiều yếu tố giải phẫu học, sinh lý học, di truyền học, thần kinh, văn hóa xã hội, yếu tố tinh thần và cảm xúc giữa bé với cha mẹ.
Nếu các yếu tố này thiếu hoặc không bình thường, sự phát triển tâm lý - tâm thần của trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó, về mặt ngôn ngữ, trẻ có thể kém phát triển hơn các trẻ đồng trang lứa, thậm chí là bị "thụt lùi" ở một số giai đoạn. Trong lĩnh vực tâm thần nhi, đây gọi là chứng "chậm phát triển ngôn ngữ", mà dân gian hay gọi là "chậm nói".
Dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi với con
BS Trụ cho biết: "Yếu tố môi trường văn hóa - xã hội đặc biệt quan trọng, nếu tương tác ở môi trường này thấp hoặc không có tương tác (trẻ thiếu sự chăm sóc, gần gũi, trò chuyện của cha mẹ), ngôn ngữ của trẻ sẽ bị nghèo nàn và đương nhiên quá trình phát triển ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, về mặt tinh thần, cảm xúc, những đứa trẻ không được đối xử tốt, bị bạo hành sẽ có khuynh hướng thụt lùi trong duy trì, bày tỏ cảm xúc với cha mẹ, người thân, từ đó bị thụt lùi trong phát triển ngôn ngữ".
BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, lưu ý: Ngoài trường hợp chậm nói do thiếu sự kích thích nêu trên, trẻ cũng có thể chậm nói do chậm phát triển tâm thần hay bệnh tự kỷ. Khi phát hiện trẻ có sự phát triển ngôn ngữ chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi, cha mẹ nên sớm đưa con đến các đơn vị chuyên môn tâm lý - tâm thần để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị sớm.
BS Thanh khuyến cáo: Cha mẹ không nên để trẻ ngồi xem tivi, băng đĩa quá nhiều, đối với trẻ dưới 2 tuổi thậm chí không nên xem tivi. Truyền hình là môi trường náo nhiệt nhưng không đối thoại, có thể khiến trẻ thích thú nhưng không giúp cho sự giao tiếp thực sự. Để hỗ trợ quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng con, chơi cùng con, tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp với môi trường bên ngoài.
Chú ý những biểu hiện không bình thường Theo BS Phạm Ngọc Thanh, nên lưu ý khi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ không bình thường, ngưng đột ngột hay thoái lui. Những biểu hiện của hiện tượng này là: Bé không phản ứng với tiếng động và không bập bẹ, tìm cách giao tiếp với người lớn khi dưới 6 tháng tuổi chưa thể gọi "ba, mẹ" hay phản ứng khi được gọi tên lúc 12 tháng vốn từ quá ít và chưa phối hợp được 2 từ trở lên thành câu nhỏ lúc 2 tuổi khi 3-4 tuổi, ngôn ngữ vẫn khó hiểu, không đặt câu, không dùng số nhiều, sử dụng ít động từ và không sử dụng mạo từ, giới từ, tính từ, vẫn dùng ngôn ngữ khó hiểu, làm câu ngắn và sai văn phạm, gặp khó khăn khi kể lại những câu chuyện đơn giản... "Hiện nay, khoảng 50% trẻ em được đưa đến điều trị tâm lý tại khoa là do chậm nói" - bà cho biết.
Theo Anh Thư (Người lao động)
Làm gì khi bé khóc đêm? Suốt những tuần nay những người sống gần nhà chị Vân ở tầng ba, chung cư Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM, gần như thức trắng đêm. Cứ tầm 12 giờ khuya, bé Nấm, con gái chị, vừa chào đời hơn tháng, lại khóc ngằn ngặt. Mặc mẹ mướt mồ hôi dỗ dành, bồng bế, bé gào khóc khản cả tiếng,...