Sớm di dời Trường Tiểu học Hòa Bắc và 8 hộ dân lân cận
Trong đợt mưa lũ cuối tháng 11 và trung tuần tháng 12-2018 vừa qua, Trường Tiểu học Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ngập sâu trong nước hơn 1m, nước và bùn non phủ kín trường. Các thầy cô giáo đã phải mất nhiều ngày dọn dẹp, lau chùi các phòng học và trang thiết bị mới có thể cho các em học sinh trở lại giảng dạy, học tập ổn định.
Thầy Nguyễn Thọ- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã có báo tình hình cụ thể gửi UBND xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hòa Vang, hai năm gần đây, trường rơi vào tình trạng nằm trong điểm thấp trũng nhất địa bàn, nguy cơ ngập lụt luôn đe dọa gây ảnh hưởng việc dạy và học của nhà trường…
Tường rào trường Tiểu học Hòa Bắc bị đổ sập trong đợt mưa lũ vừa qua.
Thầy Nguyễn Thọ thông tin thêm, trường được xây dựng từ năm 2004, với cơ sở khá khang trang gồm 10 phòng làm việc, 8 phòng học, 1 bếp ăn bán trú, phòng ăn, ngủ cho học sinh, phòng máy vi tính… trên diện tích 3.214m2, đảm bảo cho hơn 300 em học sinh học tập. Hơn 10 năm qua, trường chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngập lụt, tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, khi dự án khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc được triển khai, đã đổ đất san lấp nền cao hơn mặt bằng của trường 1,2m. Phía cổng trường, tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn- Túy Loan) cao hơn 6m so với sân trường, hai bên trường là các hộ dân cũng cao hơn nền trường trên 1m.
Nằm ở vị trí trũng thấp như vậy, mỗi khi có mưa lớn, trường biến thành một cái “ao” nước từ bốn phía đổ vào, đặc biệt từ trên núi, băng qua đường cống trên đường Hồ Chí Minh, đường ĐT601 xối thẳng vào cổng, sân trường. Xung quanh không hề có đường thoát nước nào, trường ngập sâu hơn 1m nước… Trong đợt mưa lũ năm 2017, trường đã có gần 30m tường rào bị đổ, hệ thống nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước ngập úng, tắc ngẽn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2018 này, đã có gần 20m tường rào bị đổ, mưa lớn lại xảy ra vào ban đêm, nhà trường đã phải khẩn cấp huy động các thầy cô giáo, nhân dân quanh khu vực di dời phòng máy vi tính lên tầng 2. Bên cạnh đó, trường đã bỏ ra hơn 15 triệu đồng thuê máy xúc khơi thông đường cống thoát nước, dọn dẹp vệ sinh, gần cả tuần mới ổn định được việc dạy và học.
Video đang HOT
Ngay sau trường Tiểu học Hòa Bắc, dự án khu tái định cư trung tâm Hòa Bắc đổ đất san nền chặn đường thoát nước gây ngập úng mỗi khi có mưa.
Theo thầy Thọ, vị trí hiện nay của trường không thể đảm bảo an toàn cho hoạt động dạy và học của các thầy cô giáo, các em học sinh nữa. Do ảnh hưởng tình trạng ngập úng kéo dài, cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng thấm nước, rò rỉ gây hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học xảy ra khắp toàn trường. Trường Tiểu học Hòa Bắc trong những năm qua đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo công nhận là trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, là trường đạt chuẩn trường học xanh. Nhưng với tình trạng như hiện nay, trường không còn phù hợp với yêu cầu của Thông tư 17/2018 của Bộ Giáo dục- Đào tạo, rất cần thiết phải di dời trường đến địa điểm mới để xây dựng lại trường mới.
Cũng nằm trong tình trạng như Trường Tiểu học Hòa Bắc, hiện có 8 hộ dân tại khu vực lân cận trường cũng rơi vào tình trạng ngập úng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua. Người dân đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị cho di dời khẩn cấp hoặc phải có biện pháp khắc phục tình trạng ngập úng để ổn định đời sống.
Lân cận trường tiểu học Hòa Bắc, 8 hộ dân cũng rơi vào tình trạng ngập úng, do ảnh hưởng các dự án.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hòa Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, ngay từ đầu mùa mưa lũ, UBND xã đã kiểm tra và đã đề nghị UBND H. Hòa Vang xem xét thực trạng ngập úng của Trường Tiểu học Hòa Bắc và các hộ dân lân cận trong vùng trũng thấp, do ảnh hưởng các dự án như đã nói trên. UBND TP Đà Nẵng cũng đã có phương án sẽ di dời trường Tiểu học và các hộ dân. Tuy nhiên đến nay mới triển khai kiểm tra, kiểm đếm nhà cửa, vật liệu, kiến trúc… còn kế hoạch di dời đến bao giờ sẽ tiến hành vẫn chưa rõ.
Các thầy cô giáo, các em học sinh, các hộ dân đã phải chịu cảnh ngập lụt trong mùa mưa lũ vừa qua ở Hòa Bắc đề nghị chính quyền và ngành chức năng ở Hòa Vang, TP Đà Nẵng sớm cho triển khai dự án nhằm ổn định việc dạy và học, ổn định đời sống cho người dân.
Hồng Thanh
Theo CAND
Vụ hơn 10 năm xây nhà trên đất của người khác: Do sai sót của cán bộ địa chính
Từ phản ánh của bạn đọc, những ngày đầu tháng 12-2018, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận thông tin: tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phát hiện trường hợp có hộ gia đình hơn 10 năm làm nhà trên đất của người khác mà không hề hay biết. Chuyện thật như đùa này xuất phát từ sai sót của cán bộ địa phương, khiến cả chủ đất lẫn người đang có nhà trên đất gặp không ít rắc rối.
Ngôi nhà cấp 4 diện tích 120m2 của gia đình anh Nguyễn Ninh được xây dựng trên đất của ông Lê Văn Xuân đã được cấp GCNQSDĐ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2007, bà Nguyễn Thị Mực (1937, trú thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến) được Nhà nước bán cho lô đất theo diện hỗ trợ gia đình chính sách tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến. Lô đất này thuộc thửa 318, tờ bản đồ số 20, diện tích 144m2 thuộc đất ở lâu dài tại nông thôn. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), bà Mực đã chuyển nhượng theo hợp đồng tặng, cho vợ chồng ông Lê Văn Xuân (1965) và bà Trần Thị Hường (1967), cùng trú P. Hòa Thuận Tây (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Cùng thời điểm này, hộ ông Nguyễn Ninh (1970) và Đinh Thị Thu Hiền (1974) trú xã Hòa Tiến cũng được Nhà nước giao đất để làm nhà ở theo diện có thu tiền sử dụng đất. Sau khi được cán bộ địa chính xã Hòa Tiến lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Phú chỉ vị trí đất, vợ chồng anh Ninh tiến hành xây dựng ngôi nhà cấp 4 có diện tích 120m2 để ở. Do điều kiện hoàn cảnh kinh tế, vợ chồng anh Ninh chưa làm giấy GCNQSDĐ cho diện tích đất được Nhà nước cấp để làm nhà. Tuy nhiên, hằng năm anh đều đóng thuế đầy đủ và sử dụng ổn định cho đến ngày phát hiện có sự nhầm lẫn.
GCNQSDĐ thửa số 318, tờ bản đồ số 20, diện tích 144m2 thuộc quyền sở hữu hộ ông Lê Văn Xuân.
Cụ thể, tháng 11-2018, vợ chồng ông Lê Văn Xuân quyết định bán thửa đất tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến. Quá trình mua bán, gia đình ông nhận tiền đặt cọc của khách mua 100 triệu đồng. Khi dẫn người mua đến vị trí đất, ông phát hiện đất của gia đình mình đang giữ GCNQSDĐ đã được gia đình anh Nguyễn Ninh làm nhà cách đây 11 năm. Quá ngạc nhiên, anh Xuân làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã Hòa Tiến đề nghị xác định lại ranh giới đất ở tại thửa 318, tờ bản đồ số 20, diện tích 144m2, được UBND H. Hòa Vang cấp GCNQSDĐ năm 2007. Kết quả, tại buổi làm việc chiều 14-11 ở UBND xã Hòa Tiến, qua ý kiến từ các bên liên quan, bước đầu xác định, lỗi này thuộc về ông Nguyễn Đình Phú, nguyên cán bộ địa chính xã Hòa Tiến đã chỉ nhầm vị trí cho gia đình anh Ninh làm nhà trên phần đất của ông Xuân đã được cấp GCNQSDĐ. Từ thực tế này, các bên liên quan thương lượng và đi đến thống nhất một số nội dung: ông Xuân sẽ chuyển nhượng lại lô đất thửa 318, tờ bản đồ số 20, diện tích 144m2 cho anh Ninh với số tiền 600 triệu đồng; anh Ninh phải giao đủ tiền cho ông Xuân khi ra công chứng; địa phương sẽ tạo điều kiện làm tờ trình gửi cấp trên xem xét cấp đất cho gia đình anh Ninh trong thời gian sớm nhất; thời gian thực hiện giao dịch giữa ông Xuân và anh Ninh kể từ ngày lập biên bản đến 30-11-2018.
Theo gia đình ông Lê Văn Xuân, quá trình làm việc, ông Nguyễn Đình Phú thừa nhận sai sót, mong ông Xuân xem xét, tạo điều kiện để tìm hướng tháo gỡ. Tiền thuế liên quan đến đất của hộ ông Xuân, ông Phú sẽ chịu trách nhiệm chi trả và mong gia đình cho gặp người mua đất để thương lượng lại tiền đặt cọc, tìm ra hướng giải quyết tiếp theo. Những tưởng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm thấm, nào ngờ đúng hẹn (ngày 30-11), gia đình ông Xuân đến UBND xã Hòa Tiến để giải quyết vụ việc thì không có mặt của ông Nguyễn Đình Phú, người liên quan trực tiếp trong vụ việc này. Gia đình ông Xuân rất bức xúc cho biết, thời hạn giải quyết vụ việc theo thỏa thuận đã hết, sẽ làm đơn khiếu nại đến cấp có thẩm quyền để xử lý.
Qua vụ việc này nhận thấy, cái sai xuất phát từ nguyên cán bộ địa chính xã Hòa Tiến Nguyễn Đình Phú trong công việc được giao. Thêm nữa, quá trình gia đình anh Ninh xây nhà, lẽ ra chính quyền địa phương phải kiểm tra giấy phép xây dựng, từ đó sớm phát hiện ra việc xây nhầm nhà trên đất người khác, tránh rắc rối cho người dân trong quá trình quản lý, sử dụng đất.
NGUYÊN THẢO
Theo Công an
Học nghề trồng hoa, nông dân bỏ túi mỗi năm hơn trăm triệu Nhiều hộ nông dân đã cải thiện cuộc sống, thu nhập đạt từ 80-100 triệu đồng/năm từ khi học nghề trồng hoa do Hội Nông dân tổ chức. "Bỏ túi" trên 100 triệu đồng/năm Đang tất bật chăm sóc những chậu hoa cúc cho vụ hoa Tết, ông Lý Phước Dạng (ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)...